Nội chiến vì tung chuyện nhà lên Facebook
Đến cơ quan, anh Hải thấy mấy đồng nghiệp nháy mắt: "Đêm qua lại không chiều bà xã được à?". Biết ngay có chuyện, anh mở Facebook thì thấy vợ đưa bức ảnh mình đang há hốc mồm nằm ngủ, đầu tóc rối bù, kèm lời chú: "Có chồng cũng như không".Chẳng biết giải thích thế nào với đồng nghiệp, anh Hải (Đội Cấn, Hà Nội) cười trừ nhưng trong lòng sôi sùng sục.
Đây không phải lần đầu tiên anh bị vợ "bêu xấu". Vợ anh rất tích cực cập nhật trạng thái trên Facebook, và hầu như tất cả đều xoay quanh chuyện vợ chồng, từ hai người đi đâu, ăn gì, mua gì mới, cãi nhau việc gì...
Chị có tính hay ghen, và mỗi lần nghi ngờ chồng điều gì là lại lên Facebook than thở, trách chồng. Chưa hết, chị còn hay đưa các bức hình "mặt trái" của anh lên trang mạng như khi chồng mặc quần đùi xem TV, nằm ngủ ngáy, say rượu lăn trên nền... để "đứa khác nhìn vào khỏi có tà ý". Không những đưa lên trang cá nhân của mình, chị còn viết lên tường Facebook của chồng, vì thế tất cả bạn bè, đồng nghiệp, người quen của anh đều biết.
Trước đây, anh Hải chỉ thỉnh thoảng mới vào trang mạng xã hội này, nhưng sau đó, thỉnh thoảng lại thấy cậu bạn gọi điện hỏi thăm tình cảm vợ chồng, khi thì mấy chị đồng nghiệp chỉ chỏ, nháy mắt đầy ẩn ý... anh đoán ngay mọi người vừa biết được tin gì từ Facebook nên hay vào kiểm tra hơn.
"Đọc những lời bình phẩm trên đó lại càng điên ruột. Mình có đến nỗi nào đâu, yêu vợ, thương con, hết giờ là về nhà, vậy mà người khác đọc cứ tưởng mình tệ lắm. Cuộc sống của mình đảo lộn hết cả", anh Hải chia sẻ.
Sau khi góp ý với vợ không ăn thua, anh đã chặn Facebook của bà xã thì chị đùng đùng giận dỗi. "Giận thì giận, cái giun xéo mãi cũng quằn, ban đầu mình cho là chuyện nhỏ đã cố nhịn, nhưng một khi chạm tới tự ái thằng đàn ông thì chưa biết chuyện gì sẽ đến", anh bức xúc.
Ảnh minh họa: Footage.shutterstock.com.
Đang làm việc, anh Thông (Ba Đình, Hà Nội) bàng hoàng khi nhận được cuộc gọi từ cô em gái: "Anh hèn thế, để cho vợ lên mạng chửi mẹ, chê chồng, rồi còn công khai kể lể nhớ nhung thằng khác".
Chưa kịp hiểu chuyện gì, anh tiếp tục nhận được đường link Facebook của vợ từ một người bạn. Mặt anh từ nóng bừng đến tái đi khi đọc những dòng bà xã hậm hực viết về chuyện bị mẹ chồng chê vụng, còn chồng thì như "bù nhìn" không biết bảo vệ vợ... Chị còn chia sẻ những câu đầy ẩn ý về một hình bóng nào đó như "ước gì người ấy ở bên", "nhớ lắm những cái ôm thật chặt", "muốn được sà vào lòng ai"...
"Đúng là mẹ mình cũng hơi khó tính và không mấy hợp con dâu nhưng bà cũng chưa bao giờ nói hay làm gì quá đáng. Cô ấy không nói gì với mình mà lại 'vạch áo cho người xem lưng', chẳng coi chồng ra gì...", người đàn ông 32 tuổi thổ lộ.
Cũng từ đây, bắt đầu những mâu thuẫn triền miên giữa hai vợ chồng. Anh chỉ trích chị cư xử kém, chị kết tội anh không yêu, thương vợ, chỉ biết nghe lời mẹ và em chồng... Rồi chị tiếp tục đăng những chia sẻ kể chuyện chán gia đình, nói "cả nhà người" bắt nạt mình, mẹ chồng "thâm hiểm ngầm chia rẽ"... Và mọi việc lên đến đỉnh điểm khi một ngày, chị thấy một lá đơn ly hôn nằm ngay trên tường trang Facebook của mình.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý đường dây 1088 TP HCM cho biết, mạng xã hội có sức hấp dẫn rất lớn với mọi người, nhất là với phụ nữ. Trên Facebook, người ta có thể dễ dàng viết mọi điều, chia sẻ với mọi người, và thậm chí nếu không thích có thể xóa đi. Facebook của các bà vợ có thể được coi như một cuốn nhật ký, mà những ông chồng muốn biết tâm tư của bạn đời có thể vào đó cập nhật.
Theo ông, mặt tốt là những chia sẻ của vợ/chồng, người trong gia đình nên xem để theo dõi xem tâm trạng của bạn đời buồn hay vui, để thấu hiểu, chia sẻ. Chẳng hạn, ông xã đang ở chỗ làm thấy vợ thổ lộ tâm trạng không vui, trên đường về có thể rẽ qua mua hộp bánh, bó hoa... tặng vợ và bày tỏ sự lắng nghe, cảm thông. Như vậy người vợ nào cũng thấy chồng tâm lý, cưng chiều.
Facebook có sức lan tỏa rất nhanh và mạnh, một người bạn xem được, bạn của bạn có thể xem được, rồi tiếp nữa. Và một tác dụng phụ là khi đưa những chia sẻ ra trước công chúng sẽ nhận được những phán xét, bình luận, trong đó ngoài những ý kiến tốt, thiện chí còn có những lời châm chọc, ý đồ xấu... Điều này có thể khiến người chồng cảm nhận không đúng ý vợ, ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng...
Khi đem mọi thông tin trong nhà cho mọi người xem có thể làm người đàn ông cảm thấy khó chịu, bực bội. Những tình huống nhạy cảm như liên quan tới mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được chia sẻ với công chúng thì càng đánh vào tâm lý tự ái của người họ.
"Nếu người vợ có chuyện cần tâm sự, thì người đầu tiên nên nói cùng là ai? Nếu có chuyện trong nhà cần giải quyết thì nên thổ lộ với chồng rồi tìm ra cách xử lý tốt nhất, hay đem rêu rao với tất cả mọi người, trong khi người thân thiết, gần gũi nhất với mình chưa hiểu chuyện gì. Nếu chồng bạn có bức xúc gì đó nhưng không nói thẳng với vợ mà đem kể với người khác, bạn sẽ nghĩ gì", nhà tâm lý nêu vấn đề.
Theo ông, khi đem chuyện nhà chia sẻ với người ngoài - những người thậm chí còn không biết rõ quan hệ trong gia đình bạn thế nào, hoặc biết nhưng không có thiện chí, thì bạn thường chỉ nhận về những điều tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của mình. Khi đó cũng chứng tỏ bạn xem cái tôi cá nhân hơn gia đình, không nghĩ về chiều sâu được - mất cho tổ ấm mà chỉ nói để thỏa mãn lòng mình.
Điều quý nhất của gia đình là sự riêng tư, và hãy giữ lại nó cho những người thân yêu nhất, cần phân biệt những gì nên giữ lại và những gì có thể công khai trước nhiều người. "Cũng như trong ví bạn có 5 triệu, nhưng bạn cần biết phải tiêu dùng cho gia đình 4 triệu hay hơn nữa, chỉ có một số nhỏ là có thể dùng cho các mối quan hệ xã hội, như đi uống nước với bạn, ăn cùng đồng nghiệp...", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho rằng, phải biết cân bằng giữa cuộc sống và mối quan hệ xã hội mới có thể đạt được sự hài hòa cho chính mình và không bị mặt trái của công nghệ, truyền thông chi phối cuộc sống gia đình. Theo ông, những điều riêng tư vẫn có thể viết trên Facebook, nhưng hãy để ở chế độ hiển thị chỉ hai người biết.
Vương Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét