Đất đai và các vấn đề chính trị tại châu Á
Bất cứ ở nơi nào tại châu Á thay đổi thành công về kinh tế và công nghiệp thì tranh chấp đất đai luôn là vấn đề chính của các biến động chính trị.Có hai nguyên nhân dẫn tới điều này. Tăng trưởng kinh tế tại khu vực và các nền kinh tế thiếu hụt tài nguyên phụ thuộc chủ yếu vào sự chuyển đổi từ nông nghiệp và các hoạt động kinh tế sử dụng đất đai sang sản xuất và các dịch vụ đô thị sử dụng chủ yếu lao động, vốn, công nghệ và kỹ năng.Các hoạt động công nghiệp đã liên tục xâm lấn đất nông nghiệp và không gian làng xã trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Trong khi về mặt lý thuyết, thị trường nhà đất có thể hỗ trợ việc chuyển đổi đất đai một cách có quy củ từ việc sử dụng cho nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và các hoạt động khác, thì thông thường nhiều nguyên nhân về mặt chính quyền và văn hóa đã làm cho thị trường bất động sản yếu kém trong việc cung cấp đất đai cần thiết cho các công trình phát triển công nghiệp. Các vấn đề liên quan tới sổ đỏ hay quyền sử dụng đất có thể cản trở chủ sở hữu đất hoặc các doanh nghiệp thuê đất không thể đạt được giá trị thực tế của chúng trên thị trường.
Trong các chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền mua bán đất bị giới hạn bởi ít nhất là quyền sở hữu đất đai thuộc nhà nước. Tăng trưởng kinh tế cũng liên quan tới sức tăng trong nhu cầu công cộng như đường xá, nhà cửa, sân bay, bến bãi – tất cả những thứ này đều yêu cầu người dân phải từ bỏ quyền sử dụng đất.
Những chuyển đổi quyền tư hữu ở những quốc gia với hệ thống luật pháp phát triển đủ tố và có nền tảng vững chắc cũng như quá trình xử lý minh bạch nhằm hiện thực hóa chúng đã đủ làm khó cho những người cầm quyền. Đó chính là những vấn đề chính trị cốt yếu nơi các cơ quan như vậy còn chưa phát triển và giới hạn về mặt quyền lực tới từ chính phủ hoặc những người cậy quyền thế làm khó dễ.
Theo báo cáo mới đây của John Garnaut, tại Trung Quốc phần lớn các biến động về chính trị đều có liên quan tới việc thu hồi đất đai. Dữ liệu từ công an cho thấy số lượng kiện cáo đã tăng gấp đôi lên tới hơn 180.000 vụ mỗi năm trong nửa thập kỷ qua. Hơn một nửa trong số này được cho rằng xuất phát từ việc nông dân và người chủ sở hữu đất đòi lại đất của họ.
Một sự biến đổi nguy hiểm hơn nữa là các giới chức trách địa phương có vẻ như thuê các nhóm côn đồ trong việc xách nhiễu chủ sở hữu đất mà họ muốn tịch thu và thực sự điều này rất đáng ghê tởm.
Vào năm 2010, David Kelly chỉ ra rằng, tại Trung Quốc, “mối quan hệ giữa các nhà phát triển và cư dân chính là vấn đề cốt lõi của vấn đề chính trị này. Nhằm làm cân bằng quyền lợi giữa các nhà phát triển và cư dân, tiếng nói của cư dân cần được đặt ngang hàng với tiếng nói của chính các nhà phát triển, có như thế thì sự đàm phán trung thực về giá trị thực của đất đai khi xảy ra trưng dụng đất mới. Tuy nhiên, việc các cư dân khiếu kiện tập thể đã bị cấm nên việc đàm phán không hề có tiếng nói từ phía họ; chính phủ địa phương do đó phải đối mặt với chi phí xã hội và kinh tế trong việc dập tắt các cuộc biểu tình bởi những cư dân không hài lòng này. Và từ đó, việc duy trì ổn định trở thành công cụ cho những quan chức, công ty và nhà thầu vô lương tâm, một công cụ cho các nhà phát triển thực hiện những vụ trưng dụng đất hay di cư như một hành động cướp bóc trắng trợn”.
Kelly cũng cho biết một đội các nhà xã hội học tại đại học Tsinghua cho biết rằng trong năm 2010, ngân sách của Trung Quốc dành cho an ninh trong nước đã lên tới 514 tỉ Nhân dân tệ. Chi phí cho an ninh công cộng đã tăng tới 16% trong năm 2009 và tăng thêm 8.9% năm 2010. Kỳ lạ thay, sự tăng vụt này đã làm cho chi phí an ninh trong nước ngang hàng với chi tiêu quốc phòng.
Đây là một vấn đề chính trị lớn trong việc chuyển đổi kinh tế. Và vấn đề này không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc.
Trong bài báo chủ điểm cách đây vài tuần, David Brown kể lại một câu truyện đáng buồn về việc trưng dụng đất tại một đầm nuôi tôm nhằm xây dựng một sân bay. Ông Brown đã giải thích rằng Hiến pháp Việt Nam cho phép chính phủ Việt Nam quản lý đất đai thay cho toàn thể nhân dân. Và hệ thống này đã hoạt động hiệu quả tốt cho tới thời gian gần đây. “Một gia đình nông dân thông thường có thể hi vọng rằng việc khoán đất sẽ được tái diễn theo như thói quen. Nhưng vấn đề đã nảy sinh khi một ai đó muốn sử dụng mảnh đất đó cho mục đích khác. Nếu một nhà phát triển rất muốn xây một căn biệt thự, một nhà máy hay một sân gôn, các quan chức địa phương sẽ đảm nhiệm việc thuyết phục dân làng chấp nhận một khoản bồi thường chả đáng kể cho mảnh đất của họ”, ông Brown nhận định.
Ông cho biết thêm “khắp Việt Nam, nông dân đang bị dồn vào thế bí. Tòa án tràn ngập đơn kiện và các tờ báo thì đầy các tin biểu tình khiếu kiện đất đai. Trùng hợp thay, luật đất đai và Hiến pháp cùng đang được sửa đổi vào lúc này”. Tuy nhiên, liệu việc này có mang lại những thay đổi đáng kể?
Rõ ràng, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Các quan chức địa phương sẽ không còn một khoản thu từ các nhà phát triển nhờ vào việc chèn ép người dân và thu hồi đất của họ. Và đáng buồn thay, có vẻ như những người nông dân đang bị thiệt thế.
Một nửa dân số Việt Nam vẫn đang sống dựa vào đất, và khác với những người sống ở thị trấn hay thành phố, họ đang vẫn còn nghèo và bị bóc lột. “Không còn những địa chủ độc ác và tham lam nhưng thay vào đó chính là tổ chức đã mang tự do tới cho họ – Đảng Cộng sản Việt Nam”; một đảng mà các đảng viên đang đắm chìm trong tham nhũng từ việc phát triển đất đai.
Nếu không cải cách luật đất đai và Hiến pháp, Việt Nam và Trung Quốc đều phải đối mặt với những thử thách chính trị khổng lồ trong việc phát triển cũng như trưng dụng đất, và điều này đang đe dọa làm sụp đổ không chỉ Đảng Cộng sản và còn có thể cả nhà nước hiện hành.
Peter Drysdale, East Asia Forum
Anh Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét