Đường về của Mỹ Xuân sẽ xa hơn
Ngay từ trước khi Mỹ Xuân và Thiên Kim bước chân vào cổng tòa án, bản án với họ đã được tuyên bởi một số người nhân danh báo chí, công luận. Tràn ngập những ngày qua trên các tờ báo mạng, người ta đã không chừa chỗ cho họ quay về. Nhiều tờ báo khai thác đến cạn kiệt những gì xung quanh họ và gia đình, người thân của họ.Nhiều cơ quan truyền thông thản nhiên nhân danh đạo đức để khai thác những điều nằm ngoài vụ án: gia cảnh, nghề nghiệp của cha mẹ và em trai Mỹ Xuân, những đôi co trong nội bộ gia đình, tuổi thơ và những mối quan hệ tình cảm, bạn bè…Thậm chí tấm ảnh chân dung cô ngày đăng quang được người mẹ treo trong ngôi nhà nhỏ của gia đình cũng được chụp tung lên báo. Hình ảnh em trai cô trước mái nhà xập xệ ở quê cũng được khai thác.
Chỉ vài chục phút sau khi cô bước vào cổng tòa án, hình ảnh Mỹ Xuân với dung nhan tiều tụy đã tràn ngập trên mạng. Hình ảnh Thiên Kim, mới sinh con mấy tháng, trên ghế bị cáo cũng tràn ngập trên mạng.
Mỹ Xuân nhận 30 tháng tù, Thiên Kim được hưởng án treo, họ sẽ tự do sau khi thụ hình. Nhưng nhiều năm sau ngày ra tù, những gì báo chí “tuyên” hôm nay sẽ vẫn còn ám ảnh không chỉ họ mà cả gia đình, họ hàng, bạn bè thân thích của họ.
Mạng xã hội đã lập tức phản ứng với kiểu khai thác thông tin đến tận cùng như trên. Hàng trăm status và hàng ngàn comment đã lên tiếng bài bác kiểu đưa tin giật gân của báo chí. Trong số đó có nhiều ý kiến nghiêm khắc và xác đáng khiến những người làm báo phải xấu hổ.
Không ai cổ súy cho việc bán dâm, đó là điều cả pháp luật lẫn đạo đức xã hội lên án. Ở phương diện khác, khi đã là ca sĩ, người mẫu, hoa hậu tức là trở thành người của công chúng, được công chúng tôn vinh, có những quyền lợi mà người bình thường không có được.
Vì thế, họ bị dư luận soi xét, kiểm soát khắt khe cũng là lẽ thường tình. Việc đưa thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của một người nổi tiếng, cũng là chuyện cần thiết và bình thường.
Nhưng hãy suy nghĩ về hai hình ảnh đối lập. Một bên là một cô hoa hậu tuổi còn rất trẻ đối diện với án tù sau những ngày tạm giam, cửa tương lai đã khép, nức nở khóc vì hối lỗi và cả vì tiếc nuối, xin lỗi cha mẹ họ hàng, bạn bè và công chúng vì lỗi lầm của mình.
Còn bên kia là các nhà báo khai thác tận cùng những cử chỉ tại tòa, những chi tiết đời tư của họ, bằng tác nghiệp của mình tuyên một bản án còn nặng nề hơn án tù mà các cô gái phải chịu. Điều đó có nên không? Có cần thiết không? Có làm xã hội tốt đẹp lên hay không?
Giá mà các nhà báo, các cơ quan báo chí tự đặt cho mình một lằn ranh tác nghiệp, không chỉ với phiên tòa cụ thể này.
Chúng ta vẫn nói, vẫn viết về những điều cao đẹp, về việc giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng với những bài báo kiểu như trên, báo chí đã làm cho đường về của họ xa hơn!
(Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét