Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

(2) Chúng ta sẽ thu được gì khi phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam ?


Bài viết cũ của tôi (5/2001):
CHÚNG TA SẼ THU ĐƯỢC GÌ KHI PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM ?
(phá giá mạnh để đổi mới cơ cấu kinh tế và phát triển có hiệu quả)
3) Để thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay, cần áp dụng trở lại những biện pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của giai đoạn 1988-89, bao gồm tự do hoá toàn diện kèm theo phá giá mạnh nội tệ
a) Những nhân tố tăng trưởng vừa qua không đủ sức đảo ngược tình hình bế tắc hiện nay
Trong phần 1, chúng ta đã chỉ ra ba nhân tố tạo ra hiện tượng tăng trưởng kinh tế nhanh năm 2000; đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và chính sách kích cầu, trong đó hai nhân tố sau đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, từ những phân tích biến động của kinh tế thế giới và trong nước 5 tháng đầu năm 2001, đến nay, có thể khẳng định rằng sẽ không thể phát triển nhanh được nữa nếu chỉ dựa vào hai nhân tố xuất khẩu và kích cầu.

- Tăng trưởng xuất khẩu không thể cao nếu không giảm được giá thành: Các báo cáo đều khảng định thị trường xuất khẩu của Việt nam sẽ khó khăn hơn do kinh tế thế giới, nhất là Mỹ và Nhật, đang và sẽ tiếp tục giảm sút mạnh trong khi sức ép cạnh tranh của các nước ASEAN và Đông á đang tăng lên nhanh. Giá dầu mỏ giảm 17% kể từ đầu năm, và có khả năng sẽ tiếp tục giảm. Giá 18 mặt hàng quan trọng nhất của VN đều giảm. Xuất khẩu sang các nước EU, Nhật bản khó khăn vì đồng euro, yên liên tục mất giá so với đồng đô la Mỹ. Trung quốc chuẩn bị gia nhập WTO sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với nước ta. Giá cước vận tại vào Mỹ tăng 20% trong khi Việt nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng FOB...

          Thực tế qua 5 tháng đầu năm 2001, chỉ có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước; đó là gạo, rau quả, dầu thô và than đá, trong đó đa phần là nhờ những đơn đặt hàng đã ký từ năm 2000; số đơn đặt hàng của năm 2001 rất ít ỏi. Giá trị xuất khẩu tất cả các mặt hàng còn lại đều đạt thấp hoặc chỉ bằng hay nhỉnh hơn chút ít so với năm 2000; trong đó nhiều mặt hàng công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử...) và nông nghiệp (cà phê, cao su, chè, hồ tiêu...) giảm mạnh. Lý do chính vẫn là giá thành sản xuất của phần lớn các hàng hoá của ta, kể cả nông sản, đều cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới nên kém sức cạnh tranh. Như vậy, nếu giảm được giá thành, sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu nước ta sẽ tăng lên, và kim ngạch xuất khẩu vẫn có thể tăng mạnh.
          - Chính sách kích cầu từ nay sẽ không còn thuận lợi như trước: Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện chính sách kích cầu, các khả năng để tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tài chính, tiền tệ đều đã lên gần tới giới hạn. Trong năm 2001, có thể nới lỏng thêm chút ít, nhưng cần hết sức thận trọng vì nếu quá đà nguy cơ khủng khoảng sẽ xuất hiện rất nhanh.
          + Đầu tư đã tăng nhanh so với 1999, tỷ lệ đầu tư trên GDP cao, nhưng hiệu quả lại giảm nhanh. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư năm 2000 là 14,6% nhưng đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh chỉ tăng 11,9% (mặc dù đã có Luật Doanh nghiệp), của doanh nghiệp Nhà nước tăng 15,2%, trong khi đầu tư tín dụng Nhà nước tăng tới 29,7% mặc dù đây là loại vốn này có hiệu quả kinh tế rất thấp và thường là mầm mống của các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục giảm sút.
          + Chính sách tài chính, tiền tệ: Tỷ lệ thâm hụt ngân sách các năm 1999, 2000 đã lên tới 5% GDP và kéo dài hơn 2 năm, nhưng chưa có tác dụng lôi cuốn các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển. Như vậy, rõ ràng mục tiêu của chính sách kích cầu đã không đạt được. Nguy hiểm hơn, hiệu quả các các loại đầu tư qua ngân sách rất thấp và có xu hướng giảm nhanh trong khi chính phủ vẫn tiếp tục các cố gắng để đạt mục tiêu chi ngân sách đã được Quốc hội thông qua bất chấp xu hướng giảm hiệu quả. Khối lượng tiền tệ phát hành để chi tiêu và bù đắp cho các khoản nợ mất khả năng thu hồi cũng đang tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng vẫn trong tình trạng rất khó khăn với tổng số nợ xấu lên tới gần 2 tỷ đô la (hoặc gần 4 tỷ USD theo tiêu chuẩn quốc tế); nếu bỏ đi những biện pháp hành chính nhằm làm giảm một cách giả tạo khối lượng nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng lên. Nếu cứ tiếp tục đà này trong bối cảnh nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ giảm mạnh do giá dầu thô giảm đột ngột thì hệ thống ngân hàng nước ta có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do Ngân sách Nhà nước không có tiền để bao cấp.
          - Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế  năm 2000 bằng việc áp dụng Luật Doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá về tư duy chiến lược phát triển và góp phần tạo ra bước phục hồi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngoài Luật Doanh nghiệp, có thể thấy trong năm 2000 không có một thay đổi lớn nào khác về cơ chế quản lý kinh tế. Mặt khác, tác dụng chủ yếu của Luật Doanh nghiệp cũng chỉ ở mức đổi mới tư duy, chưa tạo ra một bước tiến mạnh mẽ về đầu tư và phát triển sản xuất.
          Như vậy, chủ trương kích cầu, khuyến khích xuất khẩu kiểu bao cấp, bù lỗ như hiện nay và những đổi mới cơ chế quản lý kinh tế yếu ớt vừa qua sẽ không đủ sức đảo ngược tình hình bế tắc hiện nay. Đến nay, các thành phần kinh tế và toàn xã hội đều mong chờ những đổi mới mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn trong cơ chế quản lý kinh tế để thực sự tạo ra những cơ hội mới cho người đầu tư. Có như vậy đầu tư mới thực sự có hiệu quả và phát triển, kinh tế mới hoàn toàn trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
          b) Tự do hoá kinh tế toàn diện và phá giá mạnh nội tệ: Hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời kỳ 2001-2005 và một số năm tiếp theo
          Những phân tích ở trên đã cho thấy hai nguyên nhân chính làm sản xuất kém hiệu quả, chỉ dựa vào vốn đầu tư trong khi cơ cấu đầu tư và sản xuất sai lệch theo hướng phục vụ thị trường trong nước, nền kinh tế cạn kiệt sức cạnh tranh... là bộ máy quản lý kinh tế và hành chính tham nhũng, lãng phí và chính sách tỷ giá không hợp lý. Những phân tích ở trên cũng cho phép đi đến nhận định con đường để thoát khỏi tình hình bế tắc hiện nay của nền kinh tế nước ta không thể là kích cầu tràn lan và xuất khẩu kiểu bù lỗ, bao cấp như hiện nay. Theo quan điểm của chúng tôi, chính đổi mới cơ chế quản lý kinh tế mạnh mẽ hơn theo hướng tự do hoá kinh tế toàn diện và phá giá mạnh tỷ giá danh nghĩa như đã làm trong những năm cuối thập kỷ 80 sẽ là hai động lực quan trọng nhất mở đường cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế ở nước ta.
          - Về bộ máy tham nhũng và lãng phí, trong mục II2, chúng đã phân tích tình trạng tham nhũng và lãng phí tràn lan trong bộ máy quản lý kinh tế và hành chính Việt nam so với thế giới. Một trong những hiện tượng chỉ có ở Việt nam là mọi cơ quan, cá nhân cấp trên xuống cấp dưới, nhất là xuống các đơn vị sản xuất kinh doanh, đều được chiêu đãi và biếu tiền. Mọi chi phí này cuối cùng đều phải đổ lên đầu sản phẩm. Đối với trường hợp cây lúa kể trên, giá thành sản xuất là 1100 đồng / kg thóc, nhưng để sản xuất, phải có phân bón, thuốc sâu, xăng dầu, thuỷ lợi, máy cày và các công cụ lao động khác. Các chi phí đầu vào này, dĩ nhiên sẽ rất cao để một mặt tạo ra nguồn thuế nhập khẩu cho Ngân sách Nhà nước và mặt khác, tạo ra thu nhập cho các công ty xuất nhập khẩu để họ tiêu xài, tham nhũng, hối lộ các cơ quan và cá nhân cấp trên, và bù lỗ cho xuất khẩu. Ngoài ra, giá thành lúa còn phải gánh chịu thêm một số khoản đóng góp nghĩa vụ hợp pháp ở địa phương, tương đương với 25% giá thành sản phẩm.
          Nếu giảm được các loại chi phí nêu trên khoảng 300 đồng / kg thóc (điều này sẽ cực kỳ khó khăn vì tương đương với giảm gần 20% giá thành), thì giá bán của nông dân thay vì 1639 đồng, có thể tụt xuống 1339 đồng, cao hơn một chút so với giá thu được sau khi xuất khẩu là 1300 đồng/ kg, nhưng trong đó đã có 264 đồng tiền lãi  tạo thành thu nhập cho người trồng lúa (khoản này tương ứng với 60% của 440 đồng).
          - Về tỷ giá danh nghĩa: Theo tính toán trên, dù có cải cách bộ máy để giảm chi phí đến mức tối đa, thì thu nhập qua xuất khẩu vẫn không đủ tạo ra lợi nhuận cần thiết cho nông dân, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách nhà nước vì mức lãi 264 đồng / kg thóc ở trên là rất thấp.
          Tình trạng bi đát trên không chỉ xảy ra đối với lúa gạo mà cả với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu khác của nền kinh tế. Do vậy, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và công nghiệp không thể giải quyết được vấn đề. Giải pháp đầu tư tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cũng rất kém khả thi vì nhiều sản phẩm của ta đã có năng suất đã khá cao so với thế giới, trong khi đó, muốn nâng cao năng suất, cần rất nhiều thời gian. Giải pháp tăng năng suất trong công nghiệp càng khó khăn hơn vì chênh lệch trình độ công nghệ giữa nước ta và thế giới rất lớn; muốn tăng nhanh năng suất thì phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài rất tốn kém.
          Vì tình trạng thua lỗ mang tính phổ biến với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong khi kinh doanh nhập khẩu liên tục thu được lợi nhuận cao nên chúng tôi đi đến kết luận rằng ở đây có vấn đề tỷ giá đồng Việt nam quá cao so với đồng đô la Mỹ, làm cho giá hàng nhập khẩu khi chuyển đổi sang tiền Việt trở lên quá rẻ, trong khi giá hàng xuất khẩu tính sang đô la lại quá đắt. Kết luận này càng được khảng định nếu chúng ta xem lại các phân tích trong phần I về tiến triển của giá cả và tỷ giá kể từ năm 1989 đến nay. Rõ ràng trong suốt thập kỷ 90, do kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nhanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ quá mạnh, đồng đô la Mỹ lên giá trên toàn thế giới nhưng ở Việt nam, việc điều chỉnh tỷ giá lại diễn ra quá chậm, đặc biệt trong những năm gần đây, khi năng suất lao động trong nước tăng chậm lại và các đồng tiền khu vực Đông á mất giá nghiêm trọng.
          Theo những phân tích trong phần II2), chính tỷ giá bất hợp lý đã dẫn tới không những không động viên xuất khẩu, mà trái lại còn khuyến khích nhập khẩu, kể cả nhập khẩu bất hợp pháp. Cũng do tỷ giá bất hợp lý mà cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư bị lái theo hướng phục vụ thị trường nội địa và tăng bảo hộ, làm cho nền kinh tế nhanh chóng mất đi lợi thế cạnh tranh. Thu nhập thực tế của người làm hàng xuất khẩu, điển hình là nông dân, ngày càng giảm trong khi thu nhập thực tế của dân cư thành thị ngày càng tăng vì giá nông sản và hàng nhập khẩu ngày càng rẻ. Chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, giữa các tầng lớp dân cư trong từng địa bàn đều doãng ra rất nhanh, làm cho mâu thuẫn xã hội có cơ sở ngày càng phát triển mạnh.
          - Căn cứ vào toàn bộ dây truyền lập luận trong các phần trên, chúng tôi đi tiếp đến kết luận sâu hơn là để mở ra một giai đoạn tăng trưởng nhanh và dài hạn cho nền kinh tế nước ta trong điều kiện hiện nay, cần phải áp dụng trở lại các biện pháp đã làm cuối thập kỷ 80, đó là:
          + Tự do hoá kinh tế nhanh và quyết liệt hơn: Luật Doanh nghiệp là một thử nghiệm rất quý. Chỉ cần giảm một chút quyền can thiệp không cần thiết của bộ máy hành chính là không khí kinh doanh trong xã hội đã sôi động rõ rệt. Giờ đây, đã đến lúc phải thực sự tự do hoá nền kinh tế trên một loạt lĩnh vực rộng rãi hơn, đi từ sản xuất kinh doanh thông thường đến các hoạt động xuất nhập khẩu, ngân hàng, tín dụng, lãi suất, tiền lương, đất đai, lao động, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... Tự do hoá sẽ hạn chế được quyền can thiệp trực tiếp của bộ máy quan liêu tham nhũng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế được tình trạng độc quyền tràn lan của khu vực DNNN, mở ra những cơ hội mới để giảm mạnh giá thành, bán được nhiều hàng và phát triển trở lại.
          + Phá giá mạnh đồng tiền Việt nam so với ngoại tệ. Thực vậy, chỉ tự do hoá không thôi thì hiệu quả thu được sẽ rất thấp. Việc thứ hai cực kỳ quan trọng là phá giá tỷ giá mạnh đến mức làm tăng đáng kể lợi nhuận cho khu vực làm hàng xuất khẩu cũng như giảm đáng kể lợi nhuận của người kinh doanh hàng nhập khẩu, để tạo ra đủ độ chấn động cần thiết làm đảo ngược xu thế dịch chuyển cơ cấu kinh tế hiện nay, từ phát triển hướng nội, dựa vào bao cấp và bảo hộ, sang phát triển hướng ngoại, dựa vào lợi nhuận từ kinh doanh xuất khẩu. Theo chúng tôi, do tỷ giá được điều chỉnh quá chậm so với lạm phát nên đến nay đã thoát li khá xa so với đòi hỏi của nền kinh tế, việc tự do hoá kinh tế đi kèm với điều chỉnh tỷ giá nhẹ kiểu mini chắc chắn không đủ độ để đảo ngược xu thế dịch chuyển cơ cấu kinh tế bất hợp lý hiện nay.
          Lý thuyết và kinh nghiệm quá khứ cho thấy tự do hoá kinh tế sẽ mở ra hàng loạt những cơ hội mới để kinh doanh phát triển; nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa đủ vì thị trường trong nước quá chật hẹp trong khi giá thành sản phẩm vẫn cao, hàng hoá trong nước vẫn không thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Do đó, tự do hoá trong bối cảnh đánh giá cao ngoại tệ hiện nay sẽ không thể mở ra một giai đoạn phát triển nhanh và dài hạn cho nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, nếu tự do hoá kinh tế đi kèm với phá giá mạnh tỷ giá danh nghĩa thì sẽ làm cho chi phí sản xuất tính theo ngoại tệ giảm rất mạnh, tạo ra cơ hội tuyệt vời để hàng hoá nước ta xâm nhập vào thị trường thế giới rộng mênh mông; và đây chính là tiềm năng tăng trưởng không giới hạn của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm tới.
          c) Phá giá được thực hiện như thế nào và chúng ta mong đợi gì sau khi phá giá ?
          - Trong mục này, trước tiên cần phải xem xét mức độ phá giá bao nhiêu là vừa ? Vì mục tiêu của chính sách phá giá trong giai đoạn hiện nay là giảm sức mua của đồng tiền nước ta so với các đồng tiền nước ngoài nhằm cân bằng lại hệ thống giá nội địa và giá hàng xuất nhập khẩu, từ đó điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế theo hướng động viên xuất khẩu, phân bổ lại hợp lý hơn thu nhập giữa người làm hàng xuất khẩu và người không làm hàng xuất khẩu, giữa thành thị và nông thôn, nên theo chúng tôi, cần phải phá giá ít nhất là 30%, tốt nhất là 50%. Cơ sở để xác định tỷ giá mới gồm  các tính toán sau đây:
          + Về tỷ giá thực, theo các phân tích trong phần I, tỷ giá thực của ta so với 18 bạn hàng chính đã lên giá khoảng 17% so với năm 1992 (khi đồng tiền nước ta bị đánh giá cao nhất trong giai đoạn đầu cải cách), và khoảng 40-45% so với năm 1989 (khi đồng tiền nước ta bị đánh giá thấp nhất). Nếu so với đồng đô la Mỹ, đồng tiền Việt nam hiện nay bị đánh giá cao khoảng 35% so với năm 1989. Do đó, để trở lại sức cạnh tranh của những năm đầu thập kỷ, cần phá giá tỷ giá danh nghĩa ít nhất 30%, để khi phá giá xảy ra, cơ chế truyền hiệu ứng (tăng giá hàng nhập, tăng dự báo lạm phát và những cuộc phá giá mới) làm cho lạm phát tăng lên khoảng 7-10% thì tỷ giá thực sẽ còn được phá giá ở mức 18-22%, bù lại mức độ lên giá so với năm 1992 đồng thời tăng đáng kể lợi nhuận cho khu vực làm hàng xuất khẩu.
          Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu chỉ phá giá ở mức 30% thì tác dụng của phá giá sẽ không kéo dài quá 3-4 năm vì bản thân tỷ giá thực năm 1992 không phải là tỷ giá cân bằng, bằng chứng là tỷ giá này phải chịu sự kiểm soát rất chặt của Ngân hàng Nhà nước và nó phản ảnh năm mà tại đó đồng tiền nước ta bị đánh giá cao nhất trong giai đoạn đầu cải cách. Ngược lại, tỷ giá thực trung bình của các năm 1989-1991 phản ánh đúng tình trạng thị trường hơn vì đó là giai đoạn tỷ giá danh nghĩa được thả nổi gần như hoàn toàn. Hơn nữa, cũng trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển theo hướng rất tích cực: hướng về xuất khẩu trên cơ sở phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động - lợi thế cạnh tranh số 1 của nước ta. Vì tỷ giá thực hiện nay bị đánh giá cao khoảng 35-40% so với trung bình của ba năm 1989-1991 nên cần phải phá giá danh nghĩa khoảng 50% để tạo ra một tỷ lệ phá giá tỷ giá thực 36% (khi lạm phát tăng khoảng 10%), đủ khôi phục gần như hoàn toàn sức cạnh tranh của nền kinh tế như những năm 1989-1991. Chỉ trong trường hợp này, hiệu quả của chính sách phá giá mới có thể kéo dài trên 5 năm.
          + Đối với xuất khẩu nông sản, cụ thể là gạo: Nếu tỷ giá tăng 30% thì sau khi xuất 1 kg gạo nông dân sẽ thu về 2555 đồng, quy ra thóc là 1920 đồng / 1 kg thóc xuất khẩu. So với giá thành sản xuất và đóng góp nghĩa vụ nông thôn 1375 *10% lạm phát, bằng 1512 đồng / kg thóc, thì nông dân và doanh nghiệp còn có 408 đồng lợi nhuận, tương đương với 27% giá thành sản xuất.
          Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII yêu cầu trong tính toán giá mua nông sản, phải đảm bảo thu nhập của nông dân tương đương với 40% chi phí sản xuất. Trong trường hợp này, chỉ có mức phá giá danh nghĩa tới 50% mới thoả mãn yêu cầu trên.
          Cũng theo cách tính trên áp dụng cho trường hợp cà phê, cao su, hồ tiêu... thì đều đi đến kết quả chung là tỷ lệ phá giá danh nghĩa tốt nhất nên là 50%.
          + Đối với tăng trưởng kinh tế: Theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của nước ta hiện nay khoảng 8%[1], và để đạt tỷ lệ tăng trưởng này, xuất khẩu phải tăng trưởng trung bình khoảng 32%/ năm. Những tính toán trong mục III2) dưới đây cho thấy muốn đạt được những mục tiêu trên, mức phát giá tốt nhất nên là 50%, tối thiểu là 30% (xem chi tiết trong mục III2).
          - Thứ hai, phá giá nên được thực hiện như thế nào ? Theo chúng tôi, việc phá giá được thực hiện làm 1 lần ngay trong năm 2001 theo cách như sau: Nhà nước, thông qua Ngân hàng Trung ương, tuyên bố kể từ một thời điểm nào đó, ví dụ từ 1/7 năm 2001, đồng tiền Việt nam sẽ giảm giá 30% (hay 50%) so với đô la Mỹ, tức là tỷ giá được điều chỉnh từ 14580 đồng VN /1USD lên 18954 đồng /USD (hay 21870 đồng /1USD). Tất cả các chi nhánh của Ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại quốc doanh và các tổ chức kinh doanh ngoại tệ khác của Nhà nước đều thống nhất mua vào, bán ra ngoại tệ trên cơ sở tỷ giá mới này.
          Vì phá giá mạnh là một quyết định chính trị cực kỳ quan trọng của Chính phủ nên có thể thảo luận rộng rãi trong một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chính sách này, nhưng khi thực hiện, chủ trương phá giá phải được giữ bí mật tuyệt đối. Đây là điều kiện tiên quyết để phá giá thắng lợi, vì có như vậy mới hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ và gây bất ổn xã hội. Ngoài ra, phải chuẩn bị một số biện pháp đi kèm áp dụng ngay khi công bố quyết định phá giá cao:
          + Chính phủ phải kiên quyết thực hiện chính sách hạn chế tiêu dùng, chống lãng phí. Phá giá tức là kìm hãm tiêu dùng nội địa, trước hết là tiêu dùng của dân cư thành thị. Khi tiêu dùng nội địa giảm, người sản xuất mới hướng ra thị trường bên ngoài, làm tăng xuất khẩu, trong khi nhập khẩu tăng chậm lại do giá bán tăng và cầu giảm. Chỉ khi chính phủ đủ mạnh và cương quyết áp dụng chính sách kiểm soát tiêu dùng thì mới giữ được giá nội địa không tăng và mục tiêu phá giá mới đạt được. Tuy nhiên, chính sách giảm cầu phải nhằm vào tầng lớp thu nhập cao, và phải được kết hợp với các chính sách xã hội để hỗ trợ những tầng lớp thiệt nhất trong quá trình điều chỉnh hệ thống giá.
          + Chính sách tiền tệ được thực hiện theo nguyên tắc tổng phương tiện thanh toán tăng thêm không tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá sinh ra bởi tăng giá hàng nhập; có như vậy, tiền tệ mới trở thành chiếc neo danh nghĩa thay tỷ giá để giữ lạm phát không bùng lên sau chính sách phá giá. Đặc biệt, chính phủ phải hạn chế chi tiêu công cộng, duy trì nghiêm ngặt tốc độ tăng tiền lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động, lập lại cân bằng tài chính quốc gia và kiểm soát chặt một số loại giá trong khu vực Nhà nước dù rằng đi kèm với những biện pháp trên, có thể phải bổ xung một số loại trợ cấp tạm thời.
          + Chính phủ phải thi hành ngay các biện pháp củng cố lòng tin, trong đó quan trọng nhất là phải ra tuyên bố khảng định sẽ duy trì tỷ giá mới trong một khoảng thời gian tối thiểu 2 năm. Bộ máy tuyên truyền của Chính phủ phải hoạt động mạnh mẽ để giải thích cho người dân rõ phá giá không đồng nghĩa với tăng giá và lạm phát, và phá giá sẽ tạo cơ hội mới để nền kinh tế phát triển nhanh, dài hạn và có hiệu quả hơn. Chỉ có thông qua những biện pháp này mới có thể đảm bảo thái độ bình tĩnh của các doanh nghiệp và dân cư trước quyết định phá giá để tránh bùng nổ đầu cơ và tăng giá dây truyền do tâm lý hoang mang qua mọi khâu của quá trình tái sản xuất xã hội.
          Nhiều nhà kinh tế lớn trên thế giới (Mc Kinnon, J. Stiglitz, R. Dornbuch...) cũng như kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy người dân không lo ngại việc phá giá nếu mức phá giá thấp khoảng 5-10%[2]. Đặc biệt, người dân rất lo ngại tình trạng tỷ giá liên tục gia tăng mà không thấy điểm dừng (như nước ta hiện nay), chứ không lo ngại tình trạng tỷ giá dao động mạnh, nhưng sau một khoảng thời gian lại quay về mức ban đầu. Thực tế ở các nước công nghiệp cho thấy khi đồng tiền mất giá tới 50% (tỷ giá đồng Franc Pháp từ 5FF/ USD lên 7,5FF/USD) nhưng dân chúng vẫn bàng quan vì lạm phát trong nước thấp và họ tin rằng rồi thì tỷ giá sẽ lại quay về mức cân bằng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá 1 lần rồi giữ lâu dài ở mức cân bằng sẽ tạo tâm lý tin tưởng cho người dân.
          + Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu, tuỳ theo quan hệ cung cầu trên thị trường thế giới mà thực hiện một trong hai giải pháp sau: 1) giữ nguyên giá hàng xuất khẩu tính theo ngoại tệ nếu cầu hàng hoá nước ta đang tăng; khi đó lợi nhuận thu được qua xuất khẩu sẽ tăng tỷ lệ với mức phá giá; 2) giảm giá bán hàng ra nước ngoài để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và xuất khẩu với khối lượng lớn hơn; nhưng cần tính toán thận trọng để đảm bảo tổng giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên.
          + Đối với các doanh nghiệp trong nước, vì phá giá cao sẽ làm giảm mạnh sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu đối với sản xuất nội địa nên cùng với phá giá, chính phủ phải có ngay các biện pháp tự do hoá kinh tế để khuyến khích sản xuất trong nước; đặc biệt là sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu.
          - Thứ ba, có thể tin rằng ở nước ta hiện nay, đã hội đủ những điều kiện để phá giá thu được thắng lợi. Về 3 điều kiện kinh tế quan trọng nhất, chúng ta thấy thứ nhất, giá thành sản xuất của nước ta không được chỉ số hoá theo tỷ giá danh nghĩa trong khi tốc độ tăng lương bình quân trong 10 năm vừa qua không cao hơn tốc độ tăng giá. Vấn đề duy nhất cần kiểm soát là ngăn chặn khả năng tham nhũng bùng lên khi phá giá cao. Điều này chúng tôi tin rằng chính phủ làm được vì công tác quản lý tài sản công hiện nay đã khá chặt chẽ và đi vào nề nếp. Thứ hai, chính phủ đã có đủ năng lực kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cho phù hợp với tốc độ phá giá. Điều may mắn là trong thập kỷ 90 tăng trưởng cung tiền tệ ở nước ta không có quan hệ chặt với giá cả nên nếu tổng phương tiện thanh toán có tăng nhanh hơn mức cần thiết thì cũng không gây tác hại lớn đối với ổn định giá cả[3]. Thứ ba, như trong phần III sẽ chỉ ra, phá giá cao ở nước ta sẽ làm cho tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu tăng lên và tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu phải giảm đi theo đúng cơ chế mong đợi của chính sách phá giá.
          Về các điều kiện xã hội trong nước, rõ ràng tình hình hiện nay đã trở lên rất thuận lợi cho việc phá giá vì chính phủ đã khôi phục được lòng tin và uy tín trong công chúng, khác hẳn với bối cảnh những năm 80 khi đất nước liên tục phải chịu đựng những cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ và nhiều vòng xoáy phá giá - lạm phát. Hiện nay, lòng tin của công chúng vào đồng tiền Việt đã lên đến mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới nhờ chính sách ổn định tỷ giá và chính sách lãi suất thực dương hợp lý. Nếu phá giá xảy ra, lòng tin của công chúng vào đồng tiền sẽ giảm sút mạnh, nhưng sẽ sớm được phục hồi nếu như những biện pháp kể trên được đi kèm với phá giá, nhất là cam kết ổn định tỷ giá mới của Chính phủ trong ít nhất 2 năm. Căn cứ vào mặt bằng giá và tỷ giá mới, các doanh nghiệp có thể chuẩn bị những phương án đầu tư dài hạn, thay vì liên tục lo lắng, cảnh giác về khả năng phá giá như hiện nay. Người dân cũng có thể yên tâm chuyển từ tích luỹ ngoại tệ sang nội tệ trong vòng ít nhất cũng hai năm. Tuy nhiên, nếu qua năm thứ nhất, tình hình kinh tế tiến triển tốt, tỷ lệ lạm phát thấp, GDP và xuất khẩu tăng trưởng nhanh, thì ngay trong năm thứ hai, chính phủ có thể tuyên bố kéo dài thời gian ổn định tỷ giá sang năm thứ ba, hoặc đưa ra những biên độ dao động tối đa của tỷ giá để củng cố lòng tin của công chúng...
          Về môi trường quốc tế, rõ ràng đây là thời điểm rất thích hợp để điều chỉnh tỷ giá cao vì điều kiện bên ngoài rất thuận lợi. Thứ nhất, từ đầu năm 1999 đến cuối năm 2000, giá hàng xuất khẩu của chúng ta tăng 0,6% trong khi giá hàng nhập khẩu giảm tới -9,5%[4]. Trong nửa đầu năm 2001, giá nhập khẩu vẫn tiếp tục giảm nhanh; do đó phá giá sẽ có lợi vì giá hàng hoá nhập khẩu tính sang tiền nội địa sẽ tăng giá không nhiều, làm cho giá thành sản xuất nội địa sẽ tăng lên rất ít khi phá giá cao.
Thứ hai, hiện nay dự trữ hàng nhập khẩu của ta đang ở mức rất cao do đã nhập khẩu quá nhiều trong năm 2000 và 5 tháng đầu năm 2001. Vì vậy, nếu xảy ra phá giá cao, sẽ hạn chế được tăng giá nội địa vì những hàng hoá trên đã được nhập theo tỷ giá cũ.
Thứ ba, hàng nhập để tiêu dùng sẽ tăng giá theo đúng tỷ lệ phá giá trong khi hàng nhập để tái sản xuất chỉ làm tăng giá thành sản phẩm ở mức thấp hơn. Ở nước ta, từ năm 1994 đến nay, tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng trong tổng giá trị nhập khẩu liên tục giảm đi và chỉ còn dưới 5% năm 2000; trong đó riêng nhập khẩu hàng tiêu dùng năm 2000 giảm tới 15,2% so với năm 1999. Như vậy, xu hướng giảm rất nhanh tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng hiện nay sẽ cho phép giảm được mức độ tăng của tỷ lệ lạm phát khi thực hiện phá giá cao.
Thứ tư, phá giá ở nước ta sẽ được coi là phá giá tự vệ sau một chuỗi các cuộc phá giá tại các nước trong khu vực Châu á và toàn thế giới, kể cả phá giá ở Nhật bản và Cộng đồng châu âu, do đó sẽ được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, phá giá sẽ được sự ủng hộ của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế nên nước ta sẽ có thể được bổ xung một số khoản viện trợ hỗ trợ cho quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế sau khi phá giá.
Điểm bất lợi lớn nhất về mặt môi trường quốc tế hiện nay là cầu nhập khẩu hàng nước ta đang giảm do suy thoái kinh tế thế giới và cạnh tranh quốc tế tăng lên, do đó rất khó tăng nhanh xuất khẩu cả về khối lượng lẫn giá cả. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đại đa số nông sản hàng hoá và một tỷ lệ quan trọng hàng công nghiệp nước ta hiện nay đã có thể đem ra trao đổi trên thị trường quốc tế được và tìm được người mua, miễn là giá cả được người mua chấp nhận. Vì vậy, khi phá giá mạnh xảy ra, chúng ta có thể giảm thích đáng giá bán hàng xuất khẩu để cạnh tranh được trên thị trường và bán được hàng. Khối lượng xuất khẩu sẽ tăng lên nhanh và phần lãi thu được nhờ tăng khối lượng sẽ đủ bù đắp phần mất do giảm giá bán.
          - Cuối cùng, chúng ta mong đợi những gì sau khi phá giá cao ? Căn cứ vào lý thuyết và kinh nghiệm phá giá trên thế giới, căn cứ vào đặc điểm kinh tế xã hội nước ta hiện nay, có thể dự đoán một số hiện tượng sau đây sẽ diễn ra sau khi thực hiện phá giá cao:
          + Giá trị đồng tiền Việt nam so với ngoại tệ giảm mạnh, nhưng tỷ lệ lạm phát thấp và nội tệ vẫn duy trì được uy tín của nó nhờ chính sách kiên quyết ổn định tỷ giá mới đi kèm chính sách tiền tệ chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương.
          + Hệ thống tiền lương và thuế vẫn giữ nguyên hoặc chỉ thay đổi rất ít khi thực hiện phá giá cao. Do đó, mặc dù nội tệ mất giá so với ngoại tệ, tiền lương về cơ bản vẫn sẽ được duy trì ổn định trong thị trường nội địa (vì tỷ lệ lạm phát dưới 10-15% nên không cần điều chỉnh lương).
          + Những thay đổi lớn nhất sẽ diễn ra trong khu vực kinh tế đối ngoại và tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu sẽ ổn định hoặc giảm xuống, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế do đó sẽ được cải thiện rõ rệt. Nhờ xuất khẩu tăng, nền kinh tế sẽ trở nên sôi động hơn, các ngành kinh tế hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu sẽ phát triển mạnh mẽ.
          + Áp lực xử lý bội chi ngân sách quốc gia sẽ giảm mạnh mà không cần đến các biện pháp tăng thuế, cải tiến bộ máy thu thuế hoặc giảm nhanh các khoản chi tiêu công cộng.
          + Gánh nợ quá khứ của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm đi, lợi nhuận tăng lên, cho phép các DNNN được tự do hơn trong các quyết định vay vốn và đầu tư sản xuất mới.
          + Do giá cả tăng chậm và thu nhập được cơ cấu lại hợp lý hơn nên không cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tiền tệ; nợ công cộng và tiền đang lưu thông sẽ tự động được đánh giá lại theo hướng có lợi cho Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Trung ương.
          + Do tỷ giá tăng, sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào thị trường nước ta, làm cho tốc độ phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động du lịch tăng nhanh.
          Tuy nhiên, cũng theo lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế, quá trình phát triển kinh tế sau khi phá giá mạnh thường diễn ra dưới dạng đường cong J, tức là trong khoảng 6-18 tháng sau khi phá giá, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng GDP... sẽ giảm đi do nền kinh tế phải chịu đựng những chi phí phát sinh trong quá trình điều chỉnh cơ cấu. Tuy nhiên, qua giai đoạn này, nền kinh tế sẽ được phục hồi và tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ với chất lượng phát triển ngày càng cao. Chúng tôi hy vọng tình hình kinh tế nước ta sẽ diễn ra theo đúng lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế, nhưng với khoảng thời gian điều chỉnh cơ cấu ngắn nhất (6 tháng).

III. CHÚNG TA SẼ THU ĐƯỢC GÌ KHI
     PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM ?
          Để giải toả mối quan tâm lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách nước ta là chúng ta sẽ thu được những gì sau khi phá giá mạnh đồng tiền Việt nam, dưới đây, xin mạnh dạn đưa ra một số câu trả lời.
1) Phá giá mạnh không gây ra lạm phát cao như nhiều người lo ngại
          Theo thuyết cơ cấu, tại các nước đang phát triển, lạm phát là một hiện tượng thuộc về cơ cấu kinh tế, thường xuất hiện khi triển khai những chương trình phát triển nhiều tham vọng hay những chương trình kích cầu rộng lớn mà lại thiếu chuẩn bị những điều kiện về cơ sở vật chất và cơ cấu, trong đó ba yếu tố cơ bản dẫn đến lạm phát là độ co dãn của cung thấp, khan hiếm ngoại tệ và thâm hụt ngân sách chính phủ. Trong cơ chế kinh tế thị trường với tỷ giá thả nổi, do khan hiếm ngoại tệ, giá hàng nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo một vòng xoáy lạm phát kiểu chí phí đẩy, hoặc do phá giá tỷ giá danh nghĩa, hoặc do tăng thuế hay mở rộng chế độ kiểm soát nhập khẩu.
          Ở Việt nam, tình hình lạm phát kéo dài từ khi đất nước thống nhất đến năm 1991 đã diễn ra theo đúng lập luận của lý thuyết cơ cấu. Theo những ước lượng kinh tế lượng của chúng tôi, trong giai đoạn này, phá giá 10% sẽ làm cho tỷ lệ lạm phát tăng 3,8%. Tuy nhiên, từ năm 1992, khi chính phủ chuyển từ chế độ tỷ giá thả nổi sang chế độ kiểm soát tương đối chặt và luồng ngoại tệ đổ vào Việt nam ngày càng nhiều thì tình hình diễn ra hoàn toàn khác ; đặc biệt, ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát tụt xuống mức rất thấp. Thực vậy, như đã trình bày ở trên, từ năm 1993, thặng dư cán cân vốn của Việt nam tăng lên rất nhanh, không những đủ bù cho thâm hụt cán cân thương mại, cán cân vãng lai mà còn góp phần làm tăng rất nhanh dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương. Nhờ tác động rất mạnh của thặng dư ngoại tệ mà tỷ lệ lạm phát được giảm nhanh trong thập kỷ 90[5].
          Chính cam kết chính trị ổn định tỷ giá mới trong vòng ít nhất 2 năm và bối cảnh thặng dư ngoại tệ hiện nay sẽ là những nhân tố cơ bản đảm bảo phá giá cao không kéo theo tâm lý đầu cơ ngoại tệ, không làm tăng nhanh tỷ lệ lạm phát dẫn tới đẩy tỷ giá lên cao hơn; tức là phá giá sẽ chỉ có tác động trực tiếp làm giá hàng nhập khẩu tăng, kéo theo tăng tỷ lệ lạm phát, chứ không làm phát sinh các tác động gián tiếp về tâm lý để đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn dự kiến.
          Để xác định ảnh hưởng của phá giá cao tới tăng tỷ lệ lạm phát ở nước ta hiện nay, chúng tôi đi theo hai tiếp cận: Tiếp cận chi phí và tiếp cận kinh tế lượng.
Theo tiếp cận chi phí, chúng ta sử dụng 1 phương trình rất đơn giản:
p = a * pd  + (1-a) * pi * e* (1+tax)
trong đó p là mặt bằng giá trong nước, pd là giá đầu vào sản xuất có nguồn gốc nội địa, pi là giá đầu vào nhập khẩu tính theo đô la, e là tỷ giá đồng / USD, tax là tỷ lệ thuế nhập khẩu, a là tỷ trọng khối lượng các yếu tố trong nước trong giá bán, (1-a) là tỷ trọng khối lượng các yếu tố ngoài nước trong giá bán. Phương trình này đã xác định ảnh hưởng gộp của phá giá tới lạm phát thông qua tăng giá dây chuyền qua mọi khâu của quá trình tái sản xuất xã hội vì giá thành của tất cả các sản phẩm cụ thể đều được tách thành 2 phần: phần có nguồn gốc trong nước và phần có nguồn gốc nhập khẩu[6].
Bảng 3: Tỷ lệ chi phí trung gian trong tổng giá trị sản xuất (%)


1997
1998
1999
Toàn nền kinh tế
48.76
47.83
47.76
Nông nghiệp
33.35
32.75
34.33
Lâm nghiệp

23.37
23.37
23.08
Thuỷ sản

42.17
39.55
41.02
CN khai thác mỏ
28.16
27.81
26.47
CN chế biến
69.51
68.53
68.16
CN điện, khí và nước
26.40
29.74
32.51
Xây dựng

74.35
73.52
72.95
Thương nghiệp
25.60
25.77
26.04
Khách sạn, nhà hàng
44.33
47.13
46.09
Vận tải, thông tin
43.06
44.77
45.20
Tài chính, ngân hàng
29.45
28.47
29.03
Khoa học, công nghệ
44.55
44.87
46.72
Kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn
32.99
33.62
33.92
Quản lý Nhà nước
50.32
46.69
46.63
Giáo dục, đào tạo
29.66
29.24
30.26
Ytế và cứu trợ
36.15
36.27
35.25
Văn hoá, thể thao
38.14
36.44
34.90
Hiệp hội

40.62
40.64
37.47
Dịch vụ cá nhân và cộng đồng
25.64
25.83
26.38
Làm thuê trong các hộ gia đình
0.00
0.00
0.00
Nguồn : Kinh tế Việt nam trong những năm đổi mới qua các chỉ tiêu kinh tế
tổng hợp của hệ thống tài khoản quốc gia, Nhà xuất bản Thống kê, tháng 2-2001.
Bảng 3 cho biết hiện nay chi phí trung gian chỉ chiếm khoảng 47% giá trị sản phẩm, còn lại là giá trị gia tăng, bao gồm tiền lương, thuế, lợi nhuận... Theo ước tính của chúng tôi trên cơ sở thông tin sản xuất của các ngành, đầu vào nhập khẩu chiếm khoảng 50% chi phí trung gian[7], tương đương với 23,5% tổng giá trị sản xuất. Mặt khác, căn cứ vào Bảng I/O theo giá sử dụng cuối cùng của Tổng cục Thống kê thì tổng giá trị nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của các ngành năm 1996 là 150 nghìn tỷ đồng trong khi tổng giá trị sản xuất là 594,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,2%[8]; tỷ trọng này có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Do đó, có thể coi tỷ trọng khối lượng đầu vào nhập khẩu trong giá bán là 23,5% trong khi tỷ trọng các yếu tố trong nước lên tới 76,5%. Như vậy, theo phương trình, nếu giá hàng nhập khẩu tính bằng USD và tỷ lệ thuế nhập khẩu không đổi, khi phá giá 30% xảy ra, chỉ số giá sẽ tăng như sau :
          76,5% * 1 + 23,5% * 1* 1,3 * 1 = 1,0705;
tức là tỷ lệ lạm phát chỉ tăng 7,05%.
Tính tương tự như vậy, chúng ta thấy trong trường hợp phá giá 50%, tỷ lệ lạm phát tăng thêm chỉ là 11,75%. Trong các tính toán này, chưa xét tới khả năng giảm lạm phát do giá nhập khẩu và tỷ lệ thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống[9].
          Theo tiếp cận kinh tế lượng, chúng ta sử dụng phương trình do nhóm phân tích – dự báo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ước lượng theo chuỗi số liệu tháng, thời kỳ 1992-1998[10]. Theo các kết quả nghiên cứu trên, phá giá 10% sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng 2,3%. Do vậy, nếu phá giá 30% xảy ra, tỷ lệ lạm phát chỉ tăng thêm 6,9%; nếu phá giá 50% xảy ra, tỷ lệ lạm phát chỉ tăng thêm 11,5%[11]. Kết quả này cũng tương tự như tính toán theo tiếp cận chi phí. Chúng ta đều biết tỷ lệ lạm phát năm 1999 chỉ là 0,1%, năm 2000 là -0,6% và 4 tháng đầu năm 2001 là -0,5% ; do vậy, phá giá cao trong bối cảnh thặng dư ngoại tệ hiện nay đi kèm với một số biện pháp củng cố lòng tin của chính phủ chắc chắn không làm tỷ lệ lạm phát tăng ngoài tầm chấp nhận được[12].



[1] Thời báo Kinh tế Việt nam, số 63, ngày 7/8/1999.
[2] Khi phá giá dưới 5% thì không đặt ra vấn đề đàm phán điều chỉnh lại các hợp đồng đã ký kết.
[3] Xem chứng minh quan hệ này trong: "Exchange rate in Vietnam - arrangement information Content and Policy Options", Võ Trí Thành, Đinh Hiền Minh, Hoàng Văn Thành..., Sách do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương xuất bản; Hà nội, 2-2001.
[4] Tình hình kinh tế xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000 - Tổng cục Thống kê, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 2-2001.
[5] Thuyết thặng dư cán cân thanh toán quốc tế cho rằng lạm phát sẽ xảy ra trong nền kinh tế dư thừa ngoại tệ vì hai lý do: Thứ nhất, thặng dư này bắt nguồn từ phá giá mạnh nội tệ so với ngoại tệ. Thứ hai, khi luồng ngoại tệ vào quá nhiều, Ngân hàng Trung ương sẽ phải đưa nội tệ ra mua ngoại tệ, làm tăng tổng cung tiền tệ, kéo theo lạm phát. Tuy nhiên, thuyết này không có giá trị để giải thích hiện tượng dư thừa ngoại tệ dẫn tới giảm phát mạnh ở Việt nam. Thực tế, người Việt nam sử dụng đồng thời cả nội tệ và ngoại tệ trong giao dịch, thanh toán, do đó vai trò của hai loại tiền trong tổng cung tiền tệ M2 là như nhau. Việc phát hình tiền Việt mua ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương không làm biến đổi lượng tiền trong lưu thông mà chỉ thay loại tiền này bằng loại tiền khác. Do đó, chính hiện tượng đô la hoá mạnh nền kinh tế đã làm triệt tiêu tác dụng lạm phát của dư thừa ngoại tệ. Ngoài ra, phải kể đến việc chính phủ Việt nam đã nhanh chóng tự do hoá ngoại thương, làm tăng nhập khẩu để hạn chế tốc độ dư thừa ngoại tệ đồng thời lại bổ xung cho nền kinh tế  một lượng hàng hoá quan trọng, có tác dụng giảm căng thẳng cung – cầu trên thị trường hàng hoá. Đây cũng là những tác động làm giảm tỷ lệ lạm phát trong điều kiện dư thừa ngoại tệ.
[6] Ví dụ đầu vào nhập khẩu để sản xuất điện là 30%. Tiếp đến, điện được đưa vào phục vụ sản xuất thép. Khi đó, trong giá thành sản xuất thép sẽ có đầu vào nguồn gốc trong nước, đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất điện và đầu vào nhập khẩu khác phục vụ sản xuất thép. Hệ số (1-a) trong phương trình đã gộp cả hai loại đầu vào nhập khẩu này thành 1 đầu vào nhập khẩu chung cho sản xuất thép.
[7] Nhìn toàn bộ nền kinh tế, có thể thấy tỷ trọng đầu vào nhập khẩu không thể là quá lớn như người ta vẫn tưởng vì do đánh giá cao tỷ giá thực, giá cả nhiều đầu vào nội địa đã tăng lên đáng kể so với giá đầu vào nhập khẩu. Ví dụ đối với một trong những đầu vào nội địa quan trọng là thuê đất đai, cửa hàng, thì nay giá thuê đất đai, cửa hàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng đã trở lên đắt đỏ. Khu vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đều sử dụng nguồn đầu vào nội địa với tỷ lệ rất lớn. Hơn nữa, tỷ trọng này sau khi lên đến đỉnh cao nhất năm 1996, đã giảm dần trong những năm gần đây do tăng trưởng luồng vốn bên ngoài vào giảm dần.
[8] Tổng cục Thống kê, "Bảng cân đối liên ngành của Việt nam", Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 1999, trang 98.
[9] Theo phương trình, rõ ràng khi phá giá 30% trong năm 2001, nếu giá nhập khẩu giảm 5%, thuế giảm 3% theo tiến trình hội nhập, thì tỷ lệ lạm phát chỉ tăng 4,65%.
[10] Võ Trí Thành, Đinh Hiền Minh, Hoàng Văn Thành..., "Exchange rate in Vietnam - Arrangement Information Content and Policy Options", Sách do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương xuất bản; Hà nội, 2-2001, trang 69, trường hợp mô hình với tổng cung tiền tệ M2.
[11] Tính toán này cũng chưa xét tới ảnh hưởng giảm phát của giảm giá hàng nhập khẩu và giảm tỷ lệ thuế nhập khẩu.
[12] Theo chúng tôi, một tỷ lệ tăng giá 8-10% trong giai đoạn phát triển bình thường và khoảng 10-13% trong giai đoạn tăng trưởng cao là hợp lý cho trường hợp nước ta. Trên thực tế, trong giai đoạn kinh tế phát triển ổn định 1992-1998, tỷ lệ lạm phát trung bình của ta là 9,6%/năm. Xem lập luận trong: "Nới lỏng tiền tệ để chống thiểu phát", Lê Việt Đức, Thời báo kinh tế Việt nam, số 63, 7/8/1999 .

1 nhận xét: