Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

(3) Chúng ta sẽ thu được gì khi phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam ?


Bài viết cũ của tôi:
CHÚNG TA SẼ THU ĐƯỢC GÌ KHI
PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM ?
(phá giá mạnh để đổi mới cơ cấu kinh tế và phát triển có hiệu quả)
2) Phá giá mạnh sẽ làm tăng nhanh xuất khẩu và điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế theo hướng có hiệu quả cao và bền vững.
a) Cơ cấu kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu đều đang trong tình trạng báo động
Có thể nói đẩy mạnh xuất khẩu và điều chỉnh cơ cấu kinh tế là những mục tiêu tối hậu của chủ trương phá giá trong bối cảnh hiện nay. Những phân tích trong phần II đã chỉ rõ do theo đuổi một chính sách tỷ giá không hợp lý, cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư bị phát triển sai lệch, làm cho nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh; hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng như tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần.
Theo các số liệu trong bảng 3, tỷ lệ tăng trưởng GDP sau khi lên đến đỉnh cao 9,5% năm 1995 đã liên tục giảm sút từ năm 1996; quá trình phục hồi năm 2000 hoàn toàn nhờ tăng giá xuất khẩu dầu thô. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cũng liên tục giảm sút từ năm 1995 đến nay. Đặc biệt, nếu không tính đến xuất khẩu dầu thô, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu năm 1998 chỉ còn 4,6%, năm 1999 chỉ còn 16,3% và năm 2000 chỉ còn 14,3%. Đây là một dấu hiệu rất đáng báo động vì theo kinh nghiệm quá khứ, muốn tăng trưởng GDP khoảng 8%/ năm theo đúng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng, thì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu mỏ trung bình phải khoảng 32%/ năm.


          Bảng 4: Tỷ lệ tăng trưởng một số chỉ tiêu (năm sau so với năm trước, %)


GDP
Xuất khẩu
Xuất khẩu không kể dầu mỏ
Nhập khẩu
Tỷ giá[1]
Lạm phát
Chênh lệch phá giá - lạm phát[2]
1986
2,8
12,9
12,9
16,0
185,7
774,7
-67,3
1987
3,6
8,2
8,2
13,9
360
223,1
42,4
1988
6,0
21,5
12,3
12,3
715,2
393,8
65,1
1989
4,7
87,5
82,1
-6,9
43,3
34,7
6,4
1990
5,1
23,5
15,3
7,3
58,1
67,4
-5,6
1991
5,8
-13,2
-25,1
-15,1
103,1
67,6
21,2
1992
8,7
23,7
20,7
8,7
-25,8
17,5
-36,9
1993
8,1
15,7
17,8
54,4
0,3
5,2
-4,7
1994
8,8
35,8
48,7
48,5
1,7
14,4
-11,1
1995
9,5
34,4
38,9
40,0
-0,6
12,7
-11,8
1996
9,3
33,2
33,5
36,6
1,2
4,5
-3,2
1997
8,2
26,6
31,4
4,0
14,2
3,6
10,2
1998
5,8
1,9
4,6
-0,8
9,6
9,2
0,4
1999
4,8
23,3
16,3
1,1
1,1
0,1
1,0
2000
6,75
25,0
14,3
34,0
3,4
-0,6
4,0

          Dấu hiệu đáng lo ngại thứ hai là tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu thấp từ năm 1998 đến nay đã diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của tổng cầu nội địa giảm nhanh và liên tục. Tình hình này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trước năm 1997, khi đó xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhanh mặc dù tổng cầu nội địa liên tục tăng lên nhanh và tốc độ phát triển kinh tế cao. Vì vậy, có hai nguy cơ được đặt ra. Một là, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu đã giảm quá mạnh nên dù cầu nội địa giảm đột ngột nhưng xuất khẩu vẫn không tăng nhanh. Hai là nếu chính sách kích cầu đi quá đà, cầu nội đia tăng lên đột ngột, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

          b) Phá giá là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu:

          - Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế đều khảng định phá giá chủ động, đủ tầm, trong bối cảnh chưa phát sinh những mất cân bằng kinh tế trầm trọng, sẽ có tác dụng rất lớn tới tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, động viên xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Đây là loại phá giá tấn công, phá giá chủ động, không có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng hệ thống kinh tế xã hội.

          Kinh nghiệm ở nước ta từ khi đổi mới cũng cho thấy ảnh hưởng tích cực của các cuộc phá giá tới tăng trưởng xuất khẩu. Theo các số liệu trong bảng 4, khi tỷ giá thực (ở đây lấy chênh lệch giữa tỷ lệ phá giá danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát làm đại diện, mặc dù chỉ tiêu này không phản ánh chính xác tỷ giá thực) lên giá mạnh năm 1986, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu mỏ 2 năm 1987, 1988 tụt xuống chỉ còn khoảng 10%/ năm. Nhưng khi tỷ giá thực bị phá giá mạnh trong hai năm 1987, 1988 và nhẹ trong năm 1989, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu thô đã tăng lên ngay trong năm 1988, rồi tăng vọt tới 82,1% năm 1989 và 15,3% năm 1990. Có được thành tích xuất khẩu gạo những năm đầu cải cách chủ yếu là nhờ phá giá cao đi kèm với tự do hoá kinh tế. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu đầy ấn tượng này còn bị che phủ bởi biến mất thị trường xuất khẩu truyền thống là Liên xô và khối Đông âu, và diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế còn thấp do nền kinh tế vừa bắt đầu thực sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nếu chỉ tính phần giá trị xuất khẩu bằng đô la, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu đã tăng vọt từ 4,6% năm 1987 lên 22,2% năm 1988, 154,2% năm 1989 và còn ở mức 18,8% năm 1990. Cũng theo các số liệu trên, trong giai đoạn này, phá giá có ảnh hưởng tới xuất khẩu trễ khoảng 1 năm so với thời điểm phá giá. Ngoài ra, các số liệu cũng cho thấy phá giá không còn phát huy tác dụng đáng kể ngay từ năm 1990. Thậm chí, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu năm 1991 tụt xuống âm: -25,1%.

          Đợt phá giá thứ hai kể từ khi đổi mới kinh tế đã diễn ra vào năm 1991. Phá giá mạnh 103,1% năm 1991 trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát ra khỏi khủng hoảng tiền tệ, tín dụng năm 1990, đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên 67,6%, làm cho mức độ phá giá tỷ giá thực chỉ còn 21,2%. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ phá giá thực này, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu năm 1992-1993 đã tăng trở lại khoảng 20%. Trong các năm 1994-1997, mặc dù tỷ giá ổn định và nội tệ bị đánh giá cao nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu nước ta vẫn liên tục được duy trì ở mức độ cao. Đó là nhờ 2 nhân tố chính: Một là tốc độ tăng năng suất lao động những năm này rất cao, đủ bù lại những thiệt hại do tỷ giá bị đánh giá cao; và hai là luồng ngoại tệ chảy vào Việt nam quá nhiều kéo theo tăng trưởng kinh tế nhanh, xuất khẩu ngày một nhiều dù hiệu quả tăng trưởng và xuất khẩu ngày càng thấp.

          Đợt phá giá thứ ba bắt đầu từ năm 1997 và kéo dài đến thời điểm hiện nay. Đặc điểm của phá giá trong giai đoạn này là tỷ lệ phá giá thấp, diễn ra làm nhiều vòng, qua các tuần, các tháng, dưới sự quản lý rất chặt của Ngân hàng Nhà nước. Bước phá giá lớn nhất trong giai đoạn này là hai lần phá giá 5% năm 1997 và 1 lần phá giá 7% năm 1998. Tỷ lệ phá giá danh nghĩa tích luỹ của hai năm 1997, 1998 là 25,2% trong khi tỷ lệ lạm phát tích luỹ là 13,1%, tạo ra một mức phá giá thực 10,7%. Tỷ giá thực còn bị phá giá nhẹ trong năm 2000 nhờ phá giá danh nghĩa và ổn định giá tiêu dùng. Những đợt phá giá này đã có tác dụng hạn chế tốc độ suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta so với các đối tác kinh tế trong khu vực, nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu thô năm 1999-2000 được duy trì ở mức khoảng 15%/ năm.

          Về mặt kinh tế lượng, với chuỗi số liệu năm từ năm 1991 đến năm 2000, quan hệ xuất khẩu - phá giá được ước lượng như sau :

            log(EXUS)  =  - 19,06  +   0,620 * log(EXRAT * EXPRI / PRICE)

                                      (-22,25)   (5,692)

                                               + 5,544 log(QE)    +   0,180 D1992

                                               (44,648)                    (4,051)

R2 =  0,998     ;   R2 adj = 0,997       ;    SE = 3,56%   ;   DW = 1,945      ;   F - St = 1071,19

trong đó EXUS là giá trị xuất khẩu tính bằng đô la Mỹ; EXRAT là chỉ số tỷ giá, năm 1995 = 100%; EXPRI là chỉ số giá xuất khẩu tính theo ngoại tệ; PRICE là chỉ số giá tiêu dùng; QE là chỉ số tăng trưởng GDP của 18 nước bạn hàng chính; D1992 là biến chốc phản ảnh việc biến động xuất khẩu năm 1992 không giải thích được qua mô hình. Các số liệu trong ngoặc dưới mỗi hệ số phản ảnh sai số chuẩn của từng hệ số.

          Nhìn vào phương trình trên, chúng ta thấy kết quả ước lượng rất phù hợp với phân tích lý thuyết và thực tế. Các hệ số trong phương trình đều có ý nghĩa tới 99,9%; tức là các biến vế phải đều có ý nghĩa giải thích rất tốt cho biến vế trái. Các số liệu thống kê đều cho thấy chất lượng phương trình rất tốt. Đặc biệt, phương trình cho thấy phá giá từ năm 1991 đến nay có tác động trực tiếp tới xuất khẩu ngay trong năm.

Theo phương trình, khi phá giá danh nghĩa 30% xảy ra, nếu tỷ lệ lạm phát không tăng, thì xuất khẩu sẽ tăng thêm 18,6%. Trong trường hợp phá giá danh nghĩa 50%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 31% so với xu thế[3]. Nếu tỷ lệ lạm phát tăng khoảng 7-12% như tính toán trong mục III1 thì xuất khẩu sẽ tăng thêm 13,3% và 21,0%. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của ta trong 2 năm gần đây là 15% (không kể dầu mỏ), do đó, nếu phá giá 30% (hoặc 50%) xảy ra, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng lên thành 28,3% (hoặc 36%). Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu năm 2001 dự đoán chỉ đạt 9-10% (kể cả dầu mỏ) hoặc 7-8% (không kể dầu mỏ); do đó phá giá cao diễn ra vào năm 2001 chỉ có thể đưa tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu (không kể dầu mỏ) lên tối đa là 21% hoặc 29%. Như vậy, nếu tăng trưởng kinh tế của các nước đối tác chính không trở lại mức trước khủng hoảng năm 1997, thì tỷ lệ phá giá 30% của ta là thấp so với yêu cầu phải đưa tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trở lại trên 32%/ năm để đưa nền kinh tế trở lại tỷ lệ tăng trưởng 8%/ năm. Đến đây, chúng ta lại thấy, chỉ mức phá giá 50% mới thoả mãn yêu cầu.

          Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng mặc dù phá giá cao là giải pháp quan trọng nhất để động viên xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay, nhưng tiếp tục xây dựng và thực hiện những giải pháp khác để động viên xuất khẩu vẫn là nhiệm vụ cực kỳ cần thiết và cấp bách vì như đã nói ở trên, phá giá phải đi kèm với tự do hoá toàn diện thì mới phát huy hết hiệu quả của nó. Cùng với phá giá, cần phải tự do hoá mạnh mẽ hoạt động ngoại thương; giảm mạnh, tiến tới xoá bỏ sự độc quyền trá hình của các DNNN; cải tiến hoạt động công tác tiếp thị và tìm kiếm khách hàng; áp dụng các biện pháp mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành; giảm các tiêu cực phí và tham nhũng trong hoạt động xuất nhập khẩu và hải quan; phân chia lại lợi nhuận hợp lý giữa người trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu, tích cực chống buôn lậu qua biên giới, giảm tỷ lệ thuế nhập theo lộ trình AFTA và nhờ đó đưa dần luồng ngoại thương bất hợp pháp thành luồng hợp pháp... Đây chính là những biện pháp cơ bản và lâu dài để duy trì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao và dài hạn ở nước ta.

          c) Phá giá là nhân tố cơ bản để điều chỉnh cơ cấu kinh tế:

          Trong mục trên, chúng ta đã chứng minh phá giá có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, do đó cũng có tác dụng to lớn tới thay đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, phá giá còn có những tác dụng to lớn hơn nữa tới điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh hiệu quả và hội nhập quốc tế, thể hiện ở một số điểm sau :

-        Phá giá có tác dụng kìm hãm nhập khẩu:

Tác dụng này của phá giá thể hiện rất rõ trong những năm đổi mới. Theo bảng 4, trong những năm tỷ giá danh nghĩa bị phá giá tương đối cao và có hiện tượng phá giá tỷ giá thực như giai đoạn 1988-1991 hoặc từ năm 1997 đến 1999, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu hàng năm rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm (trung bình dưới 1%); ngược lại trong những năm tỷ giá thực bị đánh giá cao (1992-1996), tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu hàng năm cực kỳ cao (trung bình trên 45%). Riêng giai đoạn 1997-2000, nếu tính chính xác tỷ giá thực theo 18 đối tác bạn hàng thì đồng tiền nước ta tiếp tục lên giá nhanh do đồng tiền các nước bạn hàng bị mất giá so với đô la Mỹ và tỷ lệ lạm phát tại các nước bạn hàng cao hơn tại nước ta. Mặc dù vậy, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu trong các năm 1997-1999 rất thấp vì chính sách kiểm soát nhập rất chặt của chính phủ nhằm hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng châu á lan vào Việt nam. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát kiểu hành chính như trên chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định; đến năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu đã tăng vọt trở lại khi chính phủ mới bắt đầu nới lỏng những biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Tình hình sẽ còn tiếp tục trong năm 2001. Quan hệ âm giữa phá giá và tăng trưởng nhập khẩu rất rõ trong các phương trình kinh tế lượng.

          - Phá giá mở ra một cơ hội mới để nông nghiệp phát triển:

          Nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Ở nước ta, nông nghiệp còn giữ vai trò quyết định để ổn định xã hội và giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, trong khi chính phủ chủ động áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp bảo hộ có tính chất căn bản cho công nghiệp thì khu vực nông nghiệp lại thường xuyên phải đương đầu trực tiếp với đủ loại cạnh tranh trên và biến động trên thị trường quốc tế. Những can thiệp của chính phủ vào khu vực nông nghiệp thường rất bị động, diễn ra sau khi nông nghiệp đã rơi vào tình cảnh rất khó khăn; do đó chỉ có tác dụng rất hạn chế và ngắn hạn tới sự phát triển dài hạn của nông nghiệp.

          Một trong những bất lợi lớn nhất của sản xuất nông nghiệp là chính sách tỷ giá bất hợp lý của chính phủ. Vì nông sản là hàng hoá thương mại quốc tế được và giá cả của chúng được xác định trên thị trường quốc tế nên một trong những vai trò quan trọng nhất của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là đề ra một tỷ giá thế nào để khi chuyển đổi giá quốc tế sang giá tính bằng tiền Việt, người sản xuất nông nghiệp có lãi. Chính sách tỷ giá thấp kéo dài quá lâu vừa qua trên thực tế đã làm cho người nông dân thua lỗ, không năng suất lao động cao nào có thể bù đắp lại, trong khi thu nhập của các khu vực sản xuất khác tăng nhanh. Vì vậy, như tính toán trong phần II, nếu phá giá cao đủ mức xảy ra, động lực của người nông dân được khơi dậy, sản xuất nông nghiệp sẽ có bước phát triển mới rất mạnh. Đây cũng là bài học kinh nghiệm rất lớn của phá giá cao những năm 1988-89.

          Theo những nghiên cứu rộng rãi của nhiều trường đại học uy tín, nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và theo kinh nghiệm thực tiễn của nhiều nước trên thế giới, đối với sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, điều chỉnh tỷ giá thực (tức là phá giá đủ tầm) có hiệu quả lớn hơn nhiều so với tất cả các loại chính sách trợ cấp cho nông dân mà các chính phủ thường sử dụng, nhất là so với chính sách trợ giá, ổn định giá, vì phá giá tỷ giá thực còn tạo ra nhiều hiệu quả khác ngoài hiệu quả của chính sách trợ giá cho nông sản.

          - Phá giá làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, cho phép giảm hàng rào bảo hộ mậu dịch và đầu tư, tiến tới chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thắng lợi:

          Sức cạnh tranh của một nền kinh tế thường được đo bằng tỷ lệ giữa chi phí sản xuất trong nước và giá cả quốc tế. Khi đồng tiền bị đánh giá cao và kéo dài, chi phí sản xuất trong nước sẽ cao hơn giá cả quốc tế, tức là nền kinh tế mất sức cạnh tranh. Đây là tình hình đã diễn ra trong nền kinh tế nước ta, làm cho hầu hết các ngành sản xuất đều mất sức cạnh tranh trên trường quốc tế; mặc dù tốc độ giảm sức cạnh tranh đã được bù lại phần nào nhờ tốc độ tăng năng suất lao động. Do nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp, nông nghiệp và toàn nền kinh tế giảm dần. Trong quá đó, chính phủ đã buộc phải bổ xung ngày càng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa, đi từ cấm nhập, chế độ quota, tỷ lệ thuế nhập khẩu cao và nhiều ràng buộc hành chính khác đến trực tiếp sử dụng ngân sách để bù đắp. Những biện pháp trên đã làm phát sinh nhiều méo mó, sai lệch trong cơ cấu kinh tế, đi từ cơ cấu giá cả, tiền lương, thu nhập đến cơ cấu đầu tư, sản xuất, làm giảm hiệu quả kinh tế nói chung và hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế nói riêng, gây hậu quả tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Có thể nói, ở nước ta, đánh giá cao nội tệ đang đòi hỏi phải tăng thêm nhiều bảo hộ sản xuất nội địa, trong khi bảo hộ sản xuất nội địa lại bóp méo và kìm hãm các hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời khuyến khích đánh giá cao nội tệ ở mức cao hơn. Đây là vòng xoáy rất nguy hiểm cần phải thoát ra.

          Để tăng sức cạnh tranh và đảo ngược xu hướng bảo hộ mậu dịch và đầu tư hiện nay, phá giá là con đường cơ bản nhất. Thực tế, cơ cấu bảo hộ sản xuất nội địa ở nước ta đã được xây dựng từ nhiều năm và ngày càng hoàn thiện do hậu quả của chính sách tỷ giá cao kéo dài hàng chục năm, nên không dễ gì có thể phá bỏ nhanh được. Hơn nữa, các hàng rào hải quan và chế độ quota vừa cho phép tăng giá hàng nhập khẩu và hạn chế các cơn sốt ngoại tệ, vừa cho phép tăng thu nhập cho ngân sách và góp phần đáng kể vào bảo hộ sản xuất trong nước, do đó rất được Chính phủ ưa sử dụng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, điều chỉnh tỷ giá mạnh là con đường dễ nhất. Phá giá mạnh sẽ làm tăng nhanh sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm được các sức ép phải ưu đãi và bảo hộ sản xuất nội địa, từ đó cho phép giảm dần hàng rào bảo hộ và đầu tư, tiến tới thoả mãn từng bước những điều kiện hội nhập AFTA và WTO.

          3) Phá giá làm giảm những khó khăn của khu vực doanh nghiệp, nhất là các DNNN, và cải thiện tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng

          Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực DNNN và các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu là một áp lực phải phá giá sớm và phá giá mạnh. Rõ ràng sau hơn 10 năm phát triển chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và khai thác tài nguyên, giá thành sản xuất trong nước đã trở nên quá cao; tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tụt xuống mức thấp nhất; số doanh nghiệp thua lỗ và phá sản lên đến mức kỷ lục; bao cấp và bảo hộ của Nhà nước ngày một nhiều mà nếu không có thu nhập từ xuất khẩu dầu thô, nguồn vốn ODA và thuế nhập khẩu thì ngân sách chính phủ đã rơi vào khủng hoảng.

Đặc biệt nguy hiểm là đối với khu vực DNNN, lợi nhuận nhờ vị thế độc quyền đã giảm mạnh trong khi cạnh tranh của khu vực kinh tế thị trường và hàng nước ngoài ngày càng gay gắt hơn; chi phí cho bộ máy tham nhũng, đòi hối lộ cũng ngày càng nhiều để hy vọng tiếp tục nhận được những bảo trợ của các cơ quan chính phủ; nhiều cam kết đặt ra trong giai đoạn bùng nổ 1992-1997 chưa được thực hiện trong khi những đòi hỏi cam kết mới, nhất là cam kết trong tiến trình hội nhập và mở cửa, ngày càng nhiều... Đa số DNNN đã vay nợ ngân hàng và chính phủ quá nhiều trong khi sử dụng không hiệu quả và nhu cầu chi tiêu vẫn tiếp tục tăng lên; nợ lòng vòng trong nền kinh tế cũng rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã lỡ nhập những lô hàng lớn với giá quá cao, không tiêu thụ được, trong khi giá quốc tế đang tiếp tục giảm...

Trước hàng loạt những khó khăn nan giải như trên, và trong điều kiện nền kinh tế còn thu hút được nhiều ngoại tệ từ bên ngoài, phá giá cao 1 lần và ổn định trong suốt 2 năm tiếp theo sẽ có tác dụng rất lớn tới giải quyết những khó khăn của khu vực doanh nghiệp vì những lý do sau :

Một là, các doanh nghiệp (nhất là các DNNN) có thể vay ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đổi sang tiền Việt, trả bớt nợ cũ và tiếp tục đầu tư làm hàng xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu. Với số ngoại tệ mới vay này, khả năng trả nợ bằng tiền Việt sẽ cao hơn. Sau khi xuất khẩu được hàng và có lãi, các doanh nghiệp có thể trả nợ mới vay. Trong vòng 2, doanh nghiệp vừa có thể vay mới (vì kinh doanh có lãi nên được phép vay ngân hàng), vừa còn phần lợi nhuận thu được ở vòng trước để tiếp tục tái sản xuất mở rộng... Tóm lại, phá giá cao sẽ làm tăng nhanh lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thương mại quốc tế được, cho phép các doanh nghiệp này phục hồi và tăng trưởng sản xuất nhanh.

Trên thực tế, giá trị xuất khẩu năm 2000 tương đương với 47% GDP, tức là số doanh nghiệp đang kinh doanh xuất khẩu rất cao. Ngoài ra còn một lượng rất đông đảo các doanh nghiệp làm hàng thay thế nhập khẩu. Khi phá giá cao xảy ra, với lượng hàng đang có, các doanh nghiệp này có thể xuất khẩu thu ngoại tệ, khi đổi sang tiền Việt sẽ có lãi, và như vậy có thể tiếp tục tái sản xuất kinh doanh vòng hai mà không phải huy động thêm nhiều vốn bổ xung từ hệ thống ngân hàng.

Hai là, các khoản nợ cũ bằng tiền Việt của doanh nghiệp khi được chuyển đổi sang ngoại tệ tính theo tỷ giá mới sẽ trở nên thấp hơn nhiều so với trước khi phá giá. Do đó, nếu chỉ vay một lượng ngoại tệ bằng 2/3 quá khứ, các doanh nghiệp có thể trả xong toàn bộ nợ cho hệ thống ngân hàng. Đối với nhiều khoản vay chưa trả, lạm phát sau khi phá giá cũng có tác dụng giảm nhẹ gánh nợ này. Kết quả chung là tình hình tài chính của các doanh nghiệp trở lên sáng sủa hơn sau khi phá giá mạnh, làm cho doanh nghiệp được tự do hơn trong các quyết định đầu tư mới. Đây cũng là một trong những bài học quý giá của phá giá cuối thập kỷ 80.

Riêng đối với những doanh nghiệp phát triển hướng nội đã vay nợ nhiều bằng ngoại tệ, nhưng khả năng kiếm nguồn ngoại tệ trả nợ khó khăn thì sau khi phá giá cao, nợ tính bằng ngoại tệ không đổi nhưng nợ tính bằng nội tệ sẽ tăng lên, gây khó khăn cho các doanh nghiệp này. Trong trường hợp này, nhà nước phải chấp nhận để hàng loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tương lai... rơi vào phá sản, chỉ tập trung giúp đỡ tạm thời cho một số ít doanh nghiệp còn cần thiết và có khả năng phục hồi trở lại (các doanh nghiệp có thị trường rộng lớn, có công nghệ cao...)

Đối với hệ thống ngân hàng, phá giá cao sẽ làm giảm đáng kể tài sản có nhưng đồng thời cũng làm giảm tương ứng phần tài sản nợ, do đó tính chung, tổng thiệt hại của các ngân hàng không lên đến mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phá giá cao sẽ làm cho hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tăng lên nhanh rõ rệt, cho phép các doanh nghiệp trả được nợ ngân hàng và tiếp tục vay mới. Chính vì vậy, sức khoẻ của hệ thống ngân hàng sẽ dần dần được phục hồi theo đà đi lên của các doanh nghiệp.

          4) Phá giá làm giảm áp lực đối với bội chi ngân sách quốc gia

          Các lý thuyết kinh tế đều khảng định phá giá là giải pháp tương đối dễ để lập lại cân bằng ngân sách quốc gia. Thực vậy, khi phá giá 50% xảy ra, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước sẽ vẫn thanh toán những khoản tiền nội địa như cũ cho tiêu dùng và đầu tư, nhưng số chi này sẽ giảm đi 2/3 so với trước nếu tính bằng ngoại tệ. Năm 2001, tổng chi ngân sách dự kiến 116 nghìn tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay, nhưng sẽ chỉ bằng 5,3 tỷ USD nếu phá giá 50% hoặc 6,1 tỷ USD nếu phá giá 30%. Giả sử phá giá có làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 10-15% thì tổng chi ngân sách cũng chỉ lên đến 5,8-7 tỷ USD. Rõ ràng với giá trị xuất khẩu dầu mỏ năm 2001 gần 4 tỷ USD, mà một nửa được đưa vào ngân sách chính phủ, thì chính phủ có thể dễ dàng thực hiện số chi ngân sách trên. Đó là chưa kể vai trò đến những khoản vay và viện trợ của nước ngoài tính bằng ngoại tệ. Như vậy, gánh nặng chi ngân sách chắc chắn sẽ giảm đi rất đáng kể sau khi phá giá cao.

          Đối với nợ chính phủ, phá giá sẽ làm tăng chi ngân sách đối với nợ bằng ngoại tệ, nhưng sẽ làm giảm nợ trong nước khi quy đổi sang ngoại tệ. Do vậy, nếu tính theo ngoại tệ, số nợ chính phủ cũng như khoản nợ phải trả hàng năm sẽ giảm đi sau khi phá giá. Nếu tính theo nội tệ, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP sẽ tăng lên, nhưng mức độ không đáng lo ngại vì giá trị nợ không cao và phần lớn nợ của nước ta là nợ dài hạn. Hiện nay, chính phủ thường phải dành gần 13% tổng chi ngân sách để trả nợ, trong đó một nửa để trả nợ nước ngoài và một nửa để trả nợ trong nước. Tổng số tiền trả nợ năm 2001 dự kiến là 15 nghìn tỷ đồng. Nếu phá giá 50% xảy ra, số tiền trả nợ nước ngoài sẽ tăng từ 7500 lên 11250 tỷ đồng, tức là tăng thêm 3750 tỷ đồng ; do đó tổng số tiền trả nợ sẽ tăng từ 15 nghìn tỷ đồng lên 18,75 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phá giá 50% sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng khoảng 10-15% ; do đó xét về lượng, số tiền trên chỉ còn tương đương với 16-17 nghìn tỷ đồng; tức là chỉ vượt so với dự kiến ban đầu khoảng 1-2 nghìn tỷ đồng – một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được.

          Thêm vào các phân tích trên, cần phải tính đến khả năng thu hồi cho ngân sách và kho bạc Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mà không phải tăng thuế hay phát hành trái phiếu. Thực vậy, việc làm giảm giá trị thực của hơn 60 nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng đang lưu thông và nhiều loại tài sản khác dưới dạng tiền tệ (ước tính trên 130 nghìn tỷ đồng bao gồm tiết kiệm bằng tiền Việt của dân cư và doanh nghiệp tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng (trên 100 nghìn tỷ đồng), trái phiếu, tín phiếu và các loại chứng từ có giá khác...), cũng như làm tăng giá trị của vàng và ngoại tệ dự trữ tại Ngân hàng Trung ương và Kho bạc Nhà nước, sẽ làm cho gánh nặng cam kết của Nhà nước đối với xã hội giảm đi rất đáng kể. Riêng đối với Ngân hàng Trung ương, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự trữ ngoại tệ tới cuối tháng 4/2001 đã lên tới 4,2 tỷ USD. Khi phá giá 50% xảy ra, giá trị số ngoại tệ đó quy ra tiền Việt sẽ tăng thêm 30,6 nghìn tỷ đồng Đây là một khoản tiền cực lớn, đủ để xây dựng nhiều công trình thế kỷ như đường dây 500 KV bắc nam hay cầu Mỹ Thuận. Tóm lại phá giá là một loại thuế đánh vào dân nên ngân sách sẽ được cải thiện. Điều này càng rõ khi nhà nước còn nhận được nhiều ngoại tệ viện trợ của nước ngoài qua ODA và các hình thức khác.

          5) Phá giá sẽ cho phép tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước sau một khoảng thời gian trễ

          Nhiều người lo ngại rằng phá giá sẽ nhanh chóng làm cho Ngân hàng Trung ương mất đi những khoản dự trữ ngoại tệ rất khó khăn mới tích luỹ được, như trường hợp Thái lan, Inđônêxia, Hàn quốc và một số nước khác gặp phải trong khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu á vừa qua. Theo họ, khi phá giá mạnh diễn ra, sẽ bùng lên tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội đi kèm với mất lòng tin vào nội tệ. Nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng, phát sinh nguy cơ không ổn định được tỷ giá mới. Nhằm thực hiện cam kết ổn định tỷ giá mới trong ít nhất 2 năm, Ngân hàng Trung ương sẽ xuất ngoại tệ ra bán để giữ tỷ giá cố định, dẫn tới nguy cơ mất dần ngoại tệ, giảm sức mạnh can thiệp của Ngân hàng Trung ương, gây thiệt hại cho đất nước và làm mất lòng tin của người đầu tư trong nước và nước ngoài tới khả năng kiểm soát nền kinh tế của Chính phủ.

          Tuy nhiên, những lo lắng như vậy trong bối cảnh hiện nay là không có cơ sở. Một là, tình hình kinh tế xã hội nước ta hiện nay khác với tình hình diễn ra ở các nước châu á bị khủng hoảng và cũng khác xa với tình hình nước ta trong thập kỷ 80. So với các nước trong khu vực, độ mở cửa của thị trường vốn, tiền tệ của nước ta còn rất thấp; nợ nước ngoài của ta không cao, phần lớn lại là nợ chính phủ, có tính ưu đãi và dài hạn chưa phải trả; vốn vay nước ngoài chủ yếu được dành để đầu tư phát triển chứ không phải để đầu tư vào bất động sản; các cân đối kinh tế về cơ bản vẫn được duy trì; kỷ luật trong xã hội nước ta rất chặt, không phát sinh mít tinh, biểu tình mỗi khi có thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ...

So với tình hình nước ta trong thập kỷ 80, rõ ràng tiềm lực kinh tế nước ta hiện nay mạnh hơn rất nhiều. Nếu như trong thập kỷ 80, các cuộc phá giá diễn ra trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người rất thấp (dưới 2%/ năm), nhu cầu đầu cơ, tích trữ hàng hoá rất lớn, tỷ lệ lạm phát rất cao (từ 100% đến trên 700%), không có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, không có ngoại tệ dự trữ, các hoạt động ngân sách, tiền tệ gần như bị thả nổi, tất cả những cân bằng kinh tế đều bị mất nghiêm trọng, xã hội rất rối ren và không có niềm tin..., dẫn tới kém tác dụng, thì hiện nay nền kinh tế đang tiếp tục phát triển tương đối nhanh (trong đó có vai trò của dầu mỏ); tỷ lệ lạm phát đang ở mức âm, các hoạt động tài chính, tiền tệ đã đi vào nề nếp, cán cân thanh toán quốc tế liên tục thặng dư và dự trữ quốc tế liên tục tăng nhanh, hơn 60% vốn đầu tư có nguồn gốc từ trong nước, các cân bằng kinh tế chính vẫn được duy trì ổn định, xã hội đã ổn định, niềm tin vào chính phủ đã được phục hồi... Chính trong bối cảnh như vậy, nếu phá giá cao diễn ra đi kèm với những cam kết và giải thích rõ của Chính phủ sẽ không dẫn tới đầu cơ, phá hoại lòng tin và kéo theo những đợt phá giá mới; nhờ vậy, Ngân hàng Trung ương không phải xuất nhiều ngoại tệ để can thiệp sau khi phá giá, tiến tới ổn định thị trường tiền tệ và tỷ giá mới.

          Hai là, phá giá ở nước ta vào thời điểm hiện nay là phá giá chủ động chứ không phải phá giá bị động, tự phát nổ ra khi hầu hết những cân đối lớn đã bị phá vỡ và nhiều van an toàn của nền kinh tế đã mất tác dụng, như phá giá diễn ra ở các nước châu á bị khủng hoảng và ở nước ta trong thập kỷ 80. Phá giá vào thời điểm hiện nay khi các cân bằng kinh tế đều ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao nhất trong lịch sử, cung lớn hơn cầu và hàng hoá tồn kho đang rất nhiều... thì không thể làm phát sinh khủng hoảng, ngược lại sẽ có tác dụng to lớn làm tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Kết quả là phá giá mạnh vào thời điểm hiện nay chỉ có thể làm dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương tăng lên chứ không thể làm giảm đi.

          Ba là, dự trữ ngoại tệ bao nhiêu là vừa và để làm gì ? Theo kinh nghiệm thế giới, đối với những nước nghèo, không nên dự trữ ngoại tệ quá nhiều vì đây là lượng tiền ứ đọng không đưa được vào kinh doanh và sinh lợi không đáng kể trong khi những nước nghèo cần nhiều vốn đầu tư phát triển. Ở các nước có tự do lưu chuyển vốn quốc tế và chế độ tỷ giá tương đối thả nổi, mức dự trữ ngoại tệ hợp lý nhất là khoảng 3-6 tháng nhập khẩu. Hiện tại, mức dự trữ ngoại tệ trung bình của các nước giầu tương đương với khoảng 2 tháng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; của các nước đang phát triển vào khoảng 4 tháng. Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện chưa có tự do lưu chuyển vốn quốc tế và đồng tiền chưa chuyển đổi, nhưng dự trữ ngoại tệ đã đạt 14 tuần, tương đương với 3,5 tháng. Ngoài ra, phải nhận thấy rằng một trong những mục tiêu cơ bản của dự trữ ngoại tệ là để Ngân hàng Trung ương có đủ lực can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm ổn định tỷ giá, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, cổ vũ cho tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, nếu phá giá cao xảy ra, kéo theo hiện tương tăng ngắn hạn tỷ lệ lạm phát và đầu cơ trên thị trường ngoại hối, thì chính là lúc công cụ dự trữ ngoại tệ được phát huy tác dụng.

          Trên thực tế, diễn biến kinh tế sau khi phá giá cao thường theo nguyên tắc đường cong J. Ở nước ta, dự kiến trong 6 tháng đầu, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm lại vì đây là quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Đây chính là giai đoạn phải sử dụng dự trữ ngoại tệ và viện trợ quốc tế để ổn định tỷ giá mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo thường kéo dài nhiều năm, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên rất nhanh, cơ cấu kinh tế sẽ phát triển theo hướng ngày càng hợp lý: hướng về xuất khẩu, giảm chênh lệch thành thị - nông thôn, miền núi - miền xuôi, hệ thống tài chính, ngân hàng sẽ vững mạnh hơn vì nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi hơn...

          6) Phá giá cho phép điều chỉnh thu nhập giữa thành thị và nông thôn, điều chỉnh cơ cấu lao động trong nền kinh tế, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề xã hội bức xúc

          Có thể khảng định ngay rằng phá giá cao sẽ mang lợi cho những ai có ngoại tệ, bao gồm những người làm hàng xuất khẩu, những nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ... nhưng dĩ nhiên mức độ hưởng lợi có khác nhau.

          - Trước hết, nông dân và những người làm hàng xuất khẩu là những người được hưởng lợi đầu tiên vì họ sản xuất ra hàng hoá để xuất khẩu và thu ngoại tệ. Khi tính theo tỷ giá mới, thu nhập của họ sẽ tăng lên so với thu nhập của các tầng lớp dân cư khác. Kết quả là phá giá sẽ động viên sản xuất nông nghiệp và làm hàng xuất khẩu, trong khi không cổ vũ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, hàng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Quá trình này sẽ cho phép điều chỉnh lại cơ cấu thu nhập giữa thành thị và nông thôn theo hướng xích dần thu nhập giữa hai tầng lớp dân cư. Quá trình trên cũng dẫn tới việc điều chỉnh tự phát vốn, đất đai, lao động và các nguồn lực khác giữa các ngành, các vùng theo hướng chuyển từ các ngành sản xuất phục vụ thị trường trong nước sang các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, nhất là từ dịch vụ và công nghiệp nặng sang nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, từ thành thị về nông thôn.

          Kinh nghiệm phá giá cao những năm 1988-1991 đã cho chúng ta những bài học rất sâu sắc. Sau mỗi cuộc phá giá mạnh, chúng ta lại chứng kiến những đợt di chuyển lao động từ thành thị về nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp (dẫn tới giảm tỷ lệ đô thị hoá), những đợt di chuyển vốn từ công nghiệp nặng sang nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu. Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu phá giá cao xảy ra, lợi nhuận của khu vực nông nghiệp tăng lên nhanh, thì sẽ lại diễn ra những cuộc di dân từ thành thị về nông thôn để sản xuất nông nghiệp như đã diễn ra trong giai đoạn 1988-1991. Quá trình này sẽ giảm sức ép về đô thị hoá, đồng thời góp phần quan trọng làm giảm những vấn đề xã hội bức xúc do tỷ lệ thất nghiệp cao gây ra.

          - Đối tượng được hưởng lợi thứ hai là các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu. Lợi nhuận của chúng cũng tăng lên theo đà phá giá. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp này, Nhà nước phải có những cơ chế điều tiết hợp lý hơn để hình thành được một tỷ lệ phân chia lợi ích cân bằng giữa chúng và người trực tiếp làm hàng xuất khẩu, đặc biệt là với nông dân, mà một trong những cơ chế quan trọng nhất là thực sự xoá bỏ cơ chế độc quyền ngoại thương của các DNNN, xoá bỏ những ưu đãi cho các DNNN trong lĩnh vực này, thực sự tự do hoá hoàn toàn việc xuất khẩu.

- Tuy nhiên, phá giá cao hiện nay sẽ không vì sự phát triển mạnh của nông nghiệp mà dẫn tới sự suy sụp của công nghiệp nước ta như kinh nghiệm của phá giá cao 1988-1991. Vào cuối thập niên 80, công nghiệp nước ta chủ yếu là các DNNN còn rất bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, lại phụ thuộc rất nặng nề vào thị trường trong nước được bảo hộ rất mạnh và các đầu vào quá rẻ tiền nhập khẩu từ khối Liên xô cũ; chính vì vậy, các cuộc phá giá mạnh nối tiếp nhau và những bước tự do hoá giá cả, ngoại thương nhanh chóng trong những năm 1988-91 đã không làm tăng sức cạnh tranh của khu vực công nghiệp quốc doanh, ngược lại, chúng còn đẩy khu vực này vào cuộc suy thoái trầm trọng vì phá giá quá cao (715,2% năm 1988) đã làm chi phí sản xuất tăng lên quá nhanh trong khi tự do hoá ngoại thương đã để cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, cạnh tranh gay gắt với hàng công nghiệp sản xuất trong nước.

Hiện nay, khu vực DNNN đã trưởng thành trong cơ chế kinh tế thị trường, tiềm năng của nó đã rất mạnh, năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu của thị trường. Vì vậy, nếu phá giá xảy ra, một bộ phận lớn các DNNN gồm tất cả các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, sẽ đứng vững và vươn lên nhanh chóng. Chỉ những DNNN sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và công nghiệp nặng không có khả năng xuất khẩu mới rơi vào suy thoái. Nhưng đây chính là quá trình điều chỉnh cơ cấu cần thiết để nâng cao hiệu quả toàn nền kinh tế.

Điều quan trọng thứ hai là công nghiệp hiện nay không chỉ gồm các DNNN mà đã có mặt khu vực doanh nghiệp công nghiệp ngoài quốc doanh ngày càng trưởng thành và vững mạnh, bao gồm công nghiệp tư nhân và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là khu vực kinh tế cực kỳ năng động trong cơ chế kinh tế thị trường, có khả năng tự điều chỉnh và phát triển rất nhanh khi cơ chế chính sách thay đổi phù hợp. Phá giá cao vào thời điểm hiện nay chắc chắn sẽ tạo ra bước phát triển nhảy vọt của loại hình công nghiệp này[4]. Nhìn toàn cục, phá giá cao cũng sẽ tạo ra một giai đoạn mới cho sự phát triển toàn ngành công nghiệp.

          - Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh doanh du lịch: vì nhà đầu tư và du lịch nước ngoài là những người có ngoại tệ nên hiển nhiên phá giá sẽ đem lại lợi ích cho họ. Kết quả là phá giá cao sẽ khuyến khích mạnh mẽ hoạt động đầu tư và du lịch tại Việt nam, tạo ra một bước phát triển mới cho những khu vực này.

- Thiệt nhất sau chính sách phá giá cao là những người sản xuất phục vụ thị trường trong nước và kinh doanh thương nghiệp nội địa vì khu vực dịch vụ tạm thời sẽ phát triển chậm lại. Giá bán và thu nhập của họ sẽ tăng chậm hơn giá bán và thu nhập của khu vực sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu. Ngược lại, họ còn phải bỏ thêm nhiều khoản tiền bù đắp cho sự mất giá của tài sản cố định và tài sản lưu động trong khi chi phí sản xuất, kinh doanh liên tục gia tăng do tỷ lệ lạm phát và tỷ giá tăng lên. Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận của khu vực kinh doanh hàng nội địa sẽ giảm mạnh so với khu vực kinh doanh hàng xuất khẩu.

          Vì khu vực thành thị là nơi có tỷ lệ sản xuất và kinh doanh phục vụ thị trường nội địa (tức là khu vực dịch vụ) cao nhất, nên phá giá cao sẽ dẫn tới hoạt động của khu vực thành thị chậm lại. Lao động thành thị có nguồn gốc nông thôn sẽ rời thành thị về nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp, khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, như đã nêu trong đoạn trên.

          Tuy nhiên, quá trình chậm lại của khu vực dịch vụ cũng chỉ có tính chất ngắn hạn; theo kinh nghiệm phá giá cũ, chỉ vào khoảng 12-18 tháng sau. Khi khu vực kinh tế hướng ngoại đã phát triển mạnh, thu nhập của người sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu lên cao, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu phát triển dịch vụ. Đây chính là giai đoạn khu vực dịch vụ bắt đầu quá trình đuổi theo khu vực kinh tế hướng ngoại.

          - Cuối cùng, cần phải nhắc đến đội ngũ những người hưởng lương cố định. Chắc chắn thu nhập thực tế của họ sẽ giảm đi do tỷ lệ lạm phát tăng lên. Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát tăng lên không nhiều (7-12%). Thứ hai, tăng giá chỉ tập trung ở nhóm hàng nhập khẩu chứ không phải ở nhóm hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, trong khi cuộc sống của đối tượng này dựa chủ yếu vào nhóm hàng thứ hai. Vì vậy, nhìn chung, thu nhập thực tế của người hưởng lương cố định giảm không đáng kể, và chưa đến mức chính phủ phải tăng tiền lương danh nghĩa. Ngoài ra, phải kể đến việc chính phủ đã thực hiện đầu năm 2000 và 2001 hai đợt tăng lương khá cao (tổng cộng 45,8%) nên càng không cần phải điều chỉnh tiền lương ngay trong năm đầu tiên thực hiện phá giá.

          Tóm lại, phá giá cao trong bối cảnh hiện nay sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho khu vực sản xuất kinh doanh hàng thương mại quốc tế được, làm cho khu vực nông nghiệp pháp triển mạnh, cuốn hút lao động từ thành thị về nông thôn, tạo ra nhiều việc làm mới, giảm tỷ lệ đô thị hoá, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thời gian nhàn rỗi, từ đó làm giảm những tệ nạn và căng thẳng trong xã hội.

          IV- KẾT LUẬN

          Mục tiêu của bài viết này là nhìn lại toàn bộ tình hình kinh tế nước ta trong giai đoạn gần đây, chỉ ra nguyên nhân của những thành tựu, những khó khăn nan giải đang đặt ra và đề xuất những biện pháp tháo gỡ. Qua quá trình phân tích lập luận, chúng tôi đi đến những kết luận sau:

          - Năm 2000, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng khá, xuất khẩu đã phục hồi được tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao; tuy nhiên quá trình này diễn ra là nhờ các nhân tố khách quan, những khó khăn trong nền kinh tế đang rất nặng nề, trong đó nổi bật là cơ cấu kinh tế hướng nội, giá thành sản phẩm đã lên tới mức rất cao và nền kinh tế đang mất sức cạnh tranh quốc tế một cách toàn diện.
- Để thoát khỏi tình thế khó khăn hiện nay, tự do hoá kinh tế nhanh và quyết liệt hơn, đi kèm với phá giá mạnh tỷ giá danh nghĩa là giải pháp phù hợp nhất. Phá giá nên được thực hiện ở mức ít nhất là 30%, tốt nhất là 50%. Ngay khi phá giá, chính phủ phải cam kết ổn định tỷ giá mới trong vòng ít nhất 2 năm để khôi phục và củng cố lòng tin của dân chúng và người đầu tư. Những phân tích chi tiết cho thấy phá giá sẽ cho phép giải quyết được một loạt vấn đề nan giải trong nền kinh tế và xã hội, nhất là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển nền kinh tế sang phát triển hướng ngoại, cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, giảm sức ép đối với bội chi ngân sách quốc gia, củng cố hệ thống ngân hàng, tăng thu nhập cho nông dân, tạo ra thêm nhiều việc làm, giảm tỷ lệ đô thị hoá và các tệ nạn trong xã hội. Nói ngắn gọn, chúng ta sẽ thu được lợi rất nhiều khi phá giá mạnh đồng tiền Việt nam.



[1] Các số liệu về phá giá trong bài được hiểu là phá giá tiền Việt so với đô la Mỹ. Trước năm 1989, do còn tồn tại tỷ giá giữa đồng Việt nam và đồng rúp chuyển nhượng nên còn có loại phá giá tiền Việt so với đồng rúp chuyển nhượng.
[2] Chênh lệch phá giá - lạm phát = (tỷ lệ phá giá + 100)/(tỷ lệ lạm phát + 100) -1) * 100

[3] Phương trình cũng cho thấy ảnh hưởng rất lớn của tăng trưởng kinh tế thế giới tới xuất khẩu nước ta. Nếu tỷ lệ tăng trưởng trung bình của 18 đối tác kinh tế chính tăng thêm 1% thì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của ta tăng thêm 5,54%. Vì vậy, theo chúng tôi, trong hai năm gần đây, riêng việc tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các đối tác kinh tế chính giảm 2% so với xu thế trước cũng đã làm tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của ta giảm 11,1% so với xu thế.
[4] Phá giá nội tệ và những chính sách kinh tế hướng theo cơ chế thị trường áp dụng trong giai đoạn 1988-1991 đã có những ảnh hưởng rất tích cực tới khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Khác với các DNNN, vì các doanh nghiệp trong khu vực này sử dụng ít vốn, nhiều lao động và chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nên những đợt phá giá liên tiếp thời kỳ 1988-91 đã làm giảm mạnh chi phí sản xuất của công nghiệp ngoài quốc doanh, cho phép các sản phẩm công nghiệp ngoài quốc doanh có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của công nghiệp quốc doanh và hàng nhập ngoại dù rằng năng suất lao động của khu vực này còn rất thấp. Kết quả là sản xuất công nghiệp tư nhân, cá thể và hỗn hợp đã tăng trưởng tới 31,8% năm 1988, 34,5% năm 1989, 10,4% năm 1990 và 26,7% năm 1991, những tỷ lệ cao chưa từng có. Phá giá và những chính sách tự do hoá kinh tế kèm theo đã làm tăng nhanh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ, phần lớn là hàng tiểu thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ do khu vực ngoài quốc doanh đảm nhận. Rõ ràng tính năng động của khu vực ngoài quốc doanh đã được công nhận rộng rãi, dù rằng các số liệu thống kê chính thức còn chưa đánh giá hết những thành tựu của khu vực này vì nhiều hoạt động của nó còn chưa được đưa vào tính toán tăng trưởng GDP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét