'Nhiều ngân hàng lãi thành lỗ sau thanh tra'
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo lãi nhưng sau khi thanh tra lại phát hiện ra lỗ bởi họ né trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm / Tài sản ngân hàng cổ phần 'bốc hơi' hàng nghìn tỷ
Trong bản báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn mới gửi tới các đại biểu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2012, đã quyết liệt thanh tra toàn diện 32 tổ chức tín dụng. "Hầu hết các tổ chức tín dụng đều giảm kết quả kinh doanh sau thanh tra do phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế là lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu trong báo cáo.
Trả lời các đại biểu tại phiên họp Quốc hội tuần trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định sẽ quyết liệt yêu cầu các nhà băng trích lập dự phòng đầy đủ. Thống đốc nhấn mạnh: "Kiên quyết đến cuối năm, ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro đủ, thì không được chia cổ tức. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp thanh tra cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ cho xử lý vấn đề nợ xấu".
|
Về kết quả xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay các nhà băng đã tự xử lý được gần 8.000 tỷ đồng nợ xấu. Nguồn để xử lý "cục máu đông" được lấy từ khoản dự phòng rủi ro tự có của các ngân hàng. Tính đến cuối tháng 8, số dự phòng rủi ro đã được các tổ chức tín dụng trích lập chưa sử dụng là 79.907 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011.
Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất con số sát thực tế là 8,6% như công bố của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại con số này đã tăng lên đáng kể từ khi cơ quan của Ngân hàng Nhà nước đưa ra đánh giá từ tháng 3/2012. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng: "Từ đó đến nay, kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp khó có cơ hội phục hồi nên theo ý kiến tôi, tỷ lệ nợ xấu hiện phải lên tới 15%. Nếu lấy tổng dư nợ 2,5 triệu tỷ đồng nhân với 15% thì nợ xấu hiện đâu đó khoảng 375.000 tỷ đồng".
2 nguồn xử lý nợ xấu theo vị chuyên gia này là từ dự phòng rủi ro và tài sản đảm bảo. "Tuy nhiên, với mức dự phòng hơn 70.000 tỷ đồng mà các tổ chức tín dụng trích lập được đem so với số nợ xấu 375.000 tỷ đồng thì số trích lập dự phòng rủi ro quá ít. Chúng ta cần ít nhất 2,5 lần số trích lập dự phòng trên để bù đắp nợ xấu", ông Hiếu phân tích.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu đang có xu hướng giảm tốc. Theo ông Nguyễn Văn Bình, trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn, nhưng nợ xấu vẫn có chiều hướng tăng chậm lại từ quý II/2012. Tốc độ nợ xấu tăng trong tháng 1 là 7,29% tháng 2 là 8,42%; tháng 3 là 9,35%; tháng 4 là 8,28%; tháng 5 là 6,59% và theo con số cập nhật mới nhất đến tháng 6 là 1,2%.
Thống đốc cho hay, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với khách vay cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản bảo đảm, trích lập và sử dụng dự phòng rui ro để xử lý nợ xấu.
Về tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong giai đoạn 2011 - 2011 đã tập trung đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau khi xác định được 9 ngân hàng cổ phần yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cơ cấu lại được 5 trường hợp (3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên: SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất; trường hợp tự cơ cấu của TienPhong Bank và thương vụ sáp nhập Habubank và SHB).
"Đối với các ngân hàng yếu kém còn lại, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu", Thống đốc nêu trong văn bản báo cáo. Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị, khi xử lý ngân hàng yếu kém cần phải làm khẩn trương để hạn chế tổn thất từ kinh doanh thua lỗ, từ tình trạng mất thanh khoản diễn ra từng ngày.
Thanh Thanh Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét