Số người mắc tiểu đường tại Việt Nam hiện có thể lên đến gần 5 triệu, vượt xa so với dự đoán đến năm 2030 là 3 triệu. Một nửa số này không hề biết mình có bệnh và chỉ đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.
Người gày cũng bị tiểu đường/16 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường
Theo công bố của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới vào năm 2011, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ này thực chất cao hơn rất nhiều. Trong số này, nhiều trường hợp bệnh đang diễn tiến âm thầm, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Thực tế, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì 6 người đã có biến chứng. Ngay các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa điều trị đúng mức.
Bệnh tiểu đường không thể chữa nhưng có thể ổn định bằng
chế độ ăn hợp lý, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đủ. Ảnh: N.P.
Chia sẻ bên lề lễ khai mạc Làng thay đổi bệnh đái tháo đường tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, đa số bệnh nhân đều không đạt được mục tiêu điều trị. Theo bà, với bệnh nhân tiểu đường việc điều chỉnh chế độ ăn là một trong những mục tiêu quan trọng. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức khó khăn.
Câu chuyện của bác Thuận, 63 tuổi, ở Khâm Thiên, Hà Nội, là một ví dụ. Cũng như rất nhiều bệnh nhân tiểu đường khác, bác biết bệnh hoàn toàn do tình cờ. Cách đây 10 năm, bác đi bộ ở công viên gần nhà thì gặp một đoàn bác sĩ đến thử đường huyết miễn phí. Người đàn ông nặng 75 kg thử đường huyết chỉ để cho biết, không ngờ phát hiện nguy cơ mắc chứng bệnh của nhà giàu này.
“Tôi ăn ngủ rất khỏe, 12h ăn, đến 15h có thể ăn tiếp, 17h vẫn ăn được nữa. Ngày có khi ăn đến 9 bát cơm. Chính vì thế mà đến khi bác sĩ tư vấn ăn uống giảm đi đối với tôi thực sự rất khó khăn. Đói lắm, một bữa tôi ăn 3-4 bát cơm, giờ thì phải giảm xuống 2 rồi 1 bát”, bác Thuận chia sẻ.
“Với chế độ ăn được khuyến cáo, tôi chỉ thực hiện được 50%. Đợt trung thu vừa rồi đường huyết của tôi lại tăng vọt chỉ vì ăn quá nhiều bánh ngọt. Cũng may là tôi cũng đã giảm được 5 kg, và chưa có biến chứng gì”, bác Thuận cho biết thêm.
Theo phó giáo sư Khuê, khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo chất bột đường chiếm 50-60%. Nên chọn loại đường hấp thụ chậm, nhiều xơ như gạo lứt, chất đạm chiếm 15%, khoảng 1 gr tính trên mỗi kg cân nặng một ngày, mỡ động vật ít dưới 7%.
Bên cạnh đó, hiện nay một số người bệnh chưa hiểu đúng về việc ăn chay khi bị tiểu đường. Có người cho rằng, người bệnh chỉ ăn chay, ăn quá nhiều tinh bột thì không tốt. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, nếu ăn chay mà vẫn đảm bảo tỷ lệ như trên thì không vấn đề gì. Ngược lại, nhiều người lại nghĩ ăn chay là để chữa bệnh cũng không đúng. Ăn chay không phải là thuốc nên chắc chắn không thể dùng ăn chay để thay thuốc chữa bệnh. Nhiều nhà sư ăn chay nhưng vẫn có người bị tiểu đường.
Ngoài ra, khi ăn chay người bệnh có nguy thiếu một số vi chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin B12, vitamin D, canxi… Vì thế, có thể khắc phục bằng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, ăn chay linh hoạt, ăn chay bán phần hoặc uống bổ sung vitamin và khoáng chất.
“Người bệnh cần tính toán để có một chế độ ăn hợp lý, cái gì quá cũng là không tốt. Như trái cây rất tốt nhưng cũng chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều, vì như thế một lượng đường fructose đáng kể trong trái cây biến thành mỡ. Như thế lại thành ra có hại”, phó giáo sư Khuê phân tích.
Nhiều nguời bệnh đang chịu ảnh hưởng nhiều của quảng cáo, gây hiện tượng nhiễu thông tin. "Họ nghĩ ăn cái này, uống cái kia thì có thể khỏi được bệnh, trong khi đó đây là bệnh chỉ có thể ổn định được. Ăn uống đúng cách, luyện tập thường xuyên, uống thuốc đầy đủ thì đường ổn định, biến chứng sẽ rất ít xảy ra. Ngược lại nếu bắt đầu thờ ơ điều trị, ăn ẩu trở lại, ít vận động, người tăng cân trở lại, hậu quả kéo theo là biến chứng", phó giáo sư Khuê cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo hậu quả của bệnh tiểu đường rất nặng nề, là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Vì thế, nếu đang ở giai đoạn cửa sổ hay tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh (đường huyết lúc đói 5,6-7 mmol/l). Nếu không can thiệp 33% bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.
Trường hợp đã mắc bệnh thì cần tuân thủ đúng hướng dẫn. Với tiểu đường tuýp 2, việc chữa trị thời gian đầu gồm: giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục. Khi những phương pháp trên không thể kiểm soát được sự tăng đường huyết nữa, bệnh nhân sẽ được uống thuốc. Nếu thuốc vẫn không đáp ứng tốt, phương pháp trị liệu với insulin và loại thuốc tiêm khác sẽ được xem xét tới.
Người có các biểu hiện như: thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nam Phương
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Đái tháo đường không còn là bệnh phổ biến trong giới "nhà giàu" mà đang trở thành mối lo không của riêng ai. Số người mắc bệnh này có xu hướng tăng cao, trong những năm gần đây.
Theo báo cáo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (International Diabetes Federation, gọi tắt IDF), năm 2011, Việt Nam có 1,7 triệu người bị đái tháo đường, với khoảng 3,2% bệnh nhân là người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79. Dự đoán đến năm 2030, số người bệnh sẽ tăng lên 3,1 triệu người (tương đương 3,5% tổng số người trưởng thành). Tuy nhiên, con số trên có thể giảm đi vì việc điều trị bệnh hiện nay đã có những bước tiến mới.
Từ trung tâm y tế...
Hiện nay, số lượng bác sĩ điều trị bệnh đái tháo đường tại Việt Nam vẫn còn hạn chế mặc dù đã có nhiều lớp tập huấn được tổ chức. Nhận thức của cộng đồng về bệnh còn thấp, kéo theo số lượng lớn người chưa được phát hiện bệnh. Chưa kể, sự thiếu cơ sở dữ liệu đầy đủ về thực trạng người bệnh đái tháo đường, hạn chế về cơ sở vật chất cũng góp phần cản trở việc điều trị bệnh.
Trước thực trạng trên, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Y Tế và Đại sứ quán Đan Mạch đã phát động chương trình "Chăm sóc bệnh đái tháo đường" (Vietnam Diabetes Care Program VDCP), với sự hỗ trợ của tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk. Mục tiêu là trong ba năm tới, số trung tâm chăm sóc đái tháo đường, lượng bác sĩ có kinh nghiệm sẽ tăng lên. Các chương trình tư vấn người dân với quy mô rộng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, tăng cường công tác tầm soát bệnh trên phạm vi cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyến cùng ông Jesper Hoiland, Phó tồng giám đốc cấp cao tập đoàn Novo Nordisk cùng khánh thành trung tâm Chăm sóc đái tháo đường. |
Trong ba năm tới, chương trình dự kiến sẽ tập huấn thêm về đái tháo đường cho 2.000 bác sĩ chuyên môn. Các bác sĩ sẽ đào tạo tiếp cho tuyến dưới để cải thiện tình trạng thiếu nhân lực hiện nay. Ngoài ra, một mạng lưới các trung tâm đái tháo đường cũng được thiết lập để cải thiện cơ sở vật chất chăm sóc người bệnh.
... Đến sâu trong lòng dân
Có người thân mắc bệnh đái tháo đường mới biết sự nguy hiểm và gánh năng từ căn bệnh mãn tính này cho. Bệnh nhân phải hiểu về bệnh và được chẩn đoán đúng, điều trị đúng cùng như tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn của bác sĩ về chế độ ăn uống, thời gian liều lượng dùng thuốc… để đạt kết quả điều trị cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng của những điều này.
Để thông tin đến được sâu trong lòng dân, hướng đến ngày Đái tháo đường thế giới (14/11), Bộ Y tế đã phối hợp cùng các hiệp hội và bệnh viện lớn trong thành phố, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk tổ chức Làng "Thay đổi bệnh đái tháo đường". Chương trình tại Hà Nội diễn ra ở công viên Thống Nhất, ngày 6-14/11 và một tại TP HCM là sân vận động Nguyễn Du, ngày 11-14/11. Trong Làng có các khu vực để giáo dục về đái tháo đường, kiểm tra nguy cơ mắc bệnh, đo nồng độ đường huyết trong máu, tư vấn y tế cho bệnh nhân, hướng dẫn chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.
Người tham dự Làng "Thay đổi bệnh đái tháo đường" được kiểm tra đường huyết. |
Cùng thời điểm này, chương trình cũng cho ra mắt xe lưu động "Thay đổi bệnh đái tháo đường" từ thành phố đi đến các khu ngoại thành và quận huyện vùng sâu vùng xa. Điều này nhằm đem kiến thức, tăng điều kiện kiểm tra đường huyết miễn phí đến khắp mọi miền đất nước. Đái tháo đường khó có thể chữa khỏi, song người bệnh nên được chuẩn đoán sớm và điều trị đúng để giúp mình sống khỏe, sống vui.
Ngọc Bích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét