Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

VN: Cái giá của tăng trưởng nóng


Giới phân tích cho rằng ổn định vĩ mô chưa đủ để giải quyết hậu quả do theo đuổi tăng trưởng nhanh trong những năm qua của Việt Nam.
Từ sau Nghị Quyết số 11 đến nay, đã có nhiều biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam và nhiều ý kiến cho rằng chất lượng quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam trên thực tế cho đến nay đã được cải thiện đáng kể.
Bản báo cáo đầu tháng 10 của HSBC nói Việt Nam đã thành công trong việc làm nguội nền kinh tế quá nóng nhằm ổn định vĩ mô, mặc dù để đạt được điều này, chính phủ phải chấp nhận đánh đổi bằng tăng trưởng thường niên thấp xuống.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chỉ ổn định vĩ mô chưa đủ để duy trì độ tín nhiệm của nền kinh tế, vốn đang hứng chịu hậu quả của mô hình tăng trưởng nhanh, khiến tốc độ tín dụng lên tăng chóng mặt trong một thập kỷ qua.

Hậu quả của tăng trưởng bằng mọi giá
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt ngày 3/10, ông Christian Guzman, chuyên gia phân tích của Moody’s Investors Service nhận xét tăng trưởng tín dụng là một phần của mô hình phát triển tại Việt Nam những năm qua.
Tuy nhiên ông nhận xét "vấn đề phát sinh ở chỗ nhà nước Việt Nam đã để tăng trưởng tín dụng vượt mốc chỉ tiêu."

“Năm 2010, cả mốc lạm phát và tăng trưởng tín dụng đều bị phá vỡ khi chính phủ muốn nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng trước thềm Đại hội Đảng hồi tháng 1 năm ngoái," ông Guzman cho biết thêm.
Trong khoảng thời gian 5 năm từ 2007 đến 2011, tăng trưởng tín dụng vào mức 33,7% đã vượt qua cả mức tăng trưởng GDP trung bình thường niên trên danh nghĩa 21,3% và tăng trưởng thường niên trung bình thực sự 6,6%.
"Ổn định vĩ mô không đủ sức bù đắp được cho rủi ro đến từ sự xuống cấp được dự đoán trước của hệ thống ngân hàng". Christian Guzman, chuyên gia phân tích của Moody's Investor Service
Chỉ riêng doanh nghiệp nhà nước đã chiếm đến 45% tín dụng ngân hàng, 68% vốn, 55% tài sản cố định, theo báo cáo của Sứ quán Anh tại Hà Nội hồi tháng Sáu năm nay.
Báo cáo tháng Mười của HSBC nhận xét nhiều năm đẩy vốn một cách lãng phí vào các doanh nghiệp Nhà nước yếu kém và đầu tư công đã khiến Việt Nam nặng gánh nợ nần, một vấn đề tác động đến khắp nơi khi các doanh nghiệp, kể cả tư doanh và Nhà nước giờ đây phải gánh chịu chi phí vay mượn cao, nhu cầu thấp trong khi người tiêu dùng đối mặt với chi phí tiêu dùng cao và thu nhập thấp.

Một cây làm chẳng nên non
Trong thời gian gần đây, nỗ lực kiềm chế các khoản cho vay vô tội vạ đã kiểm soát được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đáng kể.
"Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại vào thời điểm cuối 2010, đầu 2011 và đến 2012 thì đã chậm lại hẳn," theo nhận định của ông Kalra Sanjay, đại diện thường trú tại Việt Nam của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Cách đây không lâu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor còn nâng xếp hạng tín nhiệm của ba ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm Vietcombank, Sacombank và Techcombank và hạ mức xếp hạng rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ 10 xuống 9 với lý do chế độ vận hành đã có cải thiện mặc dù những rủi ro về cân bằng kinh tế vẫn còn.
Tuy nhiên ngày 28/9, Moody's lại hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và tám ngân hàng thương mại trong nước.
Giải thích cho sự hạ bậc này, ông Guzman nói: “Chúng tôi thừa nhận chính phủ đã thành công trong việc làm giảm độ quá tải của nền kinh tế từ năm ngoái.”
“Thế nhưng xét hoàn cảnh đầy thử thách của môi trường kinh tế nơi mà sự nới lỏng tiền tệ không giúp tăng nhu cầu vay vốn và tăng trưởng cho vay gần như giậm chân tại chỗ, Moody’s tin rằng ổn định vĩ mô không đủ sức bù đắp được cho rủi ro đến từ sự xuống cấp được dự đoán trước của hệ thống ngân hàng.”
Moody's cho rằng khối nợ xấu khổng lồ hiện tại vẫn đang hạn chế khả năng vay mượn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế và tăng quan ngại về một gói cứu trợ tốn kém cho ngành ngân hàng từ phía chính phủ.

Hướng giải quyết mập mờ

Moody's

Chuyên gia của Moody's cho rằng chỉ dựa vào ổn định kinh tế vĩ mô không đủ sức duy trì mức tín nhiệm của Việt Nam
Trong một thông cáo ngày 29/8 năm nay, Standard & Poor nói yếu kém trong quản lý và kém minh bạch là những rủi ro hàng đầu từ trước đến giờ của Việt Nam trong mắt tổ chức này.
"Sự chênh lệch trong thống kê trong nước với tiêu chuẩn thống kê thế giới cũng như sự mập mờ xung quanh vị trí kinh tế thực sự của những ngân hàng hiện tại đang tiếp tục che đậy cho những vấn đề thực sự họ đang đối mặt," Moody's bình luận trong thông cáo đăng tải cuối tháng Chín.
Ngay cả đến bây giờ, mặc dù nhiều ý kiến từ giới quan sát cho rằng Việt Nam đang có những dấu hiệu cho thấy sự bắt đầu của quá trình làm sạch hệ thống, tuy nhiên không ai biết kế hoạch cụ thể sẽ là gì.
Trong cùng bản thông cáo, Moody's nhận định: "Hiện tại, cải cách rất chậm chạp, những bước đi tiếp theo không rõ ràng và cổ phiếu của ngân hàng thì kém cỏi, dẫn đến khả năng huy động vốn là rất thấp."
HSBC cũng nhận xét mặc dù có những biểu hiện muốn làm sạch bộ máy kinh tế nhất định, phía chính phủ vẫn không cho biết chiến lược cụ thể là gì.
Trong lúc đó, với lãi suất được dự đoán là ở mức thấp trong những quý tới, khó mà thấy được các ngân hàng sẽ huy động vốn ở thời điểm hiện tại như thế nào.
Ông Guzman bình luận: "Việc các ngân hàng thắt chặt cho vay sẽ tạo thành một chuỗi phản ứng lặp lại lên nền kinh tế."
"Điều cần nhất đối với ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại đó là cân bằng một cách thích hợp giữa những quyết định tài chính trong lúc duy trì sự tự tin của người gửi tiền vào lúc này."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét