Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Quyền làm súc vật của con bò, quyền làm người của Cao Thái Sơn

 

Trong khi một số tờ báo, tự cho mình là chính thống, lên giọng đạo đức với báo “lá cải” thì một tờ báo cho mình là “giáo dục” lại cử phóng viên vác máy quay dí vào mặt những cô gái mãi dâm bị bắt. Còn QH thì bàn chuyện mãi dâm.
Chiều qua 31.6, ĐB QH Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên đứng trên nghị trường đề nghị “”Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên đưa người mua dâm vào. Bởi không có cơ sở nào nói rằng người bán dâm thì bị bệnh mà người mua dâm thì không”. Quốc hội nghe câu này liền cười ồ tán thưởng.
Ngẫm ra, lời phát biểu của bà Kim Chi đúng là lẽ công bằng. Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh theo diện “phục hồi nhân phẩm” thì không có lý nào người mua dâm lại không phải “phục hồi nhân phẩm”. Nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, ĐB QH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói thẳng  rằng việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là hạn chế quyền tự do chứ không phải chữa bệnh chữa biếc gì hết. Trong chính tờ trình của Chính phủ lần này cũng “gạch đầu dòng” hàng loạt lý do để bỏ hẳn câu chuyện “chữa bệnh”, thực ra là cái “bình mới” của sự ngớ ngẩn và bảo thủ mang tên “phục hồi nhân phẩm” cũ rích. Thứ nhất: Việc đưa các cô gái vào “cơ sở chữa bệnh” thực chất là vì hành vi vi phạm của họ, chứ không phải họ bị bệnh. Thứ hai: Mục đích của việc “chữa bệnh” là cách ly họ khỏi cộng đồng, bản chất là hạn chế quyền tự do của công dân. Mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế – xã hội, bằng sự bảo vệ, chứ không thể cưỡng từ đoạt lý mà tống một vi phạm hành chính, một đối tượng bị tổn thương, vào trại.
Sẽ không bao giờ có chuyện “Trang Trần đắc thắng với Hồng Hà”, câu chuyện “phục hồi nhân phẩm” cũng sẽ trở thành tiếu lâm khi mà mại dâm được chính thức thừa nhận như một thứ nghề- một thứ lao động phải đổ không ít mồ hôi trên mồ hôi dưới.

Đức Khổng Tử có câu: Muốn chê nhà người khác bẩn, phải xem lại trên mái nhà mình có tuyết không đã. Thưa các bậc nhân phẩm cao cả. Các cô gái chẳng may bị bệnh thì người phải lo cuống lên đầu tiên là chính họ. Còn chuyện nhân phẩm ư. Khó nói lắm thưa các đồng chí chưa bị lộ.
Nghe Chính phủ trình thế, Quốc hội bàn vậy, toàn những tư tưởng tiến bộ, người mừng nhất có lẽ là…Hồng Hà. Ấy thế nhưng chính báo chí lại làm cái việc là bôi do trát chấu nhân phẩm của các cô gái. Hồng Hà hôm qua đã được cho về nhà. Khổ nỗi, cô muốn yên thân nhưng báo chí dứt khoát không cho cô yên. Một tờ báo đã cử hẳn “nhóm phóng viên” vác camera dí vào mặt cô và sau đó một clip được đăng với tựa đề “Diễn viên Hồng Hà gạt máy ảnh phóng viên khi bị quay phim”.
Nhớ lại hồi câu chuyện các cô gái mại dâm bị bắt, bị “lột truồng”, bị quát “bỏ tay ra” để “nhà chức trách” quay phim, chụp ảnh ở Quảng Ninh, nỗi nhục bấy giờ còn có mái tóc để che, chứ không đến mức bị báo chí chĩa máy ảnh vào mặt như bây giờ. Mới biết “lá cải” hay không “lá cải” không ở câu chuyện số lượng những bản tin “cướp hiếp giết”. Và, giữa người bị quay phim vì bán dâm và người quay phim để bán sự xấu hổ của các cô gái thật khó nói ai mới là người cần “phục hồi nhân phẩm”.
Xin cảm ơn Quốc hội, cảm ơn nữ nghị sĩ Đặng Thị Kim Chi. Chỉ tiếc là không ai nói thêm cho các cô gái một thứ “quyền cơ bản” là “quyền được che mặt”, chí ít là bằng…báo, để khỏi bị bêu là “gạt máy ảnh phóng viên khi bị quay phim”. Nếu muốn có một tiền lệ, xin hãy ngó sang báo chí nước ngoài. Ngay cả trọng phạm cũng không bị dí máy ảnh vào mặt trước khi bị tòa án tuyên là có tội. Bởi điều lớn hơn cả sự vi phạm, là quyền con người, quyền được tôn trọng nhân phẩm ngay cả khi anh phạm tội.
Tuần rồi, giới “sâu bít” lại xảy chuyện. Lần này là scandal của chàng ca sĩ “Con đường mưa” Cao Thái Sơn. Không bình luận việc đây có phải là một kiểu “lộ hàng” hay “chén sống fan hâm mộ” để tự PR. Cũng không nói đến việc có tới 30 nhà báo đến… nhà hàng và làm một cái việc là “vote cho Cao Thái Sơn là gay”. Chỉ xin nói đến hai chữ “nghi án giới tính” và thái độ “bàng hoàng” mà báo chí đã dùng. Sự “bàng hoàng” đối với “nghi án” này sẽ dẫn tới một logic là: “Nghi phạm” Cao Thái Sơn mắc “tội” bị gay. Đấy, báo chí tự vỗ ngực “không lá cải” đã cho mình một cái quyền to như quan tòa dù đồng tính không phải là bệnh hoạn, không vi phạm pháp luật, thậm chí từ năm 1973, đã không còn không còn bị coi là một bệnh tâm thần nữa. Chẳng phải là vừa tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama trả lời phỏng vấn hãng tin ABC đã nói rằng ông nghĩ các cặp đôi đồng tính nên được làm đám cưới.
Thật may cho Elton John, cho Ricky Martin, cho Lindsay Lohan vì họ không phải sống trong sự kỳ thị, không bị báo chí kết tội như ở Việt Nam.
Chuyện Cao Thái Sơn tất nhiên sẽ trôi vào dĩ vãng, bởi anh có “chuẩn men” hay không chỉ mỗi anh biết, trừ phi anh đòi cưới…chồng. Nhưng phải nhắc trước họ Cao rằng anh muốn lấy…chồng, muốn mưu cầu hạnh phúc cũng không phải là dễ.
Gương tày liếp cũng vừa đó xảy ra ở Cà Mau xa thẳm với một đám cưới có nhiều sự lạ. Lạ không phải là cả tân giai nhân và tân nương đều có… râu cằm mà ở chỗ “khách không mời” hiếu kỳ đến xem đông gấp mấy lần khách có thiệp mời đãi tiệc, và lạ nhất là chính quyền đến lập biên bản tại “hiện trường”.
Bản thân sự hiếu kỳ của “hàng trăm khách không mời” đã cho thấy sự kỳ thị đối với những người đồng tính. Còn việc cử công an, dân phòng đến “lập biên bản tại hiện trường” yêu cầu “chú rể và cô dâu” ra khỏi tiệc cưới cho thấy sự mẫn cán đáng ngạc nhiên của chính quyền trong việc tẩy chay “thế giới thứ ba” và kiên quyết lùa bọn “bóng” ra khỏi luật Hôn nhân và gia đình. Khổ cho cô dâu chú rể. Họ muốn được làm người- một người thuộc thế giới thứ ba- nhưng không ai cho họ làm người. Họ muốn chỉ một điều giản dị là “mưu cầu hạnh phúc”- cũng là thứ quyền được Hiến pháp trang trọng tuyên bố, nhưng chính quyền nhất nhất cho đó là sai trái và bị dư luận xã hội ném đá bệnh hoạn.
Cách đây chưa lâu, tờ Bưu điện Washington đã kêu gọi “quyền làm súc vật” cho những con bò khi đăng trên trang nhất hình ảnh một con bò đang bị làm thịt mà không được tiêm thuốc mê, thậm chí chưa  chết hẳn trước khi bị sả thịt. Một biểu tượng về sự tàn ác của con người khi sự vô cảm với đau đớn đã trở thành phổ biến, thành bình thường.
Có thể, những con bò Mỹ, nhờ Bưu điện Washington sẽ có “quyền làm súc vật”. Có thể, luật pháp Mỹ, nhờ sự ủng hộ của tổng thống đương nhiệm Obama sẽ sửa đổi để công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng ở ta, nhu cầu được yêu thương, mong ước được sống bình dị và hạnh phúc bên “người vợ” của những người đồng tính hơi bị khó.
Năm ngoái, khi đám cưới đồng tính nữ đầu tiên diễn ra ở Hà Nội, một quan chức Bộ VH-TT và DL phẫn nộ: “Tôi cực kỳ lên án sự kiện này, điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của người Việt, mà còn là trái với pháp luật VN”.
Thuần phong mỹ tục là gì vậy? Luật pháp phải chăng là do người ngoài hành tinh tạo ra, thưa ông quan?
Những người thuộc giới tính thứ ba, những đám cưới đồng tính có bất thường không ? Hoàn toàn không. Sự bất thường, nếu có, là ở xã hội, ở luật pháp. Một xã hội kỳ thị, ném đá những người “khác mình” là một xã hội man rợ. Một hệ thống luật pháp không bảo vệ quyền chính đáng cho dù chỉ một thiểu số công dân thì đó là thứ luật pháp không vì con người.

1 nhận xét: