Ngân hàng dồn dập công bố hạ lãi suất cho vay
Hạ lãi suất, doanh nghiệp vẫn khó khăn
Đáng nói ở chỗ, lãi suất huy động VND liên tục giảm trong vòng 1 tháng, trong khi không ai dám chắc NHNN sẽ ép các NHTM hạ lãi suất cho vay, bởi một số DN cho biết vẫn phải vay với lãi suất cao, đến 18-19%/năm suốt nhiều tháng nay, kể cả sau đợt giảm 1% vào tháng 3 vừa qua. Điều đó có nghĩa, những người đang sống bằng lãi suất hàng tháng từ sổ tiết kiệm sẽ phải dè sẻn hơn nữa và phần chênh ra từ phần dè sẻn ấy NHTM lại tiếp tục được hưởng như những lần trước chứ chưa chắc người đi vay đã được hưởng!
Thêm nữa, việc thu phí ATM giao dịch nội mạng đã nhiều lần được các NHTM đặt ra nhưng do bị dư luận phản đối nên không ai dám công khai thu cả. Thế nhưng thực tế một số NH vẫn thu ở một số dịch vụ và điều đó khiến những NH chưa thu “kém miếng khó chịu” và họ nhất loạt đòi “công bằng”! Sự đòi hỏi “công bằng” của một nhóm nhỏ ấy bỗng trở nên bất công đối với hàng triệu công nhân lao động trong các KCN, KCX, người nghèo hưởng chính sách, viên chức sự nghiệp v.v… khi mỗi tháng chỉ lãnh vài đồng lương còm cũng buộc phải ra máy ATM rút do chủ trương “chống tham nhũng” và “không dùng tiền mặt”!
Rõ ràng chính sách đang “thít cổ” số đông và “vỗ béo” các NHTM! Điều này không cần chứng minh, bởi chỉ nhìn vào lợi nhuận từ kết quả kinh doanh năm 2011 và quý I/2012 và tỷ lệ chia cổ tức đã thấy những con số “khủng” ở tất cả các tên tuổi NHTM lớn, trải dài từ Bắc vào Nam.
Dĩ nhiên trong một nền kinh tế đầy biến động khó có chính sách nào vừa lòng tất cả mọi người. Nếu có lợi cho nhóm này thì có hại cho nhóm kia và ngược lại. Vì thế đòi hỏi của nhân dân đối với người hoạch định chính sách là phải cân đối, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đặc biệt là không thể dành đặc quyền, đặc lợi kéo dài cho một nhóm, bởi đó xóa bỏ bất công mới giữ được sự ổn định chính trị-xã hội.
Bác Hồ đã dạy “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Mong rằng những người cầm cân nảy mực ghi nhớ nằm lòng điều đó, vận dụng một cách công tâm, nhất là khi Đảng đang thúc đẩy công cuộc xây dựng, chỉnh đốn lại đội ngũ, nhất là đội ngũ của chính những người đứng đầu cấp cao nhất!
Bút Lông
Ngân hàng dồn dập công bố hạ lãi suất cho vay
http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/573060/Ngan-hang-don-dap-cong-bo-ha-lai-suat-cho-vay-tpol.html
Lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế khá bất ngờ. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng, đây là bước đi cần thiết đối với nền kinh tế.
Việc các ngân hàng công bố thông tin hạ lãi suất cho vay sẽ nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN. |
Chính vì vậy, sau khi có công bố hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đã thông báo hạ lãi suất. Đáng chú ý, không chỉ hạ lãi suất huy động mà nhiều ngân hàng đã hạ luôn cả lãi suất cho vay.
Đến thời điểm này hầu hết tất cả các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa lãi suất huy động về 12%/năm như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, TienphongBank, ABBank... Thậm chí có một số ngân hàng còn giảm xuống dưới 12%/năm, điều này cho thấy lãi suất vẫn còn có chiều hướng giảm thêm.
Một điều bất ngờ là khác với những lần điều chỉnh lãi suất huy động trước là phải có một độ trễ nhất định thì các ngân hàng mới tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng lần này nhiều ngân hàng đã lên tiếng áp dụng luôn mức giảm tương ứng so với giảm trần lãi suất huy động.
Đi tiên phong là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngay chiều ngày 11-4 đã công bố mức giảm lãi suất cho vay với mức hạ từ 1% - 2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường giảm sâu 2,5% so với trước, còn 14,5%/năm. Điều đáng chú ý là BIDV áp dụng cho vay bất động sản cũng chỉ như cho vay thông thường vào khoảng 14,5% đến 16%/năm.
Giảm mạnh nhất, xuống 13% - 14%/năm, rơi vào các nhóm đối tượng ưu tiên đặc biệt, như cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay sản xuất, hỗ trợ xuất, vay khắc phục hậu quả bão lũ…
Ông Phạm Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, lãi suất cho vay bất động sản với chỉ đạo cũ năm 2011 thì các ngân hàng thường cho vay cao hơn 5-10% so với các lĩnh vực khác. Nhưng hiện nay theo chỉ đạo chung khi loại trừ một số đối tượng vay bất động sản ra khỏi diện “không khuyến khích”, thì Ngân hàng cũng mạnh dạn đưa ra mức lãi suất vay hợp lý hơn nhằm hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực này.
Sau BIDV, một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là Techcombank cũng đã tuyên bố dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu… tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt, đáp ứng các qui định và điều kiện của Techcombank.
Cũng bắt đầu từ 11-4, Eximbank dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.
Những ngân hàng khác như TienphongBank, ABBank cũng đã đưa ra những gói lãi suất ưu đãi cho vay ngay từ những ngày đầu của đợt giảm lãi suất lần thứ hai này.
Từ ngày 11-4-2012, TienPhong Bank đã ban hành biểu lãi suất huy động mới tối đa là 12% cho các kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.
Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động còn 13% hồi tháng 3-2012, nhiều khách hàng đã chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài do ngại lãi suất sẽ tiếp tục giảm, vì vậy ngân hàng cũng dễ cân đối nguồn, chủ động hơn trong hoạt động cho vay.
Ông Việt Anh cũng cho biết thêm ngân hàng vừa có chính sách tín dụng mới với hệ thống sản phẩm cho vay đa dạng hơn trên toàn hệ thống trong đó mở rộng đối tượng cho vay, ưu tiên các gói vay mua nhà, mua ô tô...
TienPhong Bank tiếp tục triển khai chương trình dành 1.500 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh xuất khẩu..., một số dự án tốt còn được hưởng mức lãi suất thấp nhất là 14%.
Cũng từ ngày 10-4 đến hết ngày 30-6-2012, ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Nhìn nhận về xu hướng hạ lãi suất tiếp theo trong năm 2012, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng năm nay có thể sẽ có 3-4 lần hạ lãi suất. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước là mỗi quý có thể hạ 1% lãi suất, riêng trong 1 tháng qua đã hạ được 2%, nhưng giảm thế nào, mức độ ra sao thì còn phụ thuộc phần lớn vào tín hiệu thị trường.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng mong muốn của nền kinh tế, doanh nghiệp là lãi suất huy động có thể giảm về mức 10%/năm, cùng với đó lãi vay sẽ giảm tương ứng để đảm bảo lợi ích tiền gửi và tiền vay của khách hàng. Tuy nhiên, rất khó đoán định vì còn phụ thuộc vào tình hình “sức khỏe” kinh tế trong từng khoảng thời gian nhất định.
Trên thực tế, đã có 1 số ngân hàng giảm lãi suất cho vay về mức 12% -13% nhưng chưa nhiều và cũng chưa nắm rõ được cơ cấu của số vay này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng dư nợ.
Cũng chung nhận định này, bản tin nội bộ của HSBC cho rằng việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.
HSBC cũng dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong các quý sau, kỳ vọng đến cuối năm nay, lãi suất trên thị trường mở (OMO) sẽ về ngưỡng 10%/năm.
Theo Minh Thúy
Vietnam+
Vietnam+
Hạ lãi suất, doanh nghiệp vẫn khó khăn
http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/572988/Ha-lai-suat-doanh-nghiep-van-kho-khan-tpp.html
TP - Đợt hạ lãi suất cho vay trước đây 1 tháng và giảm lãi suất huy động trong ngày 11-4 vẫn chưa đủ sức làm cho các doanh nghiệp cựa quậy hay hào hứng.
“Lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, ông Đặng Quốc Hùng, nói với PV Tiền Phong ngày 11-4. Theo ông Hùng, lãi suất các ngân hàng cho doanh nghiệp vay thấp nhất cũng phải 18%/năm, với mức đó dù ngân hàng có sẵn sàng thì nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay, bởi không thể trả nổi. Những khó khăn về vốn kéo dài thời gian qua đã bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu vì không đàm phán được với các đối tác. Giá thành tăng cao (vì giá đầu vào tăng), trong khi các đối tác không ngừng đòi giảm giá. Kể từ tháng 3, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mất thị trường xuất khẩu vì không có đơn hàng.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Câu lạc bộ CEO (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM) cho rằng, vấn đề hiện nay không còn là chuyện lãi suất nữa mà là thị trường. Bây giờ lãi suất có xuống thấp nữa thì nhiều doanh nghiệp cũng chưa chắc dám vay vì sức mua trên thị trường đang giảm trầm trọng. Khi sức mua giảm thì lượng hàng tồn kho tăng lên và doanh nghiệp chôn vốn trong đó.
Theo ông Đỗ Long, Phó chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), việc đình đốn, đóng cửa sản xuất phần lớn rơi vào các doanh nghiệp phải sử dụng vốn vay với tỷ lệ lớn và doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập để sản xuất.
Khẩn cấp cứu doanh nghiệp
“Phải lập tức cứu doanh nghiệp!”, bà Phương nói. Bà Phương cho rằng, vấn đề cần làm ngay để cứu doanh nghiệp, là phải đưa tỷ giá hợp lý. Phải nới lỏng việc cho vay ngoại tệ, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về thì nên cho họ vay ngoại tệ theo nhu cầu, chứ không siết. Thứ ba là giải cứu doanh nghiệp, xem doanh nghiệp nào có nguy cơ phá sản thì cứu bằng cách mua lại, hỗ trợ vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất. Thực chất của việc cứu doanh nghiệp là cứu người lao động có công ăn việc làm, ổn định đời sống.
Nhóm chuyên gia của ngân hàng ANZ là bà Phạm Hải và ông Paul Gruenwald nói: Tốc độ quá nhanh của chính sách bình ổn tiền tệ không khỏi làm chúng tôi lo lắng. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao và sẽ có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay . Thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi đó giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm như xăng dầu vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép lên giá cả từ nhu cầu của người dân vẫn không dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét