Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nhà văn Lê Lựu: cuộc trò chuyện bất tận với chính mình và với độc giả

Nhà văn Lê Lựu: cuộc trò chuyện 
bất tận với chính mình và với độc giả



Nhà văn Lê Lựu: Không thể rời xa cây bút

Bình Nguyên Trang
Mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, mỗi ngày phải uống “một vốc thuốc”, nhưng tác giả “Thời xa vắng” chưa khi nào rời xa chiếc bàn làm việc và cây bút.
Nhân ngày 22/12, chúng tôi đến thăm nhà văn Lê Lựu một trong những nhà văn quân đội tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ. Sức khỏe mỗi ngày một kém, nhà văn Lê Lựu thậm chí không thể chống gậy mà phải nhờ các cháu ở Trung tâm văn hóa doanh nhân dìu ra tiếp khách. Cứ nói chuyện văn chương vài câu, nhà văn Lê Lựu lại xúc động khóc. Ông bảo, mỗi năm đến ngày 22/12 tâm trạng ông lại ngậm ngùi nhớ về cái thời đi đánh trận và những năm tháng làm nhà văn mặc áo lính.

Tác phẩm gây ấn tượng mạnh nhất với bạn đọc của Lê Lựu là “Thời xa vắng”, được nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá là đã gây một tiếng vang lớn vượt quá sức tưởng tượng của tác giả, ngay từ khi xuất bản lần đầu, và để lại một dấu ấn đậm nét trong Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Những người yêu mến Lê Lựu và quan tâm đến văn học thời kỳ chống Mỹ có lẽ không ai chưa từng đọc “Thời xa vắng” của ông, vui buồn cùng số phận anh nông dân Giang Minh Sài. Đây là cuốn tiểu thuyết ôm chứa một dung lượng lớn về chặng đường lịch sử dân tộc suốt 30 năm từ 1945 đến 1975, đã được đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh chuyển thể thành phim truyện nhựa năm 2003 và giành giải thưởng Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam 2004.


Không chỉ là “Thời xa vắng”, gắn bó với tên tuổi Lê Lựu còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa”, “Sóng ở đáy sông”… Lê Lựu đã xây dựng nên những nhân vật điển hình trong văn chương Việt Nam cuối thế kỷ XX, ám ảnh rất lâu trong tâm trí người đọc, như Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Núi (Sóng ở đáy sông)… Ông là một nhà văn có nhiều độc giả, được yêu mến bởi cái chất “quê quê” rất đặc trưng của mình.

Là một nhà văn - chiến sĩ, trực tiếp đứng trong hàng ngũ những người lính Cụ Hồ, nếm trải những khó khăn gian khổ của chiến tranh nên phần lớn sáng tác của Lê Lựu đều tập trung vào đề tài người lính với những hy sinh mất mát của họ trong chiến tranh và trong cả thời bình. Khi nhắc đến văn học Việt Nam thời chống Mỹ người ta chắc chắn là không thể quên tên Lê Lựu. Vì vậy, ông rất xứng đáng được có mặt trong danh sách 10 nhà văn được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh 2011, cùng với các tác giả nổi tiếng khác như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Hà Minh Đức, Hữu Thỉnh, Bùi Hiển, Đỗ Chu, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Lê Văn Thảo...

Tôi hỏi Lê Lựu, rằng ông có quan tâm tới giải thưởng không, ông ngậm ngùi một lát rồi chia sẻ: “Thực ra những người cầm bút như tôi không ai viết vì giải thưởng cả. Từ trước tới nay có ai treo giải cho mình đâu, mà mình vẫn viết đấy thôi. Điều quan trọng nhất là mình để lại cái gì cho bạn đọc. Tác phẩm của mình có làm người ta nhớ không, có ám ảnh người ta không mới đáng để bàn. Giải thưởng bản chất của nó là cao quý, để tưởng thưởng cho những ai xứng đáng với nó. Nhưng nếu giải thưởng không chính xác, không đúng đắn thì nó bị tầm thường đi. Nếu tôi không được giải thưởng thì nếu có buồn là tôi buồn nhân tình thế thái, chứ tôi không buồn chuyện cá nhân mình”.

Mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, mỗi ngày phải uống “một vốc thuốc”, nhưng tác giả “Thời xa vắng” chưa khi nào rời xa chiếc bàn làm việc và cây bút. Ông vẫn viết rất đều. Mới đây nhất, ông cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Ở quê ngày ấy” viết về đề tài nông thôn.

Ông chia sẻ: “Việc viết văn không giống với việc tạo ra sản phẩm từ công nghệ mới, cứ cái sau thì tốt hơn cái trước. Viết văn là đòi hỏi từ nhu cầu cá nhân và cả Trời cho nữa. Không phải lúc nào tác phẩm mình viết sau cũng hay hơn tác phẩm trước. Nếu mình có một tác phẩm được đánh giá tốt cũng đã là may mắn rồi. Nhưng không phải mình có tác phẩm nổi tiếng rồi thì mình ngừng viết. Viết với tôi không thể ngừng, vì đó là nhu cầu, là cuộc trò chuyện bất tận với chính mình và với độc giả”.

Nhà phê bình Ngô Thảo: Lê Lựu là một trong những nhà văn có đóng góp quan trọng làm nên diện mạo văn chương thời kỳ đổi mới. Nếu trước đây văn học là một sự lạc quan toàn bộ, vì lý do tất cả cho chiến thắng, thì đến Lê Lựu, những trang văn đã báo hiệu một sự lo lắng về những cái không hoàn thiện mà chúng ta phải cảnh giác với nó trong cuộc sống thời bình. Văn chương Lê Lựu có tính dự báo rất mạnh. Lê Lựu không ngừng trăn trở, day dứt về con người thời hậu chiến và những bất trắc trong cuộc sống. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên của Lê Lựu từ chiến trường gửi về, tôi đã giới thiệu trên Văn nghệ Quân đội và tin tưởng đây sẽ là một gương mặt đáng giá của văn học chống Mỹ. Về bút pháp, Lê Lựu cũng có rất nhiều đổi mới đáng được ghi nhận. Nếu chúng ta kể tên các nhà văn tiêu biểu thời kỳ chống Mỹ, không được phép thiếu Lê Lựu.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Không ai có thể phủ nhận Lê Lựu là một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn xuôi thời kỳ chống Mỹ với các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc như “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”... Ông rất xứng đáng được vinh danh với giải thưởng Hồ Chí Minh. Nếu vì lý do nào đó mà tác giả “Thời xa vắng” không được trao giải thì rất tiếc, thì đúng là văn học chúng ta đang “xa vắng” thật rồi.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Nói như nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến thì văn của Lê Lựu “cứ như bún dính vào nhau”, ý nói đến chất quê rất đậm đà trong văn Lê Lựu. Đó còn là cảm giác của con người trong những “dính dáng” với thiên nhiên, với những hủ tục lạc hậu, với cái đẹp và với cả cái xấu. Cái cảm giác văn chương của Lê Lựu mang đến cho độc giả là rất đáng kể, là độc đáo trong văn học chống Mỹ và thời kỳ đổi mới. Về nội dung, Lê Lựu rất giỏi trong những câu chuyện giữa người nhà quê với người thành thị.
Tôi cho rằng một nhà văn lớn phải có những nhân vật lớn, những nhân vật điển hình gắn liền với tên tuổi của họ. Nếu như Xec-van-tec gắn liền với nhân vật Đông-ky-sốt, Nguyễn Minh Châu gắn liền với nhân vật Lão Khúng thì Lê Lựu gắn liền với nhân vật Giang Minh Sài. Nói khác đi, có thể làm tượng Giang Minh Sài thay cho tượng Lê Lựu được. Có không ít nhà văn viết rất hay, quy mô tác phẩm lớn, nhưng lại không tạo ra được nhân vật điển hình của mình. Lê Lựu không chỉ tạo ra Giang Minh Sài, mà còn có nhân vật anh Núi trong “Sóng ở đáy sông” cũng rất ám ảnh.
Hơn nữa, Lê Lựu lại là một người có đóng góp trong chiến tranh. Tác phẩm đầu tay của ông từ chiến trường gửi ra tuy chưa lớn nhưng đã báo hiệu về một tài năng lớn. Hình ảnh người lính nông dân trong tác phẩm của Lê Lựu là rất đậm đà. Ông xứng đáng là một gương mặt văn xuôi tiêu biểu nhất trong văn học thời kỳ chống Mỹ.


Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét