Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

"Các quốc gia cạnh tranh như thế nào?"

Tài liệu cũ lưu trên máy tính:



Trong phần này, độc giả Anh Minh giới thiệu tới độc giả một nội dung quan trọng của cuốn sách “Các quốc gia cạnh tranh như thế nào” của GS. Richard H.k.Vietor trường quản trị kinh doanh Harvard: Vai trò của chính phủ. Vì cuốn sách được viết rất chặt chẽ nên để tìm hiểu hiểu vấn đề một cách logic, mời bạn đọc xem lại các phần đã đăng tải.
Rất khó để rút ra một kết luận chung vì hoàn cảnh của mỗi nước là rất khác nhau nhưng tôi có thể nêu ra 10 yếu tố nên được áp dụng trong chính sách. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng để đạt được hiệu quả thì những chính sách cần phải đồng nhất với nhau về mặt chiến lược.
Để có thêm góc nhìn về vai trò nhà nước, vai trò các chính phủ trong thời đại toàn cầu hoá cũng là có thêm cơ sở tư duy về triết lý phát triển cho Việt Nam, với khát vọng đưa đất nước ta, dân tộc ta thoát khỏi cảnh một nước chậm phát triển, sánh vai cùng bè bạn năm châu. Tôi xin giới thiệu một số phần trong cuốn sách để bạn đọc VietNamNet tham khảo và tranh luận.
Các quỹ đạo toàn cầu hoá
Nhờ toàn cầu hoá, các nước hiện nay cạnh tranh để phát triển. Điều này có thể thấy rõ từ nghiên cứu của chúng tôi ở 10 quốc gia hiện nắm giữ ba phần tư giá trị kinh tế thế giới. Những nước này cạnh tranh với nhau để giành thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Họ cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, sản xuất và quốc phòng. Thành công toàn diện là nền tảng cho phát triển và thịnh vượng. Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, phát triển riêng từng nước phổ biến và dễ dàng hơn. Nhưng hiện nay, trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới, cạnh tranh giữa các quốc gia đã trở thành một xu hướng phổ biến. Và trong cạnh tranh toàn cầu, chính phủ đóng vai trò quyết định.
Chính phủ không chỉ thực thi chính sách tài chính và tài khoá mà còn thiết lập và củng cố các định chế hỗ trợ cho phát triển. Chính sách thương mại, khuyến khích tiết kiệm, môi trường tài chính có lợi cho đầu tư, quản lý doanh nghiệp, phân phối thu nhập công bằng, xoá sổ tội phạm và chấm dứt tham nhũng chỉ là một vài định chế chính phủ trung ương thiết lập và duy trì. Kết hợp các chính sách này lại với nhau sẽ tạo ra chiến lược quốc gia và kết hợp những định chế sẽ tạo ra cơ cấu tổ chức cần thiết. Theo đuổi chiến lược quốc gia bằng tổ chức nhà nước có thể tạo bước phát triển đột biến nhưng cũng có thể dìm quốc gia đó trong nhóm kém phát triển.
Bốn nhân tố cho phát triển kinh tế thành công là: (1) chiến lược quốc gia, (2) cơ cấu kinh tế, (3) phát triển nguồn lực, và (4) sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Chiến lược, dù công khai hoặc không công khai, cũng đều chứa các yếu tố kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tổ chức là tập hợp các định chế (cả theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp) mà một chính sách quốc gia được tạo ra để thực thi chiến lược của quốc gia đó. Cả chiến luợc và cơ cấu phải phát triển được các nguồn lực (nguồn lực tự nhiên, con người, công nghệ và vốn) và chọn phương thức đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực này.
Từ 10 quốc gia chúng tôi nghiên cứu, có thể thấy có rất nhiều sự lựa chọn phương thức khác nhau. Một số nước có sự thành công diệu kì như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một số lại trải qua những thăng trầm trong phát triển như Mê-hi-cô, Nam Phi, Ấn Độ và Italia. Một số khác lại gặp phải thất bại trong khoảng năm 2000 khi mà có trong tay cả sự thịnh vượng cũng như cải cách thể chế, Nga và Ả-rập Xê-út là minh chứng.
Vai trò không thể thiếu của Chính phủ
Rất khó để rút ra một kết luận chung vì hoàn cảnh của mỗi nước là rất khác nhau nhưng tôi có thể nêu ra 10 yếu tố nên được áp dụng trong chính sách. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng để đạt được hiệu quả thì những chính sách cần phải đồng nhất với nhau về mặt chiến lược.
Thứ nhất là các quyền sở hữu tài sản cơ bản. Những quyền này là rất quan trọng. Nếu quốc gia nào không bảo vệ được quyền sở hữu tài sản cá nhân và quyền trao đổi những tài sản này thì sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện tại sẽ bị ảnh hưởng. Điển hình là Trung Quốc trước năm 1983 và Nga trong những năm 1990. Thị trường không thể phát triển được do những nước này không đảm bảo được quyền sở hữu tài sản, không có khung pháp lý hợp hiến những khế ước khả thi. Thị trường chỉ phát triển và góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong khuôn khổ pháp lý được đảm bảo do nhà nước đề ra.
Thứ hai là sự cần thiết phải có những chính sách kinh tế vĩ mô mềm dẻo. Trong đó, trước tiên là phải có những chính sách tài khoá đáng tin cậy. Từ 10 quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu và dựa vào lịch sử các nền kinh tế khác cho thấy thâm hụt tài khoá sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển quốc gia đó. Chẳng hạn, thâm hụt tài khoá dẫn đến khủng hoảng nợ ở Mê-hi-cô, Ấn Độ và Nga, hay sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc. Còn ở Italia, Nhật Bản và Hoa Kỳ chúng tôi thấy nợ đọng kéo theo những nguy cơ đối với sự phát triển bền vững.
Chắc chắn, những kịch bản về đình trệ hoặc khủng hoảng kinh tế do thâm hụt chi tiêu của chính phủ gây ra. Thâm hụt ngân sách vừa phải có thể kích thích tiêu dùng và/hoặc đầu tư cho đến khi nền kinh tế có thể tự lực được. (Xem sơ đồ tăng trưởng của Hoa Kỳ kể từ năm 2002). Do vậy, các nước vẫn cho phép thâm hụt ngân sách và tăng dần về lượng, nhưng tất nhiên sự thâm hụt này phải được bù đắp. Nếu phát hành thêm tiền sẽ gây ra lạm phát, còn nếu không sẽ phải tăng lãi suất, gạt đầu tư tư nhân trong nước ra khỏi nền kinh tế và tăng nợ nước ngoài. Về dài hạn, chi tiêu vượt mức chính phủ giống như chi tiêu vượt mức trong gia đình.
Thứ ba là tầm quan trọng của tiết kiệm và đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế. Những nước có nhiều tiết kiệm và đầu tư hơn là những nước phát triển hơn, như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Mê-hi-cô và Nam Phi. Những nước không đầu tư cho nguồn nhân lực và vốn hữu hình thì không thể cạnh tranh lâu dài được. Hiện Mê-hi-cô, Ấn Độ, Nam Phi và Ả rập Xê-út vẫn duy trì mức đầu tư tư nhân ở mức thấp - chỉ khoảng một nửa của Singapore và Trung Quốc - sớm muộn gì những tính toán nhất thời này sẽ làm mất năng lực cạnh tranh của họ.
Có chính sách, thể chế, những động cơ và xu hướng văn hoá khuyến khích tiết kiệm là vô cùng quan trọng. Quỹ Dự phòng Trung ương Singapore là một điển hình mà Hoa Kỳ và Nam Phi nên áp dụng. Đương nhiên là có thể thu hút tiết kiệm nước ngoài để gây quỹ đầu tư như Hoa Kỳ đã thực hiện trong suốt hai thập niên qua. Nhưng về dài hạn, tiết kiệm trong nước vẫn tốt hơn là tiết kiệm nước ngoài bởi nhiều lý do. Việc thanh toán nợ ảnh hưởng rất lớn đến nội tệ và ít nhiều liên quan đến tỷ giá hối đoái. Một nước phải bán tài sản của mình cho nước ngoài để lấy tiền tiết kiệm thì thế hệ sau của đất nước đó phải gánh chịu sự mất mát về tài sản. Đây cũng là vấn đề nan giải mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt.
Tiêu dùng thoả mãn nhu cầu hiện tại và tiết kiệm đảm bảo nhu cầu tương lai. Sự cân bằng giữa hai yếu tố này thiết yếu với bất kỳ xã hội nào. Năm 2006, Hoa Kỳ, Me-hi-cô và Nam Phi đã không đảm bảo được sự cân bằng này. Cái giá của tiêu dùng quá mức không thể hiện ra ngay nhưng chúng sẽ tự lộ ra trong tương lai. Trước khi quá muộn, những nước này cần phải điều chỉnh lại nhằm tăng tiết kiệm nếu như họ muốn cạnh tranh được với những nước đã làm được điều này.
Thứ tư là vai trò cần thiết của ngân hàng trung ương mạnh (nhưng không nhất thiết là phải độc lập) đối với tăng trưởng không lạm phát. Những nước như Singapore, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu và gần đây là Mê-hi-cô, Ấn Độ, và Nam Phi đã làm được điều này. Các ngân hàng trung ương cần phải đảm bảo khả năng thanh khoản cho tăng trưởng nhưng nếu không phù hợp sẽ làm giá cả tăng vọt. Ngày nay, đặc biệt là trong nền kinh tế toàn cầu, lạm phát là thảm hoạ. Nó làm lãi suất tăng cao và làm yếu đồng tiền bản tệ. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương ngày càng hướng vào các mục tiêu lạm phát hoặc tối thiểu cũng quan tâm đặc biệt đến lạm phát.
Thứ năm là tầm quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt. Đối với tất cả các quốc gia, chúng tôi thấy rằng tự do hoá đôi khi rất cần thiết để thúc đẩy phát triển. (Tự do hoá, theo tôi, có nghĩa là xoá bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư nước ngoài, một chính sách tỷ giá ngoại hối theo quy luật thị trường và tư nhân hoá tất cả những tài sản có khả năng cạnh tranh). Chắc chắn những rào cản có thể sẽ (hoặc đã) có ích tại một thời điểm nào đó. Chúng tôi tìm ra những điều đó ở Nhật Bản, Trung Quốc và thậm chí Italia. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, khi kinh tế quốc gia phát triển và kinh tế toàn cầu phát triển thì những hạn chế kinh tế vi mô bóp méo sự tăng trưởng và cần phải được giải quyết. Trung Quốc, Italia và Nga hiện đang giải quyết vấn đề này. Ả-rập Xê-út và các nước phương Tây cũng nên nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Thứ sáu là sự linh động của thị trường lao động. Hoa Kỳ có một thị trường lao động khá linh động - hầu như không có một quy định nào hạn chế tuyển dụng và sa thải, lương tối thiểu thấp, mức bảo hiểm thất nghiệp khá thấp (khoảng 6 tháng). Đây là một trong những thế mạnh lớn nhất của Hoa Kỳ. Tương tự, Trung Quốc và Singapore cũng có thị trường lao động linh hoạt - Trung Quốc ít có quy định bảo vệ lao động còn Singapore có tổ chức công đoàn không mạnh. Nhưng ở Mê-hi-cô, Nam Phi, Ấn Độ và Châu Âu chúng tôi thấy luật lao động rất chặt chẽ và những quy định cứng nhắc về thị trường lao động làm giảm năng suất, cản trở các doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, và kéo đơn giá lao động. Đặc biệt ở Italia, nơi nào mà năng suất lao động cao thì thị trường lao động không hiệu quả đòi hỏi những khoản chi tiêu lớn của chính phủ và khiến sự điều chỉnh cơ cấu gặp khó khăn. Tương tự như ở Nhật Bản, chúng tôi thấy những quy định về văn hoá và xã hội cũng có kết quả tương tự trong gần 2 thập kỉ qua.
Thứ bảy là sự sẵn có của tài nguyên. Tài nguyên ở Mê-hi-cô, Ả-rập Xê-út, Nga và Nam Phi rất khó được quản lý. Ở mỗi quốc gia, chúng tôi đã quan sát những khoản thu từ những nguồn tài nguyên này “tiếp tay” cho những khoản chi tiêu không thiết thực của chính phủ cũng như tạo đà cho tham nhũng. Hơn nữa, sự sẵn có của tài nguyên giá trị như vậy có xu hướng đẩy đồng tiền bản tệ vượt quá giá trị. Sự tăng chi tiêu của chính phủ khiến lạm phát và giá cả tăng cao, xuất khẩu những sản phẩm không phải là tài nguyên sẽ ít cạnh tranh hơn - thường vẫn được gọi là hiện tượng “bệnh Hà Lan”. Quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên đòi hỏi chính phủ phải có tập hợp những công cụ tổ chức nhằm tránh sự bóp méo tất cả những nhân tố khác của nền kinh tế. Nga, với quỹ bình ổn dầu mới, đang cố gắng khuyến khích Na-uy giải quyết vấn đề này.
Thứ tám là hai vấn đề xã hội - tham nhũng và bất ổn thu nhập. Đa số những quốc gia có tệ tham nhũng cao - Mê-hi-cô, Ấn Độ và Nga - chậm phát triển. Những nước có mức tham nhũng tương đối thấp - Singapore, Hoa Kỳ và Nhật Bản - phát triển nhanh hơn nhiều. Người ta có thể kết luận rằng phát triển sẽ gây ra tham nhũng, nhưng tôi nghĩ đến điều ngược lại, lạm phát thấp hơn làm phát triển nhanh hơn. Trung Quốc dường như là một ngoại lệ. Nước này có tệ nạn tham nhũng cao nhưng vẫn phát triển nhanh. Nhưng, không thể phủ nhận Trung Quốc đang giàu lên -cả về mặt xã hội và kinh tế - có tỉ lệ làm phát ngày càng thấp hơn.
Thứ chín là sự phân bố thu nhập không công bằng đang kìm hãm sự phát triển, làm yếu cơ cấu xã hội. Mê-hi-cô (đại diện cho Mỹ Latin), Nam Phi (đại diện cho Châu Phi) và Nga (đại diện Đông Âu) có sự mất cân bằng thu nhập lớn. Nhật Bản, Italia, Singapore và gần đây là Hoa Kỳ có sự phân bố thu nhập cân bằng hơn. Tôi thấy những mối quan hệ này không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Sự phân bố thu nhập không chỉ gây ra sự mâu thuẫn xã hội mà còn gây cản trở phát triển, do đa số dân cư không có tiền mua sắm. Tàn dư của chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và những vấn đề hạ tầng nông thôn và giáo dục là nguyên nhân của nghèo đói, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phân bố thu nhập, chống tham nhũng cũng như chính sách thuế tiến bộ.
Cuối cùng là tính không đối xứng trong nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các vùng có thặng dư tài khoản vãng lai (hoặc có thể có mức thâm hụt ngân sách thấp). Một số vùng thuộc Nhật Bản có mức thặng dư lớn nhưng sự thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ chiếm tới 80%. Sự thâm hụt này có thể sẽ lớn hơn trong năm 2006. Đây là vấn đề vừa mang tính chất ngắn hạn vừa mang tính chất dài hạn. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là Hoa Kỳ nắm giữ phần lớn tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của thế giới. Bất kỳ khi nào Hoa Kỳ gặp suy thoái kinh tế, các nước xuất khẩu vào nước này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Ngược lại, để duy trì phát triển, Hoa Kỳ phải vay rất nhiều từ nguồn tiết kiệm của thế giới, bằng cách bán dần tài sản của mình và ngày càng mắc nhiều nợ trong dài hạn.
Sự mất đối xứng này không thể kéo dài mãi. Thực sự, bản thân tôi cho rằng sự kiên nhẫn của thế giới sắp gần hết. Dù sớm hay muộn, hoặc tỷ giá hối đoái sẽ điều chỉnh hoặc một số nước cho vay sẽ mất bình tĩnh. Khi điều đó xảy ra, một cuộc điều chỉnh toàn cầu mạnh mẽ sẽ không tránh khỏi - làm giảm mức sống ở Hoa Kỳ, gây ra thất nghiệp trên diện rộng cũng như suy thoái sâu sắc ở những nơi khác trên thế giới.
Chúng tôi đều thấy vai trò thiết yếu của định chế chính phủ - cả tốt và xấu - ở cả 10 nước được nghiên cứu. Đây là trọng tâm của cuốn sách này. Khi các đảng phái chính trị cho phép thâm hụt ngân sách quá mức, định chế chính trị ấy đang thất bại. Khi toà án cho phép tội phạm có tổ chức hoặc tham nhũng tràn lan, định chế đó cũng đang thất bại. Nhưng khi các cơ quan chính phủ khuyến khích tiết kiệm hoặc kiểm soát lạm phát hoặc tái đầu tư nguồn lực đi vay, những cơ quan đó đang hoạt tốt. Khi lương hưu được chi trả, y tế có hiệu quả, người nghèo được học hành, thì chính phủ đó đang tạo ra những định chế cần thiết để tạo ra sự phát triển kinh tế ổn định.
Phần II: Con đường và kịch bản
Điều nên bàn đến hiện nay có thể là con đường phát triển trong tương lai gần. Đó là nếu ai đó biết một vị trí của một đất nước trong thời gian vừa qua cũng như hiện nay, họ có thể rút ra một số kết luận có logic về vị thế mà đất nước này đang tiến tới.
...Doanh nhân cần hiểu thị trường toàn cầu và chính sách chính phủ để (1) biết được sự cạnh tranh, (2) đánh giá cơ hội mở rộng kinh doanh trên thị trường quốc tế, (3) cân nhắc nguy cơ và ích lợi của đầu tư trực tiếp nước ngoài, và (4) phán đoán hậu quả của biến động tỷ giá hối đoái đối với thương mại, đầu tư và lãi suất. Tôi tin họ cần hiểu những vấn đề này trên con đường phát triến trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng cũng vì lợi ích quốc gia, doanh nhân và những người có hiểu biết khác phải buộc những nhà lãnh đạo chính trị xây dựng những định chế mạnh và áp dụng những chính sách có hiệu quả.
Điều nên bàn đến hiện nay có thể là con đường phát triển trong tương lai gần. Đó là nếu ai đó biết một vị trí của một đất nước trong thời gian vừa qua cũng như hiện nay, họ có thể rút ra một số kết luận có logic về vị thế mà đất nước này đang tiến tới. Ví dụ như Hoa Kỳ, chúng tôi biết thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ tiếp diễn nhiều năm nữa, mặc dù chính phủ thực hiện biện pháp giảm thâm hụt ngay. Chúng tôi biết vị thế thương mại của Hoa Kỳ - thâm hụt gần 800 tỷ USD - không thể đảo ngược trong một vài năm tới. Thậm chí nếu tỷ giá hối đoái được điều chỉnh đột ngột, hoặc là tiết kiệm của Hoa Kỳ tăng lên thì cũng phải mất nhiều năm - có thể 5 đến 10 năm để thay đổi khả năng sản xuất của mình cũng như nâng vị thế xuất khẩu.
Trong khi đó, chúng ta biết rằng không có tiết kiệm có nghĩa chúng ta phải bán tài sản cho nước khác trong những năm tới nhằm tăng vốn đầu tư trong nước. Tất nhiên, nợ thuần của Hoa Kỳ sẽ tăng lên 2 nghìn tỷ USD đến 3 nghìn tỷ USD trong vài năm tới. Điều này có thể cho chúng ta biết một điều gì đó về giá trị của đồng USD và hướng lãi suất thực.
Tương tự, để tránh một số loại khủng hoảng chính trị và môi trường, chúng ta có thể phán đoán còn đường tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này sẽ tiếp tục tăng ở mức độ cao trong một vài năm tới. Điều này sẽ cho chúng ta biết một điều gì đó về đầu tư trực tiếp nước ngoài, về vị thế thương mại hàng hoá và dịch vụ, về mức tăng lương. Tuy nhiên, dự đoán này có thể sẽ làm người dân Mê-hi-cô, Nam Phi và thậm chí Châu Âu khá lo lắng bởi vì thị phần của Châu Á chắc chắn tăng lên.
Chúng ta hãy nghĩ một chút về tương lai gần sử dụng những kịch bản bắt nguồn từ những phán đoán mà chúng ta đã dày công phát triển. Chúng ta sẽ bắt đầu từ Singapore, quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á. Ở đây, chúng tôi thấy những định chế hoạt động vô cùng hiệu quả cộng với sự lãnh đạo sáng suốt đã làm Singapore trở thành một quốc gia giàu có. Nhưng hiện nay, trong tương lai gần, Singapore đang ngày càng bị áp lực bởi Trung Quốc và Ấn Độ ở phía sau cũng như Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ và Châu Âu ở phía trước dù chiến lược thuế thấp và hạ tầng hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học, có thành công hay không. Nếu thành công, chúng ta có thể hy vọng Singapore sẽ là một siêu cường dịch vụ tại Đông Nam Á, nhanh chóng đuổi kịp mức thu nhập của Châu Âu. Nếu không thành công, điều gì sẽ xảy ra đối với sự tăng trưởng của Singapore khi công việc thấp cấp và đầu tư rơi vào tay Trung Quốc?
Kịch bản phát triển cho Trung Quốc là rõ ràng hơn. Khi chúng ta nghĩ một phần về con đường tăng trưởng của Trung Quốc, chúng ta có thể phác ra 2 con đường phát triển cho tương lai gần. Trung Quốc đã và đang phát triển với mức tăng trên 8%/năm và có thặng dư trong tài khoản ngày càng lớn. Con đường này sẽ hứa hẹn hơn khi Trung Quốc dần điều chỉnh theo những cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khuyến khích tiêu dùng, tăng giá đồng nhân dân tệ, và dần tự do hoá chính thể, quan hệ thương mại (và cả đối ngoại) chắc chắn sẽ phát triển. Nếu ông giúp các ngân hàng xoá nợ xấu mạnh mẽ hơn, tạo ra một hệ thống quản lý phù hợp hơn, tiếp tục tư nhân hoá những ngành nhà nước đã chiếm hữu thì Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong ít nhất một thập kỷ tới.
Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục đi trên con đường hiện tại, tăng xuất khẩu quá nhanh mà không tự do hoá thương mại, nước này chắc chắn sẽ gặp vấn đề. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải chi 100 tỷ USD mua trái phiếu của Hoa Kỳ mỗi năm, nhờ vậy, kích thích và thúc đẩy kinh tế trong nước (giá cả và tài sản) tăng quá nhanh. Nếu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không thể cải cách ngân hàng, khu vực nhà nước cũng như cố gắng duy trì quyền lực của mình, áp lực sẽ tự nảy sinh trong nội bộ đất nước này. Nhu cầu năng lượng, nhập khẩu lương thực tăng nhanh nhờ vào đồng nhân dân tệ có mức giá thấp và xuất khẩu hàng sản xuất vào Hoa Kỳ sẽ gây ra mất thăng bằng cũng như buộc Hoa Kỳ phải áp dụng các rào cản thương mại. Lúc đó, công nhân Trung Quốc có thể sẽ nổi loạn.
Những vấn đề này đã được thừa nhận tại kỳ họp của Quốc hội nước này trong tháng 3 năm 2006. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào xác định rằng sự phân bố thu nhập trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và môi trường là những vấn đề quan tâm hàng đầu trong vòng 5 năm tới. Ông kêu gọi gia tăng tiêu dùng, tăng năng suất lao động, hơn là tiết kiệm và đầu tư quá mức. Tuy nhiên, ông chưa đề cập gì đến vấn đề cải cách chính trị. Khi đến thăm Trung Quốc trước khi kỳ họp quốc hội này bế mạc, phái đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ thúc ép Trung Quốc nâng tỷ giá hối đoái. Sau đó, họ trở về Hoa Kỳ đầy lạc quan, tiếp tục đợi chờ cho đến tìm đến biện pháp áp thuế đối với Trung Quốc.
Tôi tin đây giống như là trò tung hứng mà Trung Quốc sẽ theo đuổi. Họ vẫn ủng hộ tiếp tục tăng trưởng và cải cách từng bước. Nhưng chính phủ cần khắc phục sự mất cân đối mà quá trình tăng truởng gây ra - đối với trong nước là thu nhập, ngân hàng, năng lượng và môi trường còn đối với bên ngoài là thặng dư quá nhiều, đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Đối với các doanh nghiệp, những kịch bản này sẽ tạo ra sự khác biệt rõ ràng. Ở kịch bản tích cực, cơ hội đầu tư sẽ rất nhiều. Một doanh nghiệp như GE sẽ dự báo về sự phát triển vượt bậc trong kinh doanh của mình tại Trung Quốc - điện, hạ tầng, tuốc-bin phản lực, chất dẻo và hệ thống y tế - tất cả những thứ này Trung Quốc sẽ cần cho mục tiêu phát triển của mình. Ngân hàng và các doanh nghiệp dịch vụ phức tạp có thể nghĩ đến sự tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường này khi cam kết với WTO được thực hiện và khi mà luật sở hữu trí tuệ được thực thi.
Mặt khác, bằng cánh giữ mức lương thấp và đồng nhân dân tệ yếu, kịch bản tiêu cực sẽ tiếp tục đe doạ những công ty sản xuất nhỏ hơn. Những nước như Mê-hi-cô, Malaysia, Thổ Nhĩ Kì và Nam Phi có thể bị ảnh hưởng xấu khi phải cạnh tranh với những thị trường có mức lương tương tự.
Ấn Độ, tụt hậu so với Trung Quốc tới 2 thập kỷ, phải đối đầu với thách thức khác. Với một nền dân chủ bị chia rẽ bởi bất đồng dân tộc và tôn giáo, Ấn Độ cần mở rộng cửa hơn nữa. Về mặt chính trị, nguy cơ lớn nhất là xung đột giữa người Hindu và người Hồi giáo và với Pakistan. Vấn đề kinh tế của nó tập trung vào thâm hụt tài khoá, bất công trong thu nhập, hạ tầng không đầy đủ và thiếu vốn nước ngoài.
Ở đây, hãy hình dung về một kịch bản mà Ấn Độ tự do hoá mạnh mẽ, giảm thâm hụt và tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước. Làm như vậy, tăng trưởng có thể lên tới 9%/năm, giúp phát triển cơ sở hạ tầng và giúp giảm nghèo hơn nữa. Với mức thất nghiệp thấp hơn, xung đột dân tộc và tôn giáo có thể sẽ giảm bớt, giúp đàm phán hoà bình với Pakistan. Tăng trưởng cao cộng với thu thuế có hiệu quả hơn sẽ giảm thâm hụt ngân sách sau một vài năm, giúp tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức 86% hiện nay. Làm được như vậy sẽ giúp giảm chi tiêu chính phủ, hạ thấp mức lãi suất thực tế và hỗ trợ đầu tư. Một chiến lược tích cực như vậy sẽ khuyến khích mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài như cách các công ty phương Tây xây dựng cơ sở hạn tầng và vị thế của mình ở những thị trường hạ nguồn với giá trị gia tăng cao hơn.
Một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Liên minh chính phủ (của nghị viện và Cộng sản) có thể sẽ không hoàn thành được cải cách và khiến thâm hụt tài khoá tăng vọt. Áp lực năng lượng có thể làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai, làm gia tăng định kiến với phong trào bài ngoại. Xung đột dân tộc và xung đột quốc tế có thể vì đó mà nghiêm trọng hơn, cản trở luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển hạ tầng nói riêng và phát triển của Ấn Độ nói chung. Có thể những công ty nước ngoài đã phải gánh chịu những điều này, khiến đầu tư FDI trở nên quá mạo hiểm.
Quay trở lại Châu Mỹ Latin với sự phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng nợ, chúng ta có thể nghĩ về những kịch bản cho Mê-hi-cô trong năm năm tới. Mê-hi-cô tất nhiên phải cân nhắc việc cạnh tranh với Trung Quốc, Malaysia, thậm chí Singapore trong tương lai gần. Nam Phi, Mê-hi-cô có vẻ như đang bị “mắc kẹt ở giữa”. Với ích lợi từ việc gia nhập NAFTA và đầu tư trực tiếp nước ngoài, Mê-hi-cô đã tạo ra được ngành kinh tế xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn một triệu người. Nhưng ngành xuất khẩu này ngày càng chịu nhiều thách thức từ Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và có thể Ấn Độ trong dịch vụ gia công. Như vậy, trong cạnh tranh chuỗi giá trị gia tăng với những nước ở phía sau, Mê-hi-cô đang thất thế do mức lương và mức sống của nước này cao hơn. Còn trong cạnh tranh chuỗi giá trị gia tăng với những nước đi trước, Mê-hi-cô thiếu chuỗi cung cấp, giáo dục và kinh nghiệm để cạnh tranh với những nước như Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Câu hỏi đặt ra là người Mê-hi-cô sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu với sức cạnh tranh hơn như thế nào? Họ có thể thay đổi gì trong chiến lược tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng. Với chương trình chống lạm phát mạnh mẽ, họ có thể làm cách nào để giữ đồng tiền không tăng giá tới mức làm mất tính cạnh tranh của xuất khẩu - đặc biệt là khi Trung Quốc sẽ không chọn giải pháp tăng giá đồng nhân dân tệ? Nguồn tài nguyên của Mê-hi-cô sẽ mang đến nhiều hứa hẹn nhưng chỉ với cải cách chính phủ thì công ty PEMEX (hoặc những công ty điện khác) mới tái đầu tư mạnh mẽ.
Trong cuộc bầu cử năm 2006, nền dân chủ non trẻ cùng với nền kinh tế vĩ mô ổn định của Mexico đang đứng trước những thách thức từ phe cánh tả đối lập. Nếu đắc cử tổng thống, liệu ông Lopez Obrador, ứng cử viên Đảng Dân chủ Cách mạng có giống như ông tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil chỉ nói về công cuộc cách mạng chứ không phải là việc thực hiện chính sách khả thi hay là giống như Tổng thống Hugo Chávez của Venezuela đang làm hỏng nền dân tuý nước này? Hay là liệu Đảng Dân chủ của tổng thống Felipe Calderon có thể thông qua bộ luật nhằm đẩy mạnh tính cạnh tranh đất nước không? Và thêm vào đó, các công ty nước ngoài sẽ làm ăn ra sao ở Mexico, hoặc sẽ đầu tư hay đánh giá những lựa chọn đầu tư như thế nào? Liệu họ có thể tính trước được tỷ giá hối đoái, mức lãi suất và mức lương không?
Chúng tôi chọn Nga để kiểm tra sự sụp đổ của hệ thống Đông Âu cũng như quá trình điều chỉnh và phục hồi cơ cấu ở nước này. Tất nhiên, Nga gặp nhiều khó khăn, gian khổ hơn so với Ba Lan, Cộng hoà Séc hay Hungary. Nga đã thất bại hoàn toàn khi tiến hành tự do hóa kinh tế và chính trị năm 1993. Mãi đến năm 2000, sự đắc cử của một tổng thống mạnh mẽ và theo chủ nghĩa dân tộc hơn (cộng với cả việc giá dầu tăng) thì chúng ta mới thấy chút hy vọng cho cuộc điều chỉnh thực sự. Chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của các định chế - định chế chính thức như ngân hàng và toà án cũng như các định chế khác như quyền tài sản. Ban đầu, quá trình tự do hoá của Nga bị thất bại do thiếu những định chế dân chủ và tư bản cơ bản.
Đối với nước Nga, chúng ta có nhìn thấy một tương lai mà tội phạm, tham nhũng và bất ổn chính trị ngày càng gia tăng khi công cuộc cải cách của Tổng thống Putin không đạt được kết quả. Lạm phát tăng, chủ nghĩa ly khai ở miền Nam nước Nga vẫn tồn tại còn vốn FDI vẫn đứng ở mức tối thiểu. Nền dân chủ sẽ dần mất đi và quan hệ với Hoa Kỳ sẽ xấu đi. Cuối cùng thì nền dân chủ sẽ sụp đổ hoàn toàn, nước Nga sẽ trở lại là một nước trước đây. Đây là đòn mạnh giáng vào các nhà tiêu thụ năng lượng Châu Âu và các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng trên thế giới.
Mặt khác, Putin đã thuyết phục các lãnh đạo chính trị và bắt đầu khôi phục tính pháp lý cho các định chế của Nga. Nếu giá dầu vẫn tăng, thặng dư tài khoản vãng lai lớn, Nga có thể bắt đầu thu hút FDI và có đủ kinh phí để cải cách các định chế kinh tế và xã hội. Vì vậy, tôi luôn giữ một thái độ đồng cảm với Tổng thống Putin và ủng hộ việc sử dụng quyền lực cứng rắn của ông ấy. Thực tế, ông ấy dường như đang hạn chế tự do và điều hành đất nước một cách độc đoán. Nhưng, nhiệm vụ ông đang làm rất lớn. Nếu Tổng thống Putin có thể tái thiết đất nước mà không thường xuyên củng cố quyền lực tổng thống, ông ấy có thể đi vào lịch sử nước Nga với tư cách là một nhà tái thiết vĩ đại.
Đối với bất kì một nhà đầu tư nước ngoài nào, đánh cược vào nước Nga tại thời điểm này thì chắc chắn đây là một cuộc cá cược thực sự. Nếu Nga tiếp tục phát triển và cải cách từng bước, thì các tập đoàn xăng dầu như Royal Dutch Shell và British Petroleum sẽ gặp vấn đề vì đã đặt hàng tỉ đô vào để gánh lấy rủi ro. Ở các lĩnh vực khác như sản xuất hàng tiêu dùng, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và các dịch vụ tài chính cần cân nhắc những kịch bản này một cách thận trọng, nếu không muốn đạt đến đích quá sớm hoặc quá muộn.
Để đánh giá sự phục hưng của Châu Phi, chúng tôi đã xem xét tỉ mỉ nền kinh tế quan trọng nhất của châu lục này là Nam Phi. Sau khi xoá bỏ được nạn phân biệt chủng tộc, Nam Phi đã nỗ lực đấu tranh với các mối bất hoà xã hội để kiểm soát nền kinh tế vĩ mô và thực thi chiến lược tăng trưởng mới dựa trên xuất khẩu. Liệu những quy định mới trong khai thác mỏ, tài chính và bán lẻ có hiệu quả không và liệu thất nghiệp có bắt đầu giảm không? Trong quý 2 năm 2005, tăng trưởng GDP đã đạt 4,8%, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỉ qua. Nếu Tổng thống Thabo Mbeki và nhân dân Nam Phi có thể giải quyết được vấn đề liên quan đến AIDS và tội phạm cũng như đảm bảo phân phối thu nhập công bằng thì có thể Nam Phi sẽ khá hơn.
Mặc dù vấn đề xã hội Nam Phi rất phức tạp, tôi vẫn thấy lạc quan về nước này. Nước này đang có nhiều cơ hội cho đầu tư và một tinh thần sản xuất rất cao. Tất nhiên Nam Phi sẽ còn tốt hơn nếu quá trình cổ phần hoá đạt được những tiến bộ nhất định. Danh mục đầu tư và những khoản đầu tư trực tiếp là cơ hội làm giàu cho nhà đầu tư.
Có lẽ, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất là sự trỗi dậy của đạo Hồi Ả-rập Xê-út là quê hương của đạo Hồi và là nước sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới. Ở đây, chúng ta có thể thấy vấn đề của hiện tượng “bệnh Hà Lan” cũng như sự mâu thuẫn giữa hiện đại hoá và tây hoá rõ hơn bất cứ nơi nào khác. Khi giá dầu tăng kỉ lục, Quốc vương Abdullah có cơ hội tốt nhất để cải cách. Ông ấy nên vừa tự do hoá mối quan hệ giữa nhà thờ Hồi giáo và chính phủ vừa tái thiết cơ sở hạ tầng và tăng sản lượng dầu của tập đoàn dầu khí Arab American Oil Company. Ông ấy cần tìm ra mô hình xây dựng chính phủ ổn định, có thể là giữa giữa nền quân chủ tuyệt đối và sự nổi dậy của những người theo chủ nghĩa chính thống mà phù hợp với nhân dân Ả-rập.
Tuy nhiên, ngược lại với triển vọng này là nguy cơ khủng bố, đặc biệt gia tăng ở khu vực Trung Đông có người Ả-rập. Những nhà lãnh đạo Hồi giáo Iran và cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Iraq tất nhiên không thể giải quyết được vấn đề này. Tương tự, cách này cũng không thể giải quyết xung đột ngày càng gay gắt giữa Israel và Palestine. Nếu hoà bình không cải thiện ở khu vực này và nếu Quốc vương Abdullah không sớm cải cách nền kinh tế chính trị của nước mình, những áp lực từ những người theo chủ nghĩa chính thống có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Tây Âu nói chung và Italia nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm ra chính sách trong một vài năm tới. Cạnh tranh toàn cầu có vẻ như đang vượt qua những quy định lao động khắt khe cũng như làm suy yếu nhà nước phúc lợi. Nếu Châu Âu muốn hội nhập sâu hơn và tăng cường tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu thì cần phải theo đuổi một vài cải cách mạnh mẽ sớm - đặc biệt là Đức, Pháp và Italia. Nhưng nếu Châu Âu chậm trễ, họ sẽ thất bại trước cuộc cạnh tranh với Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như với Trung Quốc và Ấn Độ.
Ở Nhật Bản, chúng tôi thấy sự đình trệ kéo dài cả thập kỷ sau thời kỳ tăng trưởng thần kỳ. Trọng tâm ở đây không chỉ là tập trung vào thâm hụt ngân sách và nợ đọng mà còn tập trung vào sự già đi của dân số - vấn đề đang xảy ra với Italia, Đức, Pháp, Hoa Kỳ và cuối cùng là tất cả các nước phát triển. Chúng tôi cũng tập trung vào các định chế - vào những định chế lao động lỗi thời, quản trị doanh nghiệp lỗi thời, cơ sở giáo dục lỗi thời và tổ chức quốc hội không hiệu quả.
Người ta có thể đặt ra câu hỏi như là có khi nào Nhật Bản trở lại được những ngày vinh quang xưa. Với thâm hụt tài khoá là 7,2% và tổng nợ chính phủ là 169%, người ta có thể tin chắc rằng điều này không thể mãi kéo dài. Ngoài vần đề này, hệ quả của dân số đang ngày càng già đi đối với ngân sách và tỷ lệ tiết kiệm quốc gia, chúng ta có thể hiểu rằng lãi suất lại sắp tăng. Liệu Nhật Bản có thể tiếp tục bù cho thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ nếu tiết kiệm không đủ cho nhu cầu đầu tư và thanh toán nợ?
Biện pháp thay thế cho Nhật Bản là tăng thuế mạnh để bù vào khoản thâm hụt này và thúc đẩy cải cách thể chế, như tư nhân hoá bưu điện trong khi vẫn chấp nhận tăng trưởng chậm. Thách thức lớn nhất của Nhật Bản là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và liệu Nhật Bản có mở cửa cho lao động nhập cư. Tất nhiên, Nhật Bản đang tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng đó không thể bền vững nếu nợ và các dịch vụ nợ ngày càng lớn.
Cuối cùng, chúng tôi nghiên cứu nguồn gốc của thâm hụt và nợ nần của Hoa Kỳ. Dù tăng trưởng cao, lạm phát thấp và những tiến bộ vượt bậc trong năng suất lao động, Hoa Kỳ vẫn đang làm thâm hụt thương mại và ngân sách ngày càng lớn lên vì không có tiết kiệm để bù đắp lại. Nước này vay tiền để bù đắp lại khoản thiếu hụt này tư nước ngoài, những nước ngày sẽ ngày càng sở hữu nhiều tài sản của Hoa Kỳ. Đến năm 2006, vấn đề này đã đạt đến tỷ lệ của một cuộc khủng hoảng.
Chúng ta xem xét một kịch bản mà thâm hụt tài khoá và thâm hụt thương mại ngày càng nghiêm trọng khi mà Hoa Kỳ ngày càng bị sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq. Thâm hụt ngân sách lên tới 460 tỷ USD và thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 1 nghìn tỷ USD. Hiện nay, người dân nước này vẫn tiếp tục chi tiêu trong nhưng chính phủ lại không chịu tăng thuế. Trước cuộc bầu cử tới đây, Trung Quốc, Nhật Bản và những nước nhỏ khác có thể quyết định gạt bỏ trái phiếu Hoa Kỳ. Nếu điều này là sự thật, lãi suất chắc chắn sẽ tăng lên, đồng USD sẽ mất chỗ đứng, và Hoa Kỳ sẽ rơi vào cuộc suy thoái dài kỳ. Mức sống của Hoa Kỳ giảm do đồng USD mất giá trị. Những nước xuất khẩu khác sẽ cũng sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Thay vào đó, chúng ta có thể nghĩ tới một kịch bản khác cho vị tổng thống vào năm 2008, người chọn giải pháp tăng thuế đối với người giàu và giảm chi cho nông nghiệp và đặc quyền chính trị, nhờ đó giảm được thâm hụt ngân sách. Để cắt bớt những trách nhiệm quân sự, chính quyền mới đó sẽ giúp Liên hiệp quốc đảm nhận nhiệm vụ tại Iraq và giải quyết dứt điểm vất đề của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Chính quyền mới có thể kéo giá đồng USD xuống và thiết lập một định chế mới nào đó như là Quỹ Dự phòng Trung ương buộc người dân Mỹ phải tiết kiệm. Cán cân thương mại cuối cùng sẽ được cải thiện đáng kể. Và cuối cùng, chính quyền này có thể bắt đầu tiến hành những điều chỉnh cần thiết đối với năng lượng không sử dụng nhiên liệu hoá thạch, vừa giảm lệ thuộc vào Trung Đông và vừa giảm hiệu ứng nhà kinh đang làm trái đất nóng lên.
Nhà điều hành có trách nhiệm
Suy nghĩ về các kịch bản và giải pháp thay thế sẽ có ít nhất hai điều lợi. Bằng cách đặt câu hỏi, kịch bản nào một đất nước nên áp dụng cho một vài năm tới, một nhà quản lý có thể xác định được những nhân tố thiết yếu có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của mình. Những điều này sẽ rất quan trọng khi đưa ra quyết định chiến lược của công ty.
Do vậy, nếu tôi là một doanh nhân, một nhà đầu tư, tôi sẽ ngày càng lo lắng về sự thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ, nợ của Nhật Bản, chủ nghĩa chính thống ở Trung Đông. Tôi sẽ lạc quan hơn khi kinh doanh ở Singapore và Ấn Độ, lạc quan nhưng thận trọng hơn với thị trường Nam Phi và Nga, thận trọng với thị trường Trung Quốc, Mê-hi-cô và Châu Âu.
Nhưng với tư cách một nhà quản trị đã đọc qua cuốn sách “ Các quốc gia cạnh tranh thế nào ?”, tôi sẽ nghĩ vê trách nhiệm của bản thân tôi - một công dân có kiến thức - đối với chính sách công. Mỗi quốc gia có những vấn đề chính sách quan trọng ảnh hưởng tới tăng trưởng, thương mại, giáo dục, môi trường sống và an ninh. Nếu những công dân có kiến thức ở Nhật Bản, Nam Phi hay Hoa Kỳ không đóng góp vào những chính sách đúng đắn của chính phủ, thì làm sao họ có thể phàn nàn về sự thiếu sót về chính sách. Ai khác có thể có những ảnh hưởng tích cực đối với quá trình thiết lập và thực thi chính sách ngoài những nhà quản lý doanh nghiệp có kiến thức.
Đó là trách nhiệm của chúng ta trong quản lý quá trình toàn cầu hoá và tăng tính cạnh tranh cho nước chúng ta.
Phần III: Chiến lược và cấu trúc phát triển của mỗi quốc gia
11/06/2007 11:42 (GMT + 7)
Mỗi quốc gia đều có chiến lược phát triển kinh tế riêng và cần một cấu trúc tổ chức có thể thực hiện hiệu quả chiến lược ấy” - GS. Richard H.K.Vietor.
 Độc giả Anh Minh tiếp tục giới thiệu tới độc giả hai nội dung quan trọng nữa của cuốn sách “Các quốc gia cạnh tranh như thế nào” của GS. Richard H.K.Vietor, trường Quản trị Kinh doanh Harvard. Đó là chiến lược và cấu trúc phát triển của một quốc gia và việc sử dụng nguồn lực của quốc gia đó như thế nào cho hiệu quả.
Trong phần trích dẫn này, có thể nói ấn tượng nhất là bài học về việc Chính phủ vận dụng chính sách như thế nào để phù hợp với bối cảnh và từng thời điểm.
Mỗi quốc gia đều có chiến lược phát triển kinh tế riêng. Đó có thể là chiến lược “hiện” - được hoạch định và thảo luận chu đáo bởi các quan chức cấp cao của chính phủ. Hoặc có thể là chính sách “ẩn” - tập hợp của các mục tiêu và chính sách được xem như chiến lược ẩn sau những sự kiện thực tế. Tất nhiên chỉ riêng chiến lược thôi là chưa đủ.
Các quốc gia cần một cấu trúc tổ chức có thể thực hiện hiệu quả chiến lược ấy. Sự không thống nhất giữa chiến lược và cấu trúc hay tệ hơn, với những thể chế sai lầm chắc chắn dẫn tới nguy cơ chậm phát triển hay không phát triển.
Chiến lược và cấu trúc phát triển phải phù hợp với bối cảnh của từng đất nước - tức là những điều kiện quốc gia và quốc tế mà trong đó mỗi quốc gia được vận hành. Trong kinh doanh, bối cảnh tương đương với thị trường. Văn hoá của một đất nước, mức độ tham nhũng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, phân bổ thu nhập và an ninh quốc tế là những yếu tố quan trọng nhất. Những gì còn lưu lại của chế độ thuộc địa ở Ấn Độ, đã giải thích một phần cho những lựa chọn về chính trị sau năm 1947 ở đất nước này. Ví dụ như: sự hiệu quả của hệ thống luật pháp; việc tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ chính thức và một chính phủ dân chủ. Tuy nhiên, một di sản tương tự ở Nam Phi lại đặt nền móng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid đã được duy trì ở đất nước này trong quá nhiều thập kỉ.
Chiến lược
Các mục tiêu quốc gia có thể bao gồm những thuật ngữ rất chung chung như: “phát triển kinh tế” hay “ổn định về chính trị”. Những cụm từ này đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc dưới thời quốc gia này được dẫn dắt bởi nhà cải cách theo chủ nghĩa thực dụng Đặng Tiểu Bình vào năm 1978. Trong khi đó, các mục tiêu cũng có thể được xác định một cách cụ thể và chính xác hơn. Năm 1981, Tổng thỗng Mỹ Ronald Reagan đã đưa ra bốn mục tiêu của cuộc cách mạng nghiêng về cung cấp của ông: 1. Giảm thiểu lạm phát. 2. Đạt được tăng trưởng kinh tế trở lại. 3. Giảm bớt vai trò và bộ máy của chính phủ. 4. Tăng cường an ninh quốc gia.
Bốn chính sách vĩ mô
Để thực hiện những mục tiêu như vậy, mỗi chính phủ cần phải vận dụng những chính sách nhất định. Những chính sách này tối thiểu phải bao gồm những lựa chọn kinh tế vĩ mô.
Chính sách tài chính là tình trạng ngân sách của chính phủ - có thể ngân sách đạt mức thặng dư, cân bằng hay thâm hụt. Hơn thế nữa, các mức cân bằng này có thể đạt được thông qua việc tăng cường hay giảm thiểu các chính sách chi tiêu rất đa dạng (như chi cho quốc phòng, nghiên cứu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hay phúc lợi xã hội) mà tất cả đều có những ảnh hưởng khác nhau đối với sản lượng đầu ra. Nói cách khác, cân bằng ngân sách có thể đạt được thông qua việc xác định biểu thuế phong phú, tác động tới kinh doanh, đầu tư hay chi tiêu của khách hàng.
Chính sách tiền tệ là một phần quan trọng trong chính sách tài chính. Ngân hàng Trung ương của mỗi quốc gia cho phép mức cung tiền tệ được tăng lên theo một tỉ lệ nhất định, thông qua việc sử dụng một vài công cụ phổ biến bao gồm tỉ lệ lãi suất, các yêu cầu về dự trữ và thực hiện nghiệp vụ thị trường mở - gồm việc mua và bán trái phiếu kho bạc cho công chúng. Mục đích của chính sách tiền tệ là cung cấp đủ tiền cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng của nền kinh tế mà không gây ra lạm phát và duy trì được lượng dự trữ ngoại hối tương xứng.
Một chính sách kinh tế vĩ mô có liên quan nữa là việc kiểm soát tỉ giá hối đoái. Trong khi một số quốc gia cho phép thả nổi tiền tệ theo tỉ giá thị trường, rất nhiều quốc gia khác lại cố định mức giá (theo các ngoại tệ khác), hay kiểm soát một cách thận trọng mức tăng và giảm tỉ giá. Các quốc gia kiểm soát tiền tệ của mình thường áp dụng một loạt các biện pháp kiểm soát đối với các tài khoản vốn - các dòng vốn vào và ra khỏi đất nước.
Công cụ kinh tế vĩ mô thứ tư, ít khi được sử dụng thành công, là chính sách thu nhập - kiểm soát trực tiếp lương và giá. Chính sách này chủ yếu được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp nhằm đối phó với tình hình lạm phát khi chính sách tiền tệ tỏ ra không khả thi hay không có hiệu quả. Ví dụ, năm 1971, Tổng thống Nixon đã áp dụng kiểm soát đối với lương và giá ở Mỹ. Chính sách này đã tỏ ra không hiệu quả và phải mất gần 4 năm, người ta mới bãi bỏ được chúng. Thậm chí sau đó, kiểm soát giá xăng dầu vẫn còn được giữ nguyên thêm 6 năm nữa.
Sáu công cụ kinh tế vi mô
Bên cạnh những lựa chọn kinh tế vĩ mô như trên, hầu hết các quốc gia còn áp dụng hàng loạt các chính sách kinh tế vi mô nhằm tác động tới sự phát triển kinh tế. Trong đó, 6 chính sách dưới đây là đặc biệt quan trọng.
Chính sách thương mại - việc sử dụng các loại thuế quan, hạn ngạch và nhiều thoả thuận hạn chế khác (ví dụ: hạn chế xuất khẩu tự nguyện) có lẽ là phổ biến nhất. Tới gần đây, hầu hết các quốc gia đã áp dụng rất nhiều mức thuế (và các biện pháp kiểm soát khác) đối với hàng nhập khẩu. Mặc dù các mức thuế này có thể lên tới 100% hay 200% mức giá của sản phẩm, nhưng chúng phổ biến ở mức từ 2% cho tới 30%. Một vài quốc gia cũng sử dụng thuế xuất khẩu, nhưng ít phổ biến hơn. Tám vòng đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT, tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới WTO) từ năm 1947 cho tới 1995, đã giảm đáng kể các hàng rào đối với thương mại.
Hạn chế hay thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI cũng là một công cụ khác. Hạn chế nhằm bảo hộ các công ty nội địa khỏi sự thâu tóm và cạnh tranh với các công ty nước ngoài (thông qua việc đầu tư liên doanh vào thị trường nội địa). Trong khi thay thế nhập khẩu vẫn là một chiến lược phát triển phổ biến, các quốc gia như Mexico và Ấn Độ thực tế đã nghiêm cấm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ đáng kể các hàng rào với FDI, sau những chiến lược thành công của Singapore, Trung Quốc và Canada. Thực tế, rất nhiều quốc gia còn khuyến khích FDI bằng việc miễn giảm thuế hay xây dựng những khu công nghiệp, các đặc khu kinh tế, theo những mô hình thành công của Trung Quốc.
Quốc hữu hoá và tư nhân hoá là những chính sách phản chiếu, được một vài quốc gia áp dụng nhằm tác động tới quyền sở hữu của các công ty. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, những người theo chủ nghĩa xã hội có quyền lực mạnh mẽ ở nhiều nước đã thúc đẩy quá trình quốc hữu hoá các công ty mà trước đó thuộc về sở hữu tư nhân. Các công ty này thường bao gồm những doanh nghiệp tiện ích (như dầu lửa, ga, điện, đường sắt, hàng không và viễn thông), ngân hàng, và các ngành công nghiệp nặng quan trọng (thép, đóng tàu và ô tô). Bắt đầu từ những năm 1970, những công ty này phải chịu thua lỗ nặng nề hơn. Một làn sóng đòi tư nhân hoá đã khởi phát và tiếp tục cho tới ngày nay. Thường thì, khi việc tư nhân hoá toàn bộ không thể được chấp nhận về mặt chính trị, các chính phủ sẽ tiến hành tư nhân hoá từng phần doanh nghiệp (bằng việc bán hay phân bố tài sản) và duy trì đa số hay lãi suất “cổ phần vàng” cho riêng họ.
Ngày nay, thực tế tất cả các công ty ở Mỹ, Anh và Australia đều là công ty tư nhân. Hầu hết các các công ty ở Nhật Bản, Italy, Canada, Chile và Mexico cũng đã được tư nhân hoá. Một số công ty đã được tư nhân hoá nằm ở Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ , Nga và Singapore, dù rằng phần lớn những công ty quan trọng nhất vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Mức tư nhân hoá thấp hơn diễn ra ở Arập Saudi, Thổ Nhĩ kì và Brazil.
Những quy tắc kinh tế, thường được thực thi nhằm sửa chữa những khuyết tật của nền kinh tế (như độc quyền tự nhiên, rủi ro đạo đức hay ngoại vi) đều có một tác động lớn tới phát triển. Các quy tắc kinh tế đã được áp dụng cho rất nhiều những ngành quan trọng bao gồm vận tải, năng lượng, viễn thông và các dịch vụ tài chính. Tổng cộng lại, những thành phần kinh tế này có thể chiếm tới 25% toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng, vốn rất quan trọng cho những thành quả toàn diện.
Một công cụ nữa có liên quan là chính sách cạnh tranh, trong đó có những ảnh hưởng nhất định tới sản lượng đầu ra của một quốc gia. Những chính sách này có thể bao gồm những điều khoản không tin cậy mạnh mẽ nhằm khuyến khích cạnh tranh như ở Mỹ và Châu Âu, hay các chính sách cartel (liên kết các hãng kinh doanh với nhau nhằm kiểm soát sản xuất, tiếp thị và để tránh cạnh tranh với nhau (ND-Người dịch) và chính sách giá độc quyền ở Nhật Bản trước những năm 1970.
Chính sách trợ giá là công cụ kinh tế vi mô thứ 6 được sử dụng để tác động tới sự tăng trưởng của một ngành hay một khu vực của nền kinh tế. Có rất nhiều mức trợ giá khác nhau, từ việc tài trợ trực tiếp, tới giảm thuế, trợ giúp về đầu vào của ngành (ví dụ: đất đai, công nhân được đào tạo hay công nghệ cần thiết) tới các hợp đồng quốc phòng và mua sắm của chính phủ. Khi các chính sách này được phối hợp hài hoà với một cơ sở phát triển vững chắc chúng thường được coi như “chính sách công nghiệp”.
Cấu trúc phát triển
Các chiến lược, tự thân nó sẽ trở thành vô ích nếu thiếu đi một cấu trúc tổ chức thích hợp có khả năng thực hiện những chiến lược ấy. Điều này đúng với với các quốc gia cũng như với các doanh nghiệp. Quả thật, việc đưa ra một chiến lược to tát dường như dễ hơn nhiều so với việc thiết lập một tổ chức có khả năng thực hiện hiệu quả chiến lược ấy qua thời gian.
Cấu trúc chính trị
Có rất nhiều yếu tố thuộc về cấu trúc mà ở các quốc gia khác nhau, các yếu tố này lại rất khác nhau. Đầu tiên là cấu trúc chính trị. Đó có thể là nền chính trị dân chủ, độc tài chuyên chế hay cộng sản. Trong mỗi chính thể này, lại có rất nhiều biến thể khác nhau. Ví dụ, ở Nhật Bản, một đảng đơn nhất - Đảng Dân chủ Tự do (LPD) đã cầm quyền từ năm 1949 (trừ thời kì gián đoạn kéo dài 18 tháng trong các năm 1993 và 1994). Một mặt điều này đã đảm bảo cho sự ổn định lâu dài. Tuy nhiên, mặt khác, năm hay sáu phe phái trong nội bộ đảng LDP đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong suốt thập kì vừa qua. Ngược lại, dân chủ có thể được chia nhỏ thành hàng tá các đảng phái chính trị khác nhau như ở Ấn Độ hay Italia. Các liên minh tất yếu sẽ khiến cho việc thực thi những cải cách sâu rộng về chính sách trở nên khó khăn hơn nhiều. Cuối cùng, dân chủ có thể là sự hiện diện của hai dảng đối lập như ở Mỹ hay Anh, nơi kết quả của các cuộc bầu cử có thể dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong chính sách-đôi khi có thể gây phương hại tới những mục tiêu lâu dài.
Cấu trúc kinh tế
Cấu trúc kinh tế, lẽ dĩ nhiên, rất quan trọng đối với việc tiến hành kinh doanh. Ở mức độ vĩ mô, điều này gắn với khối lượng tiêu thụ tương đối, đầu tư, chính phủ và thương mại. Ví dụ, ở Mỹ, giá trị tiêu thụ bằng khoảng 70% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội). Ngược lại ở Singapore, tiêu thụ ở mức thấp chỉ bằng khoảng 42% GDP trong khi thương mại (hàng xuất khẩu và nhập khẩu) là hơn 300% GDP. Ở châu Âu, chi tiêu của chính phủ có thể lên tới 40 hay thậm chí 50% GDP. Ở mức độ thấp hơn, cấu trúc kinh tế rất đa dạng xét trên khía cạnh sở hữu công cộng hay sở hữu tư nhân, thu nhập được tập trung hay bị chia nhỏ và trọng tâm của nền kinh tế là sản xuất hay nông nghiệp hay dịch vụ.
Sự đa dạng về cấu trúc
Cấu trúc thể chế của một quốc gia cũng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Từ nơi này sang nơi kia có thể dễ dàng thấy được sự đa dạng về cấu trúc. Cấu trúc của hệ thống ngân hàng, toà án, cảnh sát và quân đội, và luật lệ - đặc biệt là những luật đất đai - đều rất cần thiết. Ở nước Nga, ví dụ, các thể chế này đã bị sụp đổ vào giữa những năm 1990, dẫn tới thất bại của chính phủ trong việc thực hiện những nhiệm vụ tối thiểu. Vì thế, có rất nhiều những cấu trúc về thể chế khác cần phải làm việc hiệu quả hơn nếu quốc gia muốn phát triển.
Những cấu trúc này bao gồm việc quản lí lao động, hệ thống tiết kiệm, bản chất của các công chức, sự phân chia quyền lực giữa đảng cầm quyền và đảng lập pháp, và những quyền lực khác nhau của chính quyền Liên bang và nội bộ các bang. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của Singapore, nước mà Quỹ dự phòng Trung ương đã đảm bảo một tỉ lệ tiết kiệm cao vừa đủ để hỗ trợ tài chính cho đầu tư nội địa, các chi phí về y tế và an sinh xã hội. Ở Mỹ, nơi không có những thể chế tương tự tồn tại, thì tỉ lệ tiết kiệm của nước này nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực
Trong khi việc tích luỹ các nguồn lực rất quan trọng, đặc biệt là vốn và kĩ năng của người lao động thì việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này cũng quan trọng không kém. Lao động phải được sử dụng hiệu quả, các nguồn lực (bao gồm công nghệ) phải được sử dụng hiệu quả và dĩ nhiên, không được lãng phí vốn.
Áp lực cạnh tranh từ nước ngoài
Cạnh tranh nước ngoài là một cách để thúc đẩy hiệu quả. Nghĩa là, các quốc gia sẽ tham gia vào quá trình cạnh tranh quốc tế, tích luỹ kinh nghiệm từ kết quả đạt được, dù có sử dụng hiệu quả nguồn lực hay thất bại. Nói đến đây, phải nghĩ tới Italy. Italy đã phát triển một loạt các ngành thủ công tại các Trung tâm Thương mại của khu vực. Sẽ rất khó để tưởng tượng ra những ngành này sẽ thành công như thế nào nếu không có áp lực cạnh tranh liên tiếp từ nước ngoài. Giống như Nam Phi, nơi BMW sản xuất ra các phương tiện để xuất khẩu, chính cạnh tranh với nước ngoài đã thúc đẩy các công ty và cả đất nước phải hoạt động hiệu quả.
Cạnh tranh nội địa
Cạnh tranh nội địa cũng là một cách khác để mang lại hiệu quả. Trong khi rất nhiều quốc gia lớn có thị trường tương đối, chính nước Mỹ lại đưa ra tiêu chuẩn. Việc gần như không hề có công ty nhà nước và việc áp dụng luật bất tín nhiệm rất có sức mạnh bắt đầu từ những năm 1890, việc sống được trong thị trường nội địa của Hoa Kỳ đặt ra áp lực cạnh tranh không ngừng buộc các công ty phải liên tục cải tiến, tối thiểu hoá chi phí, tái đầu tư và có được lợi thế so sánh.
Cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Nguồn đảm bảo hiệu quả thứ ba là cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các quốc gia tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài thường cạnh tranh trên thị trường quốc tế để giành được FDI. Canada đã có thời kì rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ Mỹ, dẫu rằng phần lớn là đầu tư vào các ngành có liên quan tới khai khoáng. Gần đây nhất, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ đã giảm đáng kể những hàng rào thương mại và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Mexico, chủ yếu là từ nước Mỹ.
Nhưng chính Trung Quốc mới là nước đạt được thành công lớn nhất với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kể từ khi mở cửa bốn đặc khu kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã chứng kiến một làn sóng đầu tư FDI lên tới gần 500 tỷ đô là vào năm 2005. Trung Quốc đạt được thành công đáng kể trên là nhờ mức lương phải trả thấp, biện pháp giảm thuế và tiềm năng của một thị trường nội địa khổng lồ. Gần đây nhất, Trung Quốc đã cạnh tranh với việc mở ra các vườn ươm công nghệ và khoa học rất lớn được gọi là “khu phát triển công nghệ và kinh tế” và vốn mạo hiểm dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới.
Phân bổ nguồn lực?
Trong khi tất cả các hình thức cạnh tranh trên đây đều thúc đẩy các công ty hoạt động hiệu quả hơn, còn một kênh thúc đẩy hiệu quả nữa, đó là phân bổ quản lí. Ở Phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và Anh, các tư tưởng bảo thủ ngự trị vẫn giữ quan điểm rằng việc phân bổ quản lí nguồn lực rõ ràng không hiệu quả. Việc chính phủ phân bổ vốn, công nghệ và các nguồn lực khác dường như chỉ gây ra lãng phí, thiếu nhạy cảm với thị trường và dẫn tới tham nhũng.
Tuy nhiên, ở Singapore, Nhật Bản và một vài nền kinh tế khác, việc phân bổ nguồn lực dường như rất hiệu quả, ít nhất là trong quá khứ. Chính phủ Singapore sở hữu 25% GDP - hơn một trăm công ty, tất cả bất động sản và khả năng tiếp cận những nguồn tiết kiệm khổng lồ của tư nhân. Các quan chức chính phủ có nhiệm vụ phân bổ hầu hết lượng vốn đầu tư. Kết quả đem lại là sự phát triển cao của kinh tế nước này - khoảng 9%/năm trong hàng thập kỉ. Trong khi đó ở Nhật Bản, nơi phần lớn vốn nằm trong tay tư nhân, đôi khi việc phân bổ được “định hướng” bởi một vài bộ phận chủ chốt do những nhân viên trung thực, thông minh và thậm chí, có tầm nhìn xa đảm nhiệm.
Tuy nhiên, ở rất nhiều các quốc gia khác, khi chính phủ nắm quyền kiểm soát thì vốn lại được phân bổ không đúng chỗ. Có lẽ, ví dụ tốt nhất là Trung Quốc trước năm 1978, Ấn Độ trước năm 1985 và nước Nga trước khi Liên Xô sụp đổ. Việc phân bổ vốn được lên kế hoạch từ Trung ương, quản lí vốn không hiệu quả và thậm chí có tham nhũng, khiến cho năng suất tổng quát chỉ ở mức rất thấp. Nếu tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào việc đổ dồn mọi nguồn lực cho nền kinh tế - con người, vốn và tài nguyên thiên nhiên, thì chúng ta biết, đó là tăng trưởng không bền vững…
Phần IV: Vai trò của Chính phủ
Cũng như các phần trước đây, khi trình bày về chiến lược, cấu trúc, sự phát huy các nguồn lực và sử dụng chúng một cách hiệu quả, tôi tin tưởng rằng, vai trò của chính phủ cũng rất quan trọng đối với phát triển kinh tế. Tất nhiên, có nhiều chính phủ hoạt động không thành công và gây ra những phương hại cho nền kinh tế hơn là các chính phủ hoạt động hiệu quả và thúc đẩy kinh tế phát triển. Quyền lực của chính phủ vẫn thường bị hiểu nhầm và thường không được sử dụng đúng đắn. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đòi hỏi chính phủ tốt. Có nhiều điều một chính phủ phải thực hiện và một danh sách dài hơn những điều chính phủ có thể thực hiện để giúp phát triển kinh tế.
Bảo đảm an ninh
Đầu tiên, chính phủ phải đảm bảo được an ninh-cả an ninh nội địa và an ninh quốc tế để thị trường có thể hoạt động. Tội phạm có thể can thiệp vào những giao dịch của thị trường. Những tội phạm cá nhân có thể khiến cho đường phố trở thành nơi không an toàn và tội phạm có tổ chức có thể kiểm soát và bóp méo cả ngành thương mại. Ở Nhật, ví dụ, tổ chức jakuza đã can thiệp vào quá trình vận hành đúng đắn của việc quản trị doanh nghiệp và điều chỉnh thị trường giá cả bất động sản thời kì hậu kinh tế bong bong. Ở Nam Phi, vấn đề tội phạm cá nhân nghiêm trọng tới mức nó đã làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Còn ở Nga, trong những năm 1990 đã diễn ra sự tan vỡ của cả hệ thống pháp luật và trật tự.
Có lẽ tồi tệ hơn vấn đề tội phạm là tình trạng bạo lực trong nước gây ra bởi những xung đột về tôn giáo hay văn hoá. Ví dụ gần đây nhất là ở Ấn Độ, nơi những người theo đạo Hindu và đạo Hồi thường xuyên tham gia vào nạn bạo lực chết người và trên quy mô lớn. Các nhóm khủng bố hay cách mạng cũng gây ra cản trở cho phát triển kinh tế, như tình hình ở Chechnya, Kashmir, Thổ Nhĩ Kì hay Arập Sauđi.
Tương tự, sự bất ổn về an ninh với các quốc gia bên ngoài cũng là vấn đề còn tồn tại ở một số khu vực. Mâu thuẫn giữa Ấn Độ với Pakistan, đụng độ liên tiếp giữa Israel với Palestine, và các cuộc chiến tranh của Iraq với Iran, Cô-oét và Mỹ đã phá huỷ các tiến bộ về kinh tế.
Thúc đẩy việc thực thi pháp luật
Thứ hai, Chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra các hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy việc thực thi pháp luật. Mỗi quốc gia đều cần có một hệ thống lập pháp được người dân và các đoàn thể tin cậy, hệ thống này sẽ hoạt động để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa hai bên khi kí kết hợp đồng. Nếu như quyền sở hữu trí tuệ không được đảm bảo, ví dụ như ở Mexico hay Ba Lan (sau năm 1990), tín dụng không chắc chắn, thị trường bất động sản không hoạt động đúng chức năng và đầu tư bị thua lỗ. Các quốc gia cần một hệ thống thu thuế hoạt động hiệu quả. Hơn thế nữa còn cần một hệ thống toà án. Luật chứng khoán để thúc đẩy đầu tư, các quy tắc của ngành ngân hàng để đảm bảo cho các khoản tiền gửi và quan hệ hữu hảo giữa nhà nước liên bang và các tỉnh thành tất cả đều rất cần thiết để một quốc gia vận hành.
Chống đỡ rủi ro: Thứ ba, chính phủ phải chống đỡ được rủi ro-rủi ro thuộc tất cả các loại. Trong khi các thị trường có thể xử lí những rủi ro thông thường, chủ yếu thông qua hệ thống bảo hiểm thì chính phủ cần phải loại bỏ những rủi ro bất thường. Ví dụ sự sáp nhập trong thế kỉ 18 và các quy tắc môi trường, bảo hiểm y tế, quy định về cơ sở hạt nhân, bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu trong thế kỉ hai mươi là một vài lĩnh vực mà chỉ có chính phủ, hoạt động như một thiết chế tối cao, mới có thể giải quyết được.
Quản lý nền kinh tế vĩ mô thông qua sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ
Thứ tư, chính phủ phải quản lý nền kinh tế vĩ mô thông qua việc sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ. Nhưng quan trọng hơn, chính phủ còn tạo ra, hợp pháp hoá và phân phối tiền tệ. Đây là vai trò mà mọi chính phủ đều phải đảm nhiệm. Thương mại không thể diễn ra và thị trường không thể hoạt động nếu không có một phương tiện trao đổi tin cậy. Khi tình trạng siêu lạm phát làm phá giá tiền tệ, như ở Brazil và Argentina, mức tăng trưởng lập tức dừng lại. Và ở những nơi mà cơ quan ngân hàng bị bào mòn, như ở Nga thời kì hậu Xô Viết, thương mại đã thay thế cho trao đổi cho tới khi một cơ chế tiền tệ hợp pháp được tái lập trở lại.
Thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp
Và thứ năm, Chính phủ thực hiện những chính sách công nghiệp như kết quả ẩn và hiện của các lựa chọn kinh tế vi mô. Như đã miêu tả trước đó, hầu hết các chính phủ đều sử dụng thuế quan để quản lí thương mại và điều tiết đầu tư nước ngoài, vấn đề ngoại vi và cạnh tranh; và họ sử dụng các hình thức bao cấp để hỗ trợ cho các ngành và các công ty nhất định. Khi những biện pháp này tỏ ra hiệu quả, chúng sẽ hình thành nên một chính sách công nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, thường thì, chúng gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ, làm sụt giảm sản lượng và phân phối thu nhập kém hiệu quả. Khi xem xét kĩ lưỡng và tổng quan sẽ thấy phạm vi và mức độ ảnh hưởng của chính phủ thật sự đáng ngạc nhiên. Không thể đạt tới mức tăng trưởng hay phát triển đáng kể nếu thiếu đi quyền sở hữu, hợp đồng, hệ thống tài chính vững chắc, nguồn cung tiền tệ ổn định, an ninh, các dịch vụ thuộc về cơ sở hạ tầng và các quy định độc quyền hợp lí, chăm sóc y tế, lương hưu và vấn đề ngoại vi.
Lợi thế so sánh
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét quỹ đạo phát triển của một vài quốc gia quan trọng nhất trên thế giới. Trong một số trường hợp, chúng ta sẽ thấy chiến lược quốc gia và cấu trúc tổ chức phù hợp với nhau như thế nào, cũng như bối cảnh khu vực và thời đại. Trong trường hợp khác, chúng ta sẽ thấy một chiến lược thiếu hiệu quả (Mexico) hay một cấu trúc không thích hợp sẽ kìm hãm sự phát triển ra sao.
Chúng ta sẽ thấy những quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ, được hỗ trợ bởi thị trường nội địa khổng lồ và những quốc gia nhỏ hơn như Singapore và Italy, nơi mà xuất khẩu rất quan trọng. Một vài quốc gia như Nam Phi giàu về tài nguyên, trong khi đó nước Nhật gần như phải nhập khẩu hết các đầu vào cho quá trình sản xuất. Một vài nước giàu về nguồn nhiên liệu (như Mexico và Arập Saudi) nhưng sử dụng không hiệu quả. Những nước khác, gồm Trung Quốc và Ấn Độ, phải nhập khẩu nhiên liệu và trả tiền cho điều đó nhờ thặng dư thương mại phi nhiên liệu.
Chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của các thể chế vững chắc-những thể chế có thể hoạt động hiệu quả. Đó có thể là những cơ quan quyền lực như Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế của Nhật Bản trước đây và Quỹ Dự Phòng Trung Ương của Singapore hiện nay. Hoặc đó có thể là những thể chế không hiện hữu cụ thể nhưng có tầm quan trọng không kém, như những điều luật trong hiến pháp của nước Mỹ đảm bảo cho quyền tự do ngôn luận và sự tách biệt giữa nhà thờ và liên bang.
Chúng ta nên đặc biệt lưu ý tới khoảng thời gian cần thiết để xây dựng được những thể chế vững chắc và cách thức mà các quốc gia sử dụng hài hoà các nguồn lực-nhất là vốn và nguồn nhân lực. Và chúng ta nên nghĩ tới điều gì thúc đẩy tính hiệu quả trong mỗi trường hợp, bởi vì chính vấn đề năng suất trong dài hạn mới đảm bảo cho sự phát triển.
Khi chiến lược và cấu trúc bổ sung cho nhau, tăng cường các nguồn lực thiết yếu, sử dụng chúng có hiệu quả, và phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế, chúng ta sẽ nhận thấy mức tăng trưởng kinh tế thành công, và nhiều khi là vượt trội.

2 nhận xét:

  1. Chào Trang chủ,
    Qua Trang nhà của Thùy Linh mà tôi được gặp anh; Các đề tài nơi đây rất thú vị. Tôi (ngành Hoá học) tìm hiểu cấu trúc và vặn hành "hệ thống" như một công cụ luận lý; Xin được đọc những tài liệu để học hỏi.
    Trân trọng,
    Hoàng Thư

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn sự quan tâm, đánh giá của anh.

    Trả lờiXóa