Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Bỏ trần lãi suất: Chưa thể làm ngay

Những ý kiến trong bài đề nghị tiếp tục giữ trần lãi suất là không thuyết phục. Việc NHNN cứ bám mãi vào các công cụ điều tiết trực tiếp (gần 25 năm rồi, từ ngày chuyển hệ thống NH từ 1 cấp sang 2 cấp năm 1988) đã, đang và sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng không chú trọng xây dựng các công cụ điều tiết gián tiếp. Hậu quả là thị trường tiền tệ liên tục méo mó và không phát triển tương xứng với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế.

Bỏ trần lãi suất: Chưa thể làm ngay


(Tamnhin.net) - Tuần qua, thị trường tiền tệ lại tiếp tục “nóng” với hàng loạt kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động. Đặc biệt, nhiều ý kiến còn cho rằng, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp. 

Ảnh minh họa. nguồn internet.
 
Áp trần: Ai lợi?

Ai cũng biết, lý do để NHNN đưa quy định áp trần lãi suất là vì trong thực tiễn, thời gian qua có một số ngân hàng mới thành lập rất nhanh, nhỏ, sức cạnh tranh và uy tín của các ngân hàng này không cao. Các ngân hàng này đã sử dụng lãi suất như là một công cụ duy nhất để thu hút vốn và hệ quả của nó là tạo ra một cuộc cạnh tranh vốn không lành mạnh, đặc biệt là sự di chuyển vốn xã hội không phải vì mục tiêu lợi ích mà nhằm lòng vòng để buôn bán vốn.

Nhận thấy thực trạng này có thể gây ra những nhiễu loạn và thiệt hại cho các nhà đầu tư lớn vì thế NHNN đưa ra quy định áp trần này để ngăn cản những rủi ro cho các ngân hàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì việc áp trần lãi suất đầu vào chỉ có tác dụng ở một thời điểm nhất định, còn nếu kéo dài sẽ gây ra những tác động ngược lại.


Thực tế, khi khống chế lãi suất đầu vào mà không khống chế đầu ra sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn hưởng lợi vì không bị cạnh tranh. Tuy nhiên, nó làm cho người gửi tiền bị thiệt trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất thực tế bị âm. Về lâu dài người dân sẽ ít gửi tiền hơn, thậm chí nếu tiếp tục hạ trần, người dân sẽ rút tiền ra, như vậy rất có thể, các ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản.


Bên cạnh đó, việc áp trần lãi suất huy động khiến lượng vốn đầu vào ít, trong khi đầu ra thì mở khiến cho dòng vốn xã hội đổ dồn vào những người vay với lãi suất cao. Những người này thường là ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hoặc tín dụng đen - vốn chứa đựng nhiều rủi ro. Đương nhiên, với một lượng vốn có hạn mà lại bị dồn hết vào chỗ đó thì các chỗ khác sẽ ít đi, những ngành nghề mà nhà nước chỉ định hỗ trợ cũng rất ít vốn. Thêm nữa, các ngành khác cũng sẽ phải chịu mức lãi suất cao, ít nhất là gần bằng với các lĩnh vực kia đã có. Bởi ngân hàng sẽ giải thích họ đang cho vay với mức lãi suất cao như thế mà anh đòi vay lãi suất thấp hơn thì không được. Như thế, các DN khác sẽ bị oan theo mức lãi suất cao đó.


Xét ở góc độ khác, quy định trần lãi suất huy động của NHNN thời gian qua gần như chỉ là hình thức. Việc các ngân hàng thi nhau lách luật để huy động vốn vượt trần đã gần như là… chuyện thường ngày. Ngay tại thời điểm này, dù lãi suất huy động đã giảm xuống còn 12% nhưng một số ngân hàng, kể cả nhà băng lớn vẫn tìm cách lách huy động với lãi suất vượt trần…


Chưa thể bỏ ngay

Mới đây, trong một cuộc toạ đàm “Hướng tới ổn định tài chính Quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhiều ý kiến đã cho rằng, các chính sách của NHNN hiện nay chỉ nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” bằng các biện pháp hành chính đã kéo dài khá lâu như: tạm ổn định tỷ giá, lãi suất có chiều hướng xuống nhờ trần lãi suất, phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do NHNN ấn định để cứu hệ thống... được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.


Tại cuộc đàm này, đa số các ý kiến đều đồng tình với việc nên bỏ trần lãi suất nhằm tạo ra sự minh bạch cho thị trường tiền tệ, để thị trường này vận hành theo đúng quy luật thị trường. Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". Vì vậy, theo ông Tuấn, ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại nhìn nhận, việc bỏ ngay trần lãi suất là cần thiết nhưng phải thực hiện đúng thời điểm để không gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường tiền tệ.


“Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn đang giảm dần, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến hiện tượng chạy đua lãi suất bùng phát trở lại và hạn chế diễn tiến tích cực này. NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động, nhưng là về lâu dài, chứ không phải trong quý II này” - đại diện một NHTM nêu ý kiến.


NHNN cũng cho rằng, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tương đối ổn định, tuy nhiên, nếu gỡ trần vào thời điểm này thì vẫn gây nên sự bất ổn định cho thị trường. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế, hiện nay tính tuân thủ của các ngân hàng vẫn chưa cao. Ngay khi còn áp trần, hiện tượng lách trần vẫn diễn ra, nếu bỏ lúc này sẽ gây ra sự bất ổn định cho thị trường.


Ngoài ra, nếu gỡ trần lãi suất huy động vào thời điểm này, những ngân hàng nhỏ có thể sẽ vấp phải cạnh tranh khốc liệt khi các ngân hàng lớn có khả năng đưa ra những lãi suất hấp dẫn hơn khi không còn trần. Mặt bằng lãi suất huy động lại sẽ bị đẩy lên mức cao hơn, điều đó càng khiến tiến trình giảm lãi suất chậm lại và DN lại là người gánh chịu hậu quả…


Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét