Chúng ta đều biết trong 30 năm vinh quang của chủ nghĩa tư bản (1945-1975), các nước tư bản đã phát triển dựa trên học thuyết Keynes mà trọng tâm là kích cầu và đề cao vai trò của nhà nước. Tuy nhiên từ giữa thập kỷ 60 đã bắt đầu xảy ra hàng loạt khủng hoảng tiền tệ, tỷ giá, dầu mỏ, lạm phát, dẫn tới quan niệm chung là học thuyết này đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó.
Trong các thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, để hỗ trợ các nước chống khủng hoảng kinh tế (chủ yếu là khủng hoảng lạm phát cao, kéo dài), nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn luôn khuyến nghị phải áp dụng chính sách "ổn định kinh tế" với trọng tâm là sử dụng biện pháp thắt chặt, khắc khổ, tập trung vào kiểm soát chặt cầu và không chú trọng tới cung như trước. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chính sách này đã thất bại vì càng đẩy các nước này vào các cuộc khủng hoảng sâu hơn. Chính IMF cũng phải thừa nhận sự thật đó nên từ cuối thập kỷ 70 và đầu 80, IMF đã từ bỏ chính sách này mà chuyển sang áp dụng chính sách "điều chỉnh cơ cấu" với trọng tâm là tự do hóa kinh tế mạnh mẽ, tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh để hỗ trợ cung, kèm theo một chính sách kiểm soát cầu vừa phải, có chọn lọc và chấp nhận một tỷ lệ lạm phát vừa phải. Cơ sở của chính sách mới này chính là sự thắng thế của thuyết tân cổ điển mới, đề cao vai trò tự điều tiết của kinh tế thị trường, giảm mạnh vai trò của nhà nước (và khu vực kinh tế nhà nước). Đỉnh điểm của thắng lợi này chính là sự sụp đổ của toàn bộ khối kinh tế xô viết và sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế thế giới từ nửa cuối thập kỷ 80 đến giữa thập kỷ 90.
Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp ở châu Âu (khởi đầu từ khủng hoảng đồng bảng Anh năm 1993), châu Mỹ (khởi đầu từ khủng hoảng Mexico 1994) và nhất là ở châu Á (khởi đầu từ khủng hoảng Thái Lan kéo sang Inddonexxia và toàn bộ châu Á năm 1997) và lan tỏa ra toàn thế giới đã làm cho IMF hoảng sợ, mất phương hướng và theo bản năng đã tự động quay trở lại chính sách "ổn định kinh tế". Kết quả là tỷ lệ lạm phát thế giới từ đó đến nay đã giảm mạnh tại tất cả các châu vực nhưng tỷ lệ tăng trưởng cũng giảm và không ổn định. Hậu quả là các chính phủ lại phải can thiệp bằng hàng loạt chính sách kích cầu (có chọn lọc) đi đôi với bỏ tiền ra cứu các khu vực kinh tế bị khủng hoảng và tăng cường chính sách bảo hộ... nhằm kích thích tăng trưởng trở lại. Quá trình cứ như vậy trong suốt thập kỷ qua đang làm méo mó các hoạt động trong toàn hệ thống kinh tế và thương mại thế giới, đi ngược lại chính các nguyên tắc mà Tổ chức thương mại thế giới đang theo đuổi. Có thể nói thế giới vẫn chưa tìm được một học thuyết phát triển mới phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Châu Âu tự sát kinh tế
Dự đoán kinh tế: Nghị quyết 11 của CP VN và chính sách kinh tế của châu Âu hiện tại đều có điểm chung là sử dụng biện pháp thắt chặt và khắc khổ. Bài viết sau đây của giáo sư kinh tế người Mỹ Paul Krugman giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính sách tự sát kinh tế của châu Âu.
_______________
Thứ bảy tuần trước, tờ Thời báo ghi nhận một hiện tượng đang phổ biến ở châu Âu: “tự tử vì khủng hoảng kinh tế”. Nhân dân quyên sinh trong sự tuyệt vọng vì thất nghiệp và thất bại trong kinh doanh. Đó là một câu chuyện hết sức thương tâm. Nhưng tôi chắc rằng mình không phải là độc giả duy nhất trong giới kinh tế gia ngạc nhiên rằng câu chuyện lớn hơn không dành nhiều cho các cá nhân mà về quyết tâm tự sát kinh tế toàn lục địa của các lãnh đạo châu Âu.
Mới vài tháng trước, tôi vẫn thấy còn hy vọng cho châu Âu. Hãy nhớ cuối mùa thu năm ngoái, châu Âu đã ở bên bờ vực thẳm sụp đổ tài chính nhưng Ngân hàng Trung Ương châu Âu, tương ứng với FED, đã tiến hành giải cứu nền kinh tế. NHTW châu Âu cung cấp tín dụng không hạn chế cho các ngân hàng châu Âu khi họ đặt các trái phiếu chính phủ châu Âu làm vật thế chấp. Việc này hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng, hỗ trợ gián tiếp các chính phủ và chấm dứt sự hoảng loạn.
Câu hỏi đặt ra là đây có phải là một động thái dũng cảm và hiệu quả, khởi đầu cho sự suy xét bao quát hơn không hay các lãnh đạo châu Âu có sử dụng khoảng thời gian xả hơi mà NHTW châu Âu đã tạo ra để tái xét các những chính sách đã đẩy đến quyết định này ngay từ đầu không.
Họ không làm vậy. Thay vào đó, họ nhân đôi các chính sách và ý tưởng thất bại của họ. Và càng ngày càng khó giúp họ thay đổi tiến trình này.
Giờ hãy xem xét thực trạng tại Tây Ban Nha, tâm chấn của cuộc khủng hoảng. Không nói đến suy thoái làm gì, Tây Ban Nha đang trong khủng hoảng toàn diện, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 23,6%, tương đương với nước Mỹ trong Đại Khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ lên tới trên 50%. Thực trạng này không thể kéo dài được. Nó đang đẩy chi phí vay nợ của Tây Ban Nha lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, vấn đề Tây Ban Nha rơi vào tình trạng này như thế nào không quan trọng bằng việc câu chuyện Tây Ban Nha không giống các câu chuyện đạo đức phổ biến xung quanh các quan chức châu Âu, đặc biệt là ở Đức. Tây Ban Nha không chi tiêu hoang phí. Ở đêm trước của khủng hoảng, quốc gia này có nợ thấp và ngân sách thặng dư. Đáng tiếc là nó có bong bóng nhà đất đồ sộ, được bơm căng chủ yếu bằng các khoản vay khủng của các ngân hàng Đức tới các đối tác Tây Ban Nha của họ. Khi bong bóng nổ, nền kinh tế Tây Ban Nha bị bỏ mặc. Vấn đề tài khóa của Tây Ban Nha là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của suy thoái trầm trọng.
Tuy nhiên, toa thuốc của Berlin và Frankfurt là thắt chặt tài khóa hơn nữa.
Nói thẳng ra thì điều này thật điên rồ. Châu Âu đã trải qua vài năm thắt chặt tài khóa khắt khe và kết quả đúng như những gì những sinh viên lịch sử nói với bạn: những kế hoạch này đẩy các nền kinh tế đình trệ vào suy thoái sâu hơn nữa. Và bởi vì các nhà đầu tư nhìn vào thực trạng kinh tế quốc gia khi đánh giá năng lực hoàn trả nợ của nó nên các kế hoạch khắc khổ không bao giờ giúp giảm chi phí vay nợ.
Còn cách nào khác không? Trong thập niên 1930, thời đại mà châu Âu đang bắt đầu lặp lại chính xác tình trạng hiện tại tới từng chi tiết, điều kiện cần thiết để phục hồi kinh tế là xóa bỏ bản vị vàng. Bây giờ, điều tương tự là xóa bỏ đồng euro và khôi phục lại các đồng tiền quốc gia. Bạn có thể nói rằng điều này là không tưởng và nó sẽ là sự hỗn loạn cực kỳ lớn cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng nếu kéo dài các diễn tiến hiện tại, áp đặt biện pháp khắc khổ khắt khe hơn nữa cho các quốc gia đang hứng chịu khủng hoảng thất nghiệp thì mới thật là không tưởng.
Nếu như các lãnh đạo châu Âu thật sự muốn cứu đồng euro thì họ phải tìm một phương hướng khác. Và khuôn mẫu của phương hướng khác đó thực sự rõ ràng. Lục địa già cần một chính sách tiền tệ bành trướng và thiện chí công khai rằng Ngân hàng Trung Ương châu Âu chấp nhận lạm phát cao hơn ở một mức độ nào đó. Nó cần chính sách tài khóa bành trướng bằng ngân sách mà Đức bù lại cho sự khắc khổ tại Tây Ban và các quốc gia ngoại biên châu Âu khó khăn khác hơn là củng cố chính sách khắc khổ đó. Ngay cả khi áp dụng những chính sách này, các quốc gia ngoại biên phải đối diện với những năm đầy khó khăn phía trước. Nhưng ít ra cũng còn có hy vọng phục hồi.
Thế nhưng điều mà chúng ta thấy hiện nay là một sự cứng ngắc hoàn toàn. Trong tháng Ba, các lãnh đạo châu Âu đã ký một hiệp ước tài khóa giữ nguyên chính sách khắc khổ để ứng phó với mọi vấn đề. Trong khi đó, các quan chức chủ chốt tại ngân hàng trung ương đang nhấn mạnh việc ngân hàng sẵn sàng nâng lãi suất cho dù có những chỉ dấu mong manh của lạm phát tăng cao.
Thật khó để trốn tránh cảm giác tuyệt vọng. Thay vì thừa nhận những điều họ làm là sai lầm, các lãnh đạo châu Âu dường như quyết tâm đưa nền kinh tế và xã hội của họ xuống vực thẳm. Và cả thế giới sẽ phải trả giá cho điều này.
Tác giả: Paul Krugman
Dịch giả: Quang – thành viên BBT Dự đoán kinh tế
Nguồn: New York Times, Europe’s Economic Suicide, 15/04/2012
Ngày 18/04/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét