'Tôi không xin hay thoái thác nhiệm vụ Đảng giao'
"Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng. Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này, chức khác và cũng không thoái thác trọng trách được giao", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay.
Thủ tướng xin lỗi vì yếu kém của Chính phủ
10h sáng nay, sau hơn nửa tiếng đọc báo cáo giải trình bổ sung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Đề cập những diễn biến tại Hội nghị trung ương 6 vừa qua và lời xin lỗi của Thủ tướng trong phiên khai mạc Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề: "Thủ tướng nghĩ gì khi mình nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân". Ông Quốc cũng đề nghị hướng tới văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ để đoạn tuyệt với những lời xin lỗi.
Suốt hai ngày Quốc hội chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có mặt ở hội trường, lắng nghe các Bộ trưởng giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà |
Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: "Là người đứng đầu Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương nhưng công tác phòng chống tham nhũng không đạt hiệu quả cao, Thủ tướng nói gì về những khó khăn vướng mắc trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng".
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng vấn đề thủy điện Sông Tranh chưa được giải quyết, hôm nay, đại biểu Thích Thanh Quyết tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp khắc phục những bất cập của thủy điện.
Đề cập tình trạng nhiều trang mạng đưa thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng xấu, đại biểu Quyết đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết giải pháp và hướng xử lý những cá nhân sai phạm. Chính sách an ninh quốc phòng và đối ngoại với các nước lớn trong năm 2012 là câu hỏi cuối của đại biểu này.
Chăm chú lắng nghe và sau khi lần lượt giải trình những chất vấn của đại biểu về kinh tế, xã hội, Thủ tướng trầm giọng trả lời câu hỏi trực tiếp dành cho cá nhân mình: "Hôm khai mạc tôi cũng đã báo cáo và với trọng trách được Đảng, nhân dân tin cậy giao phó tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong điều hành trên các lĩnh vực, trong đó có việc giám sát các doanh nghiệp, tập đoàn".
Theo Thủ tướng, để khắc phục các hạn chế yếu kém, Chính phủ đã triển khai các nhóm giải pháp như xây dựng thể chế, luật pháp; tăng cường nâng cao năng lực dự báo đánh giá tình hình; hoàn thiện bộ máy hành chính các cấp.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng chậm rãi nói: "Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng. Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao".
Về thủy điện sông Tranh, Thủ tướng cho biết, khi chủ trương khai thác thủy điện, Đảng, Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng của nhân dân - đây là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả nhưng không an toàn thì cũng không làm. Thứ hai là công tác di dân và thứ ba là hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cũng có bất cập, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện trong cả nước, các công trình đang vận hành.
Theo Thủ tướng, nhiều hiệp hội trong nước, bộ ngành khẳng định thủy điện Sông Tranh là an toàn. Nhưng để chắc chắn hơn, đảm bảo an toàn cho dân cần phải làm mấy việc: không tích nước, lập tổ công tác ứng trực tại thủy điện Sông Tranh, thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế, tiếp tục tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia, công bố công khai thường xuyên cách ứng phó với động đất.
Khi Thủ tướng khẳng định về an toàn của thủy điện Sông Tranh, phía dưới Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cười tươi.
11h15 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần trả lời chất vấn trực tiếp. Những câu hỏi chưa được trả lời, người đứng đầu Chính phủ hứa sẽ trả lời và đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ.
Trước đó, trong phần đọc báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 175 phiếu chất vấn với 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong đó, có 5 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn dành riêng cho Thủ tướng. Thủ tướng đã uỷ nhiệm và yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
"Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước quan tâm, chất vấn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới", ông nói.
Báo cáo do Thủ tướng trình bày có nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào các định hướng điều hành trong những tháng cuối năm, năm 2013 cũng như các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều khó khăn, Chính phủ xác định sẽ kiên trì các giải pháp đúng và đã chứng tỏ được hiệu quả để ổn định kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra.
Bước sang năm 2013, Chính phủ đặt nhiều ưu tiên vào việc xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, thao gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất. Để giải quyết tồn kho, cơ quan điều hành sẽ có giải pháp tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, đồng thời giải ngân mạnh các công trình đầu tư từ ngân sách.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ điều chỉnh lương tối thiểu từ 1,05 lên 1,15 triệu đồng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tương ứng từ 1/7/2013. Đồng thời, sẽ có giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất thông qua hạ lãi suất, thực hiện các giải pháp thuế - phí nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống buôn lậu… Đồng thời để đảm bảo ngân sách chi tiêu, Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn việc tiết kiệm trong năm 2013.
Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức, phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...). Các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động cơ cấu lại nợ từ nguồn dự phòng rủi ro, đồng thời cùng doanh nghiệp khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong quá trình xử lý nợ xấu không thể thiếu vai trò của Nhà nước, nhưng kiên quyết không dùng ngân sách để xử lý nợ cho các tổ chức tín dụng. Ông cũng cam kết với các giải pháp đồng bộ, sẽ phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ xác định đây là loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Để giải quyết, Chính phủ cho biết sẽ mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các ngân hàng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố cũng sẽ tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên... “Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giải pháp này và đạt kết quả bước đầu”, Thủ tướng lầy ví dụ.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các công trình phải tạm dừng hoặc phải điều chỉnh. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch, khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê, nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.
Một nội dung mang tính dài hơi hơn cũng được đề cập trong báo cáo của Thủ tướng là các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tài cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Về tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ nhận định đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, có giải pháp nhằm thu hút được nhiều vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA làm cơ sở cho việc vận động tài trợ…
Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, bên cạnh việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước khỏi các đơn vị không cấn nắm giữ, cơ quan quản lý cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh tổ chức lại theo loại hình phù hợp, áp dụng chế độ quản trị tiên tiến, minh bạch theo các tiêu chí của công ty niêm yết. Đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Trong trường hợp phải thực hiện chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô, sẽ thực hiện theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước, hạch toán theo thị trường.
Cùng với chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ cũng yêu cầu các tập đoàn hiện nay thực hiện thoái vốn ngoài ngành, khẩn trương phê duyệt các đề án tái cơ cấu. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiến hành tổng kết Luật Doanh nghiệp năm 2005, xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp để quản lý có hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới.
Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Chính phủ xác định giai đoạn 2011 - 2015 chủ yếu tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với tình trạng tài chính riêng. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí quản lý hoạt động của các tổ chức này theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường giám sát, xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống.
Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây ấn tượng bởi phát biểu xung quanh vấn đề Biển Đông cùng thái độ “thẳng thắn, tâm huyết, nghiêm túc và đầy trách nhiệm”, theo lời của Chủ tịch Quốc hội. Thời gian dành cho Thủ tướng tại thời điểm đó khá eo hẹp (cả hỏi và trả lời chỉ khoảng 40 phút) nên người nghe vẫn chưa có cảm giác thỏa mãn khi ông trình bày các vấn đề về kinh tế - xã hội cũng như kết quả xử lý sai phạm tại Vinashin.
Tới kỳ họp lần này, phần trả lời của Thủ tướng tiếp tục nhận được kỳ vọng phát đi thông điệp điều hành, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều nút thắt cần sớm được tháo gỡ.
Trong hai ngày qua, 4 Bộ trưởng đã trực tiếp đăng đàn. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và 3 Bộ trưởng khác cũng giải trình bổ sung tại hội trường. Là người đăng đàn đầu tiên, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi về chất lượng hàng hóa, tồn kho xây dựng các nhà máy thủy điện, chiến lược xuất nhập khẩu, thương hiệu quốc gia và quản lý xăng dầu. Bộ trưởng Xây dựng - Trịnh Đình Dũng giải trình về chất lượng công trình, an toàn của các nhà máy thủy điện, việc quản lý các tập đoàn thuộc bộ và giải pháp cho thị trường bất động sản…
Gây ấn tượng nhất là phần giải trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, bởi thái độ điềm tĩnh, tự tin và rành mạch trong các câu trả lời. Tuy nhiên, với sự tự tin thái quá, đôi lúc ông đưa vấn đề ra ngoài sự quan tâm của đại biểu.
Cuối buổi chiều 13/11 và một phần thời gian sáng 14/11, Bộ trưởng Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời các chất vấn về giá thuốc, viện phí, y đức, mất cân bằng giới tính khi sinh…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét