Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Tìm hiểu thực chất tình trạng người nghèo ở Mỹ

Tìm hiểu thực chất tình trạng

 người nghèo ở Mỹ


, Văn hóa Nghệ An
Theo báo cáo công bố hôm 13/9/2011 của Cục Điều tra Dân số Mỹ (U.S. Census Bureau), số người nghèo ở Mỹ năm 2010 lên tới 46,2 triệu người, kỷ lục cao nhất trong lịch sử nước này. Nói cách khác, cứ 7 người Mỹ thì có 1 người sống trong cảnh nghèo. Năm 2005 nước Mỹ chỉ có gần 37 triệu người nghèo ; năm 2009 có 43,6 triệu. Trong hai thập niên qua, nhiều năm Cục Điều tra Dân số Mỹ từng tuyên bố nước này có ít nhất 35 triệu người nghèo.
Những con số kể trên khiến dư luận thế giới cảm thấy tình hình đời sống dân Mỹ thật là bi đát.
Một số nước hoặc tổ chức chống Mỹ đã sử dụng các số liệu ấy để lên án chính phủ Mỹ vi phạm nhân quyền vì đã để cho quá nhiều dân nước mình sống nghèo khổ. Chẳng hạn bản Ghi chép về tình trạng nhân quyền ở Mỹ do Chính phủ Trung Quốc công bố năm 2010 cho biết tỷ lệ người nghèo ở Mỹ trong 10 năm qua đã tăng từ 11,7% lên tới 12,6%, trong khi tỷ lệ người nghèo ở Trung Quốc chỉ có 8%. Đọc Ghi chép này, người ta sẽ nghĩ rằng dân Mỹ sống khổ hơn dân Trung Quốc ; và tỷ lệ người nghèo tăng lên chứng tỏ « chủ nghĩa tư bản Mỹ đang giãy chết ».
Không thể phủ nhận tính chính xác của những con số do Cục Điều tra Dân số Mỹ đưa ra. Nhưng nếu như vậy thì làm thế nào có thể trả lời câu hỏi : vì sao nước Mỹ lắm người nghèo thế mà theo báo cáo của Gallup World Poll công bố hồi tháng 2/2012, hiện nay có khoảng 150 triệu dân khắp thế giới, trong đó có 22 triệu người Trung Quốc (chủ yếu là giới nhà giàu) lại mơ ước được sang Mỹ sinh sống ?
Như mọi người thường nói : đằng sau những con số thống kê bao giờ cũng có vô số sự thật cần xem xét ; nếu không thì việc so sánh các con số khô khan ấy sẽ chỉ là sự so sánh khập khiễng thậm chí bịp bợm.
Vấn đề là ở chỗ thứ nhất, chuẩn nghèo do Chính phủ Mỹ đặt ra chỉ xét tới thu nhập bằng tiền mặt mà không xét tới tài sản cố định của người ta, như nhà ở, xe hơi, hoặc các động sản khác như tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu sở hữu … Nghĩa là anh ở nhà biệt thự rộng thênh thang, trong gara có mấy ô tô, sổ tiết kiệm ê hề tiền mà vẫn được hưởng trợ cấp người nghèo chỉ vì anh thất nghiệp không có thu nhập hoặc chỉ làm nửa thời gian nên thu nhập thấp dưới chuẩn nghèo.
Thứ hai, chuẩn nghèo của nước Mỹ cao hơn hẳn chuẩn nghèo của các nước khác, và tăng lên hàng năm. Thí dụ chuẩn nghèo của một hộ 4 nhân khẩu ở Mỹ các năm 1980, 1990 và 2000 quy định bằng 8.415 ; 13.359 ; 17.603 USD/năm ; năm 2012 là 23.050 USD/năm hoặc 1921 USD/tháng ; tính ra tiền Việt Nam là thu nhập mỗi người mỗi tháng 10 triệu VNĐ. Chuẩn nghèo với hộ độc thân năm 2012 là thu nhập 11.170 USD/năm hoặc 931 USD/tháng (ở bang Hawaii và Alaska là 12.860 và 13.970 USD/năm), tương đương gần 20 triệu VNĐ mỗi tháng.
Thu nhập cao ngất ngưởng như vậy ở Mỹ gọi là nghèo ! Thảo nào họ lắm người nghèo thế. Mức này cao hơn gấp 3 mức thu nhập của người đạt tiêu chuẩn tầng lớp trung lưu (không dưới 3650 USD/năm) theo quy định của Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu EUISS và gấp hơn 30 lần chuẩn nghèo của Liên Hợp Quốc (365 USD/năm).
Chuẩn nghèo hộ một người ở Trung Quốc năm 2011 quy định là 1500 Nhân dân tệ, tương đương 225 USD (1 Tệ tương đương 0,15 USD), là quá thấp so với chuẩn nghèo 11.170 USD ở Mỹ và còn thấp hơn chuẩn nghèo 365 USD của Liên Hợp Quốc, thậm chí không cao hơn chuẩn nghèo của Việt Nam (4,8 triệu đồng ở nông thôn và 6 triệu đồng ở thành thị)! Vì thế nếu chỉ so sánh tỷ lệ người nghèo giữa các nước với nhau mà không xét chuẩn nghèo của từng nước thì sự so sánh ấy rõ ràng chẳng có ý nghĩa gì.
Một khi chuẩn nghèo tăng thì dĩ nhiên tỷ lệ người Mỹ nghèo sẽ tăng theo : năm 2009 là 14,3%, năm 2010 là 15,1%.
Tại Mỹ, hộ nào có thu nhập dưới mức chuẩn nghèo thì tự khai với chính quyền để được hưởng chế độ cứu trợ cùng nhiều phúc lợi khác. Nước Mỹ quản lý thu nhập rất khoa học, chặt chẽ cho nên dễ nắm được thu nhập của từng người. Hầu hết người Mỹ đều hiểu khái niệm « nghèo » là sự thiếu khả năng cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, quần áo, và chỗ ở thích hợp cho một gia đình. Nếu hiểu theo cách diễn tả này thì thực ra chỉ có một số ít trong số 46 triệu người Mỹ nói trên là “nghèo » mà thôi.
Các số liệu sau đây chúng tôi lấy từ các báo cáo chính thức của Chính phủ Mỹ cho thấy :
- Hiện nay 80% các hộ nghèo có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, trong khi năm 1970 chỉ có 35% tổng số dân Mỹ được sống trong nhà có máy điều hòa.
- 92% hộ nghèo có lò vi sóng.
- Gần ba phần tư các gia đình nghèo có ô tô con hoặc xe tải và 31% có ít nhất 2 xe.
- Khoảng hai phần ba có truyền hình cáp hoặc truyền hình vệ tinh.
- Hai phần ba có ít nhất một máy DVD và 70% có VCR.
- Một nửa số hộ nghèo có máy tính cá nhân ; 1 phần 7 có ít nhất 2 máy tính.
- Hơn một nửa hộ nghèo (hộ có con ) sở hữu một hệ thống video game, chẳng hạn một Xbox hoặc PlayStation.
- 43% hộ có kết nối Internet.
- Một phần ba có ti-vi màn hình rộng plasma  hoặc LCD.
- Một phần tư có máy ghi hình video số, thí dụ TiVo. 
Trong thập niên vừa qua, điều kiện sống của những người Mỹ nghèo đã được cải thiện đáng kể. Giờ đây họ bắt đầu mua sắm những thứ hàng xa xỉ mà trước đây tầng lớp trung lưu từng mua sắm.
Tuy báo đài Mỹ đưa nhiều tin về tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm ở các hộ nghèo, nhưng thực ra hầu hết các hộ này chưa phải trải qua tình trạng đó. Điều tra năm 2009 cho thấy :
- 96% các cha mẹ nghèo chưa bao giờ để con mình bị đói ăn vì lý do không được cung cấp đủ thực phẩm.
- 83% các hộ nghèo báo cáo là họ có đủ lương thực thực phẩm để ăn.
- 82% số người lớn nghèo báo cáo là họ chưa bao giờ bị thiếu ăn vì không đủ tiền mua lương thực thực phẩm.
Các điều tra khác của Chính phủ cho thấy tiêu thụ chất đạm, vitamin và chất khoáng của trẻ em các hộ nghèo không kém gì các hộ trung lưu. Chứng cớ là rất nhiều trẻ em nhà nghèo cũng mắc chứng béo phì đáng lo ngại khiến nhiều nhà xã hội học đề nghị Nhà nước nên giảm bớt phúc lợi, vì người sống nhờ trợ cấp dễ có thói quen lười lao động, ăn nhiều làm ít nên béo phì, gây tốn kém chi phí y tế chữa béo và các bệnh liên quan.
Nhìn chung tình trạng nghèo thường thể hiện về điều kiện nhà ở. Trên thực tế các số liệu điều tra cho thấy :
- Trong năm qua có 4% hộ nghèo trở nên tạm thời không có nhà ở (không trả nổi tiền thuê nhà nên bị đuổi khỏi nhà).
- Chỉ có 9,5% hộ nghèo phải sống trong loại nhà di động hoặc thùng xe (trailers). 49,5% các gia đình nghèo sống trong nhà riêng kiểu biệt thự hoặc nhà liền kề (townhouses) ; 40% sống trong các căn hộ chung cư (apartments).
- 42% hộ nghèo sống trong nhà mua bằng tiền của họ (bình quân giá trị mỗi nhà khoảng trên 100.000 USD).     
- Chỉ có 6% hộ nghèo sống trong tình trạng chật chội. Trung bình nhà ở của hơn hai phần ba hộ nghèo có trên 2 phòng cho một đầu người.
- Tính trung bình, không gian sống (tức nhà ở) của người Mỹ nghèo rộng hơn nhà ở của người không nghèo ở Thụy Điển, Pháp hoặc Anh.
Các số liệu nói trên chúng tôi lấy từ bài Tìm hiểu về tình trạng nghèo khổ ở Mỹ : Những sự thật ngạc nhiên về cái nghèo của người Mỹ của hai tác giả Robert Rector và Rachel Sheffield, đăng trên báo điện tử của The Heritage Foundation (một think-tank nổi tiếng ở Mỹ) ngày 13/9/2011. Đó là những kết quả điều tra nghiên cứu nghiêm chỉnh rất đáng để ta xem xét và qua đó có cái nhìn đúng đắn về nước Mỹ nói chung và về tình hình kinh tế Mỹ nói riêng.
Xin chú ý là chuẩn nghèo của người Mỹ cũng không xét tới nhiều phúc lợi khác. Thí dụ từ năm 1939 Chính phủ Mỹ đã áp dụng chế độ phiếu thực phẩm miễn phí phát hàng tháng cho người nghèo. Qua nhiều cải tiến, nay phiếu thực phẩm này có dạng thẻ điện tử tương tự thẻ tín dụng. Người nghèo mang phiếu này đến các cửa hàng mua thực phẩm chỉ cần « quét » vào máy thanh toán là xong, rất tiện. Khi xin cấp phiếu thực phẩm, không cần phải kê khai tình trạng nhà ở, xe hơi, hoặc tài sản khác. Một người già sống chung với gia đình thuộc diện nghèo hàng tháng được lĩnh phiếu thực phẩm có giá trị tính bằng tiền tương đương 118 USD.
Ngân sách dành cho Chương trình phiếu thực phẩm (Food stamp program) do Bộ Nông nghiệp Mỹ phụ trách, năm 2000 là 18,295 tỷ, năm 2002 là 22,069 tỷ USD. Ngoài ra Chính phủ còn khoảng hơn chục chương trình trợ giúp khác như ăn sáng và ăn trưa cho học sinh, sữa đặc biệt... Tổng cộng các chương trình trợ giúp thực phẩm của Chính phủ Liên bang Mỹ (Federal Food Assistance Programs) từng sử dụng những khoản tiền khổng lồ: năm 1990 – 24,707; 1995 – 37,628; 2000 – 32,317; 2002 – 37,726 tỷ USD ... tương đương 1/3 GDP Việt Nam ! (số liệu lấy từ The World Almanac and Book of Facts 2004). Nếu chia đều thì mỗi người Mỹ nghèo hàng năm nhận được khoảng 1000 USD trợ cấp thực phẩm. Chưa kể chính quyền các bang còn có trợ giúp riêng cho người nghèo ở trong bang mình.
Từ năm 1961, Chính phủ có kế hoạch trợ cấp nhà ở cho người nghèo, như cung cấp nhà chung cư, nhà của cơ quan từ thiện, nhà tư nhân … để ở, hoặc trợ cấp tiền thuê nhà. Có rất nhiều chung cư chuyên cho người nghèo ở với giá thuê rất thấp, vì nhà nước trả giúp họ 70% tiền thuê nhà (nhà nước ký thỏa thuận với chủ nhà cho thuê).
Thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy nước này đứng đầu thế giới về bình quân diện tích nhà ở của một hộ gia đình. Không gian sinh hoạt gia đình của mỗi người Mỹ bình quân là 71 m2, ở các hộ nghèo là 43 m2. Nói cách khác, điều kiện nhà ở của người nghèo Mỹ còn cao hơn nhiều so với mức trung bình về không gian sinh hoạt gia đình của mỗi người tại các nước giàu như Anh, Pháp, Đức, Nhật (37 m2). Ngay tại các nước có mức thu nhập trên trung bình như Hy Lạp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, bình quân mỗi người chỉ có 23 m2 không gian sinh hoạt gia đình. Điều kiện nhà ở của người nghèo Mỹ cao gấp hơn 2 lần các gia đình thu nhập trung bình tại Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, và gấp 6 lần mức trung bình của người dân đô thị tại Ấn Độ.
Những người dưới chuẩn nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, dù là phẫu thuật tốn kém, trong khi những người có mức sống cao hơn thì phải mua bảo hiểm y tế.  
Chính vì xã hội Mỹ có rất nhiều phúc lợi dành cho người nghèo nên nhiều người dù hàng tháng thu nhập tiền mặt thấp dưới chuẩn nghèo mà vẫn ăn uống no đủ, vẫn cho con đi học, vẫn được khám chữa bệnh, có nhà có xe đàng hoàng. « Nghèo » ở Mỹ là như thế đấy !
Nhà nước Mỹ còn có Dự án giúp trẻ em nghèo, thi hành từ năm 1965. Tính đến năm 2005 tổng cộng đã có 22 triệu trẻ trước tuổi đi học được trợ cấp. Ngân sách năm 2005 dành 6,8 tỷ USD cho khoản trợ cấp này, đã có 900 nghìn trẻ được hưởng, đổ đồng mỗi trẻ được cấp 7.222 USD. Dự án này sử dụng nhiều nghìn nhân viên và hơn 1,2 triệu người tình nguyện. Trẻ em các hộ nghèo được hưởng chế độ bữa ăn sáng và bữa trưa miễn phí tại trường cùng nhiều chế độ ưu đãi khác. Tất cả học sinh tiểu học và trung học đi học bằng xe chuyên dùng miễn phí. Bất cứ phụ huynh nào tự khai là mình không có thu nhập hoặc thu nhập dưới ngưỡng nghèo thì con họ đều được hưởng các chế độ ưu đãi. Trần Cường, phóng viên thường trú tại Mỹ của báo Thanh niên Trung Quốc kể lại khi mới sang Mỹ, tháng đầu chưa có lương, anh khai với nhà trường tiểu học nơi con mình học là « Gia đình chưa có thu nhập », lập tức con anh được ăn sáng và ăn trưa miễn phí.
Đấy là chưa kể nước Mỹ có hàng trăm nghìn tổ chức từ thiện do công dân tự nguyện lập ra góp phần rất quan trọng giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống một cách hết sức thiết thực. Thí dụ họ lập ra vô số cửa hàng miễn phí dành riêng cho người nghèo, trên các kệ hàng bày những suất thực phẩm gói sẵn trong bọc ni lông, ai cần bao nhiêu lấy bấy nhiêu, chẳng hạn bánh mỳ lấy thoải mái. Họ xây những tòa nhà 1-2 tầng dành riêng cho người lang thang, cơ nhỡ ăn ở không mất tiền. Kinh phí từ thiện do nhân dân quyên góp hàng năm lên tới vài trăm tỷ USD, không những giúp người nghèo trong nước mà còn giúp các nước nghèo khác.
Người nào (kể cả người nước ngoài sống tại Mỹ) tự thấy mình thuộc diện nghèo thì chỉ cần tự khai là được hưởng các chế độ ưu đãi, nhà nước không ai bỏ thời gian đi xác minh lời khai ấy. Người Mỹ có tâm lý tôn vinh sự giàu sang, coi nghèo khổ là một điều rất mất thể diện, là lỗi tại mình.
Nhìn chung hàng năm Chính phủ Mỹ dành khoảng 4% GDP dùng vào việc trợ giúp các hộ nghèo và trẻ em hộ nghèo nhằm bảo đảm mọi người dân, kể cả những người kém may mắn, đều được hưởng một cách công bằng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Chính sách này có ý nghĩa chính trị-xã hội rất lớn, chứng tỏ Chính phủ nghiêm chỉnh tuân theo nguyên tắc « Tiền của dân thì dùng cho dân ». Nó góp phần giải thích vì sao đời sống xã hội-chính trị Mỹ luôn giữ được ổn định trong khi chênh lệch giàu nghèo khá lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét