Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Một vụ thanh tra tham nhũng ở Mỹ

Cách chống tham nhũng của Mỹ rất có hiệu quả. Kẻ tham nhũng nào mà chẳng sợ bị công khai hành vi và tên tuổi mình trước công luận. Dân chúng thì vô cùng tin tưởng, phấn khởi vì họ được hành xử quyền hoàn toàn làm chủ trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng – được biết toàn bộ sự thật (những nước tham nhũng nặng, chính quyền gọi đó là “thông tin nhạy cảm” cần được giữ kín). Hình như Tổng thống Mỹ chưa bao giờ nói về việc chống tham nhũng, thế nhưng bộ máy thanh tra ở các cơ quan dưới quyền ông vẫn chạy ro ro chẳng khác gì một phần mềm chống virus trong máy tính. Họ thực hiện đúng chức trách “Cán bộ là đầy tớ của dân”, hiểu rõ họ được dân đóng thuế trả lương là để làm phận sự của mình.

Một vụ thanh tra tham nhũng ở Mỹ


Một lần khi đọc website hãng thông tấn AP (ap.gov) tôi thấy có bài “Vụ bê bối tình dục của các nhà môi giới dầu mỏ có thể tác động tới cuộc tranh luận (tại Quốc hội) về vấn đề khoan giếng dầu” (Oil brokers sex scandal may affect drilling debate) nói về bản báo cáo công bố hôm 10-9 của Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Mỹ Earl Devaney gửi lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày kết quả thanh tra một cơ quan trong bộ.
Thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, tôi vào trang web của Bộ Nội vụ Mỹ (doi.gov) và của Cơ quan Chánh Thanh tra bộ này (doioig.gov). Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy doi.gov ngày 11-9 có đăng Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về bản báo cáo trên, còn doioig.gov ngày 10-9 thì đăng toàn văn ba bản báo cáo. Nội dung báo cáo công khai mọi kết quả thanh tra, kể cả họ tên các đương sự chính trong vụ việc và tội trạng cụ thể của họ.
Nội dung mấy bản báo cáo nói trên lấy từ kết quả một cuộc điều tra tiến hành trong 2 năm kể từ tháng 7-2006, tiêu tốn 5,3 triệu USD, viết thành tập báo cáo dày 470 nghìn trang (!), có ghi chép phỏng vấn 233 chứng nhân. Kinh phí này có vẻ rất lớn, song thực ra chỉ bằng một phần nghìn số tiền cơ quan đương sự quản lý. 
Một số chi tiết
Báo cáo Devaney nói về việc thanh tra Vụ Quản lý Khoáng sản (Minerals Management Service, viết tắt Vụ QLKS), cơ quan chủ yếu quản lý thuế sử dụng tài nguyên do các công ty năng lượng giao nộp; tổng số tiền hàng năm lên tới 8 tỷ USD.
Báo cáo viết: một số nhân viên Vụ QLKS “hoàn toàn coi thường hoặc không tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của chính quyền” tới mức không coi việc làm của họ là sai phạm, một số quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm bị tình nghi phạm các tội: - tác động tới việc ký các hợp đồng khoan dầu, - nhận kiêm chức cố vấn cho các công ty dầu mỏ, - nhận tour du lịch chơi golf và trượt tuyết do các công ty biếu, - quan hệ tình dục bất chính (nhận hối lộ tình dục) với những “gà mái tơ” (chicks) của các công ty.
Từ lâu Chính phủ liên bang Mỹ đã ban hành Quy chế đạo đức của nhân viên chính phủ. Theo quy định, tất cả các nhân viên nhà nước đều không được nhận quà biếu trị giá trên 20 USD. Nhưng trong thời gian 2002-2006, đã có 19/55 nhân viên văn phòng Denver của Vụ QLKS nhận quà biếu đắt tiền của các công ty dầu khí Chevron Corp., Shell, Hess Corp. và Gary Williams Energy Corp. Thanh tra Bộ đã điều tra trọng điểm 9 người, phát hiện có 2 vị từng nhận hối lộ ít nhất 135 lần. Điều tra cho thấy trong các nhân viên của Vụ QLKS tồn tại hiện tượng nghiện rượu, ma túy, tình dục bất chính. Điều kỳ lạ là nhiều nhân viên coi đó là chuyện bình thường. Bà Deborah Gibbs Tschudy Trợ lý Vụ trưởng Vụ QLKS nói việc các công ty dầu khí biếu quà là “văn hóa marketing của công nghiệp dầu khí”.
Bản báo cáo có nêu tên một số cán bộ phạm khuyết điểm. Thí dụ Gregory Smith, Giám đốc Chương trình Royalty In Kind (RIK, tức Thuế tài nguyên trả bằng hàng hóa hoặc hiện vật, do các công ty khai thác dầu khí nộp, lên tới 4 tỷ USD/năm), từng phụ trách dự án chi phí đặc cách sử dụng của Văn phòng Denver của MMS; ông này không những dùng ma túy mà còn có quan hệ tình dục với hai nhân viên; ngoài ra đã lợi dụng quyền thế giúp một công ty giành hợp đồng khai thác dầu, qua đó được “boa” 30 nghìn USD. Bà Steycy Leysbon từng nhiều lần nhận hối lộ quà cáp, thanh toán tiền trọ, một số tour du lịch vui vẻ.
Khi bị điều tra, các công ty đưa hối lộ đều thanh minh bằng đủ mọi lý lẽ. Đặc biệt công ty Chevron từ chối hợp tác điều tra, làm cho việc thanh tra tốn kém thêm rất nhiều. 
Phản ứng trước báo cáo nói trên, hôm 11 Bộ trưởng Nội vụ Dirk Kempthorne ra tuyên bố: “Tôi phẫn nộ trước hành vi vô đạo đức, các hoạt động phi pháp và gian dâm của một số nhân viên tiền nhiệm và đương nhiệm có thâm niên tại Chương trình RIK của Vụ QLKS ... Chúng tôi sẽ nhanh chóng hành động để lấy lại niềm tin của công chúng ... Tôi rất phấn khởi trước việc Chánh Thanh tra tuyên bố 99,9% nhân viên Bộ Nội vụ tích cực công tác, giữ được đạo đức và có biểu hiện tốt.” Vụ trưởng Vụ QLKS Randall Luthi nói bản báo cáo này “rất nghiêm trọng” và ông sẽ xử lý những người phạm kỷ luật ngay trong tháng sau. Chánh Thanh tra Devaney thì đề nghị lập tức khai trừ các nhân viên đó. Chủ tịch Tiểu ban Tài nguyên thiên nhiên Quốc hội Nick Rahall châm biếm: đọc báo cáo mới hiểu tại sao công việc của Vụ QLKS lại có hiệu suất thấp như thế, bởi lẽ “Họ còn có những công việc quan trọng hơn cần làm”.
Hai viện của Quốc hội Mỹ đã tranh luận về việc vụ bê bối nói trên sẽ tác động ra sao đối với chương trình tăng cường khoan dầu ở bờ biển Mỹ do Tổng thống Bush đề xuất nhằm đối phó tình trạng giá dầu thế giới tăng vọt.
Thấy gì từ vụ thanh tra tham nhũng nói trên
1) Cơ quan thanh tra thực hiện đúng chức trách, chủ động phát hiện các vụ tham nhũng  nội bộ (chứ không chờ sự phanh phui của dân, của nhà báo hoặc công an kinh tế). Công tác thanh tra tiến hành nghiêm chỉnh thận trọng, cán bộ thanh tra làm việc đến nơi đến chốn, không tiếc thời gian, công sức. Báo cáo điều tra đầy sức thuyết phục tới mức dám công khai trước công luận mọi tin tức nội bộ mà không sợ kiện cáo.
2) Các cấp lãnh đạo kể cả Bộ trưởng, đều có phản ứng rất nhanh, hầu như tức thời đối với kết quả thanh tra, chứng tỏ họ rất có tinh thần trách nhiệm trước dân và rất tin cậy bộ máy thanh tra của mình. Do đó dân chúng tin tưởng, phấn khởi.
3) Toàn bộ thông tin thanh tra được công khai trước công chúng (Mỹ và thế giới). Hệ thống thông tin “Chính quyền điện tử” phát huy tác dụng cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới từng người dân. Báo cáo thanh tra công bố trên mạng thì bất cứ ai cũng đều biết, từ dân thường tới đại biểu Quốc hội và lãnh đạo cấp cao nhất nước, và biết từ cùng một nguồn tin, cho nên không gây hiểu lầm; báo chí không thể đưa tin sai.
Tóm lại, cách chống tham nhũng như trên rất có hiệu quả. Kẻ tham nhũng nào mà chẳng sợ bị công khai hành vi và tên tuổi mình trước công luận. Dân chúng thì vô cùng tin tưởng, phấn khởi vì họ được hành xử quyền hoàn toàn làm chủ trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng – được biết toàn bộ sự thật (những nước tham nhũng nặng, chính quyền gọi đó là “thông tin nhạy cảm” cần được giữ kín).
Hình như Tổng thống Mỹ chưa bao giờ nói về việc chống tham nhũng, thế nhưng bộ máy thanh tra ở các cơ quan dưới quyền ông vẫn chạy ro ro chẳng khác gì một phần mềm chống virus trong máy tính. Họ thực hiện đúng chức trách “Cán bộ là đầy tớ của dân”, hiểu rõ họ được dân đóng thuế trả lương là để làm phận sự của mình./.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét