LẠM BÀN VỀ “GIAO CHỈ”, “AN NAM” TỪ XƯA CŨNG THUỘC VỀ LÃNH THỔ TRUNG QUỐC
Tác giả: Thuần Vu Nhạn
Người dịch: Quốc Thanh
12-11-2012
Dân nhập cư ở Úc có quen một vài người bạn Việt Nam lớn tuổi, mới đầu cứ ngỡ là người Hoa, bởi họ nói được cả tiếng Quảng Đông và tiếng Triều Châu, lại còn biết chữ Hán và đọc được cả báo tiếng Trung. Họ bảo mình “không phải là người Trung Quốc”, mà là người Việt Nam chính gốc; từ đây tôi mới học được cách phân biệt và có được thêm đôi chút kiến thức về Việt Nam.
Trong một lần trò chuyện lúc “tắm nắng”, họ chủ động nói về “vấn đề đảo Điếu Ngư” Trung-Nhật đang tranh chấp không dứt, chắc hẳn là vì Việt Nam với Trung Quốc cũng có sự tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tương tự ở quần đảo Nam Sa[i]. Họ cho rằng cái kiểu nói “từ xưa đến nay là lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc” mà Trung Quốc chính thức đưa ra để làm căn cứ chủ yếu là cả vú lấp miệng em, là hống hách. Chẳng khác nào một tên ác bá lắm tiền nhiều thế bảo “cái này là của tao” một cái là cái ấy liền biến thành của hắn ta luôn vậy. “Từ xưa đến nay” thực ra không thể dùng làm căn cứ để xử lý những vấn đề hiện thực trước mắt.
Từ “vấn đề đảo Điếu Ngư” mà người Nhật gọi là đảo Senkaku, họ đã không nén nổi tình cảm hào hứng nói về đề tài Việt Nam “từ xưa đến nay” từng là lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc. Theo “logic ngoại giao” chính thức của Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể bị “thu hồi” để nhập vào bản đồ chủ quyền của Trung Quốc. Lẽ nào lại có cái lý đó sao? Họ nói đầy vẻ châm biếm, may mà lại xảy ra “Chiến tranh Pháp-Thanh”, Từ Hy Thái hậu dâng “An Nam” cho Pháp, chứ nếu không thì Việt Nam ngày nay cũng giống như Tây Tạng, Tân Cương, đã trở thành “lãnh thổ không thể chia cắt” của Trung Quốc mất rồi. Biến thành thuộc địa của thực dân Pháp thì còn có cái ngày giành lại được độc lập; chứ nếu trở thành thuộc địa của Trung Quốc thì sẽ vĩnh viễn không có ngày được độc lập. Khi suy nghĩ về lịch sử mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam, lập luận của họ không phải là không có cơ sở.
Hiện giờ mà nói đến “Giao Chỉ” và “An Nam”, thế hệ trẻ ở Trung Quốc có thể sẽ không hiểu lắm, đó là tên gọi trong sử sách chính thức của Trung Quốc qua các đời để chỉ Việt Nam thời cận đại. Dân tộc Việt Nam cũng là dân tộc có lịch sử lâu đời ở phương Đông, theo lịch sử Việt Nam, ngay từ 4000 năm trước họ đã lập nên quốc gia của riêng mình. Nhưng, trong suốt cả thời kỳ dài từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 10, họ bị chính quyền các triều đại của Trung Quốc Hoa Hạ đại lục lớn mạnh xâm chiếm, hoặc nhập vào bản đồ (thuộc địa), hoặc phong là phiên thuộc (nước bảo hộ), đặt dưới ách cai trị của Trung Quốc, bị áp bức và bóc lột. Cho mãi đến năm 939, cuộc khởi nghĩa vũ trang do Ngô Quyền lãnh đạo đã đánh bại đội quân đồn trú của Trung Quốc vào thời điểm đó, thì lần đầu tiên Việt Nam mới thoát được khỏi ách thống trị và được độc lập, đồng thời chính thức định quốc hiệu là Đại Cồ Việt[ii] vào năm 968.
Đến năm 1802, Trần Phúc Ánh (BTV: Nguyễn Phúc Ánh) thành lập triều Nguyễn với sự giúp đỡ của Pháp, đồng thời được triều đình Gia Khánh của đế quốc Đại Thanh sắc phong là “Việt Nam quốc vương” “nhập chủ Trung Nguyên” (thực chất là xâm chiếm, cưỡng chế thi hành sự thống trị thuộc địa), trở thành nước bảo hộ, quốc danh “Việt Nam” bắt đầu được sử dụng vào thế kỷ 19. Sau đó, Pháp can thiệp vào Bán đảo Đông Dương Châu Á, bắt đầu từ năm 1859, đã mượn cớ bảo vệ các giáo sĩ truyền giáo và tín đồ Thiên chúa giáo để từng bước đưa quân vào đóng tại Việt nam, chiếm thị trấn trọng yếu Sài Gòn ở Đồng bằng sông Cửu Long, rồi kiểm soát toàn bộ Việt Nam từ 1863-1884, đưa vào diện quản lý thuộc địa Bán đảo Đông Dương của Pháp. Cử chỉ này đã làm cho đế quốc Đại Thanh là mẫu quốc của Việt Nam giận dữ, thế là nổ ra cuộc “Chiến tranh Pháp-Thanh” từ 1884-1885, kết quả là đại thần Bắc Dương của Đại Thanh là Lý Hồng Chương đã ký bản “Điều ước 10 khoản hội định Việt Nam Pháp-Thanh” với Công sứ Pháp Batna tại Thiên Tân, thừa nhận bản “Điều ước Thuận Hóa” đã được ký kết giữa Pháp và Việt Nam, cũng tức là thừa nhận địa vị mẫu quốc của Pháp tại Việt Nam. Việt Nam liền rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương.
Thực dân Pháp cai trị ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, về cơ bản là quốc thái dân an. Trong thời gian ấy, các giáo sĩ truyền giáo còn thiết kế cho tiếng Việt một bộ văn tự phiên âm Việt Nam lấy các chữ cái latin làm nền tảng, để thay thế cho chữ Hán được sử dụng trong suốt thời kỳ dài trước đó, đó chính là các chữ cái latin “Quốc ngữ” mà họ đang sử dụng rộng rãi hiện giờ, nhằm thực hiện mục đích “bỏ Hán hóa” về mặt văn tự. Đến cuộc “Chiến tranh Thái Bình Dương” do Nhật phát động vào năm 1942, Nhật giương ngọn cờ “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” đuổi Pháp để chiếm lấy Việt Nam. Khi Nhật tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” vào ngày 15-8-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo, lần đầu tiên tuyên bố “độc lập” tại Hà Nội. Quân đội Pháp trở lại để tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, liền nổ ra của cuộc chiến tranh với “Việt cộng”. Hai bên đánh nhau đến năm 1954, “Mao cộng” Trung Quốc ra sức chi viện cho quân đội Cộng sản Việt Nam, đã cử Đoàn cố vấn quân sự do đại tướng Trần Canh dẫn đầu đích thân chỉ huy, đánh một phát tan tành quân Pháp trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chính quyền Pháp biết khó nên rút lui đã trao trả lại quyền hành chính vùng Nam Bộ Việt Nam cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Nguyễn Phúc Thụy[iii] (Bảo Đại), nước Việt Nam liền tuyên bố độc lập ở Sài Gòn. Vào năm tiếp theo, thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố phế bỏ chế độ quân chủ, đổi thành chế độ cộng hòa, đổi gọi là Việt Nam Cộng hòa, tự nhậm chức tổng thống. Cuộc nội chiến Việt Nam kéo dài mãi đến năm 1975, Việt Nam cộng hòa bị quân đội “Việt cộng” đánh bại, Miền Nam Việt Nam được “giải phóng”, toàn quốc thống nhất, tuyên bố thành lập Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản độc quyền.
Những người bạn Việt Nam thường không mang thiện cảm với Trung Quốc về mặt lịch sử, cho rằng từ thời cổ đại đến thời cận đại, những kẻ thống trị của chính quyền Trung Quốc luôn có ý đồ kiểm soát Việt nam; ngay cả trong thời kỳ cùng thuộc về khối các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô, “Bác Hồ” ca ngợi “vừa là đồng chí vừa là anh em” cũng vậy. Họ nhắc tới những sự kiện lịch sử Trung Quốc xâm lược Việt Nam gây phản cảm nhất, một là vào năm Kiến Vũ Đông Hán thứ 16 (năm 40), do bọn tham quan ô lại Thái thú Tô Định cai trị trên đất Việt Nam hoành hành bạo ngược, coi rẻ người dân, lại sát hại quan viên bản địa Thi Sách đã từng đưa lời chỉ trích, nên vợ ông ta là Trưng Trắc đã dẫn em gái Trưng Nhị cùng lãnh đạo dân chúng khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định. Năm Kiến Vũ thứ 18 (năm 42), Quang Vũ Đế Lưu Tú đã phái “Phục Ba tướng quân” Mã Viện dẫn đại quân tới tiến vào bờ biển tàn sát đẫm máu; đi tới đâu là giở trò hãm hiếp, giết người đốt phá tới đó. Quân của Hai Bà Trưng ít hơn quân địch đã bị đánh bại, họ đã hy sinh anh dũng. Nhân dân Việt Nam coi họ là anh hùng dân tộc, hàng năm đều tổ chức lễ cúng tế giống như với thần linh, thần miếu của họ ở các nơi đã trải qua 2000 năm rồi mà không bị hư hỏng.
Một sự kiện khác là cuộc chiến tranh mà “Đặng cộng” năm 1979 tạo cớ do phía Việt Nam nhiều lần khiêu khích ở biên giới, với tên gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ”, thực chất là xâm lược trắng trợn Việt Nam. Những tiết lộ nội bộ hiện giờ cho thấy, khi ấy lãnh đạo cấp cao trung ương không tán thành vì Việt Nam “thân Xô” và Việt Nam xuất quân đánh “Khơme Đỏ” mà lại phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn “dạy cho Việt Nam một bài học” như vậy, nhưng tên Đặng lùn tự mệnh danh là “cốt lõi thế hệ lãnh đạo thứ hai” nhất ngôn cửu đỉnh cứ khăng khăng đòi đánh, liền điều động đại quân tấn công Việt Nam. Chiến sự diễn ra từ 17-2 đến 16-3, cả hai bên đều bị thương vong nặng nề. Phía Trung Quốc công bố đã giết chết 8 vạn lính và thường dân Việt Nam, đã giành được “thắng lợi vĩ đại” và chủ động rút quân; còn phía Việt Nam thì công bố đã tiêu diệt được hơn 2 vạn quân giải phóng Trung Quốc, đã đánh lui kẻ địch, bảo vệ được lãnh thổ. Cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã khiến phía Trung Quốc phải trả giá lớn, đã gây thương vong cho những dân thường vô tội của Việt Nam, làm khắc sâu thêm mối hận thù của họ đối với Trung Quốc. Cũng giống như cuộc “Kháng Mỹ viện Triều”, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc Trung Hoa đã bị đẩy tới cái chết ở nước khác một cách vô nghĩa, thật là oan uổng!
Trong lịch sử, Trung Quốc quả thực là nơi đã từng gây tổn thương cho người dân Việt Nam, Trung Quốc sau ngày dân chủ hóa cần phải xin lỗi người dân Việt Nam, đồng thời phải có sự bồi thường chiến tranh cần thiết cho họ.
(Bài gốc trên hudong.com ngày 10.11.2012)
———
[i] Tức Trường Sa.
[ii] Nguyên văn: Đại Cù Quốc (大瞿国).
[iii] Tên này chưa chính xác, phải là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy mới đúng.
Nguồn: Boxun
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét