Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Không cho nhập cảnh người mang hộ chiếu Trung Quốc có “đường lưỡi bò“

Ý kiến trên mạng: “Tôi nghĩ còn 1 khía cạnh nữa trong vụ hộ chiếu Tàu. Đó là cách xử sự của nước thứ ba ít hoặc không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Tàu. Chẳng hạn một người mang hộ chiếu Tàu vào Mỹ thì Mỹ sẽ cấp visa lên hộ chiếu đó? Nếu vậy thì mặc dù Mỹ đã tuyên bố không đứng về bên nào nhưng lại thành ra công nhận bản đồ của Tàu. Rồi hàng trăm quốc gia lớn nhỏ (trong đó có Nga, Anh,Brazil,…), hoàn toàn không liên quan (và có lẽ không quan tâm) đến tranh chấp lãnh thổ cũng cấp visa lên hộ chiếu đó ?!  Thật sự Tàu đã đi một bước đi thâm độc và cũng tạo ra một tiền lệ khó lường hết hậu quả trong ngoại giao thế giới”.

Không cho nhập cảnh người mang hộ chiếu Trung Quốc có “đường lưỡi bò



* Nhiều nước phản đối
TP - Nhiều lần khẳng định trước quốc tế về các “giải pháp hòa bình” trước những vấn đề ở biển Đông, nhưng thời gian qua chính Trung Quốc lại làm phức tạp thêm tình hình với nhiều chiêu trò lập thành phố Tam Sa, phát triển du lịch trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam… Và mới đây là hộ chiếu điện tử mới có “đường lưỡi bò”.
Việc Trung Quốc in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu là phi pháp. Nguồn: TN
Việc Trung Quốc in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu là phi pháp. Nguồn: TN.

ThS. Hoàng Việt 
- giảng viên ĐH Luật TPHCM (Chuyên gia nghiên cứu biển Đông): Ngoài quốc huy được in trên hộ chiếu, từ trước đến nay chẳng nước nào lại in hay kèm hình ảnh gì khác lên hộ chiếu cho công dân nước mình.
Đường lưỡi bò và những yêu sách của Trung Quốc vốn không chỉ bị Việt Nam mà ngay cả Malaysia, Indonesia, Philippines… phản đối bởi vì nó không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế.
Các học giả chân chính của Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng phản đối lập luận đường lưỡi bò này. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách vùng nước nằm trong đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông như thế. Nó đi ngược lại với học thuyết các vùng nước lịch sử.

Không thể chấp nhận một khoảng không gian rộng lớn như biển này, biển lớn vào loại nhất, nhì thế giới, lại nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một nước.
Tuy nhiên, tôi không quá ngạc nhiên trước việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới có hình đường lưỡi bò 9 đoạn đầy phi lý, ngụy biện của nước này.
Nó nằm trong chuỗi hành động tuyên truyền, quảng bá cho đường lưỡi bò do chính Trung Quốc khởi xướng và rộng hơn là mưu đồ bành trướng biển Đông, được họ tiến hành lâu nay.
Thực tế, trong nhiều báo cáo, nghiên cứu của các học giả Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, dù không đề cập gì đến biển Đông nhưng vẫn in hìnhđường lười bò 9 đoạn như một sự thừa nhận, phi lý.
Hay trong các bản đồ, bài báo du lịch thường vốn được Trung Quốc in hìnhđường lưỡi bò. Giờ đến hộ chiếu. Ngoài quốc huy được in trên hộ chiếu, từ trước đến nay chẳng nước nào lại in hay kèm hình ảnh gì khác lên hộ chiếu cho công dân nước mình.
Thực tế, tuy bị các nước phản đối đường lưỡi bò, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ý muốn từ bỏ yêu sách đó, mà ngược lại còn có hành động tuyên truyền, phổ biến sai trái cho luận điệu này chỉ vì nó giúp Trung Quốc thể hiện tham vọng tiến chiếm biển Đông.
In đường lưỡi bò lên hộ chiếu của Trung Quốc chẳng khác nào làm phức tạp thêm vấn đề biển Đông vốn nổi sóng trong thời gian vừa qua. Và đi ngược lại với những cam kết về biện pháp hòa bình được nước này tuyên bố để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
Nó thể hiện sự vi phạm chủ quyền lãnh hải không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.

Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng VP Luật sư Đỗ Pháp (TP Đà Nẵng): Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Dù bị phản đối gì đi nữa, nhưng rõ ràng việc ban hành hộ chiếu có in đường lưỡi bò của Trung Quốc đang là chính sách hai mặt khiến không ít quốc gia khác lâm vào thế khó.
Nếu chấp nhận hộ chiếu này khác nào các nước sẽ thừa nhận sự phi lý củađường lưỡi bò. Nhưng nếu phản đối, không chấp nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc sẽ khiến nhiều quốc gia, khu vực gặp khó do việc giao thương khá phổ biến của người Trung Quốc đến các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam và các nước cần tiếp tục chỉ rõ và đưa ra công luận quốc tế để mọi người cùng nhận biết đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động sai trái này.
Nhưng chúng ta không chỉ phản đối suông mà cần có nhiều biện pháp kiên quyết như: Không cấp thị thực cho hộ chiếu có đường lưỡi bò; dứt khoát yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chiêu trò hai mặt này của Trung Quốc theo kiểu mưa dần thấm lâu nhằm tạo ra những bằng chứng, cơ sở pháp lý nhằm lấp liếm cho sự phi lý, ngụy biện của đường lưỡi bò. Biến cái sai dần dần trở thành cái được thừa nhận.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về chủ quyền biển đảo, công lý và thái độ hòa bình của chúng ta trước các vấn đề biển Đông hiện nay.
Một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng không nhân nhượng trước bất kỳ sự hống hách, bành trướng và xâm phạm nào.
Nếu cứ tiếp tục những mưu đồ bánh trướng, kẻ cả này, Trung Quốc chỉ làm xấu đi hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lich sử TP Đà Nẵng: Đề xuất cơ quan chức năng không cho nhập cảnh người mang hộ chiếu Trung Quốc cóđường lưỡi bò.
Việc phát hành hộ chiếu có đường lưỡi bò không chỉ vi phạm luật pháp, công ước quốc tế mà còn vi phạm chủ quyền Việt Nam, biển đảo Việt Nam, làm phức tạp thêm vấn đề biển Đông hiện nay.
Chúng ta cần hết sức cảnh giác và có những giải pháp phù hợp, vận động sự ủng hộ quốc tế nhằm phản đối hành động vi phạm này. Đồng thời, đề xuất cơ quan chức năng không cho nhập cảnh người mang hộ chiếu Trung Quốc cóđường lưỡi bò.
Trong trường hợp bất khả kháng, có thể yêu cầu Trung Quốc kèm bản phụ và chỉ đóng dấu nhập cảnh lên bản phụ của hộ chiếu này.
Nguyễn Huy
ghi
Bị trong và ngoài nước phản ứng
Không chỉ bị Việt Nam, Philippines phản đối mạnh mẽ, yêu cầu hủy bỏ đường lưỡi bò trong hộ chiếu mới, hành động sai trái của Trung Quốc còn bị một số nhà ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc và người dân nước này phản ứng.
Một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh nói: “Điều này (Trung Quốc in hình đường lưỡi bò vào hộ chiếu điện tử) là sự leo thang rất nghiêm trọng, bởi vì Trung Quốc phát hành hàng triệu hộ chiếu như vậy và hộ chiếu của người lớn có giá trị trong 10 năm. Nếu sau này thay đổi quan điểm, Bắc Kinh sẽ phải thu hồi tất cả những hộ chiếu đó”.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế công tác tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng việc đưa tuyên bố về lãnh thổ vào hộ chiếu mới có thể khiến tình hình thêm trầm trọng vì đã có quá nhiều vấn đề rắc rối (giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về tuyên bố chủ quyền ở biển Đông).
Theo giáo sư Shi, việc đưa bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò vào hộ chiếu có thể được quyết định ở cấp bộ, không phải cấp lãnh đạo quốc gia. Ngoài đường lưỡi bò, hộ chiếu mới còn có hình một số cảnh đẹp ở Trung Quốc đại lục cùng 2 điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan.
Trên Weibo, mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, nhiều blogger nước này cho rằng, việc in đường lưỡi bò trên hộ chiếu ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Ấn Độ đang in bản đồ “chính xác” của nước này lên visa dành cho người mang hộ chiếu mới của Trung Quốc. Hộ chiếu điện tử có hình bản đồ Trung Quốc gồm đường lưỡi bò và hai khu vực Aksai Chin và Arunachal Pradesh thuộc dãy Himalaya mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm hộ chiếu mới của Trung Quốc nhưng vì tỷ lệ bản đồ quá nhỏ nên hình ảnh các đảo không rõ, nên Tokyo chưa nêu vấn đề này với Bắc Kinh, theo nhiều nhà ngoại giao.
Thái An
Theo Financial Times, Delhi News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét