Hà Nội: CSGT “kêu trời” với Nghị định 71
- Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, CSGT CA Hà Nội vẫn không thể tiến hành xử phạt những xe không sang tên đổi chủ. Và giờ đây không chỉ người dân mà chính CSGT – người thực thi Nghị định 71 phải… "kêu trời". Hầu hết cho rằng Nghị định 71 không thể thực hiện nếu không sửa đổi cho phù hợp.
“Nghị định 71 không sai nhưng… không phù hợp”
Thượng tá Lê Đức Đoàn: "Cái gì hợp với lòng dân thì làm, cái gì không hợp với lòng dân thì không làm". |
Theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, khi bất kì một bộ luật hay nghị định nào đó được ban ra thì người dân phải có nghĩa vụ chấp hành và công an (trong đó có lực lượng CSGT) phải có nghĩa vụ thực thi. Đó là nguyên tắc chung và cơ bản nhất đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật đối với mỗi công dân trong xã hội.
Xét về bản chất, Nghị định 71 không sai, quy định về việc các phương tiện giao thông khi tham gia giao thông hoặc trong quá trình mua bán trao đổi phải làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu là cần thiết. Quy định này không chỉ giúp lực lượng CSGT dễ dàng hơn trong khi thực thi nhiệm vụ của mình (như giải quyết các vụ tai nạn giao thông, xử lý vi phạm, điều tra tội phạm,…) mà quan trọng hơn là nó thể hiện được ý thức, trách nhiệm của công dân đối với tài sản mình sở hữu, tránh những trường hợp tranh chấp tài sản có thể xảy ra.
Tuy nhiên, giữa việc “không sai” và việc “phù hợp để có thể thực hiện trong thực tế” lại là một chuyện khác. Một việc “không sai” nhưng mà khi thực hiện gặp phải vướng mắc, bất cập thì đó là “chưa phù hợp”, phải “sửa đổi”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn thẳng thắn bày tỏ: “Nghị định không sai nhưng quan trọng là phải hợp lòng dân. Bất kể một đạo luật, một nghị định, quy định nào cũng phải thông qua ý kiến người dân, phải đặt lợi ích chung của nhân dân lên đầu, phải phù hợp với nhân dân. Không hợp lòng dân thì không làm. Tôi nghĩ những bất cập mà CSGT vấp phải khi thực thi Nghị định 71 hiện nay đó chính là nghị định này không phù hợp với thực tế, nó không hợp với lòng dân”.
“Đúng nguyên tắc thì khi soạn thảo một văn bản luật hay nghị định nào đó cần phải thông qua ý kiến người dân, trên cơ sở đó để sửa đổi, ban hành các điều khoản có nội dung sao cho phù hợp. Ngoài ra, luật hay nghị định sau khi đã được ban hành thì cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội cho mọi người ai ai cũng biết để thực hiện. Đằng này Nghị định 34, sau đó sửa đổi lại thành Nghị định 71 đã “bỏ qua” mất những khâu này. Nói thật là ngay cả CSGT chúng tôi nhiều người còn chưa biết là có Nghị định 34, nếu như không có Nghị định 71 sửa đổi và áp dụng như vừa rồi”, thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.
Nên sửa đổi Nghị định 71
Về những bất cập trong Nghị định 71, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng có những điều khoản đang “làm khó” cho cả CSGT lẫn người tham gia giao thông.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết: “Cho đến thời điểm này, CSGT CA Hà Nội vẫn chưa áp dụng kiểm tra và xử phạt xe không chính chủ. Riêng tôi cũng quán triệt anh em trong đơn vị là không kiểm tra vấn đề xe có chính chủ hay không. Ai vi phạm luật giao thông thì xử phạt đúng theo luật giao thông, không đề cập đến vấn đề chính chủ. Khổ nhất là những người dân ở quê ra, khi kiểm tra giấy tờ xe có những trường hợp chúng tôi phải dở khóc, dở cười.
Những điều khoản quy định trong Nghị định 71 còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế. |
Có bà mẹ ở quê ra thăm con là sinh viên, nghe nói CSGT Hà Nội đang phạt xe không chính chủ, xe lại đứng tên của chồng, thế là bác ấy cầm cả giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu đi theo để chứng minh xe là của chồng, người trong gia đình. Chúng tôi phải bảo: “Thôi, bác cất giấy tờ đó vào đi, chúng tôi chỉ kiểm tra giấy tờ xe, bằng lái với bảo hiểm thôi, không kiểm tra chính chủ đâu”. Khổ thế đấy. Vô hình trung quy định như vậy là đã làm khó và gây rắc rối cho người dân rồi.
Không chỉ người dân, mà ngay cả CSGT chúng tôi, nếu buộc phải thực thi Nghị định 71 hẳn cũng sẽ gặp bất cập không thể tránh khỏi. Nếu gặp một xe không chứng minh được người điều khiển xe là chủ sở hữu của chiếc xe ấy, CSGT xử phạt. Nhưng khi xử phạt xong rồi, người nhà mới cầm giấy tờ đến để “chứng minh thân nhân” thì CSGT biết làm thế nào. Còn nhiều bất cập khác nữa…”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn kiến nghị: “Để phù hợp với thực tế thì Nghị định 71 cần được sửa đổi một số điều khoản. Không phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp, đó là điều bình thường. Nhưng qua đây cho thấy vấn đề ban hành văn bản pháp luật của ta nhiều khi chưa được chặt chẽ. Ở một số nước, luật pháp của họ ban hành rất chặt chẽ, khi đã ban hành ra rồi rất ít khi phải sửa.
Tôi lấy ví dụ như Bộ Luật hình sự của Liên bang Xô-viết ban hành năm 1977, ngay cả khi thể chế chính trị thay đổi vào năm 1991 thì Bộ Luật hình sự này đến nay vẫn giữ nguyên, họ chỉ bổ sung thêm một số điều khoản để áp dụng đối với một số loại hình tội phạm công nghệ cao mới xuất hiện mà thôi”.
Nên giảm phí đăng ký xe và có cơ chế quản lý các kiểu “giao dịch ngầm”
Thượng tá Lê Đức Đoàn: Một trong những nguyên nhân khiến người dân ngại làm thủ tục đăng ký sang tên hiện nay là do thủ tục rườm rà và phí đăng ký cao. Nên giảm mức phí đăng ký thủ tục chủ sở hữu phương tiện xuống mức thấp hơn để tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, trong việc mua bán, trao đổi xe hiện nay vẫn còn những bất cập, nhà nước không kiểm soát được giá trị thực của hợp đồng mua bán xe để có mức thu phí tương xứng với giá trị đó. Ví dụ như xe bán với giá cao nhưng người bán (lẫn người mua) lại khai với giá thấp để “lách” phí. Tình trạng “giao dịch ngầm” như trên hiện nay rất phổ biến mà không có cơ chế để kiểm soát.
|
Ninh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét