Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Con chữ xứ mù sương

Con chữ xứ mù sương
Con đường từ TP. Lào Cai lên Y Tý đã được rải nhựa, việc đi lại giờ đã bớt khó nhọc. Ấy vậy, nhưng đường đi của con chữ đến với trẻ em "xứ sở mù sương” Y Tý vẫn lắm gập ghềnh. Chúng tôi có dịp đến điểm trường Hồng Ngài, Y Tý vào một ngày nhiều tiếng gió rít và màn sương mờ ẩm ướt, nghe vẳng từ xa ê a tiếng trẻ học vần. Đến bây giờ, thời gian trôi qua, không biết người xưa cảnh cũ ra sao, nhưng những gì đã gặp cứ ám ảnh không thôi.


Một lớp ghép ở bản Hồng Ngài, Y Tý

Học chữ trong sương

Y Tý thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai, nơi có cửa khẩu Lũng Pô, cũng là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Cộng đồng người Hà Nhì Y Tý đã quá nổi tiếng với những túp nhà trình tường, mái hình chóp nón không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam.

Trường tiểu học Y Tý II có 1 trường chính và 3 điểm trường trong các bản, là Sim San I, Sim San II và Hồng Ngài. Điểm trường gần nhất cũng cách điểm trường chính trên 10km. Không kể trường chính thì 3 điểm trường có học sinh thuộc 9 thôn bản với tổng số khoảng 120 em, thuộc 5 khối lớp từ 1-5 và thêm 1 lớp học mầm non. Mỗi điểm trường có 3 giáo viên, vỏn vẹn 3 phòng học với khoảng dưới 40 em học trong các lớp ghép. Riêng khối lớp 5 vì được ưu tiên là lớp cuối cấp nên ngồi học riêng. Trong cùng một phòng học, mỗi giáo viên phụ trách dạy luôn cả 2 khối lớp.


Giàng Thị Mùa địu em đi học
Các phòng học ở cả 3 điểm trường đều là những gian nhà tranh tre nứa lá, hoặc nhà trình tường cũ nát. Chẳng phòng học nào có cửa, để mặc cho nắng, gió và sương núi lùa vào…Ngay cả gian nhà ở nội trú của giáo viên cũng được quây bốn phía xung quanh bằng bạt nilon. Trong điều kiện trường lớp như vậy, thầy trò trường tiểu học Y Tý II vẫn hàng ngày lên lớp.
 
Trường Tiểu học Hồng Ngài nằm giữa bản xa nhất của xã Y Tý, một phía là biên giới với Trung Quốc, một phía là huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. Trường là một dãy nhà gồm 3 gian nhà trình không có cửa, mái lợp bằng fibro ximăng. Không có điện nhưng phòng học vẫn thừa ánh sáng bởi cả tường và mái đều trống hoác. Trời ấm đã đành, những khi gió rét, sương mù tràn vào trắng lớp khiến cho những học trò tinh mắt nhất cũng rất khó đọc chữ trên bảng.


Dạy và học ở Y Ty trong điều kiện khó khăn

Thầy giáo trẻ Bùi Văn Phi đã có 3 năm dạy học tại trường cho biết, trường có 5 hệ phổ thông và 1 lớp mầm non. Nhưng hiện chỉ có 2 giáo viên tiểu học và 1 giáo viên mầm non. Chính vì vậy trong mỗi phòng học thường có 2 lớp và 1 giáo viên. Lớp học được chia làm hai nửa ngồi ngược chiều nhau. Khó là vậy nhưng cả thầy và trò vẫn phải dạy, phải học, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. 

Thầy trò cùng bám lớp, bám trường

Thầy giáo Nguyễn Quang Sơn tâm sự, nhiều lúc nhìn các thầy cô giáo dạy ở các điểm trường phải ở trong những căn lều lá, mùa đông rét mướt, gió lùa thông thống qua vách mà cũng chỉ biết chép miệng thở dài. Rồi họp hành cũng chỉ biết động viên anh chị em giáo viên cố gắng vượt qua, một hai năm lại đổi giáo viên giữa trường chính và các điểm trường để cùng chia sẻ khó khăn, chứ cũng không thể để học sinh đi hàng chục cây số ra ngoài xã để học được, lại càng không thể bỏ trường, bỏ dạy. Nhìn các em học sinh hàng ngày vẫn chống chọi với khó khăn để đến trường học chữ, chứng kiến sự hiếu học của các em, thầy cô lại thấy ấm lòng, lại có thêm quyết tâm để bám lớp, bám trường.


Phân hiệu Sim San trường Tiểu học Y Tý

"Ngày đầu tiên lên nhận công tác đúng hôm trời mưa phùn, mới chỉ đi được nửa đường từ xã Y Tý lên trường em đã muốn bỏ nghề, bỏ về xuôi rồi”, thầy Hoàng, 24 tuổi, quê Yên Bái, mới lên nhận công tác được gần năm chia sẻ. Thầy Hoàng kể, hôm ấy, chặng đường gần 20 cây số từ xã vào trường nhầy nhụa bùn lầy do cơn mưa phùn từ sáng. Xe đi không được, cứ trượt bánh, mất nửa ngày trời ngã mấy lần mà vẫn chưa đến được trường. "Ấy vậy mà giờ cũng quen, được cái các em học sinh ở đây rất lễ phép, hiếu học và yêu mến các thầy cô nên cũng thấy vui”, thầy Hoàng nói.

Cùng với sự thiếu thốn, cơ sở vật chất khó khăn, trường không ra trường, lớp không ra lớp thì khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện đường xá. Thầy Sơn chia sẻ: "Đi từ điểm trường chính vào đến các điểm trường trong bản hơn chục cây số, chỉ cần có sương mù thì đường xã đã trở nên trơn trượt, nếu trời mưa thì lại càng không thể”. Nhiều người lên đây du lịch gọi Y Tý là "xứ mù sương”, họ lên chụp ảnh sương mù, "săn mây” mà không cần biết rằng mây mù làm cho cuộc sống ở đây vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn”.

Cũng vì vậy mà việc học, việc dạy rất khó khăn. Giàng Thị Mùa, học lớp 1, địu em trên lưng, nói với tôi bằng thứ tiếng phổ thông còn chưa sõi: "Mẹ cho đi học nhưng vẫn phải trông em, không trông em thì không được đi học, bố mẹ còn phải đi rừng, thích học thì mang em đến trường”. Chứng kiến sự học ở mảnh đất heo hút trong sương ấy mà không khỏi gai lòng, nhưng không vì thế mà mất niềm tin. Vì rằng khó là thế, khổ là thế nhưng cả thầy và trò đều ham dạy, ham học. Gieo con chữ trên xứ mù sương, đó cũng giống như việc nhen những đốm lửa sáng lên trong màn sương mờ đục miền biên giới…
VŨ THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét