(Toquoc)-Theo ước tính của UBND huyện Đồng Văn, có khoảng gần 600 người đổ về đây trong 3 ngày cuối tuần 26, 27, 28/10. Nhưng cùng với niềm vui đông khách, du lịch cao nguyên đá còn mang cả những nỗi buồn hệ lụy của việc phát triển thiếu định hướng.
“Không làm đâu, mệt lắm rồi”
Đó là câu mà một chủ hàng ăn ở thị trấn Đồng Văn nói với khách vào lúc 9 giờ sáng. Khách quá đông trong khi hàng quán thì quá ít, các chủ quán thẳng thắn từ chối phục vụ vì muốn nghỉ ngơi mặc dù đồ ăn thì vẫn chưa hết, và nếu cần, chỉ mất ba bước chân ra đến chợ mua thêm thức ăn chế biến.
Còn nhân viên của quán cà phê Phố Cổ nói với các đoàn khách nườm nượp đi vào rằng: “Hết đồ uống rồi”. Chỉ những vị khách đã biết, cứ lẳng lặng vào, tìm một cái bàn ngồi, và ra hẳn quầy, mở tủ lạnh để yêu cầu chế biến thì vẫn đầy đủ sinh tố, cà phê, trà sữa nóng. Cùng lúc ấy thì nhiều bàn khách bực bội đứng dậy gọi thanh toán vì ngồi một tiếng rưỡi cũng chỉ có đĩa hướng dương.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Văn - chủ nhân của những giá trị văn hóa đang
tạo nên sức hút nam châm cho du lịch Đồng Văn chưa được hưởng lợi nhiều từ du lịch.
22g, cũng tại một quán ở Đồng Văn, hai nhân viên bán hàng vừa ghi hóa đơn vừa nói với nhau: “Mãi chưa đến 11g để đuổi khách về. Vặn hộ cái đồng hồ cho nhanh hơn đi”.
Hai nhân viên kia hẳn không biết rằng họ đã phụ lòng những vị du khách lặn lội đường sá khó khăn lên đây và vào quán chỉ vì yêu thích cái không gian cổ kính rất Đồng Văn, chấp nhận đồ uống không ngon và giá thì không rẻ.
Giá cả ở Đồng Văn từ năm trước đến năm nay cũng có sự thay đổi đáng buồn. Một bữa ăn bình dân có giá như một bữa ăn trong nhà hàng ở Hà Nội. Giá thuê xe máy tăng lên 250.000 đồng/xe/ngày (khách tự đổ xăng). Giá phòng nghỉ tăng từ 180.000 đồng lên 300.000 đồng/phòng đôi. Còn ngày cuối tuần cao điểm thì tính theo đầu người từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/người, mỗi phòng đôi phải kê thêm đệm để ở 4-6 người. phòng 3 giường ở 10-12 người. Lượng khách quá tải trong khi cơ sở lưu trú quá ít khiến rất nhiều du khách đi du lịch bụi phải trải áo mưa, túi ngủ nghỉ đêm trên vỉa hè, trên nền chợ phiên cũ hay tá túc ở quán cà phê.
Doanh thu từ dịch vụ cung ứng du lịch đắt đỏ đáng tiếc lại chỉ tập trung ở một nhóm hộ dân người Kinh nhanh nhạy với thị trường. Còn đồng bào dân tộc thiểu số - chủ nhân của những giá trị văn hóa đang tạo nên sức hút nam châm cho du lịch Đồng Văn – thì chưa được hưởng lợi nhiều.
Ghé thăm Sủng Là (nơi từng là phim trường bộ phim Chuyện của Pao) - ngôi nhà đẹp đẽ năm xưa của Mua Súa Páo - ngài trung đội trưởng quân đội Vua Mèo Vương Chí Sình mà người Mông ở đây cho rằng chỉ đứng sau Dinh Vua Mèo – khiến bất cứ ai quan tâm đến du lịch cũng phải chạnh lòng.
Sủng Là là một trong những điểm dừng chân đông khách nhất của Đồng Văn nhưng lại gần như không có một nguồn thu nào từ du lịch.
Ngôi nhà dù đã xuống cấp nhưng vẫn giữ nét kiến trúc đặc biệt thể hiện tiền bạc và quyền lực của chủ nhân. Chỉ những gian nhà là trống hoác không đồ đạc. Mua Phái Tủa và Mua Sín Già – con cháu Mua Súa Páo - giờ là những người Mông nghèo khó. Ngôi nhà này những ngày cuối tuần thu hút vài trăm lượt khách cả Tây lẫn Ta, cả khách phượt lẫn khách tour, nhưng Mua Sín Già cho biết: “Chẳng ai cho gì”.
Khách ra vào ngôi nhà tự do cũng như tham quan cả một không gian Sủng Là đậm đặc kiến trúc và văn hóa Mông tự do, không phải bỏ ra bất kỳ một chi phí nào. Không công bằng khi Sủng Là là một trong những điểm dừng chân đông khách nhất của Đồng Văn nhưng lại gần như không có một nguồn thu nào từ du lịch.
Còn đề án biến nơi đây thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng vẫn chưa thấy triển khai.
Và những bức ảnh buồn
Khách đến Đồng Văn hiện tại vẫn chiếm đa số là khách du lịch tự túc (người dân địa phương đã quen dùng từ rất phố sá là “dân phượt”). Ngoài việc khám phá văn hóa bản địa, một sở thích khác của du khách trẻ là ngắm cảnh và chụp hình. Đó cũng là lý do mà Đồng Văn đặc biệt đông khách vào mùa thu – mùa lúa chín, hoa tam giác mạch và hoa cúc dại rực rỡ những triền núi. Nhưng đáng tiếc khi túi nilon, rác thải ngập đầy ở điểm dừng chân Mã Pí Lèng, những ruộng hoa tam giác mạch bị dẫm nát, và những chiếc xe máy chở những búi cúc dại bị nhổ gốc phía sau yên xe rồng rắn trên đường.
Khách đến Đồng Văn hiện tại vẫn chiếm đa số là khách du lịch tự túc
Bất giác liên tưởng đến một địa danh du lịch khác là Cô Tô, ở đó, một viên sỏi trên bãi đá bên bờ biển cũng được coi như một tài nguyên. Du khách luôn được nhắc nhở đừng mang sỏi về nhà làm kỷ niệm mà hãy để viên sỏi ở vị trí của nó để đánh dấu một kỷ niệm.
Đồng Văn cần một cách làm du lịch chuyên nghiệp và kịp thời. Bởi vì một nhóm lợi ích nhỏ đang tận thu lợi nhuận từ nguồn khách quá tải với dịch vụ mà hoàn toàn mù mờ về kinh doanh du lịch, còn những đứa trẻ người Mông nhem nhuốc đã biết tụ tập ở những điểm khách du lịch hay dừng chân, sẵn sàng chạy theo những chiếc ô tô, xe máy để đòi “cho kẹo đi”, thậm chí lao vào giành lấy túi quà từ tay khách.
Những bức ảnh ấy thật đáng buồn./.
Khánh Hả
Lên đó mới thấy mình còn thiếu và rất tiếu trách nhiệm đối với những người dân Đồng Văn nói riêng và những người dân vùng biên giới phía Bắc.
Trả lờiXóaThương nhất các cháu nhỏ, da sạm tóc hoe, chạy theo khách du lịch...