Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

40 NĂM NGÀNH HÁN NÔM

40 NĂM NGÀNH HÁN NÔM - KHOA VĂN HỌC,  
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂNĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI 
         
PGS.TS. Phạm Văn Khoái
(Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm)

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, có tính bước ngoặt lịch sử, ngành đào tạo Hán Nôm đã mở lớp đầu tiên ở Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phiên dịch, khai thác di sản Hán Nôm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hiến của dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng lúc bấy giờ là giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thống nhất nước nhà.

Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày mở đầu gian nan ấy, hôm nay nhìn lại, đó là cả một chặng đường dài phấn đấu, lắm gian nan, nhiều vất vả nhưng đầy tự hào vì đã có được nhiều thành tựu. “Ôn cố tri tân”, thầy trò Hán Nôm vinh dự tự hào bao nhiêu về những gì đã làm được thì lại càng thấy trách nhiệm lớn lao đối với nhiệm vụ chính trị của mình, càng phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa cho xứng đáng với những lớp thầy cô đi trước, những người đã lập Ngành, đặt những viên gạch đầu tiên cho Ngành đào tạo Hán Nôm – Ngành đào tạo văn hiến cổ điển Việt Nam.


Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại những nét chính yếu của sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Hán Nôm. Bài viết gồm 2 phần sau:

- 40 năm Ngành đào tạo Hán Nôm – Những bước đi đầu tiên.

- 10 năm hiện tại của Ngành (2002-2012)

1. Bốn mươi năm Ngành đào tạo Hán Nôm – Những bước đi đầu tiên

Những ngày đầu tiên, đội ngũ giảng dạy Hán Nôm được biên chế thành Tổ Hán Nôm theo cách thức và tên gọi lúc bấy giờ. Tổ Hán Nôm lúc ấy với biên chế chính gồm có thầy Lê Văn Quán, thầy Nguyễn Đình Thảng, thầy Trần Thuyết, do thầy Đinh Gia Khánh – Tổ trưởng Tổ Cổ Cận Dân (Văn học Việt Nam Cổ đại, Cận đại và Dân gian) kiêm nhiệm tổ trưởng. Tham gia đội ngũ đào tạo giảng dạy hướng dẫn luận văn, luận án tốt nghiệp Hán Nôm là những thầy trong Tổ Hán Nôm và các thầy cô giáo trong Khoa Ngữ Văn, Khoa Lịch Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó như GS. Hoàng Xuân Nhị, thầy Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân, Trần Đình Hượu, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng cũng như nhiều bậc túc nho nổi tiếng lúc bấy giờ như: Giáo sư Cao Xuân Huy, nhà Hán học Đỗ Ngọc Toại…

Đội ngũ những bậc thầy đầy uy tín và khả kính đó như là một trong những đảm bảo chủ yếu cho chất lượng của sản phẩm đầu ra. Đến nay, đa số các thầy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhớ đến các thầy, lòng chúng tôi bùi ngùi xúc động, một lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn, khắc ghi công lao to lớn của các thầy cho sự nghiệp đào tạo Hán Nôm ở buổi lập Ngành gian khổ, không bao giờ có thể quên được. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ các thầy cô giáo của Khoa Ngữ Văn nói riêng, của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung đã tích cực góp phần tham gia đào tạo đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm theo chương trình đào tạo Hán Nôm bậc đại học lúc bấy giờ. 

Chương trình Hán Nôm bậc đại học lúc đó được thiết kế trong sự liên hệ chặt chẽ với 2 Ngành đào tạo của Khoa Ngữ Văn: Văn học và Ngôn ngữ. Ngoài các môn chung cho cả hệ đại học Việt Nam như Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, cả ba Ngành (Hán Nôm, Văn học, Ngôn ngữ) cùng học chung một giảng đường, cùng thời lượng, cùng một giáo trình, cùng một thầy về một loạt môn học như: Văn học Việt Nam (dân gian, cổ, cận, hiện đại); Lý luận văn học, Văn học Trung Quốc, Dẫn luận ngôn ngữ, Ngữ âm tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Từ vựng tiếng Việt, Phong cách học tiếng Việt.

Được đào tạo trên nền chung ngữ văn ấy là một trong những cơ sở làm nên sự khác biệt của “thành phẩm Hán Nôm” Đại học Tổng hợp Hà Nội so với một số cơ sở khác. Tính tổng hợp kiến thức về xã hội và nhân văn của thành phẩm Hán Nôm Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trong những nhân tố đã góp phần quan trọng làm nên “thương hiệu Hán Nôm” Đại học Tổng hợp Hà Nội trong suốt một thời kỳ dài. Tính thương hiệu đó đã được các cơ quan tiếp nhận sinh viên Hán Nôm về công tác cũng như được xã hội thừa nhận và khẳng định. Đồng thời tính tổng hợp kiến thức đó cũng là một cơ sở quan trọng giúp cho những người tốt nghiệp Hán Nôm có thể thích ứng với yêu cầu phân công công tác và tìm việc ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Họ có thể công tác ở những lĩnh vực trực tiếp phải sử dụng Hán Nôm như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các trường đại học và cao đẳng, các cơ quan lưu trữ và văn hóa cũng như ở cả các lĩnh vực văn hóa và xã hội khác. Phổ rộng năng lực khai thác các giá trị của di sản Hán Nôm mà một người làm công tác Hán Nôm có được, một phần dựa trên mặt bằng các tri thức khoa học xã hội và nhân văn rất nền tảng mà họ được tiếp thu từ chương trình học cũng như từ các đội ngũ của các bậc thầy khả kính. Tất nhiên, cho dù có kiến thức nền về các khoa học xã hội nhân văn rộng thì cũng không thể làm nên đặc trưng, tính chất hay sự khác biệt của Hán Nôm Đại học Tổng hợp Hà Nội nếu như không có kiến thức chuyên ngành Hán Nôm thể hiện qua khả năng nắm chữ nghĩa và phiên dịch, chú giải văn bản Hán Nôm. Không đọc và hiểu được văn bản Hán Nôm thì không thể nói đến bất kỳ sự khai thác hay thuyết minh nào cho giá trị của văn bản. Để đọc và dịch được văn bản Hán văn không thể chỉ biết từ ngữ là đủ mà còn phải hiểu biết cả những vấn đề lịch sử và văn hoá chứa đựng trong các văn bản ấy. Chính những vấn đề về lịch sử và văn hoá mang tính nội dung đó lại định hướng các qui tắc tạo nên văn bản. Khối kiến thức Hán Nôm theo niên chế được trải đều và phù hợp trong 4 năm rưỡi theo yêu cầu từ dễ đến khó, phù hợp với trình độ của người học và cũng là phù hợp với các yêu cầu của giáo dục đào tạo nói chung.

Khối kiến thức Hán Nôm chuyên ngành được thiết kế theo hướng lần theo những bước mà chính những người tạo ra văn bản Hán Nôm đã học. Người đi học thời xưa từ lúc 6 tuổi đến trường, trước hết học các sách thuộc phạm trù Tiểu học để có một lượng chữ nghĩa nhất định và sau đó mới qua Tứ thư,Ngũ kinh, Chư tử, Chư sử và làm văn. “Vi học giả, tất hữu sơ. Tiểu học chung, chí Tứ thư…”. “Hiếu kinh thông, Tứ thư thục. Như Lục kinh, thuỷ khả độc…”. “Kinh ký minh, phương độc tử. Kinh tử thông, độc chư sử. Khảo thế hệ, tri chung thuỷ” – “Là người học, ắt có buổi đầu. Tiểu học xong đến Tứ Thư…”. “Hiểu kinh thông, Tứ Thư thuộc, qua Lục kinh có thể đọc…”. “Kinh đã minh, mới đọc tử… Kinh tử thông, đọc các sử. Khảo thế hệ, biết đầu cuối…” như sách Tam tự kinh đã tóm tắt. Buổi học chữ Hán đầu tiên của giai đoạn “lập Ngành” đã vang lên trong lời giảng của thầy Nguyễn Đình Thảng khi thầy đọc lại một bài học thuật lại lời của Khổng Tử ở trường Nho học khi xưa: “Thượng đại nhân, Thánh ẤT DĨ, hoá tam thiên thất thập sĩ nhĩ. Tiểu sinh, giai tác nhân, khả tri lễ dã” (Thưa Đại nhân, Khâu này đây, đã giáo hoá được ba ngàn bảy mươi học trò. Chúng trò ấy đã có thể làm được điều nhân và khá biết về lễ vậy).

Những gì thuộc phạm trù Tiểu học, Tứ thư và một phần của Ngũ kinh thì do các thầy trong Tổ Hán Nôm lên lớp. Thày Lê Văn Quân dạy Luận ngữ, thầy Trần Thuyết dạy Mạnh tử, Kinh Lễ, thầy Nguyễn Đình Thảng dạy Trung dung, Đại học. Còn Kinh Thư thì do Giáo sư Cao Xuân Huy – bậc sư biểu của Hán học Việt Nam, thầy của các bậc thầy truyền dạy. Giáo sư uyên bác, giọng âm vang, sang sảng những câu những chữ “cật khuất ngao nha” (trúc trắc khó hiểu) từ các trang dòng của Kinh Thư. Cụ Đỗ Ngọc Toại, người từng tham gia “lều chõng” của khoa cử khi xưa giảng dạy về Kinh Thi. Cụ phân tích, tìm kiếm cho người học những văn liệu, thi liệu có tính điển cố Kinh Thi. Thầy Trương Đình Nguyên dí dỏm sau cặp kính cận dày, cắt nghĩa sâu rộng từ ngữ của những bài học của môn Tản văn lịch đại từ Lưỡng Hán đến Đường Tống. Phần Hán văn Việt Nam do thầy Trần Thuyết và cụ Đỗ Ngọc Toại dạy. Thầy Trần Thuyết dạy Hán văn Lý Trần. Cụ Đỗ Ngọc Toại dạy Hán văn thời Lê.

Phần chữ Nôm do thầy Lê Văn Quán dạy. Môn học được đặt vào học kỳ 1 của năm thứ 3 với nhiều trích tuyển từ ca dao, truyện Nôm cho đến Truyện Kiều, thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Sinh viên Ngành Hán Nôm còn được nghe các chuyên đề về ngữ pháp, ngữ âm như: Âm vận học tiếng Hán do thầy Lê Văn Quán dạy. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt do thầy Nguyễn Tài Cẩn dạy; Văn bản học do thầy Hà Văn Tấn dạy… Tuy số chuyên đề chưa nhiều nhưng đã giúp cho anh chị em sinh viên nhiều về vấn đề phương pháp, cách thức tiếp cận văn bản Hán Nôm cũng như lý giải một số vấn đề của Hán Nôm khi làm luận văn hay nghiên cứu.

Chương trình đào tạo Hán Nôm ở bậc đại học ở buổi đầu tiên mà trên đây chúng tôi đã kể, về cơ bản đã định hướng và được quán xuyến trong cả tiến trình 40 năm đào tạo của Ngành. Tất nhiên, theo thời gian, cơ cấu chương trình đào tạo Hán Nôm ở bậc đại học và các bậc học khác luôn được điều chỉnh theo định hướng đào tạo của Nhà trường, của các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên như Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như yêu cầu của cuộc sống; thế nhưng, chúng ta vẫn nhận ra sự kế thừa chương trình đào tạo buổi đầu lập Ngành ấy.

Khoá sinh viên Hán Nôm đầu tiên tốt nghiệp vào năm 1976, ứng với khoá 17 của Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Theo năm tháng, các thế hệ sinh viên của Ngành đã nối tiếp nhau ra trường. Họ là nguồn nhân lực chủ yếu cung cấp cho nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông, các trung tâm lưu trữ, các cơ quan quản lý văn hoá, các đoàn thể xã hội cũng như các cơ quan khác để đảm nhận các công việc có liên quan đến Hán Nôm và văn học, văn hóa Việt Nam. Trong số các viện nghiên cứu, Ban Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam khi xưa – tức Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay, là một nơi nhận nhiều sinh viên tốt nghịêp Hán Nôm nhất. Ở các cương vị công tác, họ đã thể hiện được năng lực và phẩm chất mà công việc Hán Nôm đòi hỏi như: cần củ và nghiêm túc trong công việc, trân trọng các giá trị văn hiến dân tộc, yêu nghề yêu ngành, có khả năng đọc hiểu và khai thác các giá trị văn hoá đang hàm chứa trong các văn bản Hán Nôm.

Theo thời gian, đội ngũ giảng dạy Hán Nôm của Tổ Hán Nôm được bổ sung thêm từ nguồn các sinh viên được giữ lại cũng như từ một số nguồn khác.

Cũng theo tiến trình thời gian, ở đây đã hình thành sự liên kết và phối hợp giữa cơ quan đào tạo và nghiên cứu, giữa đào tạo và tuyển dụng.

Các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu (trước hết là Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã tham gia công tác đào tạo ở đây cả trong giảng dạy cũng như hướng dẫn khoá luận, luận văn, luận án… Nhân đây, cho phép tôi thay mặt các thầy cô trong Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, gửi lời cảm ơn đến tất cả quý thầy cô đã giúp cho sự nghiệp đào tạo Hán Nôm của chúng tôi.

Các bước đi của Ngành đào tạo Hán Nôm cứ sau khoảng 5 năm lại được điểm lại một cách đầy đủ trong những báo cáo của những đợt kỷ niệm thành lập Ngành cũng như trong các đợt kỷ niệm thành lập Khoa Văn học. Do vậy, trong mục này của báo cáo, tôi chỉ nhấn mạnh những bước đi và việc làm của thời điểm lập ngành gian khổ nhưng thật đáng nhớ, cần được nhắc đến trong những ngày kỷ niệm này.

Ở phần thứ hai dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào điểm lại những vấn đề chủ yếu của 10 năm hiện tại (2002-2012).

2.Mười năm hiện tại của Ngành đào tạo Hán Nôm

Kể từ buổi kỷ niệm Ngành đào tạo Hán Nôm lần trước (2002 – Kỷ niệm 30 năm) đến nay đã 10 năm. Mười năm ấy được đánh dấu bằng các mốc sau về đào tạo theo sự chỉ đạo của Nhà trường: Mở mã ngành tuyển sinh độc lập cho bậc đại học; chuyển đổi chương trình và phương thức sang đào tạo theo tín chỉ; đào tạo đại học (Cử nhân) và sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ); nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng quan hệ quốc tế. Tập thể cán bộ Bộ môn đã có cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình. Sự cố gắng ấy thể hiện ở các việc sau:

2.1.Thực hiện các nhiệm vụ đào tạo:

-Mở mã ngành tuyển sinh độc lập (mã số 610) cho bậc đại học (năm 2004), tuyển từ các khối C, D, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm: 30. Điều này tạo tính chủ động cho việc tuyển sinh Hán Nôm ở bậc đại học. Trước đó, mã ngành tuyển sinh Hán Nôm là mã ngành Văn học. Thí sinh muốn vào Ngành Hán Nôm thì trước tiên phải thi vào Khoa Văn học. Sau khi học chung khoảng một năm rưỡi, bấy giờ mới phân ngành. Do vậy, việc phân ngành gặp rất nhiều khó khăn. Có những năm chỉ tuyển được 4 – 5 sinh viên. Từ khi có tuyển sinh độc lập, đào tạo Hán Nôm đã chủ động được ở mức độ nhất định trong việc lựa chọn đầu vào. Khoá 49 là khoá đầu tiên tách tuyển sinh như thế. Đến nay việc tuyển sinh chủ động này đã thực hiện được 8 năm.

-Chuyển đổi chương trình đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ là một bước chuyển nhằm tạo sự chủ động hơn cho người học.

Ngành đã hoàn thành bước chuyển đổi chương trình từ năm 2006 để đến năm 2007 (Khóa 52) thì chính thức áp dụng chương trình này. Việc áp dụng chương trình tín chỉ đó được thực hiện cùng với việc triển khai biên soạn các bài giảng, giáo trình tương ứng theo đề cương môn học.

-Xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ Hán Nôm và được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ đào tạo từ năm 2010.

Các chương trình đào tạo (Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ) theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng trong năm 2012. Đây là một công việc liên quan đến từng cán bộ trong Bộ môn về mặt chuyên môn cũng như công việc nên đã được thảo luận kỹ ở Bộ môn. Các chương trình đã được hoàn thành, được đánh giá tốt khi nghiệm thu.

2.2. Công tác cán bộ và phát triển đội ngũ:

Mười năm qua cũng là quãng thời gian có nhiều thay đổi trong cơ cấu cán bộ của Bộ môn. Bốn cán bộ trong Bộ môn đã nghỉ hưu theo chính sách lao động của Nhà nước (các thầy Nguyễn Quý Hữu, Nguyễn Văn Thịnh, Tạ Doãn Quyết, Lê Anh Tuấn). PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2009) và sau đó đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2011); do vậy, việc bổ sung nguồn nhân lực cho Ngành Hán Nôm là một yêu cầu cấp bách. Hiện nay, Bộ môn chỉ có 7 cán bộ mà thực hiện nhiệm vụ đào tạo cả Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ là quá sức. Đa phần cán bộ Hán Nôm ở tuổi dưới 40 nên còn ở giai đoạn hoàn chỉnh quá trình đạo tạo như nghiên cứu sinh, làm luận án cũng như phải tham gia các công việc trợ lý, giúp việc cho công tác lãnh đạo quản lý… cùng một lúc, họ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, lại đang ở độ tuổi bận rộn với các công việc gia đình. Có thể nói, để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ hiện nay, 6 cán bộ Hán Nôm trong Bộ môn Hán Nôm đã phải gồng mình lên. Cán bộ trẻ của Ngành Hán Nôm hiện nay chủ yếu đang ở trong giai đoạn hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Tháng 6/2012, Nguyễn Tuấn Cường đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ; Nguyễn Phúc Anh đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật; Đinh Thanh Hiếu và Phạm Vân Dung đang làm nghiên cứu sinh trong nước. Trong công tác nâng cao năng lực cán bộ, Bộ môn chúng tôi đặc biệt chú ý đến nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trao đổi khoa học và hợp tác quốc tế, cộng tác và nhận sự hỗ trợ quốc tế. Cán bộ trẻ Hán Nôm phần lớn có các năng lực này và đó là những nỗ lực rất lớn. Hy vọng họ sẽ đi xa hơn nữa, có nhiều thành tích hơn nữa.

2.3. Công tác nghiên cứu khoa học và các định hướng nghiên cứu:

Nghiên cứu khoa học là một trong những điểm nhấn trong số các thành tựu của Bộ môn. Các thành viên của Bộ môn đã thực hiện tốt các nhiệm vụ hoạt động khoa học theo định mức, chỉ tiêu của Nhà trường. Các đề tài nghiên cứu đều gắn với nhiệm vụ đào tạo, các thành quả của nó đều được sử dụng vào các bài giảng, giáo trình hay các khoá luận, luận văn, luận án. Ngay cả những đề tài cấp cơ sở với kinh phí ít ỏi mà cũng có bài báo được đăng ở các tạp chí chuyên ngành. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, cán bộ của Bộ môn đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, chẳng hạn như:

-Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm Huế đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ trì.

-Hán Nôm Việt Nam những thập niên cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX trong bước chuyển của văn hoá Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS. TS Phạm Văn Khoái chủ trì.

Cán bộ trẻ của Bộ môn Hán Nôm như Đinh Thanh Hiếu, Phạm Vân Dung, Phan Thu Hiền, Nguyễn Phúc Anh đều có đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu. Phần lớn các đề tài khi nghiệm thu cũng có bài đăng trên tạp chí khoa học. Hầu hết cán bộ trẻ Hán Nôm đều tham gia công tác biên soạn bài giảng hay giáo trình.

Nghiên cứu khoa học của cán bộ Bộ môn được định hướng như sau:

-Các vấn đề về Hán học, Hán văn, Hán văn Việt Nam, tiếp xúc Hán - Việt, Đồng văn Đông Á qua chữ Hán và sử dụng chữ Hán.

-Các vấn đề về chữ Nôm, văn bản Nôm, quốc văn Nôm, lịch sử tiếng Việt qua chữ Nôm, song ngữ Hán Nôm.

-Các vấn đề về di sản Hán Nôm trong mối quan hệ với cấu trúc văn hoá Việt Nam truyền thống, các cách thức đảm bảo sự liên tục về văn hoá giữa truyền thống và hiện đại nhìn từ di sản Hán Nôm.

-Các vấn đề về Nho học, kinh học, tiếp nhận Nho học qua di sản Hán Nôm.

-Các vấn đề về Phật học, tiếp nhận Phật học qua di sản Hán Nôm.

-Các vấn đề về phương pháp luận tiếp cận Hán Nôm, các thủ pháp và thao tác nghiên cứu Hán Nôm, giải mã phân tích văn bản Hán Nôm, khai thác giá trị văn bản và văn hoá của di sản Hán Nôm.

-Các vấn đề về tác gia, tác phẩm, loại hình văn bản Hán Nôm.

-Các vấn đề về văn bản học Hán Nôm.

Các định hướng ấy vừa mang tính chuyên môn hẹp vừa là phổ rộng cho tương ứng với đối tượng nghiên cứu là Di sản Hán Nôm Việt Nam – một di sản mang các đặc trưng của văn hoá trung đại.

2.4. Hợp tác trong nước và quốc tế:

Hợp tác trong nước và quốc tế là nhằm xác định vị trí của Ngành đào tạo Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với các trung tâm và đơn vị đảm nhận các công việc về Hán Nôm. Hợp tác trong nước đã được thực hiện tốt giữa Bộ môn Hán Nôm của Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Hán Nôm như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội; Bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ Văn – Đại học Khoa học Huế…

Nhiều cán bộ của Bộ môn đã tham gia và đóng góp tích cực cho các nhiệm vụ lớn của nhà nước như: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tham gia biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm trong Đại lễ này.

Mười năm qua còn được đánh dấu bởi công tác hợp tác quốc tế. Bộ môn đã tổ chức được hàng chục thuyết trình của các nhà khoa học quốc tế về các vấn đề cụ thể liên quan đến Hán Nôm. Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây (2008-2012), Bộ môn đã mời các Giáo sư của Đại học Tokyo, Đại học Nishogakusha, Đại học Waseda, Đại học Osaka đến thuyết trình một loạt chuyên đề về: Hán văn huấn độc (Kanbun Kundoku); Lịch sử giáo dục Hán vănNho học Nhật BảnTừ điển từ thư cổ Nhật BảnVăn hiến học Hán tịch dưới góc nhìn của thư chí họcCon người và xã hội dưới góc nhìn của văn tựGiáo dục Hán văn và Hán văn Nhật BảnNghiên cứu An Nam dịch ngữTái lập ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XV qua cứ liệu chữ Nôm của văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinhCách đọc Hán Việt và vấn đề trùng nữu trong Thiết vận

(Ghi chú: Có thể tìm hiểu nội dung cụ thể của các thuyết trình đó dưới dạng lược thuật trong tập Kỷ yếu Hội thảo 40 năm đào tạo và nghiên cứu Hán Nôm tại Trường Đại học KHXH&NV – Hội thảo được tổ chức vào sáng 16/11/2012). 

Bộ môn cũng đã có quan hệ hợp tác với Hội bảo tồn chữ Nôm Hoa Kỳ; một số cán bộ của Bộ môn đã đi nghiên cứu, học tập và trao đổi khoa học ở Nhật Bản. Có thể nói, lĩnh vực quan hệ quốc tế của Bộ môn Hán Nôm là một trong những lĩnh vực có nhiều kết quả trong thời gian qua.

Tuy vậy, mười năm qua cũng còn là một giai đoạn mà công tác Hán Nôm còn nhiều bất cập, nhất là về phương diện cán bộ, tổ chức… Cần phải nhìn thẳng vào sự thật đó thì mới có thể có những bước đi cần thiết cho phù hợp với tình hình.

Trước hết cần phải nâng cao khả năng đội ngũ cán bộ Hán Nôm cả về số lượng và chất lượng. Việc bổ sung nguồn nhân lực cho Bộ môn Hán Nôm cần được xem xét dưới góc nhìn khác – phải coi đó là một Ngành đào tạo với 3 bậc học chứ không nên chỉ nhìn nhận nó như là một trong nhiều bộ môn của Khoa Văn học như hiện nay.

Nhận thức về Hán Nôm từ góc nhìn chuyên môn cũng cần có những bước tiến cần thiết cho phù hợp với đối tượng tiếp cận. Di sản Hán Nôm là di sản của văn hoá trung đại, sử dụng cách tiếp cận liên ngành là cần thiết nhưng cũng không thể sao nhãng cách tiếp cận chuyên ngành. Ở đây có những phương diện thuộc vấn đề bình diện nội tại của ngành Hán Nôm và có những vấn đề thuộc bình diện ngoại tại của Hán Nôm, cũng như mối quan hệ giữa hai bình diện đó cũng cần được suy xét thêm nữa.

Kỷ niệm 40 năm đào tạo Hán Nôm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 40 năm nhìn lại, những người làm công tác Hán Nôm chúng tôi rất tự hào với sứ mệnh và nhiệm vụ của mình. Chúng tôi cho rằng mọi thành tích của công tác Hán Nôm không thể tách rời với sự chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường và Khoa Văn học.

Hai chữ Hán Nôm đã cho ta thấy rõ tính chất công việc của mình phải thực hiện. Hai chữ HÁN NÔM gợi rõ thực thể di sản thành văn của dân tộc nhưng lại làm cho nó như một di sản có tính chất bảo tàng, thư viện. Giữ lại cách gọi đó là cần thiết nhưng cũng nên mở rộng cách nhìn về nó bằng cách xem nó là một bộ phận trọng yếu của Ngành văn hiến cổ điển Việt Nam mà hai chữ “văn hiến” ấy phải mang trong mình tinh thần và những nội dung như chữ dùng trong sách Luận ngữ, hay trong Bình Ngô đại cáo

Việt Nam là nước văn hiến, di sản Hán Nôm là một trong những “minh trưng” cụ thể nhất cho văn hiến cổ điển Việt Nam. Các mức độ liên ngành trong Hán Nôm phải được xây dựng và thể hiện theo tinh thần đó. Đồng thời Hán Nôm cũng phải bước lên mà gánh vác nhiệm vụ xây dựng Ngành văn hiến cổ điển Việt Nam trên nền tảng những gì đã làm được từ đào tạo Hán Nôm. Trước hết, trong các chương trình đào tạo của ngành cần xây dựng học phần (môn học) về văn hiến cổ điển Việt Nam, thiết lập các nội dung có liên quan đến các công tác về lưu trữ, chỉnh lý, công bố, xuất bản và xã hội hóa các di sản văn hiến dân tộc, làm sáng rõ các nhiệm vụ của nó trong đời sống văn hóa hiện đại để tầm phổ biến với xã hội của Hán Nôm rộng hơn nữa, xa hơn nữa. Lấy Hán Nôm làm nền tảng, phấn đấu cho một ngành đào tạo văn hiến cổ điển Việt Nam là nhiệm vụ của ngành, là đích vươn lên của đào tạo Hán Nôm. Vả lại, một nước có tiếng là một nước văn hiến, dựng nước đã mấy ngàn năm, Việt Nam cần phải có một Ngành đào tạo văn hiến cổ điển của chính nước mình mà ngành đào tạo ấy lại đã có kinh nghiệm và thành tựu của 40 năm đào tạo và nghiên cứu Hán Nôm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gai Hà Nội.

Bốn mươi năm, ở cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc – Bốn mươi thì không nhầm nhỡ nữa” mà nhìn lại, chúng tôi thấy sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Hán Nôm của mình tuy còn phải phấn đấu nhiều nhưng cũng đã có phần thành tựu. Thành tựu thể hiện ở sự thành đạt của các thế hệ cựu sinh viên, thành tựu thể hiện trong đánh giá của xã hội. Tôi có câu đối mùng 40 năm Ngành đào tạo Hán Nôm theo cách lắp ghép như sau:

Tứ thập niên lai, đạo giáo hiện trình tu bất hoặc
Dư thiên sĩ nhĩ, sư sinh truyền thụ dĩ thành công
(Bốn chục năm qua, đường lối hiển trình, nên không nhỡ
Hơn ngàn học sĩ, thầy trò truyền nhận, để thành công)

Xin được giải thích một chút. Các chữ “tứ thập, bất hoặc” là lấy từ sách Luận ngữ. Các chữ “đạo, giáo, hiện” lấy từ sách Trung dung, nhưng ở đây là nhằm chỉ dưới ánh sáng của Đảng mà cụ thể là dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường nên Bộ môn chúng tôi không có nhầm nhỡ gì. Còn vế dưới là lấy từ những chữ thường được đọc trong buổi mở trường Nho học khi xưa: “Thượng đại nhân, Thánh ất dĩ hóa tam thiên thất thập sĩ nhĩ. Tiểu sinh giai tác nhân khả tri lễ dã”.

Mấy lời giải thích dài dòng ấy cũng là lời kết cho bài viết của tôi.

Tháng 11 năm 2012
PGS. TS Phạm Văn Khoái

Nguồn: Khoa Văn học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét