Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Lần đầu tiên xếp hạng năng lực cạnh tranh ngân hàng


6 ngân hàng cổ phần được xếp loại A - mức cao nhất về năng lực cạnh tranh - là Techcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, DongA Bank, MB. 3 "ông lớn" có nguồn gốc quốc doanh cũng thuộc top này.
Sáng nay (8/9), tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) diễn ra lễ công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam số thứ 3". Tại lễ công bố, lần đầu tiên 32 ngân hàng Việt Nam được xếp hạng về chỉ số cạnh tranh.
Theo đó, xếp loại A - mức cao nhất - về năng lực cạnh tranh có 9 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng vốn nhà nước là Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (phải) tham dự buổi lễ sáng 8/9. Ảnh: M.Đ.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tham dự buổi lễ sáng 8/9. Ngân hàng này được xếp vào nhóm A về năng lực cạnh tranh. Ảnh: M.Đ.
Trong khi đó, các nhà băng khối ngân hàng cổ phần được xếp hạng A gồm Techcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, DongA Bank, MB. Như vậy, ngoại trừ DongA Bank thì các ngân hàng còn lại đều là những đơn vị đang niêm yết trên sàn chứng khoán và có quy mô, vốn điều lệ thuộc vào hàng lớn nhất hệ thống.
Top thứ 2 - xếp loại B - gồm các ngân hàng như: BacA Bank, HDBank, MaritimeBank, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Việt Á.

Trong khi đó, nhóm C gồm: ABBank, DaiA Bank, Kiên Long, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Nam A Bank, Habubank, Navibank, Oceanbank, VPBank, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB). Như vậy, mặc dù Habubank đã chính thức sáp nhập vào SHB nhưng báo cáo này vẫn xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh. Thậm chí, SHB và Habubank cùng được xếp ở nhóm C.
Nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh thấp nhất (nhóm D) gồm: Vietbank, Western Bank, Ngân hàng Phát triển MêKông (MDB).
Trong danh sách xếp hạng không có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Đây là năm thứ ba liên tiếp Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Doanh nghiệp Việt Nam (CRV) công bố chỉ số tín nhiệm Việt Nam. Ở lần công bố thứ ba này, theo như đánh giá của chính nhóm nghiên cứu, đã bổ sung một số điểm đi sâu và sát với thực tiễn Việt Nam hơn hai năm trước. Báo cáo 2012 có thêm kết quả nghiên cứu về dự báo lạm phát và phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua, bênh cạnh kết quả xếp hạng tín nhiệm 596 doanh nghiệp đang niêm yết tại thị trường chứng khoán.
Đánh giá tổng quan và xếp hạng năng lực cạnh tranh hệ thống ngân hàng Việt Nam là nội dung hoàn toàn mới. Trong đó, báo cáo đã phân tích thực trạng tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro và nguyên nhân của những bất cập trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của hệ thống ngân hàng; đánh giá độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam và đã có đánh giá riêng cho từng nhóm định chế ngân hàng.
Việc xếp hạng năng lực cạnh tranh của 32 ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở phân tích ước lượng các nhóm tiêu chí sức mạnh thị trường và năng lực tài chính cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh.
“Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam” là công trình của tập thể các nhà nghiên cứu kinh tế đầu ngành thuộc các trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Học viện Tài chính, Đại học Ngoại Thương và các nhà ứng dụng toán học hàng đầu thuộc Hội Ứng dụng Toán học Việt Nam và Công ty CRV.
Thanh Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét