Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN là điềm báo cho những chia rẽ trong nội bộ ASEAN, một điều mà dưới góc nhìn từ Trung Quốc chắc chắn là một lợi điểm lớn.
Trong phiên bế mạc ngày 13/7 của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, ASEAN đã không thể ra được thông cáo chung. Lý do vì bất đồng gay gắt giữa nước chủ nhà Campuchia và Philippines về việc đưa vấn đề bãi cạn Scarborough vào thông cáo cuối cùng. Hành động này là một vết rạn nghiêm trọng đối với sự đồng thuận của ASEAN ngay trước thềm Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), vốn dự định sẽ bàn về vấn đề COC và trước kì đàm phán đầu tiên với Trung Quốc về COC vào tháng 9.
Nhưng hơn thế nữa, đó còn là điềm báo cho những chia rẽ trong nội bộ ASEAN, một điều mà dưới góc nhìn từ Trung Quốc chắc chắn là một lợi điểm lớn.
Theo phía Trung Quốc, tranh chấp biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và một vài nước trong ASEAN, không phải là với ASEAN. Và ASEAN chỉ đóng vai trò điều phối, không phải, và không nên là người giải quyết tranh chấp. Mục đích của Trung Quốc là để tránh phải đối đầu với cả khối ASEAN, từ đó giảm bớt sức ép từ vai trò trung tâm của ASEAN trong cân bằng quyền lực khu vực.
Thứ hai là ngăn cản ASEAN lôi kéo các cường quốc khác vào đàm phán hoặc ngả về phía Mỹ như Trung Quốc luôn lo sợ.
Thứ ba là mong muốn ASEAN giữ vai trò điều phối, không can thiệp vào quá trình đàm phán hoặc đứng ra giải quyết tranh chấp, để Trung Quốc vẫn có thể chèn ép các nước nhỏ mà vẫn giữ được uy tín quốc tế khi đồng ý đàm phán đa phương.
Tuy nhiên, những tuyên bố này chỉ phục vụ cho những toan tính đơn phương của Trung Quốc do lo ngại sức mạnh tập thể của ASEAN, vốn đang đóng vai trò trung tâm cân bằng sức mạnh trong khu vực với hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất là bảo vệ các lợi ích chung của các thành viên và bảo đảm sự ổn định của ASEAN. Từ đó giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bảm đảm quyền tự do hàng hải và giao thương, bảo vệ lợi ích chung của quốc tế.
Thứ hai, ASEAN đóng vai trò điều tiết và cân bằng cán cân sức mạnh trong khu vực thông qua các cơ chế đa phương như ARF, EAS, APEC, ADMM+,... Do đó, trong vấn đề biển Đông, ASEAN sẽ không ngả về bất cứ bên nào vì như lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã nói, "nếu ASEAN ngả về một phía thì khối này sẽ không còn ý nghĩa". Và ASEAN ủng hộ 4 "không" theo quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là "không ép buộc, không hăm dọa, không đe dọa và tất nhiên không sử dụng vũ lực".
Vì vậy, dù có chắc chắn ASEAN sẽ không ngả về phía Mỹ và sẽ luôn chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp nhưng Trung Quốc vẫn có lý do để cố gắng làm suy giảm sức mạnh của ASEAN. Bởi vì bất kể ASEAN đóng vai trò điều phối hay thương thuyết thì chắc chắn một điều rằng Trung Quốc sẽ không thể thực hiện ý đồ áp đặt của nước lớn đối với các nước nhỏ hơn như trong đàm phán song phương.
Hơn nữa, việc đàm phán với ASEAN có thể sẽ kéo thêm sự tham gia của các các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, lúc đó Trung Quốc sẽ khó có thể tránh được sức ép từ nhiều phía.
Theo giáo sư Carl Thayer, lý do mà hiện nay Trung Quốc vẫn muốn giữ đàm phán với ASEAN chỉ vì muốn loại bỏ sự can thiệp của Mỹ và ngăn cản bất cứ thỏa thuận nào có thể ràng buộc Trung Quốc vào quyền tài phán thực tế ở biển Nam Trung Hoa.
Vì vậy việc chia rẽ nội khối thành các nước đòi chủ quyền và các nước không đòi chủ quyền sẽ đóng vai trò quyết định trong chiến lược của Trung Quốc, để ASEAN "không đánh đã thua" và tự bế tắc, cũng không thể sử dụng vai trò trung tâm của mình để kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài. Lúc đó Trung Quốc không chỉ có thể ung dung tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích, gặm nhấm chủ quyền của các nước khác trên biển Đông, trong khi vẫn có thể né tránh một COC ràng buộc cao và kéo về kịch bản bế tắc của đàm phán COC với ASEAN từ 1999 đến 2002, mà còn không phải lo tới sự can thiệp hay sức ép từ bên ngoài, do ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc gây sức ép về chính trị đạt được mục tiêu là "có được một COC hiệu quả và có khả năng thực thi".
Việc chia rẽ nội khối ASEAN nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm suy yếu khối ASEAN, đảm bảo cho dù ASEAN đóng vai trò thương lượng hay điều phối giải quyết tranh chấp thì Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát và ngăn chặn được vai trò trung tâm của khối này vì đối với ASEAN, thiếu đi sự đồng thuận sẽ thiếu đi sức mạnh. Lúc đó ASEAN cũng không thể giữ được vai trò trung tâm của mình trong khu vực, vì ngay cả vấn đề nội bộ còn chưa thống nhất, thì làm sao để điều tiết và cân bằng cán cân sức mạnh ở Đông Nam Á?
Hơn thế nữa, việc chia rẽ nội bộ ASEAN sẽ khiến cho nỗ lực đàm phán COC sắp tới có thể đi vào vết xe đổ của COC năm 1996, khi chính khối ASEAN không thể thống nhất và đành chấp nhận một DOC lỏng lẻo vào 2002, đóng vai trò giải quyết bế tắc sau ba năm đàm phán với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lợi thế này trong tương lai hay không là điều chưa thể nói, nhưng lợi ích trước mắt mà chiêu bài "chia rẽ nội bộ" Trung Quốc gây ra cho ASEAN đã tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực và sự thất vọng cho các bên đang tranh chấp như Việt Nam và Philippines, phủ bóng đen lên quá trình đàm phán COC chuẩn bị bắt đầu. Rõ ràng đằng sau kết quả này là một phép thử không chỉ cho COC, mà cho cả câu hỏi về vai trò chủ đạo của tổ chức này trong việc ổn định và giử hòa bình cho khu vực.
- Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét