Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư vào Viêng Chăn và Champasak: Rộng cửa đón doanh nghiệp TPHCM

Hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư vào Viêng Chăn và Champasak: Rộng cửa đón doanh nghiệp TPHCM

Chiều 16-7, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư vào thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak. Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM. Về phía Lào có các đồng chí: Thongloun Sousilih, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào; Soukanh Mahalath, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư - Đô trưởng thủ đô Viêng Chăn; Sonsay Siphandon, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Champasak cùng đại diện trên 150 doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa phải) cùng Phó Thủ tướng Lào Thongloun Sousilih và lãnh đạo thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak tham dự Hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư vào Viêng Chăn và Champasak. Ảnh: Việt Dũng
Trên 300 triệu USD đầu tư vào Lào
Về thương mại Việt Nam - Lào, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2010. Riêng trong quý 1-2012 đạt 135,8 triệu USD, tăng 66,6% so với cùng kỳ. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015. Về đầu tư, hiện Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với 424 dự án, trị giá 3,57 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, hợp tác đầu tư, thương mại giữa TPHCM với các địa phương của Lào ngày càng sôi động. Nhiều doanh nghiệp của TPHCM đã được chính quyền các địa phương Lào, trong đó có thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak, tạo thuận lợi về cơ chế và chính sách. Tính đến nay, có 35 doanh nghiệp TPHCM được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn hơn 300 triệu USD.

“Hiện nay tuy chưa có doanh nghiệp của Lào đầu tư tại TPHCM, nhưng qua hội thảo lần này tôi tin rằng các doanh nghiệp Lào sẽ tìm được cơ hội đầu tư tại TPHCM và chúng tôi luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chào đón các bạn” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu thị trường Lào tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng
Mời gọi doanh nghiệp TPHCM
Thủ đô Viêng Chăn là trung tâm kinh tế của Lào, có nền công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến và công nghiệp dệt tương đối phát triển, có hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy rất thuận lợi, hệ thống thủy lợi, thông tin liên lạc, nhiều trường học, đại học, viện nghiên cứu… Thu nhập bình quân đầu người tại Viêng Chăn là 18.000.000 kíp/người/năm, (khoảng 2.340 USD/người/năm). Hiện nay, Viêng Chăn đã được cấp phép khoảng 200 dự án, với tổng giá trị đầu tư trên 1 tỷ USD.
Đô trưởng Viêng Chăn Soukanh Mahalath mong muốn doanh nghiệp TPHCM có điều kiện tham gia đầu tư tại Lào nói chung và tại Viêng Chăn nói riêng. TPHCM - Viêng Chăn sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn. Phía Viêng Chăn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp TPHCM đầu tư tại địa phương.
Đồng chí Sonsay Siphandon, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Champasak cho biết, TPHCM kết nghĩa có mối quan hệ hợp tác thân thiết, lâu đời và đã có rất nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh Champasak trên cơ sở tình hữu nghị đoàn kết và hợp tác toàn diện. Hai bên đã xuyên trao đổi học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như văn hóa - xã hội; bồi dưỡng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, trung tâm văn hóa thể thao, văn nghệ, công trình phúc lợi xã hội, y tế, nông nghiệp; giao lưu đoàn thanh niên…
“TPHCM đã có 9 dự án tại Champasak. Thông qua hội thảo, chúng tôi mời gọi các doanh nghiệp TPHCM đến tìm hiểu khảo sát để nắm bắt được cơ hội đầu tư tại tỉnh Champasak và chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư” - đồng chí Sonsay Siphandon khẳng định.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia còn rất lớn, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; tìm hiểu cơ hội gắn kết du lịch giữa các địa phương; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường gắn kết nhân dân 2 nước, thắt chặt sự hiểu biết lẫn nhau...
 
 
  • Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải:
"Tôi tin tưởng, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp TPHCM sẽ được cung cấp những thông tin, cập nhật về các chính sách đầu tư và triển vọng phát triển kinh tế của Lào nói chung, thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak nói riêng trong những năm tiếp theo. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam và Lào sẽ tận dụng cơ hội này để tìm hiểu về các lĩnh vực cùng quan tâm, nhằm thiết lập các mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả trên cơ sở cùng có lợi"
  • Phó Thủ tướng Lào Thongloun Sousilih:
"Hợp tác đầu tư hai bên không chỉ là lợi nhuận mà còn là thể hiện sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên tình anh em, để cùng nhau phát triển, đồng thời góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Tôi đánh đánh giá cao đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp cho sự phát triển của Lào. Đề nghị hai bên cần thảo luận, xem xét hiệu quả đầu tư như thế nào, còn thiếu điều gì, Chính phủ Lào cần làm gì, tạo điều kiện gì cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần xác định đầu tư lĩnh vực gì, ở đâu để đạt hiệu quả, mang lại lợi ích chính đáng cho hai bên. Lào luôn mở rộng cửa để chào đón doanh nghiệp TPHCM đến đầu tư"
  • Các dự án Lào mời gọi đầu tư:
Dự án xây dựng đường xe lửa Viêng Chăn - Luổngphạbang - Bò Tèn; Dự án thiết kế và xây dựng ga xe lửa có vốn đầu tư trị giá 425 tỷ kíp; Dự án đường Viêng Chăn - Luổngphạbang - Biên giới Trung Quốc; Dự án xây dựng sân bay mới cây số 21; Dự án củng cố và xây dựng sân bay thủ đô Viêng Chăn; Dự án xây dựng đường dây cao thế 500 kV Viêng Chăn - Hạ Lào; Dự án nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng hồ chứa nước Nặm Nơn, huyện Xaythani, thủ đô Viêng Chăn; Dự án nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng hồ chứa nước Huội Tạlẻo, huyện Xaythani, thủ đô Viêng Chăn; Dự án xây dựng hồ chứa nước Nặm Xuông và Nặm Thum (thủ đô Viêng Chăn).
 
 
 
Hồ Việt


Mời gọi đầu tư vào Lào
* 12 doanh nghiệp Nhật Bản vào VN tìm kiếm đầu tư
TT - Ngày 16-7 tại TP.HCM, hơn 150 doanh nghiệp VN và Lào đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại đầu tư vào thủ đô Vientiane và tỉnh Champasak (Lào).
Tại hội nghị, phía Lào cho biết hiện nay đầu tư của VN tại tỉnh Champasak đang dẫn đầu với 37 dự án, tổng vốn đầu tư 217,7 triệu USD, chiếm 51% tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại vùng này. Trong khi đó, tại thủ đô Vientiane từ năm 2005 đến nay, VN đã đầu tư 124 dự án với số vốn hơn 275 triệu USD tập trung chủ yếu vào công nghiệp và thủ công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Thoonglun Sisulit - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào - khẳng định sự ưu tiên số 1 về việc đầu tư, hợp tác kinh tế của Lào dành cho các doanh nghiệp VN. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh về việc cần cải thiện một số vấn đề như thông quan ở các cửa khẩu, cải thiện đường sá, đặc biệt cần tăng cường vấn đề kiểm tra và quản lý về sự hiệu quả của các dự án.
* Cùng ngày, đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ tỉnh Osaka của Nhật Bản cũng đã tới TP.HCM khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào VN. Trong số 12 doanh nghiệp qua lần này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các thiết bị truyền động, thiết kế chế tạo các loại phụ tùng cho máy móc...
ĐÌNH DÂN - NGUYỄN TRÍ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét