Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Văn minh và lạc hậu của người Việt Nam

Văn minh và lạc hậu của người Việt Nam
Trần Đình Tuấn
Sau gần 30 năm mở cửa và 32,5 tỷ Mỹ kim nợ nước ngoài (tính đến hết năm 2010), Việt Nam đã xây dựng được khá nhiều những công trình hạ tầng cơ sở lớn. Những bến phà chậm chạp gây tắc nghẽn lưu thông đã gần như hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho những cây cầu vĩ đại bắc ngang sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Hàn…  Hầm Thủ Thiêm, xa lộ Đông Tây, và những cao ốc tân kỳ đã biến Sài Gòn thành một thành phố hào nhoáng và văn minh không thua kém các thành phố lớn khác ở Thái Lan, Mã Lai, Phi líp pin, Nam Dương…

Tuy nhiên, bên trong cái bề ngoài văn minh hiện đại đó là những con người với một thói quen không hề thay đổi từ thời tiền sử: thói quen xả rác bừa bãi. Việt Nam có lẽ là một trong những nước đang phát triển duy nhất trên thế giới nơi người dân thản nhiên vất rác ra tất cả mọi nơi công cộng, bất kể đó là nơi du lịch, thờ cúng, sông suối, đường phố, công viên… Gần như tất cả các sông ngòi, kênh lạch, ao hồ, đặc biệt những kênh lạch chảy qua khu đông dân cư, đều ngập rác. Tất cả những quán ăn, trừ quán ăn dành riêng cho người ngoại quốc, đều ngập rác vì thực khách Việt Nam bất kể giàu nghèo, sang, hèn, trí thức hay thất học, đều có chung thói quen nhè xương, xả rác, vất khăn giấy, xuống nền nhà, mặc dù rất nhiều tiệm có trang bị mỗi gầm bàn ăn một cái sọt rác. Trên đường phố rất thường thấy cảnh những người đi xe ô tô máy lạnh sang trọng thản nhiên quay kính xe vứt từng bọc rác xuống đường. Thê thảm nhất là những công viên ở các thành phố lớn sau các buổi lễ hội: rác ngập lên như thể các nơi đó vừa trải qua một trận cuồng phong.
Việt Nam là một dân tộc tự hào, vì vậy ngày càng có đông người Việt có cảm giác khó chịu với thói quen  xả rác vô tội vạ, tuy vậy, đề cập đến vấn nạn này tất cả mọi người Việt đều có một nhận định giống nhau: “người mình kém ý thức” thế là hết chuyện! Làm như thể người Nhật, người Sing, người Đức, người Mỹ… sinh ra đã “có ý thức”. Đây là một nhận định sai lầm và nhận định sai lầm này giải thích tại sao đến thế kỷ 21 người Việt Nam vẫn xả rác vô tội vạ y như tổ tiên của chúng ta trong thời ăn lông ở lỗ.
Sự thực là tất cả mọi dân tộc, không kể là Á hay Âu, đầu xuất phát giống nhau, chúng ta đều đái đường, xả rác y như nhau. Paris, London, New York…  cuối thế kỷ 19 còn đầy rẫy những khu nhà ổ chuột, kênh rạch hôi thối, và chỗ nào cũng ngập rác. Singapore, thành phố sạch nhất thế giới đến giữa thế kỷ 20 còn kinh khủng hơn vì người Tàu và người Ấn ở đó, ngoài thói quen xả rác và đái đường còn có thêm tật khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.  Thói quen này là thói quen của toàn thể dân tộc Tàu vào thời đó. Khi Chu Ân Lai tiếp đặc sứ Kissinger vào năm 1971, đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh còn được trang bị những ống nhổ để các lãnh tụ Trung quốc khạc đờm vào trong khi tiếp khách.
Mặc dù xuất phát giống nhau, từ đầu thế kỷ 20, các dân tộc phát triển đã dần dần xoá bỏ được những thói quen lạc hậu của thời thượng cổ. Phương pháp của tất cả các nước đều giống nhau, đó là phương pháp Nhận thức Hành vi (Cognitive behavioral). Trái với các phương pháp tham vấn tâm lý có từ trước, điển hình là phương pháp phân tâm vốn chú trọng những nguyên nhân sâu xa của vấn đề để tìm ra giải pháp, phương pháp Nhận thức Hành vi không đếm xỉa gì đến nguyên nhân xa gần mà chỉ tập trung thưởng phạt để thay đổi hành vi của con người. Dấu ấn của phương pháp này rẫy đầy trong xã hội: bạn vượt đèn đỏ, cảnh sát sẽ cho bạn giấy phạt bất kể lý do hôm đó bạn bị nhức đầu hoa mắt không thấy rõ đèn đỏ hay bạn đang đau bụng cần về nhà đi vệ sinh gấp… Chính vì sợ bị phạt, bạn không dám vượt đèn đỏ.  Một thí dụ khác: đứa bé ngoan, được cha mẹ khen, nó sẽ tiếp tục ngoan để được khen nữa. Đây chính là biện pháp Hành vi. Biện pháp này có hiệu quả rất nhanh nhưng không bền: khi hành vi thưởng phạt không còn nữa hiệu quả sẽ có thể biến mất. Vì vậy người ta đã thêm phần “Nhận thức” (Cognitive) vào để thay thưởng phạt đến từ bên ngoài bằng thưởng phạt đến từ bên trong, tức là từ ý thức về cái đúng cái sai của bản thân: trước đây người ta phạt nặng để quần chúng sợ không dám xả rác bừa bãi (đây là thưởng phạt từ bên ngoài, extrinsic motivation) dần dần biện pháp giáo dục làm người ta tự ý thức, tự khinh bỉ hành vi xả rác (đây là thưởng phạt từ bên trong bản thân con người, intrinsic motivation), chỉ khi đó hành vi xả rác bừa bãi mới vĩnh viễn xoá bỏ được trong đại đa số công dân.

Thói xấu xả rác bừa bãi của người Việt Nam sở dĩ đến thế kỷ 21 vẫn chưa giải quyết được không phải vì người dân Việt kém ý thức mà vì chính quyền Việt Nam kém ý thức. Nhận xét này có thể làm các quan chức trong chính quyền không hài lòng, tuy nhiên, khoa công quyền học đề ra trách nhiệm rất cao cho chính quyền: xã hội được ổn định, dân chúng được an sinh, đất nước được phát triển, ấy là nhờ chính quyền. Ngược lại, là lỗi của chính quyền.  Chính quyền Việt Nam đã khá thành công trong việc xây dựng được một hạ tầng cơ sở văn minh cho nước Việt Nam, đã xoá được những thói xấu thuộc về văn hoá lâu đời tưởng chừng không thể nào xoá được như tục đốt pháo; đã thay đổi được thói quen nguy hiểm của toàn dân khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; đã cơ bản xoá được nạn mù chữ kinh niên trên toàn quốc từ năm 1945 bằng biện pháp đơn giản nhưng nghiêm ngặt: ai không biết chữ không được vào chợ… Chính quyền cũng đã bỏ ra rất nhiều công sức, huy động rất nhiều tài nguyên vào công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không xả rác; mùa hè nào các đoàn thể thanh niên sinh viên học sinh trên khắp các tỉnh thành cũng tổ chức mùa hè xanh sạch đẹp, huy động hàng ngàn lao động vào việc quét dọn, thu gom rác. Thành phố nào cũng dành ngân sách thuê mướn đội ngũ công nhân vệ sinh đông đảo. Tuy nhiên, vài chục ngàn người quét rác thấm vào đâu so với 85 triệu người xả rác?

Vấn đề là ở Việt Nam chính quyền chỉ chú trọng nhiều vào việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, chấm hết. Phần quan trọng nhất là chế tài không được chú trọng đúng mức, nghĩa là cũng có đề ra nhưng không thực thi một cách rốt ráo và nghiêm chỉnh. Đây là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Nếu chính quyền chỉ tuyên truyền giáo dục vận động người dân đội mũ bảo hiểm, chắc chắn sẽ rất ít người chịu làm điều này dù nó liên quan đến tính mạng con người. Cái làm toàn dân, từ thành phố đến làng thôn, tất cả đều đội mũ bảo hiểm là từ sau ngày 15/12/2007 chính quyền cương quyết phạt những người vi phạm luật này.
Tất cả các nước phát triển đều xoá được nạn xả rác bừa bãi bằng cách giống nhau, đó là phương pháp Nhận thức Hành vi: tuyên truyền, giáo dục, vận động và phạt nghiêm khắc, rốt ráo. Hiện nay mặc dù ở các trường mẫu giáo, trẻ em Việt Nam đã được dạy không xả rác, tuy nhiên vì các cháu không được thực tập hành vi này trong cuộc sống, mọi người lớn chung quanh vẫn xả rác vô tư, không bị trừng phạt nào, bài học dần dần bị lãng quên.  Có cháu ngồi sau xe máy hỏi mẹ “Con uống sữa hết rồi vứt hộp đi đâu  mẹ?” Mẹ vừa phóng xe vừa quát “Vứt xuống đường chứ vứt đi đâu?”
Kết quả là một hành vi rất nhỏ bé, rất dễ làm, không khó khăn, không hao tổn công sức mà bất cứ công dân nào, từ 3 tuổi trở lên ở các nước phát triển đều làm được, ấy là cất mẩu giấy rác vào túi cho đến khi gặp được cái thùng rác, nhưng đại bộ phận người Việt Nam vẫn không làm nổi, vẫn ngang nhiên nhè xương, xả rác xuống sàn tiệm ăn, vẫn quăng rác ra ngoài cửa xe, xuống ao hồ, sông suối…, gây ra biết bao nhiêu tốn kém cho công tác làm sạch môi trường và sự khinh bỉ của số đông du khách nước ngoài đang ngày càng đông đảo kéo đến để chiêm ngưỡng những kỳ quan tuyệt vời mà tạo hoá đã ban cho chúng ta.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp là vấn đề lớn, liên quan đến sống còn của dân tộc và thuộc trách nhiệm của chính quyền trung ương. Xả rác bừa bãi là vấn đề nhỏ, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuy nhiên nó là ranh giới giữa văn minh và lạc hậu, là sĩ diện của cả dân tộc. Cách giải quyết vấn đề xả rác bừa bãi hiện nay sẽ không bao giờ giúp chúng ta  xóa được thói xấu cực kỳ vô văn hoá này. Chỉ có cách làm như các quốc gia khác: chính quyền các tỉnh, thành phố, thị trấn, cung cấp đầy đủ các thùng rác nơi có đông người qua lại, và quyết tâm thi hành luật cấm xả rác nơi công cộng, thí dụ nghiêm khắc phạt các chủ tiệm nếu để khách xả rác xuống nền nhà. Đây là cách các quốc gia phát triển đã làm vì họ không thể phạt từng người dân xả rác. Bằng cách phạt chủ tiệm, chính quyền các địa phương có được hàng ngàn công nhân vệ sinh hoạt động rất hiệu quả mà công quỹ không tốn một xu: ấy là các chủ tiệm ăn, họ sẽ phát huy sáng kiến để vừa giữ được khách vừa  không bị phạt. Các sáng kiến của giới chủ tiệm ăn kèm theo công tác tuyên truyền vận động giáo dục của chính quyền sẽ dẫn đến đồng thuận của quần chúng và thói quen thô lỗ xả rác nhè xương xuống sàn sẽ chắc chắn xóa bỏ được. Các cháu trẻ em Việt Nam sẽ được thực hành bài học bảo vệ môi trường cô giáo đã dạy từ mẫu giáo.
Thành quả này sẽ tạo ra được một niềm tự hào mới cho dân tộc Việt, cũng như uy tín cho chính quyền, để từ đó chúng ta xoá tiếp những thói quen lạc hậu khác như thói xếp hàng ngang, thói hút thuốc lá nơi công cộng, thói chạy xe vô kỷ luật, v.v…  Chỉ khi đó người Việt Nam mới có thể được xếp vào hàng ngũ những dân tộc văn minh và phát triển trên thế giới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét