Tính toán của Nga ở Biển Đông?
Nga sẽ không ủng hộ Việt Nam nếu có xung đột ở Biển Đông. Nước này không thể biến Trung Quốc thành kẻ thù và cần có hòa bình với Trung Quốc ở biên giới Nga – Trung.” Giáo sư Leszek Buszynski
Lê Quỳnh
Trung Quốc gần đây phản đối việc tập đoàn Gazprom của Nga đồng ý cùng PetroVietnam khai thác khí gas tại hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh, lô 5.2 và 5.3 trong bồn trũng Nam Côn Sơn ở Biển Đông.
Một vài nhà quan sát Trung Quốc xem đây là nỗ lực của Việt Nam muốn nước ngoài dính líu vào cuộc tranh chấp, trong khi Nga cũng muốn khôi phục ảnh hưởng ở Đông Á.
Bên cạnh đó, Nga từ lâu có quan hệ quốc phòng gần gũi với Việt Nam, cả trong việc đào tạo và bán vũ khí.
Thực sự Nga có quan tâm như thế nào đối với tranh chấp Biển Đông?
Lê Quỳnh đặt câu hỏi này cho một chuyên gia về an ninh hàng hải, Tiến sĩ Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, và một nhà nghiên cứu về ngoại giao Nga, Giáo sư Leszek Buszynski, Đại học Quốc tế Nhật Bản, Niigata, Nhật.
Giáo sư Leszek Buszynski: Không, tranh chấp Biển Đông không hề quan trọng với người Nga.
Tiến sĩ Ian Storey: Nga có hai lợi ích lớn ở khu vực Đông Nam Á – các dự án năng lượng và bán vũ khí. Trong cả hai lĩnh vực này, Nga đều dính líu nhiều đến Việt Nam. Các công ty năng lượng Nga đã chủ động tham gia vào các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam nhiều thập niên qua.
Nga là nhà cung cấp chủ chốt của Việt Nam trong khi Hà Nội này thúc đẩy hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là năng lực hải quân và không quân trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nga bắt đầu từ những năm 1960. Hầu hết những loại vũ khí mà Việt Nam sử dụng đều là của Nga.
Tranh chấp Biển Đông không phải là một vấn đề quan trọng đối với Nga. Dù vậy, do có những lợi ích năng lượng ở Việt Nam, Nga muốn thấy sự bình ổn trong khu vực và tranh chấp được giải quyết hòa bình.
BBC: Ông có nghĩ sẽ xảy ra một cuộc đụng độ lớn giữa Nga và Trung Quốc, một khi công ty Gazprom bắt đầu thực hiện dự án?
Giáo sư Leszek Buszynski: Tôi không thấy có khả năng xảy ra đụng độ giữa Nga và Trung Quốc.
Dự án này sẽ gây khó chịu cho quan hệ. Nhưng Gazprom hoạt động trong một vùng mà PetroVietnam đã khai thác rồi. Nó sẽ gây căng thẳng nếu dự án nằm gần Hoàng Sa.
Tiến sĩ Ian Storey: Mặc dù Trung Quốc có lẽ khó chịu về dự án của Gazprom, họ không làm gì được nhiều.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty dầu khí nước ngoài để không được tham gia hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng tôi đoán rằng Trung Quốc không còn hành xử như thế nữa bởi có các phản ứng tiêu cực từ các quốc gia khác, đặc biệt Hoa Kỳ.
Nhìn chung, mối quan hệ Nga – Trung vẫn thân thiết và có nhiều lợi ích. Không nước nào muốn dự án Gazprom gây tác động xấu đến quan hệ song phương.
BBC: Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, Việt Nam có thể dựa vào sự bảo trợ của Nga, như Liên Xô từng làm trong cuộc chiến chống Mỹ ngày trước hay không?
Giáo sư Leszek Buszynski: Không, Nga sẽ không ủng hộ Việt Nam nếu có xung đột ở Biển Đông. Nước này không thể biến Trung Quốc thành kẻ thù và cần có hòa bình với Trung Quốc ở biên giới Nga – Trung.
Tuy vậy, Nga sẽ bán vũ khí cho Việt Nam để củng cố sức mạnh của nước này chống Trung Quốc.
Tiến sĩ Ian Storey: Việt Nam và Nga không còn là đồng minh có hiệp ước nữa. Hiệp định 1978 của họ đã chấm dứt hiệu lực vào đầu thập niên 2000 mà không được tái ký, mặc dù hai bên vẫn thắt chặt mối quan hệ quốc phòng.
Nếu xảy ra đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, Nga sẽ đứng ngoài cuộc chiến này vì Moscow quý trọng mối quan hệ với cả Hà Nội và Bắc Kinh.
Ít nhà phân tích nào tiên đoán về khả năng xung đột lớn ở Biển Đông, cho dù một vụ va chạm ngẫu nhiên cũng có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng về ngoại giao và khủng hoảng quân sự có thể có.
Không ai có lợi khi xảy ra xung đột lớn ở Biển Đông bởi vì khu vực này vô cùng quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét