Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Tháo chạy khỏi bất động sản nghỉ dưỡng

Từ rất lâu đã có nhiều phê phán cách thống kê thành tựu thu hút vốn đầu tư nước ngoài không giống ai của ta là thống kê "tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký" chứ ít khi chú ý đến vốn thực hiện là bao nhiêu, trong đó vốn nước ngoài thực sự là bao nhiêu và phần góp của trong nước là bao nhiêu.
Do đó, khủng hoảng xảy ra mới thấy vốn đăng ký được ca tụng lâu nay chỉ là bánh vẽ. Đọc nhận xét của ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài hàng chục năm, mà thấy xấu hổ cho trình độ của ông này.

Tháo chạy khỏi bất động sản nghỉ dưỡng 



Tính đến cuối tháng 12.2011, tỉnh Bình Thuận đã thu hồi 165 dự án bất động sản do chậm triển khai. Trong đó có một số dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lớn.
"Cần bán một căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Ocean Villas Đà Nẵng, cách sân bay Quốc Tế Đà Nẵng 10 phút chạy xe về hướng Đông Nam, diện tích 780 m 2, nhà 270 m2, 2 tầng, 3 phòng ngủ, có bể bơi, nhìn ra sân golf và biển. Giá bán 10,2 tỉ đồng. Liên hệ chính chủ…".
Chủ nhân của lời rao trên, anh Trương Quang Tuấn, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, cho biết nếu tính tất cả các khoản phải nộp cho chủ đầu tư thì số tiền mua căn biệt thự tại Ocean Villas Đà Nẵng lên đến 11,5 tỉ đồng. Nhưng vì cần tiền gấp, nên anh chấp nhận bán lỗ. Giá rao bán là 10,2 tỉ đồng, song anh cho biết còn có thể thương lượng được.
Một lý do khác khiến anh Tuấn quyết định bán là e ngại khó thu được lợi nhuận từ việc cho thuê lại. “Khả năng cho thuê chưa biết như thế nào, nhưng trước tiên tôi phải mất thêm 600 triệu đồng trang trí nội thất, rồi chi phí quản lý hằng năm... Vì thế, tôi quyết định bán để tìm cơ hội đầu tư khác”, anh Tuấn nói.
Không chỉ những nhà đầu tư cá nhân như anh Tuấn mà ngay cả các chủ đầu tư cũng nhận ra rằng họ đã quá lạc quan với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Năm 2010, khi trả lời phỏng vấn NCĐT, chủ đầu tư một dự án nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu (không tiện nêu tên) đã nói một cách chắc chắn rằng trong thời điểm kinh tế khó khăn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn dễ xoay xở hơn vì loại hình này chủ yếu là lấy lợi nhuận từ việc cho thuê lại phục vụ nhu cầu du lịch. Thế nhưng, cho đến nay, chủ đầu tư này chỉ bán được chưa tới 50% dự án, dù đã bỏ ra nhiều tiền cho hoạt động marketing.
Nhìn lại giai đoạn năm 2008-2009, hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được chủ đầu tư vẽ ra một cách hoành tráng, đến nỗi Công ty Tư vấn và Tiếp thị Bất động sản CBRE Việt Nam dự báo sẽ có một cơn sóng thần trên thị trường này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho nhiều dự án sẽ mãi nằm trên giấy.
Thực tế cho thấy trong 2 năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, cả dự án của nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, đều bị thu hồi vì không triển khai.
Ví dụ điển hình là dự án một thời nổi đình nổi đám Bãi Biển Rồng (tỉnh Quảng Nam) của Dragon Beach Group với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 4,15 tỉ USD. Sau nhiều lần thúc giục nhưng chủ đầu tư không thực hiện việc ký quỹ và không lập thủ tục, hồ sơ đầu tư theo quy định, cuối năm 2010, Dự án đã bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép đầu tư.
Đó chỉ mới là phát pháo báo hiệu cho việc tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Nối gót Bãi Biển Rồng có lẽ là dự án 1,3 tỉ USD ở Vũng Tàu có tên gọi Vungtau Wonderful World Theme Park do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Good Choice USA - Việt Nam làm chủ đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở đã nhiều lần gửi văn bản và cử người xác minh địa chỉ của nhà đầu tư dự án Vungtau Wonderful World Theme Park nhưng vẫn không tìm được. Do đó, Sở đã gửi công văn bằng thư bảo đảm đến địa chỉ đăng ký của nhà đầu tư ở Mỹ để thông báo về việc xử lý rút giấy phép đầu tư do không triển khai dự án.
Đầu tháng 3 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư 4 dự án du lịch của các doanh nghiệp trong nước với lý do chậm triển khai và không đủ năng lực. Bốn dự án bị thu hồi đều nằm ở huyện Xuyên Mộc, gồm Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Mỹ Land SJC, Khu Du lịch sinh thái sân golf Hồng Nhung, Khu Du lịch Apec Việt Nam và Khu Điều dưỡng Vietsovpetro.
Không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, một tỉnh khác có nhiều dự án bất động sản du lịch, cũng đã ra quyết định thu hồi những dự án “bánh vẽ”. Mới đây, ngày 15.3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch Thuận An Resort ở huyện Phú Vang, do triển khai chậm so với tiến độ đã cam kết. Khu du lịch này có diện tích 8,7 ha, với vốn đầu tư dự kiến 288 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 12.2011, tỉnh Bình Thuận đã thu hồi tới 165 dự án bất động sản do chậm triển khai. Trong đó có một số dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lớn.
Nhiều chủ đầu tư, khi đưa ra chiến lược đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, đều dựa vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam để làm cơ sở. Tuy nhiên, căn cứ vào lượng khách hàng mua bất động sản nghỉ dưỡng có thể thấy hầu hết chủ đầu tư đều đánh giá sai thị trường. Theo CBRE Việt Nam, chỉ có 15% bất động sản nghỉ dưỡng được bán cho người nước ngoài. Trong khi đó, đối với một số nhà đầu tư trong nước như anh Tuấn, họ đã nhận ra rằng, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam là không dễ ăn.
“Việc ngưng đầu tư để rồi bị rút giấy phép của nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua có thể là do khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá lại quy mô của thị trường”, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Chi hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, nhận xét.
Theo Lưu Đức
Nhịp Cầu Đầu Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét