Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Sinh viên chèo chống thời bão giá

Gần đây đọc một số tâm sự của sinh viên mà thương. Lưu lại một bài để nhớ chuyện này. Hôm trước đọc bài của Văn Công Hùng kể chuyện thiếu ăn thời học đại học, thấy sao mà giống mình thế. Sau bài này sẽ lưu thêm bài của bác Hùng như một kỷ niệm của mình. Tiếc là chuyện này tưởng chỉ có vào giai đoạn 1976-1985, biết đâu bây giờ vẫn tràn lan trên khắp mọi miền của đất nước. Không chỉ sinh viên, cả người già, người neo đơn..., và thương nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đã có người hỏi tôi có thích trẻ lại, lại được cắp sách đến trường, được làm sinh viên, được đi chơi với người yêu... không ? Nghĩ đến việc phải trở lại những năm tháng là học sinh sinh viên và nhìn cảnh lớp trẻ khốn khổ bây giờ, đúng là sợ. Đau nhất là câu cuối bài: Tiến sĩ học hành bao năm chưa chắc đã hơn được cô giúp việc. Vận vào mình có lẽ cũng đúng. Thôi, trẻ lại làm gì cho khổ.




 “  Hôm qua xăng Diesel 0,05S lên giá Hai mươi mốt nghìn bốn trăm Việt Nam đồng, sáng nay ùa theo Ga cũng lên Năm trăm nghìn đồng một bình 12kg, ra chợ mua mớ rau cải mọi ngày giá 3k tôi cho là dao xém đến cổ rồi, hôm nay học đòi theo thị trường Rau cũng leo lên mức 4k nghĩa là cắt lưỡi  đến nơi. Hỏi sao lên vèo vèo chóng cả mặt thì bà chủ hàng Rau rong tự tin giải đáp ngắn gọn thế này: “ Xăng lên mà em … Thời buổi lạm phát biết đằng nào mà lần …”

        “Tôi sốc. Cái bà bán rau chẳng học chữ nghĩa cao siêu ngày nào mà cũng biết đến Lạm phát, biết rau tăng vì giá xăng tăng, không nhẽ Sinh viên các bạn lại không biết. Tôi quyết định hôm nay học nhảy chương trình, chúng ta mở Slide đến chương 3 học ngay “ Lạm Phát” cho bằng thiên hạ.”.

          Thầy giáo bộ môn Kinh tế học Vĩ Mô của tôi đã mở đầu bài mới một cách bộc phát như vậy. Cả lớp tỉnh ngủ, chỉ còn lại mấy đứa đêm qua miệt mài đi làm thêm các quán Bar, nhà hàng, nhà ăn  buổi tối giờ vẫn còn say giấc.

 

“ Dậy, dậy đi, hôm nay học Lạm Phát kìa …. Học đi mà còn biết cách chống!”
“ Ôi … zời … ơi … Có mà Lạm Dụng … Có mà chống bằng niềm tin. Không thấy tao đang ngủ lấy sức mà Chống đây à? …” – Mắt lờ đờ, nói xong chúng ngủ tiếp.

           Khổ, mấy đứa đi làm thêm chẳng hiểu vác cái xác đến lớp làm gì nữa? Mang tiếng bố mẹ tưởng con chăm học, giờ còn chăm làm hơn, đến lớp chỉ để điểm danh chống chế, đủ tiêu chuẩn thi hết môn, còn sức trẻ thời đại là lao vào mà bon chen, chật vật kiếm tiền duy trì thứ học Ảo, vác cái Mác Sinh viên đại học đi làm Lễ Tân, Chạy Bàn, Tạp vụ, Cộng tác viên, Phát tờ tơi, nhân viên chuyển phát đồ …  Cái thời gian biểu một ngày của mấy cô cậu sinh viên học xa nhà còn kín hơn lịch ngoại giao của Thủ Tướng …

          Tối gần 12h về đến phòng, chuẩn bị thao tác lịch kịch, lo bài vở, tiểu luận, thuyết trình … có khi gần 2h sáng mới mò mẫm leo lên giường ngáp ngoải. Sáng 5h30 đã phải dậy rồi, ai bảo lịch nhà trường sắp xếp nghiêm hơn quân đội, 6h30 vào lớp. Đương nhiên lên tới lớp cô nàng mộng mị vẫn còn quyến rũ không dứt ra được, tất cả ngồi gục xuống bàn ngủ tiếp! Thế nên cái cuồng quay vô thường đến vô lý cứ mãi diễn ra với đời sống sinh viên. Lên lớp để ngủ, ra đường phải thức mà lăn lộn kiếm thêm chút tiền “Đánh Vật với Thang Giá” may sao mới chu toàn nguồn tiền luân chuyển ngắn hạn để tiếp tục có thể đến lớp NGỦ.



            Đến khi học đúng chỗ ngứa lên mụn Ghẻ sinh viên mới ngóp cổ lên nhìn kỹ lại Anh Lạm Phát rõ nét chi tiết hơn. Bởi thầy hỏi 80 con người trong lớp, 80 sinh viên trình độ đào tạo Đại học về khái niệm Lạm Phát? – Tất cả im lặng. Không ai nói câu nào, không một tiếng động … tất cả cứ tự đưa mình đến một suy tư, chiêm nghiệm và liên tưởng có thể giống nhau cũng có thể là không, vì biết đâu người nhớ đến ngọn Rau, củ dưa hành, có kẻ lại nhớ đến gánh nặng tiền phòng trọ, tiền học phí, tiền các loại tiền cứ ngày một leo thang chóng mặt. Người người kháo nhau về anh Lạm Phát, sinh viên ngày nào cũng kêu ca và nhắc hoài đến Lạm Phát. Nói đến Lạm phát là liên tưởng ngay đến Rau tăng giá, điện tăng giá, Nước tăng giá, phòng trọ tăng giá, hẹn hò tăng giá, lãi suất nóng tăng giá, người yêu cũng tăng giá …

Tăng
Tăng
Tăng …
Đến một lúc nào đó sinh viên đồng loạt Thăng hết thôi.

          Hãy thử tưởng tượng Sinh Viên – tầng lớp tiểu tư sản tri thức của quốc gia dân tộc – Tương lai vận mệnh nước nhà. Họ không làm mà gây nên tội. Tôi gọi là “ Án Oan”.

          Họ bị kết án Treo. Nghĩa là ta hãy hình dung một khung cảnh tù mù , sấm sét cuồng loạn, giờ sử án treo đã tới, Sinh viên bị đưa lên ghế nóng, họ đứng hiên ngang trên đó, ngẩng khuôn mặt gầy gò hốc hác lên và thách đấu với Tử thần Lạm Phát… Một chiếc dây thừng buộc tròn quàng qua cổ Sinh Viên, sợi dây to, chắc nặng nề đè lên họ lằn những vết thương bầm tím. Đoạn dây luồn qua cành cây treo đầy thứ quả mang tên quen thuộc đến mức chúng trở thành nỗi trăn trở, sợ hãi, đe dọa đến cả trong giấc mơ của bao lớp thế hệ Sinh Viên – tiềm năng tương lai đất nước. Quả nước, điện, phòng, Ga, Xăng, rau, Thịt, mắm, muối … Tất cả chúng được bao thầu bởi cô GIÁ. Bên kia người cầm đầu dây, quyết định sự tồn vong sinh mạng của Sinh viên là anh Lạm Phát. Anh cầm chắc dây ung dung hả hê tự mãn. Anh thích kéo dây lúc nào thì kéo, Kéo nhanh hay chậm, cao hay thấp tùy theo hứng. Chỉ có điều anh thích kéo Giá lên hơn, Lên … lên … lên … Vòng dây quàng cổ Sinh Viên mỗi lúc ép chặt Họng họ, tất cả giãy giụa, chống chọi quyết liệt … Nỗi khao khát sống và vươn lên. Bản chất vững vàng đầy nhiệt thành tuổi trẻ bảo họ phải cố gắng, bảo họ phải làm hết sức mình thoát ra khỏi vòng quay bão giá ngày một kéo cổ họ lên.

Cố mãi cũng mệt.
Cũng nhoài sức và nản lòng.

       Anh Lạm Phát cầm quyền lực trong tay rồi. Anh chơi với chú Vĩ Mô và bác Toàn Cầu nên địa vị của anh có sức ảnh hưởng rộng khắp. Sinh Viên có là gì? Sinh viên nhỏ nhoi lắm, đơn giản là hạt cát trên sa mạc thôi. Nhưng hạt cát cũng cần có nắng phơi mình, Sinh Viên cũng cần phải sống, Sinh viên không có tội, không gây ra lỗi, ngược lại bản thân Sinh viên mang trên vai mình trọng trách tương lai đất nước, họ cần được quan tâm, được bảo vệ, họ không phải là cát, là bụi, là Ảo giác.
Sinh Viên là Tương Lai.
Nhưng có lẽ bức tranh về tương lai được vẽ lên trên đây xem chừng bi thảm quá. Thảm nhưng Thật.

         Thời buổi “Tiền là vô Giá” – “ Giá là vô biên” … sinh viên đành gác nhiệm vụ tu rèn giác ngộ tri thức mà đem thân đấu cật với đời, bán sức mình cho đồng tiền để sống và duy trì sự sống. Trường Học chưa thông mà Trường Đời đã tỏ. Xem là cái lợi của anh Lạm Phát, cô Giá, bác Tiền đem lại.
 

           Sinh viên khổ mãi cũng quen, họ dần tập cho mình thói quen sống chung với bão, hòa mình theo cơn địa chấn, khéo léo chèo thuyền vượt qua sóng gió khắc nghiệt. Can trường bản lĩnh là đây, sức trẻ là đây, những Ốc đảo xanh tươi phía trước vẫn đợi sinh viên cũng nhau trèo thuyền vượt ghềnh thác đá, dù anh Phá Giá, dù anh Lạm Phát, dù anh Lạm Dụng có dở chiêu bài sảo thuật đến đâu sinh viên cũng biết nghiêng mình né đỡ mà qua ải Quỷ Môn Quan!


           
 Nghe tin bố mẹ lương tăng Sinh Viên mừng vui tháng tới có thêm trợ cấp. Hàng rau biết tin, hàng thịt biết tin, nhà nhà biết tin không nhẽ Bà chủ nhà lại không biết. 31 cuối tháng, cáo phó đến nhà. Tiền trọ tăng thêm trăm nghìn, điện tăng thêm năm trăm đồng mỗi số, vệ sinh tăng, nước cũng tăng … Sinh viên nghệt mặt, khối người Tăng huyết áp. Ôm nhau khóc lóc rồi cười ra nước mắt … Nén thương đau nhìn nhau … Tháng sau tìm thêm việc mà làm chứ biết sao nữa? Trợ cấp chưa kịp tăng mà ám ảnh tài chính thì nhiều vô kể. Ước gì Nhà Nước đừng tăng lương!

           Đi làm thêm may sao lại làm quen được cô bạn gái, muốn làm thân ta phải có tiền, mấy anh sinh viên đêm về gác tay lên chán trằn trọc suy tư lo giải bài toán kinh tế mang tầm vóc Vi Mô. Sữa chua tăng, xoài dầm tăng, vé xem phim tăng, vé thăm quan tăng, công viên tự do giờ cũng đi vào bán vé! Biết Tán nàng thế nào cho đổ??? Thấy tụi bạn cũng đang khốn khổ chuyện yêu đương, có người yêu muốn gặp mà không có nổi mấy chục ngàn rủ nàng đi ăn chè huống chi là mua nàng quà này cáp nọ, nén dạ chắc lòng tự cho mình có tâm hồn lãng mạn, mượn cậu bạn chiếc xe đạp trở nàng hàng chục cây số ra Hồ Tây ngắm mặt nước lăn tăn mờ ảo trong ánh điện màu xa hoa thuyền trôi nổi và khi mỏi kéo nàng ngồi kế đá tỷ tê … Xem ra lại trở thành trào lưu khá giản dị, hiệu quả, lành mạnh. Chẳng vậy Sinh viên học theo nhau kéo tình yêu đến bờ hồ thỏa mình yêu tha thiết mặc người, mặc đời, mặc lời qua tiếng lại. Ai bảo Lạm Phát làm chi???? – Ước gì Nhà Nước đầu tư nhiều tiền xây thêm nhiều Hồ tự do hơn nữa …!!!

           Lạm Phát tăng, Lãi suất tiền gửi tăng thu hút người người đổ dồn vào Ngân Hàng gửi tiền tiết kiệm. Khi phát hiện Đồng tiền mất giá, mức lãi suất chẳng cân bằng mức hao hụt của đồng tiền, gửi mà như không gửi, thậm trí nhẩm ra còn lỗ. Nhà nhà lại ào ào lôi tiền về nhà. Ngân hàng khốn khổ, xoay sở làm sao? Chính sách “Lãi suất tiền gửi” không thành, Ngân Hàng chuyển sang “ Lãi suất tín dụng” – “ Lãi suất cho vay”. Sinh viên nghèo đi học nhờ ơn Chính Phủ hỗ trợ tiền vay cho sinh viên, khởi đầu mức lãi vay như bèo nước khô gặp cơn mưa mùa hạ, có 0,5%, giờ ra đóng lãi Ngân hàng thông báo lãi đã lên 0,65%, ‘sốt sình sịch” phụ huynh ở nhà chằn chọc xót xa, tưởng đâu nhỏ nhẹ giản đơn lắm, mà cứ mỗi Qúy Ngân Hàng gọi ra đóng lãi cũng phải tiền triệu, méo mó quai hàm … mới tăng lên 1,5% thôi … mà con mình phải chịu cắt giảm chi phí … Học nữa hay không tùy ý các con!

Sớm nay đọc báo, lại thấy người ta bẩu, lương tiến sĩ học hành bao năm, chưa chắc đã hơn được cô giúp việc.
Chậc, có lẽ nào... 

   
hanhnhi_princess90 viết ngày 04/04/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét