Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - Bài 1: Quanh năm cơm độn sắn, ngô

Rẻo cao Thanh Hóa đói mùa giáp hạt - 
Bài 1: Quanh năm cơm độn sắn, ngô
 
Nhà đã hết gạo từ vài tháng qua, phải ăn sắn độn từ tháng này qua tháng khác. Mùa giáp hạt của bà con ở đây kéo dài hơn so với thời gian được ăn cơm trắng.
LTS: Thủ tướng vừa quyết định xuất hơn 1.500 tấn gạo để cứu đói khẩn cho người dân Thanh Hóa trong mùa giáp hạt. Số gạo này đang được địa phương khẩn trương cấp phát đến từng hộ dân. Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã đến vùng cực tây của tỉnh này, nơi hầu như mùa giáp hạt nào cái đói cũng diễn ra, để ghi nhận cái đói đang hoành hành ở đây.
Chánh Văn phòng UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) Hà Văn Ca cho biết vào mùa giáp hạt này, xã nào cũng thiếu ăn nhưng gay gắt nhất là các xã trên rẻo cao như Trung Thành, Trung Sơn, Phú Sơn.
Những số phận khốn cùng
Con đường từ Co Lương đi Mường Lát qua địa phận các xã Trung Thành, Trung Sơn chỉ non trăm cây số. Không có đường ô tô, chỉ có thể đi xe máy và phải mất 8 tiếng. Đường đi dọc sông Mã lên dốc xuống đèo, ngồi trên xe như phi ngựa. Tôi chợt nhớ câu thơ Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống…”.
Mặt đường rộng khoảng hơn một thước, có lúc chui vào vòm lá rừng âm u rậm rịt; có lúc bên trái con sông Mã dưới vực sâu ngoằn ngoèo như sợi chỉ, còn bên phải là núi cao dựng đứng; có lúc phải vượt sông suối bằng bè mảng.
Ông Vi Xuân Nhất, trưởng bản Pượn (xã Trung Sơn, Quan Hóa), cho biết bản này toàn người Thái, có 98 hộ, 100% là hộ nghèo. “Quanh năm chỉ có khoảng ba, bốn tháng là được ăn cơm độn (một phần gạo, 3-4 phần khoai sắn). Thời gian còn lại chỉ ăn sắn, bắp, củ, rau rừng và tháng này là tháng thiếu ăn nhất” - ông Nhất nói.

Đường đến xã Trung Thành, Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) phải qua bè mảng. Ảnh: NGUYỄN DÂN
Ông Nhất dẫn tôi đến nhà ông Vi Văn Thúng, một gia đình đã ăn sắn tám tháng nay. Trong nhà, mùi ẩm mốc, ngột ngạt xộc vào mũi. Trong bóng tối, một người đàn ông chỉ mặc độc quần đùi đang ngồi co ro bên bếp lửa. Ông Nhất cho biết ông Thúng bị thần kinh đã hơn 20 năm nay, thỉnh thoảng lên cơn thì chẳng biết gì. Cách đây ba tháng, trong một lần lên cơn ông ngã vào bếp lửa. Khi gia đình phát hiện thì ông đã bị bỏng toàn thân. Nhà không có tiền chữa trị, vết lở loét cứ thế hành hạ ông, không đi đứng được. Bà vợ phải bồng bế ông kể cả khi đi vệ sinh. Trời lạnh giữa núi rừng thế mà ông không thể khoác gì lên người vì các vết lở loét gây đau đớn nên suốt ngày đêm ông phải ngồi bên bếp lửa. Nhà năm miệng ăn mà chỉ có hai sào nương, quanh năm chỉ nhờ vào gạo cứu đói của huyện. Hiện giờ gạo cứu đói cũng không còn, mỗi buổi chỉ ăn toàn ngô, sắn với muối.
Ông Nhất lại dẫn tôi đến nhà ông Hà Văn Khương. Nhà ông vách nứa, tuềnh toàng nằm trên con dốc dựng đứng. Ông Khương đã có thời đi bộ đội chiến đấu trong Nam bị nhiễm chất độc da cam, phục viên về làm công tác ở xã một thời gian rồi bỗng dưng bị câm điếc, phải ở nhà làm nương. Chất độc quái ác đã di chứng đến đời con ông. Cô con gái đã gần 30 tuổi nhưng cứ ngu ngơ như trẻ lên năm. Đã vậy, bà vợ trong một lần lên núi bị ngã vào đá gãy chân nên giờ đi lại rất khó khăn. Nhà có ba người ở tuổi lao động đều bị tật nguyền cả ba nên ngô, sắn thu hoạch chẳng được bao.
Cũng như nhà ông Thúng, nhà ông Khương chỉ trông chờ vào số gạo cứu đói ít ỏi của huyện. Tôi đến nhà lúc giữa trưa, bữa ăn được nấu từ hai ngày trước đựng trong cái gùi đen sẩm chỉ toàn sắn xắt nhỏ. Bên cạnh là một rổ măng rừng và một đĩa muối. Ông Khương lẩy bẩy bốc từng nắm sắn chấm muối nhai trệu trạo và nói: “Mấy món này cũng là đồ cứu trợ cả đấy”.
Giấc mơ một bát cơm đầy…
“Thế nguồn sống chính của dân bản là gì?” - tôi hỏi trưởng bản. “Bản mình cũng giống mấy bản quanh đây, ruộng lúa nước chỉ có mấy rẻo bên con khe, giữa hẻm núi. Trên sườn núi trồng ít ngô và sắn nhưng bản định cư lâu đời nên đất đã bạc màu rồi, thu hoạch chẳng bao nhiêu” - trưởng bản Vi Xuân Nhất trả lời.
Ông Hà Văn Khương bên phần ăn chỉ có sắn và măng đắng. Ảnh: NGUYỄN DÂN
“Thế còn có nguồn kinh tế nào khác không?”. “Có đấy, cây luồng mọc rải rác dưới núi nhưng anh thấy đấy, không có đường ô tô vào thu mua. Ngoài đường 15 (quốc lộ 15 từ Hòa Bình qua Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị - PV) bán một cây luồng khoảng 30.000 đồng nhưng ở đây thỉnh thoảng thương lái vô mua chỉ được 5.000 đồng. Mua xong họ kết bè thả xuống sông Mã xuôi về lộ để bán cho các xưởng chế biến dọc đường 15. Có thể nói các bản quanh đây sống cứ như thời nguyên thủy, cái gì cũng tự cấp, tự túc, hàng quán xe cộ đều không có…” - trưởng bản Nhất trầm ngâm.
Theo chân trưởng bản Nhất, tôi tiếp tục đi đến một số gia đình khó khăn khác. Nhà bà Vi Thị Mía có đứa cháu ngoại mắt toét vì bị bọ xít đái trong một lần đi rừng. Đứa con rể của bà đi xuất khẩu lao động bấy lâu nay bặt tin tức. Lao động chính của nhà chỉ có bà và con gái, canh tác được sào rưỡi lúa nương. Năm rồi thu hoạch được tạ rưỡi, chỉ đủ cho bốn miệng ăn cơm độn trong… ba tháng.
Nhà ông Phạm Bá Sình ở gần đấy cũng chẳng khá hơn. Đã ngót 70 tuổi nhưng ông vẫn phải đi làm nương tít trên sườn núi, mỗi ngày hai bận đi về cũng đã mất 4 tiếng. Ông có đứa con trai nghiện ma túy, bị nhiễm HIV chết vài năm trước, con dâu sau đó bỏ đi mất tích.
Cơm độn với công thức “một nếp nương + năm sắn” của gia đình ông Vi Văn Thúng. Trong ảnh: Khẩu phần ăn cuối cùng của nhà ông Thúng trước khi gạo cứu đói của Chính phủ kịp đến. Ảnh: NGUYỄN DÂN
Nhà cạnh bên, ông Phạm Văn Miên một tay bị xụi nhiều năm rồi không làm gì được. Nhà ông Lương Văn Yên thì có vợ thương tật trong một lần ngã ở sườn núi. Nhà ông Phạm Văn Hợi, Phạm Bá Bằng… eo sèo không kém. Tất cả đều có chung một hoàn cảnh: Trong nhà hũ gạo cạn veo, lương thực dự trữ sắn ngô thì nhà còn, nhà hết.
Đặc biệt ở đây có một loại thức ăn trời cho là măng đắng và rau rừng mọc quanh năm. Với các nhà hàng, phố chợ, đây là hai thứ đặc sản cho những người thừa đạm. Nhưng với người dân ở đây lại là thức ăn cứu đói và là chỉ dấu cho thấy cuộc sống tự cấp, tự túc của một xã hội nguyên thủy còn phảng phất…
Trên đường cùng trưởng bản Vi Xuân Nhất trở về, tôi hỏi các bản quanh đây có ai đói đến phải dứt bữa không. Trưởng bản trả lời dứt khoát: “Ồ không, dứt bữa là trưởng bản, chủ tịch xã bị kỷ luật đấy. Thiếu ăn nhưng được cái bà con dân Thái mình quanh năm sống rất gắn bó nhau. Nhà nào hết sạch khoai sắn thì nhà khác cho mượn hoặc giúp đỡ và hằng tháng trưởng bản đều phải trèo núi vài chục cây số lên xã báo cáo tình hình cũng như báo động khẩn cấp khi tình thế sắp hết cách”.
Cả ba xã Trung Thành, Trung Sơn và Phú Sơn mà tôi đi qua nếu nói đói theo nghĩa dứt bữa một, hai ngày không có gì bỏ bụng thì hoàn toàn chưa đến nỗi. Nhưng chuyện người dân suốt cả tháng chỉ ăn sắn, ngô hoặc măng đắng, rau rừng là điều diễn ra như… cơm bữa.
* * *
Núi rừng cuối chiều sương mù bao phủ. Mưa lất phất. Trên con đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” đến huyện cực tây bắc Mường Lát - nơi ngày xưa đoàn binh Tây tiến trong thơ Quang Dũng đi qua, đọng lại trong tôi là hình ảnh những cụ già co ro bên bếp lửa trong những căn nhà sàn nứa lá tuềnh toàng.
NGUYỄN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét