Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

"Nơi Đảo Xa" và một số ảnh Mai Thanh Hải chụp Trường Sa

Xem bộ ảnh Mai Thanh Hải chụp về hoạt động ở Trường Sa lại nhớ đến bài hát "Nơi đảo xa". Chủ nhật thư giãn nghe lại.

Bài hát Nơi Đảo Xa và một số ảnh
Trường Sa do Mai Thanh Hải chụp




Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua

Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em

Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đẩy con tàu ra khi, đẩy con tầu ra khơi

Vầng trăng sáng trên biển xa, vầng trăng sáng ngoài đảo xa
Vẳng nghe tiếng ngân nga ru lòng ta bao lời ca quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Quần đảo đứng hiên ngang trên vùng xa ngời sáng

Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển
Nước cả hồ nắng phơi giòn thêm ánh thép
Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi
Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em

Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đẩy con tầu ra khơi, đẩy con tàu ra khơi 

Nơi đảo xa - Trọng Tấn trình bày
-------------------
Dưới đây là một số ảnh do Mai Thanh Hải chụp trong chuyến công tác Trường Sa tháng 4.2012.
Cám ơn Hải đã cho đọc giả xem một bộ ảnh tuyệt vời.
 Xem các bài gốc ở đây:
TUẦN TRA TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA
"Đội Tuần tra" này không hoạt động theo giờ mà rất miệt mài, chăm chỉ 24/24 khắp khu vực quanh bia chủ quyền của Trường Sa Lớn. Cũng lạ, đến mỗi đơn vị - phân đội trên toàn "Thủ đô của Trường Sa", đâ đâu cũng thấy những "Đội Tuần tra" như thế. Anh em bảo: Khách thăm hỏi, chụp hình thì không sao, nhưng cứ lớ xớ đến gần công sự, nơi đặt vũ khí - khí tài (có biển đỏ hi rõ "Cấm quay phim, chụp hình"), thế nào "lính tuần tra cũng" ngoạc mồm kêu quàng quạc váng cả lên, gọi lũ "cảnh khuyển" đến sửa ông ổng, báo cho Vệ binh về tình trạng "vi phạm quy định"... Thế mới thấy, ở nơi đầu sóng ngọn gió, mọi việc đều có thể xảy ra, không chỉ con người cần nâng cao tinh thần cảnh giác mà gia súc, gia cầm, vật nuôi cũng biết học theo chủ mình, "bảo mật, phòng gian". Ai ra Trường Sa, nhớ thực nghiêm quy định này, kẻo gà vịt vừa quàng quạc vừa kéo quần, chó sủa to - nhe răng trắng ởn ngăn cản, thì xấu hổ với bọn chúng lắm, nhé!...


"ĐẶC SẢN NHÀ GIÀN LÀ CÂY CHANH QUẢ RẤT TO!"...
Duy nhất toàn quần đảo Trường Sa và những nhà giàn DK1, mỗi nhà giàn DK1/7 có cây chanh sai quả, mọng nước và sống bền bỉ, đơm hoa kết trái đều đặn mấy năm nay. Cây chanh này nổi tiếng toàn bộ vùng... thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, đến nỗi có tàu trực ở khu vực gần đó, trụ lâu ngoài biển nên hết sạch đồ tươi, phải hạ xuồng vượt sóng to lấy cớ lên "thăm anh em nhà giàn" để xin mấy quả chanh cho anh em tàu hít hà, đỡ nhớ mùi đất liền. Mình lên nhà giàn, chụp hình cây chanh, cậu chiến sĩ người Nam Định cứ lom lom đứng cạnh, thi thoảng lại nhắc nhở: "Nhẹ tay thôi anh nhé!" khi thấy mình sờ vào lá, thân cành. Buồn cười nhất là khi nghe xong báo cáo báo cầy của phân đội, có người hỏi: "Điểm khác của nhà giàn này so với các nhà giàn khác là gì?", cậu sĩ quan trẻ trả lời rất hồn nhiên: "Là có cây chanh quả rất to", khiến mọi người cười suýt ngã. Nhưng cười vậy đấy, xong ai cũng thương lính đến nao lòng. "Đặc sản" thế, tại sao mình không ngồi, tự giơ máy chụp chung để khoe rằng: "Đặc sản nhà giàn là cây chanh quả rất to", đất liền xa xôi nhể? ..
Dưới đây là một số ảnh Đảo Len Đao:
 
Đảo Len Đao cùng với 2 đảo đá Cô Lin và Gạc Ma (Gạc Ma hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nổi như 3 cạnh của hình tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Len Đao nằm ở vị trí 90 45’ 40” độ vĩ bắc; 1140 21’ 50” độ kinh đông, cách đảo Cô Lin 6,4 hải lý về phía Đông, cách đảo nổi Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía Đông Nam.

Đảo được hình thành nhờ bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý.


Bề mặt tương đối bằng phẳng, khi thuỷ triều xuống thấp bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m, khi thuỷ triều lên cao bãi ngập khoảng 1,8m chất đất chủ yếu là cát và đá san hô.


Bãi cát san hô quanh đảo lấy tâm là nhà lâu bền, cứ xoay một vòng là hết một năm. Vào tháng 3, tháng 4 gió mùa Đông Bắc bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo.


Vào mùa gió Tây Nam bãi cát lại dịch chuyển về phía đông bắc của đảo. Hàng năm bãi cát càng nhiều nên thềm san hô dần mất đi do vậy việc đánh bắt hải sản của đảo gặp rất nhiều khó khăn.


----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Các "cảnh khuyển" ra tận mép nước chào đón Thủ trưởng Đoàn công tác
Những người lính canh giữ Len Đao
Truyền hình vệ tinh phục vụ đời sống tinh thần bộ đội
Vườn ươm rau ven mép nước
Đồng hồ kỷ niệm của "Chúng tôi là Chiến sĩ"
Nơi hóng mát của bộ đội phải có điếu cày chứ (tuy rằng đã hết thuốc cả lá lẫn lào từ 2 tháng nay)
Treo điện thoại đợi sóng vì tín hiệu ở đây quá yếu
Tuần tra - canh gác
"Sĩ quan chỉ huy" điểm danh tụi đang đứng nghiêm trên... nắp bể
Bếp nấu của cả đảo
Vườn rau
Giả vờ hái rau để chụp hình thôi nhé!..
Lại 1 vườn rau nè!..
Bãi san hô có 1 khúc cây khô trôi dạt ở đâu đến
Vườn rau xanh và bể nước ngọt - Tài sản quý giá của toàn đảo...
Thức ăn - thực phẩm, đồ khô dự trữ của đảo
Chạn bếp dành để giữ đỗ xanh làm giá đỗ thôi nhé
Đồ hộp, đồ hộp và đồ hộp...
Sĩ quan giữ đảo Len Đao này có tên cực độc: Tưởng Nguyên Soái
Bọn "cảnh khuyển" này nhận ra mình là người quen nên ùa đến... giao lưu ngay
Mệt quá vì chạy đi chạy lại nửa ngày nắng, ngồi chụp hình lưu niệm cũng... nhăn nhó
GẶP LẠI LEN ĐAO
Đảo chìm Len Đao gắn với Chiến dịch bảo vệ Chủ quyền năm 1988 của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhất là sự kiện đẫm máu ngày 14/3/1988 tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Bao nhiêu năm đã trôi qua, cho đến ngày hôm nay, vùng biển này vẫn còn nguyên sự căng thẳng, trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển - đảo của bộ đội ta trước những hành động hung hăng, khiêu khích của lính Trung Quốc ở điểm Gạc Ma ngay bên cạnh. Trở lại Len Đao lần này, bọn "cảnh khuyển" xúm xít quanh mình bởi có lẽ nhận ra người thân quen. Chào nhé các chú mày, anh sẽ viết về nơi mà các chú mày và những người chủ kiên cường, gan góc, dũng cảm, thông minh để những người ở đất liền biết là phía trước biển, nơi họ đang sống trong đầy ắp nhung lụa và ánh sáng, vẫn có những con người đêm ngày căng óc trước mọi động thái của địch và ngón tay luôn áp trên cò súng...

SINH TỒN ĐÔNG KHÔNG BAO GIỜ SAY NGỦ.
Mai Thanh Hải - Đến Sinh Tồn Đông lúc ban trưa, nhìn từ tàu vào thấy đảo chon von bên mép nước và hực lên trong nắng chói.

Thả neo tàu cho bộ phận mặt boong lẻng xẻng thả neo, hạ xuống chuyển tải, đã thấy nhiều thành viên trong Đoàn Công tác lục tục thức dậy, buộc chặt dép nhựa, thắt chặt miệng túi bảo quản, chờ lúc gọi tên xuống xuồng vào đảo.


Lại lạch tạch cả cây số trên biển, giữa nắng gió và mênh mông trời nước để vào với đảo yêu thương, đầy ắp bóng áo trắng bộ đội Hải quân mong ngóng rìa đảo.


Ừ! Tính ra đã 5 tháng nay, đảo chưa có khách đến thăm. Với phụ nữ thì tròn 1 năm, toàn đảo chưa được ngắm nhìn, nghe nói nên hảo hức, chờ đợi đến quên ngủ trưa, cũng là điều bình thường.


Mình đã từng ra Sinh Tồn Đông từ mấy năm trước, nên cũng biết tí ti về đảo. Đại thể: Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía Đông.


Sinh Tồn Đông

Đảo chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và nằm trên 1 nền san hô ngập nước.

Rìa ngoài của nền san hô ngập nước này cách bờ đảo từ 300 - 600m.


Đảo có chiều dài khoảng 160m, chiều rộng khoảng 60m.


Xung quanh đảo có bờ cát rộng từ 5 - 10m, phía 2 đầu của đảo đều có doi cát.


Doi cát phía Đông Nam dài hơn doi cát phía Tây Tây Bắc và có kích thước khoảng 140 x 45m, cả 2 doi cát này thường di chuyển theo mùa sóng gió.


Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh mà chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp. Đất ở đảo, qua cải tạo có thể trồng được rau xanh.


Quả sai lúc lỉu trên cây bàng vuông

Giống như nhiều đảo cấp 3 khác trên quần đảo Trường Sa, đảo không có nước ngọt nên mọi thứ sinh hoạt liên quan đến nước, đều nhờ vào công tác dự trữ.

Bé tí và thiếu thốn của đảo chả là gì so với những sự rình rập của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực và xung quanh đảo.


Anh em bộ đội ngoài đảo, có lẽ không tham gia ngành... Ngoại giao nên rất rành mạch chỉ thẳng "bọn rình rập là Trung Quốc" chứ không uốn éo "nước ngoài, đối phương, tàu lạ" như trong đất liền và bảo: "Là đảo nhỏ cấp 3, cạnh các đảo Gạc Ma, Huy Gơ, Vành Khăn do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đảo Sinh Tồn Đông có một vị trí chiến lược hết sức đặc biệt và là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc".


Sau Lễ chào cờ theo Điều lệnh, trong khi Đoàn công tác chia nhau, người đi làm việc với chỉ huy đảo, người thăm hỏi đời sống bộ đội, người giao lưu - hát hò với cán bộ chiến sĩ... mình tót ngay lên Đài quan sát, bởi thấy trên này, cậu chiến sĩ trực gác không thi thoảng len lén, tranh thủ cúi xuống nhìn khách, ngắm chị em như ở một số đảo khác, mà cứ cúi gằm dán mắt vào chiếc ống nhòm to đùng, hướng ra phía biển.


Theo dõi sát sao tàu Trung Quốc

Cậu chiến sĩ trực gác quê Thái Bình, mồm nói chuyện với mình nhưng mắt vẫn dán chặt vào ống nhòm.

Mình giương máy ảnh, kéo room theo hướng và thấy rõ mồn một chiếc tàu cá dài dài bẩn bẩn rất đặc trưng của Trung Quốc, hùng hục kéo theo sau cả chục chiếc thuyền con, với đám người trần trùng trục, đầu cắt cua trên boong.


"Cái tàu to bọn em gọi là tàu mẹ. Nó chở cả chục cái thuyền trong bụng, đến chỗ đánh bắt là dừng lại, thả cho bọn tàu con ùa xuống, tỏa ra đánh bắt, cuối ngày lại chui vào tàu mẹ và cõng nhau đến điểm khác" - Chiến sĩ trực gác bảo vậy và đanh mặt: "Bọn này ngang ngược và nham hiểm lắm nên phải theo dõi sát!".


Đứng trên đài quan sát, mình không chỉ nhìn thấy bọn "tàu mẹ, tàu con" tham lam, hiểm độc mà còn thấy cả cái nhà to chình ình của Trung Quốc trên bãi ngầm Huy Gơ mà chúng đã chiếm giữ từ năm 1988.


Căn cứ của lính Trung Quốc trên bãi Huy Gơ

Điểm đóng quân của chúng, to gấp chục lần so với nhà của bộ đội ta đang ở, trên các đảo chìm và còn có cả sân đỗ cho máy bay trực thăng.

Nhìn khối nhà bê tông chình ình, ngang ngược của chúng, mắt muốn nổ tung.


"Bọn này nhiều trò bẩn lắm, lơ là mất cảnh giác là bị cắn trộm ngay" - Ai đó trong Đoàn công tác nhắc vậy, khiến anh em chiến sĩ cười hiền: "Ở đảo tiền tiêu này, chúng em không được phép ngủ say, dù ban ngày hay ban đêm!".


Ừ!. Cố gắng lên các em nhé!. Các em căng mắt thức để toàn quần đảo, toàn đất liền được ngủ yên - Điều này, hình như chỉ những người ra với Trường Sa, đến với Sinh Tồn Đông thấu hiểu một cách thực sự.


Cũng như, có ở lại với Sinh Tồn Đông thì mới không hồn nhiên hít hà như mấy em văn công đi nửa bước đã say sóng nằm vật "khói hương nghi ngút", thấy buổi chiều chim biển đậu kín hàng cọc quanh đảo là: "Đẹp quá! Tuyệt quá". Bởi hàng cọc đó được dựng lên không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà còn bằng cả máu của những người lính đảo, để vừa chống quân đổ bộ, vừa làm chỗ đậu cho chim.


Cọc chắn sóng - chống đổ bộ - nuôi chim và... bia tập bắn

Những người lính Trường Sa, mỗi khi đến Sinh Tồn Đông, buổi chiều thường kéo nhau ra mép đảo ngắm hoàng hôn, chim biển lượn về chấp chới và kể lại:

Ngay từ khi quân ta ra đóng giữ ở đảo Sinh Tồn Đông (17/3/1978), nhận thấy địa hình, khí hậu ở đây khá phức tạp, Tướng Nguyễn Chơn - khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có ý tưởng xây dựng hàng cọc chắn sóng quanh mép đảo để bảo vệ, phía trên là những khay cát cho đàn chim làm tổ.


Trải qua bao mùa mưa nắng, người và chim nhạn biển đã trở nên thân thiện, cùng bầu bạn và gần gũi bên nhau để vượt qua sóng gió khắc nghiệt của đại dương, trở thành một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa biển Đông đầy bão tố.


Chào tạm biệt

Với mình, câu chuyện về những người lính không bao giờ biết ngủ say ở Sinh Tồn Đông còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam cảnh giác và sẵn sàng, đến nao lòng...

Rời Sinh Tồn Đông lúc chiều tà, hầu như cả đảo đổ hết ra cầu cảng tý hon, tiễn đoàn. Mấy chị trong Đoàn rưng rức khóc khi thấy những lính trẻ 18-20 cuống quýt nắm tay, giật áo gọi: "Bu ơi! Má ơi!".


Đám đàn ông con trai cả úy, tá lẫn tướng nhìn cảnh đó cũng hoe mắt, quay ra biển đang mòng mọng hoàng hôn. Ai đó nảy ra sáng kiến: "Cùng hát 1 bài nhé!". Thế là cả khách lẫn chủ cùng kề vai, vỗ tay hát: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình!" trong buổi chiều ráng đỏ.


Nước mắt của đất liền trên cầu tàu Sinh Tồn Đông
Xuồng ra xa rồi, bập bềnh giữa bao la trời nước, nhìn vào đảo chỉ thấy màu sâm sẩm tối, vẫn thấy màu áo trắng lính đảo chen chân trên cầu xi măng, cầm hết mũ trên tay vẫy đến rối rít, thành những đốm trắng mỏng mảnh.

Chị nào đó ngồi trên xuồng nghèn nghẹn: "Thôi! Đừng vẫy tay nữa kẻo các con nó mỏi tay mất!" khiến lòng mình như có ai cầm sợi dây thắt lại:


Nhất định, mình sẽ quay lại với Sinh Tồn Đông và trong hành trang mang ra đảo nhỏ không say ngủ, chắc chắn sẽ có rất nhiều trà thơm, thuốc lào để cùng thức với các em, canh chủ quyền Tổ quốc yêu thương.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tàu trực cùng Sinh Tồn Đông
Tạch tạch vào thăm đảo
Chào cờ Tổ quốc trên đảo tiền tiêu
Xin thề hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam XHCN
Bên bia chủ quyền
Lính đảo
Giao lưu văn nghệ với các chị em
Ngóng 1 tý cho đỡ nhớ
Trên đảo cũng có 1 khoảnh sân
Lồng chim dưới tán bàng vuông
Điện gió cho đảo sáng bừng
Bếp ăn trên bể nước
Nhà ở của... rau xanh
Chiều nay ăn cá rán
Cây phong ba
Em với bác Giới, Cục Tác chiến chụp 1 pô nhé!..



Chào đảo, chúng tôi về...
  Đảo Sơn Ca:

Đảo Sơn Ca nằm ở tọa độ 10 độ 22 phút 36 giây N và 114  độ 28 phút 42 giây E, cách đảo Ba Bình 6,2 hải lý về phía Đông.
 Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.

Đảo dài khoảng 450 m, rộng chừng 102 m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 3,5 đến 3,8 m.


Trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm lá xum xuê, rợp bóng mát rất thích hợp với điều kiện sinh sống của chim Sơn ca.


Do nhu cầu bản năng, thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.


Là đảo nổi, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, được phủ một lớp bùn mỏng lẫn phân chim, không có đất màu nên việc trồng rau xanh rất khó khăn.

Nằm trên nền san hô ngập nước, đảo không có nước ngọt.


Địa hình đảo tương đối đơn giản, nhô cao ở giữa, thoải dần về thềm san hô bao quanh đảo.


Khí hậu, thủy văn ở đảo Sơn Ca mang đặc trưng mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát mùa đông ấm. Tuy nhiên do ở vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa oi bức.


Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những ngày mùa khô, thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng kéo dài từ sáng sớm đến xẩm tối.


Thủy triều ở đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm.


Đảo chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam, mạnh và hoạt động dài ngày là gió mùa Đông Bắc về mùa đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè, mang hơi nước từ biển gây hư hại cho vũ khí, trang thiết bị và sinh trưởng của cây cối.

Những tháng mùa mưa, thời tiết mát mẻ hơn, nhưng hay có giông gió bão ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo.


Thực vật ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại song nhiều hơn là cây bàng quả vuông, sồi, phi lao, muống biển và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên và do cán bộ chiến sĩ mang từ đất liền ra đảo, lâu ngày phù hợp với điều kiện thời tiết, thiên nhiên của đảo nên phát triển tốt, xanh mát quanh năm.



Có thể nói, cùng với Song Tử Tây, Sơn Ca là một trong 2 đảo có thảm thực vật phong phú, xanh tốt.

Xung quanh đảo, biển có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là chim sơn ca và một số loài chim di cư theo mùa.


Cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía đông của các tỉnh Nam Trung Bộ.


Nằm trong cụm Nam Yết, đảo Sơn Ca phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo, tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ cho mình và các đảo khác chống lại sự xâm chiếm, đóng xen kẽ của lực lượng nước ngoài.


Xung quanh đảo Sơn Ca, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim thu ngừ mú và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao.


Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền tập thể, các nhân các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc.

Một số loài cá xuất khẩu mang lại lợi nhuận kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá mú đã cho thấy giá trị kinh tế của khu vực đảo.


Thành tích khen thưởng của đảo
:

6 lần được BTL Hải quân tặng Đơn vị Quyết thắng (1999, 2000, 2002, 2007, 2008, 2009); 1 Bằng khen của Tư lệnh Hải quân về thành tích xuất sắc trong cuộc Vận động 50 (12/2002); 1 Bằng khen của Tổng cục Chính trị về thành tích xây dựng đơn vị Vững mạnh toàn diện; 4 Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ Huấn luyện – Sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và Bảo vệ Tổ quốc (4/2006, 4/2008, 4/2009, 4/2010); 1 Bằng khen của Tư lệnh Hải quân (4/2010). Năm 2011 được BTLHQ tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

(Nguồn: Cục Chính trị Hải quân)

-----------------------------------------------------------------------------


SƠN CA YÊU DẤU!.
Phải nói ngay là sóng 3G của Vịt teo ngoài này rất lởm và để post được 1 hình ảnh, mình phải lồng lộn cầm máy tính giơ cao hạ thấp và chạy khắp tàu, rút cục mới tải lên được. Chính vậy nên chỉ post 1 cái hình này và nói với mọi người: Mình rất nhớ nhà, nhớ đất liền. Gần 2 tuần rồi chứ ít đâu!. Hình này d,ĩ nhiên lại do chú Vinh Hải (PV Báo Lao động) nháy cho mình rồi. 2 anh em thi thoảng cũng phải chụp cho nhau chứ!..
HÓNG!..
Chú này đang họp trong phòng, có điện thoại lại lỉnh ra ngoài công sự ngồi "buôn dưa". Cứ tưởng như vậy là "riêng tư" lắm, không ngờ vẫn có cả đàn vịt, dẫn đầu là chú ngan già mào đỏ lạch bạch ra theo, bám quanh hóng nghe điện thoại. Thế mới biết trên đảo, tinh thần cảnh giác và phòng gian bảo mật rất cao. Hình này mình chụp ở đảo Sơn Ca...
NUÔI QUÂN TRÊN BIỂN TRƯỜNG SA
Mai Thanh Hải - Chả phải do tàu nằm ì 1 chỗ neo đậu tránh bão đến mấy ngày, khiến mình rỗi rãi sục sạo khắp cái không gian nhỏ hẹp giữa biển mênh mông, bám càng tổ nuôi quân chăm lo cho những người đi biển theo tiêu chuẩn ngày 4 bữa và thông cảm, khâm phục các chàng con trai nhưng thạo việc "cơm dẻo canh ngọt" hơn cả các nhân vật, đại loại tham gia Chương trình "Vào bếp", "Món ngon" phát nhan nhản trên tỷ kênh Truyền hình, như bệnh dịch.

Thế nhưng những ngày biển động, sóng cao ngất đầu này, được chứng kiến và tham gia công việc cùng các "anh nuôi", mình càng phục lăn, đến lác cả mắt.


Toàn đàn ông thanh niên, sĩ quan - chiến sĩ Hải quân, cả đời chỉ quen với tàu chiến, súng đạn... nhưng khi được điều động sang tham gia tổ nuôi quân, những lính biển này tạm gác chuyện súng pháo sang 1 bên, tất bật từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm với việc nấu cơm, thái thịt, nhặt rau, nấu nướng giữa bập bênh sóng biển, chia thức ăn, bê đến tận phòng khách đi tàu và rồi lại thu dọn, rửa bát quét tàu...



Cứ lặp đi lặp lại ngày 4 lần như vậy, cho bữa ăn sáng - trưa - chiều - tối.

Cường độ làm việc cao như vậy, nhưng việc ăn ở của anh em đơn giản đến nao lòng: Cả tổ phải mắc võng ngủ nghỉ ở.tren boong, nơi để hàng - thực phẩm giữa thông thống gió biển, nước tạt lên hàng ngày và lạnh cóng mỗi đêm.


Những ngày sóng gió bão bùng, nhìn anh em không được phép say sóng như những người trong Đoàn công tác của mình, chạy đi chạy lại lo từng bắt cơm, cốc nước cho toàn tàu, cứ thắt lòng lại thương và khâm phục đồng đội.


Còn những người trong Đoàn công tác thì tấm tắc: "Bộ đội mình giỏi thật. Thế này, chả ngại bọn cướp biển" và mình xin được ghi công trong lòng mình về họ - Những người lính biển tài hoa, dũng cảm và nhiệt huyết của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

-------------------------------------------------------------------------------------------

Âu cơm và nồi đựng canh đã được rửa sạch sẽ
Gạo dự trữ cho chuyến công tác trên biển dài ngày
Rau xanh chuẩn bị chế biến
Tổ nuôi quân đang... tác nghiệp
Nấu cơm bằng nồi cơm điện
Xào xào nấu nấu
Hôm nay có món tôm tươi
Cực khéo tay và cần mẫn
Thịt bê xào nhé
Thích nhất là có món cà pháo trên biển
Món cá rán
Người cũ dạy người mới cách chia thức ăn cho từng mâm
Tiêu chuẩn của từng mâm cho vào khay nhé
Rau muống luộc cũng phải chia đều
Đều tăm tắp trước khi vào mâm
Lên mâm
"Thành quả cách mạng" của Tổ nuôi quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét