Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Phân cấp: Tỉnh chủ động quá đà, quốc gia lãnh hậu quả

Phân cấp: Tỉnh chủ động quá đà, quốc gia lãnh hậu quả

Tác giả: Nghệ Nhân
(VEF.VN) - Chính quyền các tỉnh thành đang có xu hướng tự quyết định nhiều công việc riêng nhưng đi ngược với quy định pháp luật chung của quốc gia. Điều này đang đặt ra những thách thức mới cho công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn mới.

Hồn nhiên sai phạm


Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp vừa cho biết đã có kết luận cuối cùng về Nghị quyết 23 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng, một văn bản gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Cụ thể, trong văn bản số 06 về thông báo kiểm tra văn bản vừa được gửi tới HĐND TP Đà Nẵng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị HĐND TP tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú và tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy; đồng thời có hướng dẫn cụ thể về thời hạn của việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Đối với quy định hạn chế nhập cư, HĐND TP Đà Nẵng giải thích là căn cứ vào Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, luật Cư trú năm 2006 cũng như thực tiễn của địa phương.

Tuy nhiên, theo phân tích của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, qua nghiên cứu các văn bản luật nói trên cùng nhiều văn bản luật liên quan khác cho thấy không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền được ngưng hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân đã được Quốc hội trao cho họ.



Tương tự, các quy định về tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy theo Nghị quyết 23 và quy định tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đều được cho là đã ban hành không đúng thẩm quyền và yêu cầu HĐND TP Đà Nẵng phải xem xét, hủy bỏ các nội dung trái luật trong Nghị quyết 23 trong kỳ họp HĐND tới đây.


Đà Nẵng lâu nay vốn "nổi tiếng" với những cách làm riêng, đi trước một bước (ảnh paronamio).


Đà Nẵng lâu nay vốn "nổi tiếng" với những cách làm riêng. Không thể phủ nhận là có nhiều chính sách được ban hành và thực thi một cách quyết liệt khiến cho bộ mặt đô thị của thành phố này thay đổi hẳn theo chiều hướng tích cực.


Tuy nhiên, với những chính sách vi phạm pháp luật như đã nêu thì rõ ràng các tỉnh thành đang góp phần "rối rắm hóa" việc thực thi chính sách và pháp luật trên bình diện cả nước.

Với tình hình này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dường như đang trở nên "bận rộn" hơn trước. Năm ngoái, cơ quan này cũng đã xem xét và "tuýt còi" Quyết định của UBND các tỉnh Ninh Thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trái luật; quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị quy định cước vận tải hàng hóa bằng phương tiện ô tô, xe thô sơ và sức người áp dụng trên địa bàn tỉnh và quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế đấu giá sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Một báo cáo tổng kết gần đây của Bộ Tư pháp cũng cho biết qua kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm pháp luật thì đã phát hiện tới 3.600 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, nội dung, thẩm quyền ban hành, trong đó có khoảng 1.000 văn bản có nội dung trái pháp luật. "Đóng góp" đáng kể cho tình trạng này chính là từ các địa phương!

Nỗi lo vượt rào

Hiện công luận đang tiếp tục theo dõi về vụ lãnh đạo Đà Nẵng quyết định chi tiền dưỡng liêm cho một số cán bộ chiến sĩ cảnh sát với mức 5 triệu đồng/người/tháng với mục đích "không chỉ nâng cao đời sống cán bộ chiến sĩ mà còn có tác dụng phòng ngừa tham nhũng, nhận hối lộ". Theo đánh giá của GS. Nguyễn Mại, giữa lúc nền kinh tế khó khăn, những quyết định dạng này là rất cục bộ và phi lý. Nếu mỗi tỉnh, mỗi ngành đều ban hành các quyết định tương tự thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra, ông Mại nêu vấn đề này ngay trong một cuộc gặp mặt với các quan chức chính phủ giữa tháng 3 vừa qua.

Từ vấn đề của Đà Nẵng, vị giáo sư từng là lãnh đạo cao cấp của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch đầu tư này nói hiện nay có tình trạng đáng báo động là nhiều địa phương đang làm việc rất trái với điều hành của Chính phủ. Ông nêu ví dụ Quảng Ninh mới đây đưa ra chiến lược ghê gớm là trong vòng 5 năm tới sẽ thu hút đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD/năm. "Nếu tỉnh nào cũng muốn đầu tư 2,4 tỷ USD/năm thì chưa biết nền kinh tế này sẽ đi đến đâu", ông nhận xét.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A mới đây cũng đã bày tỏ sự bức xúc trước quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định màu sơn vỏ tàu và cánh buồm đối với các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Theo ông A, đây là một văn bản ban hành trái Luật Doanh nghiệp, nhưng đáng tiếc là sau rất nhiều ý kiến phản đối, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang áp dụng. Điều bất cập ở văn bản này chính là việc quyết định được ban hành thiếu căn cứ, trong khi lại dựa vào một bản thông báo ý kiến chỉ đạo của... Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh và Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Võ Đại Lược nói hiện nay thống kê cho thấy 70% đầu tư công đã được phân cấp cho địa phương, nhưng có tình trạng địa phương quy hoạch dự án rồi xin Trung ương cấp tiền, mà "hầu như đưa cái nào được cái đó, rất lãng phí". Ông Lược cho rằng đã có ban chỉ đạo vùng thì quyền quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cần giao cho cơ quan quản lý cấp vùng để giảm bớt lãng phí tham nhũng bất hiệu quả trong đầu tư.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một phát biểu gần đây cũng từng nói vui rằng Việt Nam giờ có 63 tỉnh thành cũng là có 63 nền kinh tế, thêm nền kinh tế trung ương nữa là 64. Vị chuyên gia này dẫn số liệu thống kê cho thấy Việt Nam hiện có 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế; 22 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế, 100 ngân hàng thương mại, hàng trăm công ty tài chính chứng khoán, 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu và 260 khu công nghiệp. "Đóng góp" đáng kể cho những con số này chính là tham vọng của các địa phương!

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, nói việc phân cấp là chủ trương đúng đắn, nhưng cần phải đi kèm với luật pháp chính sách rõ ràng, hệ thống quy hoạch đồng bộ và năng lực của các cơ quan được phân cấp phải được nâng cao. Trên thực tế, theo ông Hoàng, "những công tác này chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua, đồng thời có hiện tượng một số địa phương trong quá trình xử lý còn thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích tổng thể quốc gia".

Xét riêng trong lĩnh vực quản lý đầu tư nước ngoài mà ông Hoàng đang quản lý, các tỉnh thành hiện có xu hướng chủ động quyết định các vấn đề riêng, và như một cách thể hiện quyền lực của mình, thường có xu hướng "lờ" đi các quy định của Trung ương, chẳng hạn trong vấn đề báo cáo tình hình, số liệu.

Báo cáo "Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI và các biện pháp thức đẩy giải ngân các dự án FDI và các biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án FDI năm 2011", do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã đánh động một thực tế rằng kể từ khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, Cục Đầu tư nước ngoài không còn nắm được chính xác, kịp thời số liệu, tình hình FDI cả nước, không có con số vốn đăng ký cập nhật cũng như càng không có vốn thực hiện trong từng thời kỳ của cả nước, phân theo ngành kinh tế, nước và vùng lãnh thổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét