Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Ném tiền vào... thùng không đáy

Ném tiền vào... thùng không đáy



ANTĐ - Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2012 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, một trong những giải pháp được nêu ra là dùng quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện để đầu tư chứng khoán. Đề án trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nó được xem như một động thái tích cực trước tình trạng “đói vốn” trầm trọng của thị trường chứng khoán. Dư luận cũng hết sức lo ngại cho rằng giải pháp này là quá mạo hiểm vì thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những rủi ro.


Khủng hoảng chứng khoán
Trong mấy năm qua, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua nhiều sóng gió, đặc biệt là năm 2011, hàng loạt phiên giao dịch bị lao dốc. Đã có lúc người ta so sánh giá cổ phiếu với giá để mua... hành. Chẳng hạn như cổ phiếu VKP của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 đồng/cổ phiếu, một số tiền không đủ mua một mớ rau muống. Từ một cổ phiếu đã từng được định giá trên 40.000 đồng, lúc khó khăn nhất năm 2009 cũng còn xấp xỉ một nửa mệnh giá, giờ đây cổ phiếu VKP đã trở thành thứ chả khác nào “chổi cùn dế rách”!

Không chỉ vậy, rất nhiều cổ phiếu khác quanh quẩn mức 2.000 đồng-3.000 đồng, còn số dưới mệnh giá có hàng trăm. Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã chính thức đưa tên Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Mã chứng khoán: SGT) vào danh sách bị cảnh báo, do tình trạng thua lỗ nặng tới 113,79 tỷ đồng trong năm 2011. Với mức thua lỗ lớn trong năm 2011 công ty của ông Đặng Thành Tâm, người từng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2009 đã bị Sở giao dịch chứng khoán cho vào danh cảnh báo kể từ ngày 13-4. Hiện tại cổ phiếu SGT của Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn đang có mức giá khá thấp chỉ hơn 5 nghìn đồng/cổ phiếu.
Thời gian qua, không ít gia đình khuynh gia bại sản vì chứng khoán, không ít người tự tử, vào bệnh viện tâm thần cũng vì… chứng khoán. Theo một thống kê, đã có khoảng 50.000 tỷ đồng (20.000 tỷ đồng của khối ngoại và ít nhất 30.000 tỷ đồng của khối nội) bị chôn vốn trong các thị trường đầu cơ. Năm 2011, hàng loạt công ty làm ăn thua lỗ đã kéo giá nhiều cổ phiếu xuống mức thê thảm.
“Bơm” tiền cho chứng khoán
Hiện nay, với chính sách thắt chặt tiền tệ, các dòng tiền đổ vào chứng khoán gần như bị chặn lại. Vì vậy nếu đề án thành lập quỹ hưu trí tự nguyện được Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, các doanh nghiệp đồng thuận ủng hộ thì tạo một kênh huy động vốn đầy tiềm năng cho thị trường chứng khoán.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), cho biết: “Thị trường đã và đang thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cho đến nay đã có 1,2 triệu tài khoản giao dịch trong đó nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 4%. Nếu Bộ Tài chính có chính sách cho phép các công ty quản lý quỹ được quản lý nguồn quỹ hưu trí, thì chỉ cần 10% quỹ này cũng đủ kích thích nguồn vốn cho thị trường chứng khoán. Ở nhiều nước, các công ty quản lý quỹ nắm tới 60 - 70% nguồn quỹ hưu trí này”. Cũng theo ông Tân: Việc quỹ mở tiếp cận với nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hai cách. Thứ nhất thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện (hay còn gọi là bổ sung) trên cơ sở các doanh nghiệp, tổ chức “tự nguyện” đóng góp thêm nguồn tiền, sau đó được sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV của mình một khoản thu nhập về hưu sau này cao hơn mức lương hưu hiện tại. Bên cạnh đó, trích 5-10% tổng nguồn tiền kết dư 1.800 tỷ đồng của BHXH ra để các công ty quản lý quỹ sử dụng mục đích kinh doanh.
Quỹ hưu trí tự nguyện cũng là một đề án nằm trong số 12 nội dung của Chỉ thị 08 của Chính phủ về thúc đẩy và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và QĐ 253 về Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp. Điều đó cho thấy Chính phủ luôn coi chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế và phục hồi thị trường chứng khoán là một nhiệm vụ quan trọng.
Cần hết sức thận trọng
Lâu nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được coi là kênh đầu tư đầy rủi ro và mạo hiểm. Hiện nay cơ hội khôi phục thị trường chứng khoán là rất khó. Trong khi đó quỹ hưu trí dành để trả lương cho người lao động khi về hưu và cũng là khoản thu nhập gần như duy nhất của những người lao động hưu trí. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát cao, thu nhập eo hẹp của người lao động đã bị giảm rất nhiều so với chỉ số tăng giá tiêu dùng. Đã có nhiều khảo sát cho thấy đồng lương của nhiều người lao động, nhất là những người về hưu không đủ sống. Họ phải làm thêm nhiều công việc khác. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, BHXH sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu là thu nhập duy nhất của số đông người nghỉ hưu nên đời sống vẫn khó khăn.
Vì vậy nếu như nguồn tiền từ quỹ hưu trí được lạm dụng và đầu cơ vào chứng khoán, vốn đầy rủi ro thì hậu quả sẽ khôn lường. Nếu như thị trường chứng khoán đảo chiều, ai sẽ là người gánh hậu quả. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ về hưu phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cũng cho biết: Tôi không hiểu ai tham mưu cho Chính phủ về đề án này. Tiền lương của người lao động, nhất là những người về hưu tại Việt Nam đã quá thấp so với các nước trong khu vực. Thế mà bây giờ lại được đem đầu tư cho chứng khoán, vốn là cái thùng không đáy, một kênh đầu tư đầy rủi ro và chúng ta đã có quá nhiều bài học nhãn tiền về sự thua lỗ khi đầu tư chứng khoán. Chúng ta không thể quả quyết rằng chắc chắn quỹ hưu trí khi đầu tư chứng khoán thì thị trường chứng khoán sẽ chỉ đi lên chứ không có chuyện đi xuống. Lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai đứng ra trả tiền cho người lao động. Dù là quỹ hưu trí tự nguyện nhưng cũng là tiền công ăn lương của người dân và họ đã quá vất vả để có nó sau một đời công tác, lao động. Nếu muốn đầu tư để đồng tiền không nhàn rỗi thì sao không cho ngân hàng vay, hoặc mua trái phiếu Chính phủ, những kênh đầu tư này mức độ rủi ro thấp nhất.
Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho biết: Hiện nhiều nước đã tách hẳn Quỹ bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội ra khỏi các quỹ đầu tư, vì nếu dùng quỹ này để đầu tư là rất nguy hiểm. Quỹ lương hưu mục đích dùng để lo vấn đề an sinh xã hội, không thể dùng đầu tư cho chứng khoán, nếu rủi ro thì ai chịu. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thì chỉ có thể dùng một phần quỹ này mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu quốc tế. Quỹ bảo hiểm thì về nguyên tắc chỉ được mua trái phiếu Nhà nước mới an toàn. Trừ khi Chính phủ hợp thức hóa các mã chứng khoán và bán cho dân. Người dân mua được của Nhà nước thì không lo. Vì bản chất, Nhà nước không bao giờ vỡ nợ. Còn để tìm giải pháp cho thị trường chứng khoán hiện nay, hãy để các doanh nghiệp tự phát triển. Bởi nguyên tắc của chứng khoán là doanh nghiệp có phát triển, làm ăn có lời, cổ tức bán được thì mới tạo ra cái lợi. Còn Nhà nước cứ tiếp tục cho vay, các doanh nghiệp lại tiếp tục đầu cơ để mua chứng khoán thì tất cả sẽ chết.
Khánh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét