Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Lắng nghe ngôn ngữ “sành điệu” và Giật mình với "văn hóa" chửi thề trong giới trẻ

Hai bài viết hay:

Lắng nghe ngôn ngữ “sành điệu” và
Giật mình với "văn hóa" chửi thề trong giới trẻ

TP - Một nhà văn trẻ và là dân mạng phát biểu quan điểm nhân tọa đàm 'Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Phong'. (Nguyễn Thành Phong là tác giả sách thành ngữ sành điệu bằng tranh 'Sát thủ đầu mưng mủ' gây dư luận trái chiều thời gian qua).

Khán phòng Le’space chật kín bạn trẻ dự tọa đàm về ngôn ngữ của giới trẻ. Ảnh: ĐTQ
Khán phòng Le’space chật kín bạn trẻ dự tọa đàm về ngôn ngữ của giới trẻ. Ảnh: ĐTQ.

Ngôn ngữ của người sành điệu
Trẻ tuổi, Nguyễn Thành Phong tỏ ra khá điềm đạm, chín chắn, với quan điểm đơn giản là cố gắng tìm tòi những ý tưởng đem lại sự thú vị bất ngờ cho độc giả. Khi tôi hỏi anh về bức tranh minh họa câu Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối sao lại vẽ đôi trai gái đánh nhau trong bóng tối như nghĩa đen của từ “phang”, mà không phải là theo cái nghĩa lóng (hàm ý chế giễu thói đạo đức giả của những kẻ ta đây trong sáng), thì anh “né hạ” khéo léo, rằng đó chính là sự bất ngờ dành cho độc giả!
Kể ra cũng khó cho họa sĩ (và đơn vị xuất bản) nếu cố gắng tìm ý tưởng để mô tả đúng cái việc “nhạy cảm” kia sao cho nhẹ nhàng hài hước và khả dĩ chấp nhận được. Nhất là làm sao vượt qua khâu xét duyệt, họ đành phải né thôi. Ấy thế mà cuốn sách cũng đã gây ầm ĩ, nếu làm triệt để mạnh bạo hơn nữa, không biết còn gây sốc đến đâu.
Để làm đến cùng, rốt ráo mọi vấn đề, dường như luôn là bài toán khó. Đành rằng, như thường nói: Cái khó ló cái khôn, nhưng cái cách “khôn” nửa vời này không làm tôi thích thú chút nào. Nếu nói thích thú, có lẽ là câu thành ngữ hiện đại: Cái khó ló cái ngu- một minh họa khá xuất sắc của Thành Phong, mô tả mấy kẻ lớn bé đang hì hục cưa bom đục đầu đạn lấy sắt vụn!
Nhìn chung các bạn trẻ trong tọa đàm coi ngôn ngữ thời @ không phải một nguy cơ, cũng không quá đề cao nó.
Có bạn cho rằng bản thân mình sử dụng những từ ngữ này không với nghĩa tích cực, vậy cớ sao những người lớn tuổi lại đề cao nó?
Phải là người trong cuộc, sử dụng tiếng lóng và cái gọi là ngôn ngữ @ hàng ngày, với vô vàn ẩn ý ám chỉ, vô số kiểu mã hóa, hài hước, sẽ thấy rằng những gì Sát thủ đầu mưng mủ thể hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng.
Tỉ mẩn điều tra, thống kê biệt ngữ của từng lứa tuổi, nhóm nghề nghiệp, chuyên môn, chuyên ngành, từng giới, v v… đòi hỏi đầu tư đáng kể, và chắc chắn cho ta kết quả đáng kinh ngạc. Ví dụ giới ca sĩ người mẫu diễn viên nói năng làm sao, giới IT (công nghệ thông tin) tán gẫu như thế nào, dân cờ bạc giang hồ dùng tiếng lóng ăn nói với nhau theo kiểu gì, v v...?
Ngày nay giới trẻ chat chit (tán gẫu) trên mạng, và cả khi nói chuyện trực tiếp, họ sử dụng một thứ ngôn ngữ biến dạng đến kinh ngạc. Tình cờ nghe được những đối thoại kiểu này, tôi hoàn toàn không hiểu nổi.
Vào một phòng game bất kỳ, bạn sẽ thấy những game thủ vừa chơi vừa tán gẫu bằng những “thuật ngữ” như một thứ ngoại ngữ xa lạ mà chỉ có họ hiểu, xen lẫn tiếng chửi thề dày đặc, tự nhiên như không. Hàng trăm trò chơi, mỗi trò lại có “thuật ngữ” riêng, mà người ngoại đạo điếc đặc. Bản thân tôi từng mê game, có thời gian chỉ có ăn ngủ và online, nhưng so với giới trẻ hiện nay thì tôi “tụt hậu” rất nhiều.
Lứa tuổi học sinh, sinh viên hiện nay, họ sử dụng lối viết tắt, các ký tự thay thế, tiếng lóng, các thành ngữ sành điệu thời thượng vần vè, thường xuyên thiếu gắn kết logic, nhưng chính vì thế nó mới “ảo”, và mới là sành điệu- thể hiện sự hài hước ngược, nghĩa là cười giễu chính sự ngớ ngẩn nhảm nhí của thứ ngôn ngữ không đầu không cuối đó. Người Việt vốn thích hài hước, ăn nói vần vè, cho nên những câu nói phổ biến kiểu này là dễ hiểu: Ác như con tê giác, ngất trên cành quất, cướp trên giàn mướp, v v…
Người miền Nam có câu rất hay: Nói zdậy (vậy) mà hổng (không) phải zdậy. Ngoài chuyện đơn thuần vần vè, đôi khi hoặc thường xuyên, những lối “nói vậy mà không phải vậy” lại ẩn chứa sự thật nhất định.
Ví dụ câu Thất bại vì ngại thành công, thoạt nghe dễ bật cười, nhưng kiểu chơi chữ này tình cờ lại đúng, bởi nó có chữ “ngại” rất đa nghĩa, nội hàm kiểu như “thành công ấy à, nó giống như miếng thịt gà ngon mà tôi ngại gắp trong bữa tiệc, thôi nhường các bạn” , nhưng nó cũng lại vừa như “tôi ngại thành đạt vì ngại khó ngại khổ ngại phấn đấu, nên tất yếu tôi là kẻ thất bại”.
Ngôn ngữ quán nước vỉa hè gần gũi đời thường hơn, nhưng nếu không tiếp xúc hàng ngày, một anh công chức văn phòng sẽ chẳng thể hiểu gì khi bác xe ôm ngồi quán nước nói hôm nay dễ mất điện, kết em lộc phát nổ đĩa, phang thôi”.
Giải thích ra thì khá dài dòng: Khi kết quả giải đặc biệt hôm sau giống hôm trước, cùng về một số 68 (lộc phát) chẳng hạn, dân chơi lô đề gọi là “mất điện”, còn “kết nổ đĩa” ý nói là họ suy đoán và rất thích cái con số 68 đó; “phang” nghĩa là đánh đề, đặt cửa, giống như “xuống tiền”, “vào tiền”, v v… Dân chơi cá độ bóng đá và cờ bạc chuyên nghiệp lại có những từ ngữ bí hiểm hơn nữa.
Nên thế nào?
Giới văn chương bấy lâu nay nhiều người xa rời ngôn ngữ đời sống, ẩn mình trong tháp ngà, kiếm tìm những cách tân rối rắm, màu mè. Họ tự khu biệt chính họ, và than vãn rằng độc giả không chịu hiểu sự hay ho của họ. Khẩu hiệu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đôi khi trở thành một thứ định kiến, rào cản trong việc tiếp cận từ ngữ mới, những sáng tạo ngôn từ mới.
Từ rất lâu rồi, chúng ta chưa được đọc tác phẩm tương tự Bỉ vỏ năm xưa. Trên mạng thi thoảng có bài viết về thế giới ngầm, về giới trẻ, giới ăn chơi, nhưng chẳng được gọi là văn chương, và vẫn chỉ là một thứ ngoài luồng, bên lề, hoặc như một từ vẫn hay được ưa dùng gần đây: Lề trái.
Vậy là chúng ta đang sống trong thời đại mà mỗi cá nhân, mỗi giới, mỗi tầng lớp- theo cách nào đó đều có xu hướng “phát sóng ngang”, mà một khi đã không “bắt sóng” được nhau, đương nhiên dẫn đến chẳng thể hiểu nhau, thậm chí tuy cùng nói tiếng Việt nhưng lại bất đồng ngôn ngữ một cách sâu sắc!
Vậy làm sao để hiểu nhau, hiểu ngôn từ của nhau? Chỉ có một cách, đó là lắng nghe, tìm hiểu, khoan phán xét, khoan cổ động hô hào. Không vội sợ hãi lo lắng về sự biến đổi của ngôn ngữ trong cái thế giới công nghệ thông tin đa chiều này. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là nhất quyết từ chối mọi biến đổi vận động của ngôn ngữ, nói ra điều này thiết nghĩ hơi thừa.
Dòng chảy ngôn ngữ, theo quy luật tự nhiên, giống như một dòng nước uyển chuyển, tự nó sẽ chảy chỗ trũng và gạn đục khơi trong, lắng đọng lại những gì đáng nhớ. Còn lớp váng rác rưởi theo thời gian sẽ dần bị đào thải, trôi vào quên lãng.
Đặng Thiều Quang

---------
 http://www.nguoiduatin.vn/giat-minh-voi-van-hoa-chui-the-trong-gioi-tre-a37747.html
04-04-2012 | 08:07
(Nguoiduatin.vn) - Hiện trong giới trẻ nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên mặc nhiên tồn tại "nền" văn hóa giao tiếp mà mở đầu bằng những "từ khóa"... chửi thề.
Nó dường như trở thành một thứ trào lưu và nghiễm nhiên được "lưu hành" lây lan như một thứ dịch bệnh trước sự thờ ơ của người lớn.
Chửi thề - câu cửa miệng dần... quen thuộc!?
Một lần ngồi uống cà phê bên lề đường trước cổng một trường đại học, tôi vô tình chứng kiến cuộc nói chuyện của hai bạn sinh viên. Họ chào nhau vui vẻ bằng một câu chửi thề khiến tôi choáng váng, đại loại như: "Đ. M., dạo này khỏe chứ?", "Đ. M., dạo này có gì làm ăn không?"... Cái cách nói chuyện "thân mật" ấy dường như đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài thanh lịch của đôi bạn sinh viên.
Họ còn "tâm sự" oang oang và không để ý gì đến mọi người xung quanh đang nhìn mình bằng ánh mắt thật khó chịu.
Ngạc nhiên và tò mò, tôi đã tự mình làm thử một cuộc điều tra nhỏ về cách thức nói chuyện trong giới trẻ hiện nay. Giật mình trước những gì mình đã quan sát, hầu như đi đâu tôi cũng bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ dùng những câu đệm theo... "phong cách mới" này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Dường như nó đã trở thành trào lưu đang rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay mà người lớn chúng ta không để ý. Không chỉ trong lúc nói chuyện lâu lâu mới xuất hiện vài câu chửi, mà chỉ một câu nói thậm chí lại chứa đến hai ba từ chửi thề làm câu đệm.
Có thể, nhiều bạn coi đó là chuyện ...bình thường!? Quả thật, mới nghe lần đầu tôi có cảm thấy cực kỳ khó chịu nhưng nghe mãi rồi cũng... quen. Và, nếu cứ tiếp tục được nghe những câu đệm chửi thề như thế, tôi nghĩ có lẽ rồi nó sẽ  trở thành một thứ "văn hóa" chửi thề hiện hữu trong xã hội lúc nào không hay.
Giảng viên khoa Ngữ Văn - Anh, ĐH KHXH & NV TP.HCM Nguyễn Văn Thông phân tích: "Giới trẻ ngày nay sống và giao tiếp rất thoải mái, các em muốn khẳng định mình, cho mình là người lớn nên mọi ứng xử trong đời sống đều đến một cách tự nhiên, không cần phải tuân theo nguyên tắc văn hóa nào cả.
Nếu để ý một chút thì thấy việc dùng những từ đệm thiếu văn hóa đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của không ít cá nhân. Nói chuyện theo cách này vẫn được cho là bình thường, và rất phổ biến.
Hình như các bạn ấy cảm thấy, nói thì phải chêm vào một hai câu chửi thề thì mới thấy hợp, thấy sướng, như thế câu chuyện mới hay và thu hút thì phải" (?!).
Bạn Hoàng Văn Nghĩa, sinh viên ĐH KHXH & NV TP.HCM chia sẻ: "Không chỉ có các bạn học sinh trong trường phổ thông mới nói chuyện theo kiểu này mà ngay cả các bạn sinh viên ở các trường ĐH cũng vậy. Khi nói chuyện đều đệm thêm vào những từ ngữ không mấy văn hóa. Tôi nghĩ, thật đáng hổ thẹn và chúng ta cần thay đổi ngay từ bây giờ".
Nếu chúng ta quan sát kỹ hơn sẽ thấy quả thực ngôn ngữ một bộ phận giới trẻ đang bị thô tục hóa, các bạn không hề ngượng ngùng khi nói chuyện, dường như đó là những câu thường trực trong đời sống giao tiếp hằng ngày.
"Bản thân tôi cũng đã tình cờ chứng kiến cảnh các em học sinh chửi thề, khi đi đón con ở một trường trung học nằm trên đường Nguyễn Tuân. Vì đến sớm, chưa đến giờ tan trường, nên tôi và một vài phụ huynh khác chọn một quán nước ven đường ngồi đợi.
Trong quán có một nhóm học sinh cả nam và nữ đang ngồi uống nước, nói chuyện với nhau. Tôi không thể tin vào những gì mà mình nghe được trong cuộc hội thoại của các em. Những bạn học sinh này nói chuyện bằng việc sử dụng những từ ngữ tục tĩu thường xuyên và những câu chửi thề được tuôn ra ầm ầm, rồi cùng nhau cười khúc khích", một bậc phụ huynh có tên Thạch bức xúc.
Anh Phạm Minh Cảnh chia sẻ với chúng tôi đầy tâm trạng: "Thỉnh thoảng, tôi thường ra tiệm Internet gần nhà để đọc báo. Đúng là tôi cảm thấy rất chói tai với những tiếng chửi thề liên tục từ miệng của những bạn trẻ ở độ tuổi teen này.
Thật khó chấp nhận, con cháu mình là các game thủ say sưa chơi và say sưa chửi. Thắng chửi theo cách thắng, thua chửi theo cách thua. Vừa chơi game bạo lực, chúng vừa buông những lời bậy bạ một cách vô tư mà chẳng cần để ý đến người xung quanh".
Cần nghiêm cẩn tập lại thói quen
Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì nguyên do xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân. Họ phó mặc toàn bộ con cái cho nhà trường.
Cha mẹ có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây. Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng.
Hơn nữa, do cách sinh hoạt của mỗi gia đình, có nhiều gia đình biết con mình như vậy nhưng lại không chỉ bảo đến nơi đến chốn. Thậm chí trong nhiều gia đình, chính bố mẹ cũng vận dụng ngôn từ đậm tính "văn hóa" chửi thề nên trẻ mất nhiễm tính chửi thề từ nhỏ.
Khi đó thì những gì thầy cô dạy trong trường như "ăn nói lễ độ, không nói tục, chửi thề" sẽ trở nên xa lạ và như thể...nước đổ lá khoai.
Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh.
Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, nên có sự mở rộng mô hình phòng tư vấn học đường trong trường học để giúp người lớn có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn cũng như kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay.
"Chửi nhiều thành quen", lâu dần nhiều bạn hình thành thói quen cứ mở miệng ra là nói tục, chửi thề. Một khi đã là thói quen, thậm chí đã trở thành "văn hóa" chửi thề trong ứng xử, giao tiếp thì rất khó để thay đổi.
Sẽ đi về đâu nếu ngay từ bây giơ các bạn trẻ không điều chỉnh và xây dựng lại cho mình một thói quen giao tiếp văn minh và lịch sự. Trước hết, người lớn cần sự gương mẫu, nghiêm cẩn trong lời ăn tiếng nói của mình, để làm gương cho lớp trẻ nhìn vào đó tự điều chỉnh mình.

Điều "bình thường" khó chấp nhận
"Điều đáng nói hơn là tầng lớp sinh viên được xem là những người có học thức, văn hóa vậy mà cách nói chuyện theo lối "ấn tượng" này vẫn rất phổ biến. Dù ở giảng đường hay khi bên ngoài, khi nói chuyện với bạn bè thì tần suất xuất hiện những câu chửi thề vẫn diễn ra liên tục, thậm chí mỗi câu nói lại được đệm thêm vào một hay vài từ.
Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi với ngôn từ mình phát ra, và từ thói quen của những người xung quanh mà chúng ta cho nó là điều bình thường và chấp nhận nó như bao cái bình thường khác". (Giảng viên khoa Ngữ Văn - Anh, ĐH KHXH & NV TP.HCM Nguyễn Văn Thông)
M.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét