Ngân hàng Nhà nước:
Vàng phi SJC được mua bán hợp pháp
Trong thông điệp phát đi chiều 6/4, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; không phân biệt đối xử giữa vàng SJC và các loại khác.
- Thị trường có dư luận về việc một số tổ chức, cá nhân đang giữ vàng miếng khác ngoài vàng miếng SJC gặp bất lợi khi mua bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?
- Theo quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, “vàng miếng” là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của đơn vị được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Đồng thời, nghị định này cũng khẳng định: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, quy định tại Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các loại vàng miếng này được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do Ngân hàng Nhà nước quy định.
- Nghị định 24 quy định các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp để được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Liệu nghị định này có dẫn đến việc nhiều cơ sở đang kinh doanh mua bán vàng phải đột ngột đóng cửa?
- Theo dự kiến, thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là 6 tháng. Như vậy, họ sẽ có ít nhất 7 tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Việc số lượng doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng bị thu hẹp có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân không?
- Nhu cầu của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn qua cả các ngân hàng. Các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể mở thêm chi nhánh hoạt động. Đối với tổ chức tín dụng, hiện nay, chỉ riêng số điểm giao dịch của các ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đã lên tới hàng nghìn điểm.
Các điểm giao dịch vàng miếng tập trung số lượng lớn ở 2 thành phố lớn có nhu cầu mua, bán vàng miếng cao là thành phố Hà Nội và TP HCM. Tất cả các tỉnh, thành phố thuộc trung ương sẽ có điểm giao dịch mua, bán vàng miếng. Do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân.
Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định thời hạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Trong thời hạn này, người dân vẫn có thể tiếp tục mua bán vàng miếng tại các địa điểm như trước đây.
Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định thời hạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Trong thời hạn này, người dân vẫn có thể tiếp tục mua bán vàng miếng tại các địa điểm như trước đây.
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét