Khi Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng:
Lo ngại những biến tướng của vàng
SGTT.VN - Sáng ngày 5.4, các quầy kinh doanh vàng tại trung tâm vàng bạc đá quý Bến Thành, Thanh Thế, Thanh Niên, trung tâm Kim Hoàn Sài Gòn… xôn xao bàn tán về nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Chính phủ ban hành ngày 3.4.2012.
“Mua bán vàng miếng còn kiếm lãi lai rai mỗi ngày, chứ giá vàng cao quá có mấy người dư tiền sắm trang sức thường xuyên. Nếu bị cấm bán vàng miếng thì chắc tui sẽ chuyển qua kinh doanh thời trang hay mặt hàng khác”, bà Mai, chủ tiệm vàng ở khu vực gần chợ Bến Thành, quận 1 nói.
Khó thay đổi thói quen cất trữ vàng miếng của người dân trong một sớm một chiều. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Lo lắng và tính kế
Nghị định mới quy định, vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên mới được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Bà Nguyễn Thị Tỵ, doanh nghiệp kinh doanh vàng số 158 đường Phó Cơ Điều, quận 11 nói: “Cửa hàng tôi đang bán mạnh nhất là vàng miếng. Sức bán chi phối cả khu vực quận 11, Tân Bình thông qua các bạn hàng (tức chủ tiệm vàng nhỏ)… nhưng vốn đăng ký chỉ vài tỉ đồng. Nếu theo nghị định mới ban hành thì tôi không có cách nào để kinh doanh được”.
Ngoài vốn điều lệ, hầu hết các chủ kinh doanh vàng khu chợ Thiếc, chợ Bàn Cờ, quận 3 cũng như chợ An Đông, quận 5 đều không đáp ứng được các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo nghị định mới như: số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất; và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ ba tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Bà Tỵ cho biết, thói quen giữ vàng làm của vẫn còn rất lớn. “Giới kinh doanh như tôi đều hiểu Nhà nước muốn thu gọn các tiệm vàng nhỏ để thay đổi thói quen giữ vàng trong người dân như các nước trên thế giới. Nhưng trong quá trình thay đổi thói quen, người có nhu cầu mua vàng sẽ chạy đi đâu?”, bà Tỵ hỏi. Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ cũng băn khoăn: “Số doanh nghiệp đang kinh doanh vàng có đủ điều kiện tiếp tục thì quá ít so với địa bàn, nhu cầu thị trường hiện nay. Nếu các ngân hàng có vốn từ 3.000 tỉ trở lên đều tham gia, thì với mỗi ngân hàng có vài trăm điểm giao dịch (tức hàng ngàn tiệm vàng có thể được thay thế bằng hàng ngàn điểm giao dịch), thì không lo thiếu điểm bán, nhưng sau 17 giờ ngân hàng đóng cửa, thị trường sẽ ra sao, nhất là khi giá vàng biến động, người tiêu dùng có nhu cầu tiền mặt…”
Ông Nguyễn Văn Dưng, chủ tịch hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM lo lắng việc sẽ có hơn 2.000 chủ doanh nghiệp, chủ tiệm, cửa hàng kinh doanh vàng tại TP.HCM buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh (chỉ được bán vàng trang sức), sẽ dẫn tới sự ứng biến. Điều này được ông Lăng Văn Hai, giám đốc công ty Kim Hoàn Sài Gòn gọi là “những biến tướng”. Chẳng hạn như các tiệm vàng đăng ký là mua bán trang sức, nhưng vẫn mua bán vàng miếng chui. Vàng miếng được thay bằng vàng nhẫn, vàng khâu, hay thậm chí là những vòng lắc tay nặng một vài lượng…” Khi đó, họ tính công một chiếc nhẫn chỉ 10.000 đồng, cũng bằng tiền công miếng vàng nhỏ”, ông Hai nêu kịch bản.
Công ty kinh doanh vàng SBJ, có vốn 250 tỉ đồng, có chi nhánh ở Cần Thơ, Bình Dương, nộp thuế vài tỉ mỗi năm xem ra, hội đủ các điều kiện để tiếp tục kinh doanh. Nhưng bà Võ Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc công ty lại lo vì: “Thị trường mua bán vàng miếng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, hơn 90% doanh thu của SBJ là từ các tiệm vàng lớn nhỏ. Nay mất nguồn khách này thì chưa biết sẽ phải tính sao”. Bà Chi cho rằng việc nghị định ban hành ngày 3.4 và có hiệu lực thi hành từ ngày 25.5.2012, thời gian để chuẩn bị và thực hiện việc chuyển đổi kinh doanh của các tiệm vàng là khá ngắn.
Cơ hội cho các ngân hàng
Theo hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… Nhưng quy mô của các tiệm vàng khá nhỏ. Nếu tính theo tiêu chuẩn của nghị định vừa ban hành, thì chỉ có hơn mười doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì mua bán vàng miếng như: SJC, PNJ, SBJ, Doji…
Theo nghị định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ông Trương Công Nhơn, phó tổng giám đốc công ty SJC đánh giá: “Đây là bước ngoặt trong thị trường vàng Việt Nam”. Và ông Nhơn cũng cho rằng, với thói quen mua bán, cất giữ vàng của người dân Việt Nam chưa dễ thay đổi nhanh chóng, các ngân hàng có vốn mạnh đang có cơ hội để khai thác thị trường và kiếm lãi nhanh.
Ngày 3.4.2012 vừa qua, ngân hàng Nhà nước có văn bản số 1873/NHNN-QLNH yêu cầu ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng Đông Á (DongA Bank) và ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cùng công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng. Đây có thể là nhóm đầu tiên tham gia triển khai nghị định ở nội dung tổ chức mua bán vàng miếng để tạo sự thông suốt trong giao dịch, tránh những xáo trộn trên thị trường khi nghị định có hiệu lực từ 25.5.2012.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, trong ngày 5.4, đã có ba ngân hàng tại TP.HCM họp bàn kế hoạch và triển khai hoạt động kinh doanh vàng miếng. Một số doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm sẽ kết hợp với ngân hàng để phát triển dịch vụ kinh doanh vàng. Dự kiến một số điểm giao dịch ngân hàng sẽ có thêm dịch vụ ngoài giờ, dịch vụ cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) để đáp ứng nhu cầu mua bán vàng.
Bích Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét