Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

“Hiểu lịch sử để dự đoán tương lai”

Đọc bài này mà khâm phục sử gia Pavel Vladimirovich Pozner quá. Cám ơn ông và cám ơn nước Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Ông nói chính xác như các nhà kinh tế lượng chúng tôi vẫn nói: "Nắm được lịch sử thì sẽ có những dự đoán về tương lai chính xác hơn" và “Chúc cho những người trẻ am hiểu lịch sử đất nước mình, không có được điều ấy, đất nước không có tương lai”. Hy vọng có một ngày được đọc bộ “Lịch sử Việt Nam” do ông chủ biên. Nghe ông tâm sự về cuộc sống hiện nay lại mơ về Liên Xô ngày xưa. Chẳng trách Kichbu, một nhóm không ưa cộng sản cũng phải đăng bài viết: "Tôi hạnh phúc vì được sống ở Liên bang Xô viết".

Pavel Vladimirovich Pozner:
“Hiểu lịch sử để dự đoán tương lai”
 
TTCT - LTS: Được đồng trao giải Việt Nam học của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm nay (cùng với nhà nghiên cứu Pháp Alain Ruscio) là nhà nghiên cứu Nga Pavel Vladimirovich Pozner.
So với sử gia Pháp Alain Ruscio, một tên tuổi khá quen thuộc ở Việt Nam, những đóng góp của Pavel Vladimirovich Pozner còn ít được giới thiệu. Nhân dịp sang Việt Nam nhận giải thưởng vào ngày 24-3, ông đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.

Ông Pavel Vladimirovich Pozner tại lễ trao giải thưởng của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - Ảnh: Nguyễn Trương Quý

Cổ xưa cho ta cái nhìn hiện đại
* Thưa ông, qua diễn từ của ông, người ta biết con đường ông đến với Việt Nam khá kỳ lạ, bắt đầu từ ý muốn trở thành đạo diễn điện ảnh, rồi sau đó lại muốn tìm hiểu nước... Nhật. Từ bấy đến nay đã hơn 40 năm, ông có bao giờ nhìn lại và thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình?
- Không một chút nào. Sự lựa chọn tình cờ ấy là món quà mà số phận dành cho tôi. Tôi hài lòng với nó. Và có thể tự hào về những điều mình làm được trong lĩnh vực đã chọn. Giải thưởng này là một sự thừa nhận của giới khoa học về những công trình nghiên cứu, dịch thuật của tôi.
* Vì sao ông lại lựa chọn chuyên ngành lịch sử Việt Nam - từ cổ đại đến trung đại sơ kỳ - một lĩnh vực không dễ chút nào, mà không phải là vấn đề gì hiện đại hơn? Ông có bị chìm vào lịch sử xa xưa mà lạc hậu với cuộc sống hiện đại mới mẻ này?
- Không hề có chuyện đó. Vấn đề “cổ” hay “lạc hậu” là vấn đề con người chứ không phải ở chuyên môn. Thật ra, những người nghiên cứu lịch sử lại có cơ hội nhìn nhận những vấn đề của hiện đại một cách rõ ràng, khoa học và có căn cứ hơn nhiều.
Tôi lấy ví dụ, năm 1979 tôi sang Việt Nam lần đầu tiên. Bấy giờ đang diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Những người bạn xung quanh tôi lo lắng. Nhưng tôi đã cười mà bảo rằng chớ nói với tôi là các bạn sợ hãi. Những gì xảy ra trong quá khứ trong mối quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng phía Bắc này cho thấy đây là những động thái hết sức bình thường và cuộc chiến dài hay ngắn, ngay lúc ấy tôi đã nghĩ, sẽ kết thúc như từng kết thúc trong quá khứ.
Người phía Bắc đến và đi như từng đến và phải đi nhiều lần trong bao nhiêu cuộc chiến suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Không có gì mới cả! Không không, tôi phải nhấn mạnh là cổ xưa cho ta cái nhìn rất hiện đại. Vì thế những người đưa ra các quyết sách chính trị trong thời bây giờ mà không am hiểu lịch sử, văn hóa, truyền thống của nước mình và đối tác/đối thủ thì sẽ đưa ra những quyết sách sai lầm ngay.
Đó cũng là vấn đề của người Mỹ khi đối diện với Việt Nam (trong quá khứ) hay với Iraq... “Ôn cố tri tân” mà. Nắm được lịch sử thì sẽ có những dự đoán về tương lai chính xác hơn.
* Có nghĩa là ông từng hoặc hiện giờ có thể đưa ra những dự đoán chính xác về sự phát triển của Việt Nam?
- Không hoàn toàn như vậy. Việc này phải là việc của một tập thể gồm nhiều cái đầu... Giả sử phải đưa ra dự đoán thì tôi phải hợp sức cùng người am hiểu chính trường, các vấn đề hiện đại và cùng nhau đưa ra những dự đoán tương đối chính xác.
Chẳng hạn sau chuyến đi Việt Nam năm 1979, tôi bấy giờ hoàn toàn “vô danh”, mới là một cộng tác viên khoa học, đã từng tìm đến ông Yevghenhi Primakov (*), bấy giờ là hiệu trưởng Viện Phương Đông của chúng tôi, và nói: “Nếu chúng ta vẫn cứ giữ chính sách ngoại giao ngu ngốc đối với Việt Nam như bây giờ, chúng ta sẽ đánh mất Việt Nam”.
Tôi từng cho rằng người nào “có được” Việt Nam thì sẽ có khả năng ảnh hưởng hoặc kiểm soát được Đông Nam Á. Mà những điều này từng xảy ra trong quá trình quan hệ ngoại giao giữa hai nước, như chúng ta thấy. 

“Chúc cho những người trẻ am hiểu lịch sử đất nước mình, không có được điều ấy, đất nước không có tương lai”
PAVEL VLADIMIROVICH POZNER 

Ngành Việt Nam học ở Pháp - Nga: Thiếu thế hệ kế thừa
* Trong phần diễn từ, ông có đưa ra một dự báo, vâng - lại là một dự báo - không vui cho ngành Việt Nam học ở Pháp và Nga. Thật sự tình hình thế nào?
- Trường phái đầu tiên trong ngành Việt Nam học bắt đầu từ một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia về phương Đông học ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, từng đặt trụ sở ở Hà Nội, Sài Gòn và hiện nay là ở Paris. Họ là những người tiên phong, những học giả vĩ đại. Họ sống nhiều năm ở Việt Nam, là người Pháp, người Việt, cả những người mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt.
Một vấn đề quan trọng là họ có được nguồn tài chính để tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu và in ấn công phu, có điều kiện soạn và in ấn những bộ từ điển tuyệt vời... Từ điển Hoa - Việt - Pháp chẳng hạn, cực dày, chưa có ấn phẩm nào tuyệt hơn. Tuy vậy, phần lớn trong số họ nhìn Việt Nam qua cái nhìn từ góc độ của Trung Quốc nên thường nhấn mạnh những ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam mà đôi khi có khá nhiều mâu thuẫn trong những lập luận.
Cá nhân tôi cho rằng người Việt Nam và người Trung Quốc thật ra rất khác nhau về bản chất. Người Việt Nam với tất cả đặc trưng dân tộc của mình vẫn có gì đó cởi mở và hồn hậu hơn. Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực có được sự ảnh hưởng thực tế của văn hóa châu Âu. Họ hấp thụ văn hóa châu Âu, văn hóa Pháp... theo cách của mình. Thế giới quan của họ là thế giới quan mở, không đóng kín. Lan man một chút như vậy.
Giờ đây, tôi cho rằng từ những năm 1960, sau những cuộc chiến, ngành Việt Nam học ở Pháp đã không còn nữa sau khi những đại diện xuất sắc như Maurice Durand, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp ra đi. Sau đó những người trẻ tiếp nối thế hệ Việt Nam học một cách khó khăn hơn. Bấy giờ bắt đầu có những học giả nghiên cứu Việt Nam mà không biết tiếng Việt. Nhiều người thông thạo tiếng và văn hóa Việt lại không đi sâu vào lĩnh vực này mà gắn bó với con đường ngoại giao, kinh doanh...
Giờ ở Pháp còn lại một số học giả nhưng họ đã khá cao tuổi. Trường phái Việt Nam học Xô viết có lẽ bắt đầu hoạt động mạnh mẽ từ năm 1956. Hiện nay những người hoạt động lĩnh vực này khoảng 50-55 tuổi, nhưng gần như chưa có người kế tục.
* Ông không đào tạo học trò?
- Không có, vì thật sự giờ đây không ai muốn làm những việc này, trong những người trẻ. Để làm được điều này phải học quá nhiều để có thể đọc được những văn bản cổ, tiếp cận với văn chương, cổ thi Việt Nam. Ngay cả những học giả rất giỏi nghiên cứu văn học Việt Nam cũng thấy khó khăn khi đọc văn chương cổ. Chẳng hạn, chỗ chúng tôi có chị Tachiana Philimonova nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam, với những kiến thức khá dày dặn của mình còn cảm thấy ngại và khó khi tiếp xúc với văn chương cổ, như Hoàng Lê nhất thống chí chẳng hạn!
Cho nên tôi mới nghĩ hiện nay còn người, phải nhanh chóng làm ngay bộ “Lịch sử Việt Nam” trọn vẹn, đầy đủ nhất có thể... Và như tôi tuyên bố hôm trao giải, tôi chỉ coi mình thật xứng đáng với giải thưởng sau khi bộ lịch sử lớn này ra đời - sáu tập, bằng hai thứ tiếng.
Nỗ lực phi thường cho Bộ sử “kinh viện” Việt Nam sáu tập
* Xin ông cho biết rõ hơn về dự án này?
- Tôi nghĩ đến việc biên soạn cuốn từ điển này ngay từ những năm 1997-1998. Nhưng bắt tay vào tích cực thực hiện chỉ từ năm 2001, tập hợp được 21 người từ Nga, Pháp và Việt Nam còn tâm huyết, làm việc trong lĩnh vực này. Năm học giả đến từ Viện Sử học Việt Nam nhận viết những phần mà chúng tôi không có người nghiên cứu: giai đoạn khoảng từ năm 1300 đến nhà Nguyễn và cả những phần sử hiện đại sau này. Trong vài ngày còn ở đây, tôi sẽ có các cuộc gặp gỡ làm việc trực tiếp với những tác giả ấy.
Đương nhiên, một vấn đề lớn là tiền bạc. Những người tham gia không thể làm việc không công. Thêm vào đó, giấy in phải là loại giấy cực tốt, sáu ấn bản đồ sộ với những tấm ảnh tư liệu, ảnh đen trắng, ảnh cổ, ảnh màu, sơ đồ và bản đồ... đầy đủ, trọn vẹn! Thế mới gọi là “Lịch sử kinh viện Việt Nam trọn bộ”. Tôi nhấn mạnh từ “kinh viện” (akademichesky). Rất may là chúng tôi đã có được một số tiền lớn dành cho việc này để chi phí cho in ấn, đi lại, thu thập - một khoản lên tới 300.000 euro.
* Thật là một khoản tiền rất lớn dành cho khoa học! Xin được tò mò, từ nguồn nào vậy, thưa ông? Có phần nào có được từ ngân sách các cơ quan khoa học nhà nước?
- Không, rất tiếc là không có. Đây là nguồn tài trợ mà tôi xin được. Cho đến thời điểm này nhóm chúng tôi mới tiêu hết 82.000 euro. Để in ấn cần độ 80.000 euro. Những bộ sử “kinh viện” như vậy trên thế giới cũng chưa có nhiều.
* Ông nhấn mạnh đến từ “kinh viện”? Vậy bộ sử của các ông sẽ khác gì so với những bộ sách sử khác mà chúng tôi đã có?
- Nói thế nào nhỉ? Đương nhiên lãnh đạo mỗi đất nước, bất kể thời kỳ nào đều cố gắng sử dụng những sự kiện lịch sử sao cho có lợi về mặt chính trị. Không bao giờ có lịch sử 100% khách quan, vì việc chép sử vẫn là do con người thực hiện! Vấn đề nằm ở chỗ khác: với một bộ sách nghiên cứu lịch sử “kinh viện”, khi đưa ra bất kỳ hiện tượng hoặc sự kiện hiện thực nào, tác giả phải đặt nó trong mối tương quan xem xét từ nhiều góc độ, nhiều giả thuyết, nhiều cách nhìn nhận.
Những gì đã nghiên cứu từ trước đến nay, các trường phái trên thế giới, nhiều nghiên cứu dưới các quan điểm khác nhau. Nếu không thế thì chỉ là sách cho học sinh đọc thôi. Như vậy chúng ta sẽ có: tập 1: khởi nguồn cho đến triều Lý - 1010. Tập 2: từ 1010-1600. Tập 3: 1060-1897. Tập 4: từ 1600-1975. Tập 5: 1975-2010. Tập 6 sẽ là tập hợp các tư liệu, nguồn, các bài báo...
* Rất đồ sộ, vậy làm sao có thể kịp thời điểm 2013 như ông hứa?
- Phải cố gắng chứ. Chúng tôi đã bắt tay làm từ lâu rồi. Hiện nay có thể nói gần như tất cả tác giả đã gửi bản thảo về, chỉ còn thiếu độ 30%. Các nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia muộn hơn một chút. Mấy hôm nữa chúng tôi chắc chắn sẽ có được các công trình của họ.
* Ông cho rằng sẽ có nhiều người quan tâm đến ấn phẩm của các ông?
- Tôi hi vọng. Chúng tôi cũng có PR “nhẹ nhàng” trên Internet. Tôi tính in 1.000 bản thì 300 bản dành cho các tác giả, tặng, biếu... còn 700 bản chúng tôi bán để có tiền dịch cả bộ sách ra tiếng Anh cho nhiều người có thể tiếp cận. Cả sáu tập sẽ có giá khoảng 500 euro. Tôi nghĩ không hề đắt chút nào với một ấn phẩm giá trị như vậy. Có thể nói đây sẽ là một “tượng đài” lịch sử mà chúng tôi rất tự hào.
Cái hay của môn sử phải đến từ thầy cô
* Vâng, có thể sẽ như Pushkin nói chăng: một tượng đài “cao hơn trụ thờ Aleksandr đệ nhất”?
- (Cười) Đương nhiên có thể chưa có được tầm vóc như “tượng đài” của Pushkin nhưng cũng có ý nghĩa cả đời. Phải nói đây là một nỗ lực phi thường. Để có được những công trình nghiên cứu đúng nghĩa, các học giả của chúng tôi đã phải rất yêu nghề và đã trụ lại được với khoa học trong thời buổi “thực dụng” hiện nay.
Thử so sánh xem, nếu trước đây một phó tiến sĩ nhận đồng lương rất tốt và có thể sống rất thoải mái tập trung vào nghiên cứu khoa học thì tôi, tiến sĩ khoa học có học hàm học vị cao nhất, nhận 20.000 rúp một tháng - khoảng 670 USD. Mà với cuộc sống hiện nay ở Nga thì có thể nói đó là những đồng lẻ. Vậy ai sẽ ở lại làm khoa học?
* Người làm khoa học thì như thế. Còn thế hệ trẻ thì sao? Ở nước tôi gần đây mọi người đang lo lắng về việc những người trẻ ngày càng ít am hiểu lịch sử đất nước mình, học sinh phổ thông thì chán học lịch sử. Ở Nga có vấn đề như thế không? Có phải là do cách soạn sách giáo khoa?
- Có chứ, đã từng có một thời gian dài. Nhưng hiện nay tình hình đã khá lên nhiều. Trong thời kỳ hậu Xô viết, chúng tôi từng có rất nhiều loại sách giáo khoa lịch sử khiến học sinh bị loạn bởi các trường phái, các quan niệm, cả những điều chưa được thẩm định, bịa đặt... Giờ thì đã khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề thực chất của việc này nằm ở giáo viên, ở phương pháp dạy học.
Sách giáo khoa thường chẳng bao giờ hay đối với học sinh cả mà cái hay phải đến từ thầy cô: cách giảng, cách gợi mở, cách kể chuyện, đề xuất danh sách truyện dã sử, tài liệu đọc thêm. Ngay cả việc đòi hỏi một cách học từ phía học sinh cũng phải khác, không chỉ học thuộc. Tôi lấy ví dụ, vấn đề các ngày tháng, các con số trong môn lịch sử ở phổ thông cũng phải có thái độ học khác hẳn.
Tôi nhớ khi chuẩn bị thi đại học, tôi đã ôn luyện theo một cuốn sách giáo khoa không hề chú trọng các con số, ngày tháng, mà theo các luận điểm. Khi thi tôi nhận được câu hỏi: “Năm nào người Nga chiếm được Kazan?”, tôi đã phân tích theo kiểu: sự kiện này chỉ có thể xảy ra vào khoảng thời điểm này mà không thể sớm hơn, cũng không muộn hơn thời điểm kia.
Hội đồng đã chấp nhận câu trả lời của tôi. Họ cho rằng con số có thể xem lại và kiểm tra trong sách, nhưng điều quan trọng là qua phân tích của tôi, họ đánh giá tôi hoàn toàn am hiểu thời kỳ ấy. Và tôi vẫn được 5 điểm (điểm cao nhất)!
Cần phải dạy cách nghĩ và cách tiếp cận tư liệu, sử dụng tài liệu một cách logic. Tôi hi vọng ở Việt Nam điều này dần được cải thiện, bởi lịch sử cho thấy người Việt Nam luôn có truyền thống muốn thấu hiểu lịch sử và văn hóa của đất nước mình.
* Và đó cũng là nội dung của lời chúc mà tiến sĩ Pavel Vladimirovich Pozner nhờ chúng tôi chuyển đến độc giả Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Chúc cho những người trẻ am hiểu lịch sử đất nước mình, không có được điều ấy, đất nước không có tương lai”.
Pavel Vladimirovich Pozner đã được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh chọn trao giải Việt Nam học vì “những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu và giới thiệu lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam ở Cộng hòa Pháp và Liên bang Nga”.
Ông sinh năm 1945 tại New York, Mỹ, cùng gia đình trở về Nga năm 1952, là một trong số ít các chuyên gia về Việt Nam học tại Viện Phương Đông, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga từ năm 1973. Năm 1976, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ sử học về đề tài “Lịch sử Việt Nam cổ đại trong những biên niên sử Việt Nam thời trung đại - Những vấn đề nghiên cứu nguồn”, sau đó là luận án tiến sĩ về đề tài “Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ 10” năm 1987 tại Đại học Paris VII (Pháp).
Ông đã dịch, giới thiệu và chú giải rất công phu bộ Việt sử khâm định thông giám cương mục (song ngữ Hán - Nga). Hiện ông là chủ nhiệm dự án biên soạn “Lịch sử Việt Nam” gồm sáu tập, phiên bản tiếng Nga sẽ được xuất bản vào đầu năm 2013 và tiếng Anh năm 2016.
Nguồn: Quỹ Văn hóa PHAN CHÂU TRINH
THỤY ANH thực hiện
__________
(*) Ông Yevghenhi Primakov sau làm ngoại trưởng Nga (1996-1998), rồi thủ tướng (1998-1999).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét