Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Hiện trạng trẻ thấp còi ở Việt Nam

Hiện trạng trẻ thấp còi ở Việt Nam

Một phần ba trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi thấp còi, đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo điều tra cả nước về dinh dưỡng năm 2009-2010.


AFP photo: Học sinh trên đường đi học về, ảnh chụp 17/12/2011

Dinh dưỡng không hợp lý

Tại Việt Nam tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở các trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể từ trên 43% năm 2000 xuống còn gần 30% vào năm 2010. Lúc ấy, trên toàn quốc còn tất cả 28 tỉnh có tỷ lệ trẻ thấp còi cao hơn mức trung bình, trong đó có 12 tỉnh đạt tỷ lệ hơn 35%.
Theo Bộ Y tế thì tình trạng suy dinh dưỡng như hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, những khu vực ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài chuyện trẻ em dưới năm tuổi bị thấp còi, các báo cũng nói đến một “gánh nặng” khác đó là dấu hiệu béo phì, thừa cân ở các trẻ Việt Nam dưới năm tuổi. Tỷ lệ này đạt khá cao tại Hà Nội và Saigon, tính ra là từ 12% đến 15%, các tỉnh thành khác chiếm gần 6%, còn vùng thôn quê là trên 4%.


Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nhà nước cần có các chương trình hướng dẫn cách thức làm giảm suy dinh dưỡng và thấp còi nơi trẻ em như cải thiện tình trạng dinh dưỡng các bà mẹ và con cái họ, song song với việc phổ biến giải pháp ngăn béo phì, kể ra những loại thức ăn có thể gây tai hại cho sức khỏe trẻ em, vì béo phì cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các căn bệnh về tim mạch sau này.
Nói về tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng nơi trẻ em Việt Nam, bác sĩ Trần thị Hoài, chuyên khoa về nhi đồng cho biết:
“Khu vực thành thị tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng không nhiều, trong khi đó tình trạng béo phì lại tăng lên, nếu nói 1/3 trẻ suy dinh duỡng chắc lấy tổng thể trên cả nước, tức là kể luôn cả vùng sâu, vùng xa, miền núi. Trừ những trường họp kèm theo bệnh lý bẩm sinh, chứ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng không đáng kể, nhưng không đến nỗi là 1/3. Tình hình kinh tế khá hơn, cha mẹ cũng có ý thức chăm sóc con cái, chỉ những vùng của người dân tộc thiểu, không được chăm sóc y tế, chế độ ăn uống chưa được cập nhật nên trẻ mới nhỏ con, bị còi, ở vùng thành phố, kể cả miền Tây Nam Bộ, tỷ lệ suy dinh dưỡng đều không đáng ngại như thế.”
Tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng ảnh hưởng ra sao đối với trẻ con, bác sĩ Hoài nói tiếp:
Khu vực thành thị tỷ lệ trẻ suy dinh duỡng không nhiều, trong khi đó tình trạng béo phì lại tăng lên.
BS Trần thị Hoài
“Chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nếu bị suy dinh dưỡng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, đến chiều cao, đến trình độ học vấn.”
Về hiện tượng trẻ béo phì mà báo chí trong nước phải lên tiếng báo động cho đó là “gánh nặng kép” bên cạnh mối lo suy dinh dưỡng, bác sĩ Trần thị Hoài giải thích:
“Do việc cha mẹ chăm con kỹ quá, cộng với hoạt động đều khắp của các nhà hàng, con nít một khi tiếp cận đâm ra ghiền những loại thức ăn nhanh, ăn ngay, đóng gói, nên trẻ béo phì là chuyện đương nhiên. Con nít thường không ăn rau, ngoại trừ ở vùng sâu vùng xa, khả năng kinh tế kém, người ta ăn rau nhiều, thịt ít. Ở thành phố bước ra là có thịt cá, tôm, ít ăn rau vì sợ bị nhiễm các chất độc. Béo phì lại khó điều trị hơn là suy dinh dưỡng, trẻ dễ bị tiểu đường, bị hen, dường như ở các nước phát triển cũng như thế.”
Theo bác sĩ Hoài thì muốn khắc phục tình trạng suy dinh duỡng thì cần các yếu tố là kết hợp và thời gian:
“Phải có thời gian và sự kết hợp giữa nhiều cơ quan, trong đó có ngành truyền thông đại chúng, trên TV, muốn cải thiện tình hình, cần 5 hay 10 năm chứ không thể một ngày, một bữa được. Đối với các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa bị hạn chế sự tiếp cận thông tin thì cần mở rộng mạng lưới y tế, với nhiều trạm xá. Hiện nay các bác sĩ ngại về phục vụ các vùng đó, chỉ có cán bộ trung cấp, nên chuyện cải thiện trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, đòi hỏi thời gian rất lâu.”

Cần chiến lược toàn diện

000_APH2001070452040-250.jpg
Trẻ em nông thôn Việt Nam nghỉ hè. AFP photo
Một phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long kể lại rằng, nơi ấy, chính quyền địa không quan tâm gì đến vấn đề trẻ suy dinh dưỡng:
“Những người khổ sở không được hưởng gì, hoàn cảnh quá khổ, tôi thấy những em bị suy dinh dưỡng ở tỉnh An Giang không được ai quan tâm, rất đau lòng. Chỉ có những người làm từ thiện bên đạo, các xí nghiệp công ty, người buôn bán có giúp đỡ. Không biết ở tỉnh khác thì sao, nhưng tỉnh An Giang chúng tôi như thế đó, mỗi khi bệnh là phải chạy tiền tự lo liệu.”
Tuy nhiên, không phải do bị thiếu ăn mà trẻ bị suy dinh duỡng, bị thấp còi, một bà nội trợ ở Saigon có con cháu đầy đàn, duy chỉ có một đứa bị chậm lớn, biếng ăn, dù sống trong một gia đình được no đủ:
“Thật sự chuyện trẻ bị thấp còi, có khi không phải do ăn uống, có một đứa cháu được hưởng mọi sự chăm lo về dinh duỡng mà nó vẫn nhỏ con, là vì nó bị suyễn mà mình không hay. Người Việt Nam mình ít khi chịu đưa con đi bệnh viện, vì sợ tốn tiền, rồi bị bận làm ăn, nên cứ tin tưởng vào thuốc ta, lá cây, nên khi trẻ trị theo cách đó dễ bị bệnh, chứ không thể nói là vì thiếu ăn mà còi cọc.”
Theo thứ trưởng  bộ y tế Nguyễn Viết Tiến thì yếu tố then chốt làm giảm tỷ lệ thấp còi là chỉ dẫn cho người dân, bậc làm cha mẹ hiểu rõ cách sử dụng, cách ăn uống, thời gian ăn, ăn bao nhiêu bữa trong ngày, bữa nào chính, bữa nào phụ, có nghĩa là cần bữa ăn hợp lý, với lượng gạo, cá, thịt, rau cần thiết. Chiến lược giảm suy dinh dưỡng cần phải thích ứng cho từng địa phương, vùng hay miền khác nhau.
Vẫn theo thứ trưởng y tế Nguyễn Viết Tiến thì mức độ trẻ em bị suy dinh dưỡng và thấp còi cao không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của các em mà còn có thể gây phương hại đến công cuộc phát triển đất nước trên các lãnh vực kinh tế, xã hội và đời sống.
Ông Rajen Kumar Sharma, phó trưởng phòng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội cho biết sẽ dành sự hỗ trợ ưu tiên cho các địa phương khó khăn, khu vực khó tiếp cận. Ông cho rằng, sự can thiệp thiết yếu cần được triển khai đồng bộ với các dịch vụ y tế sẵn có, phối hợp với hoạt động truyền thông trong cộng đồng, với sự tham gia của nhân viên y tế, cán bộ xã hội, thường xuyên đi đến thăm các gia đình ở cấp thôn ấp.
Trong chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chính phủ Việt Nam khẳng định nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các bộ ngành, các cấp và của toàn dân. Các mục tiêu được triển khai gồm những bước như cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, kiểm soát hiệu quả tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì, nâng cao hiểu biết, tăng cường dinh dưỡng hợp lý, nâng cao hoạt động mạng lưới y tế công cộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét