Hai nền kinh tế song hành ở Việt Nam:
“sinh lợi” và “đặc lợi”, ai lấn sân?
Phạm Đỗ Chí[1]
1. Hai nền kinh tế đó là gì?
Nhiều chuyên gia ở Việt Nam thường trực theo dõi các nền kinh tế tư bản (hay thị trường) và kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt các biến chuyển lý thuyết, với nhiệm vụ chính là để giữ gìn những đặc trưng cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay được mệnh danh “kinh tế thị trường với định hướng chủ nghĩa xã hội”. Vài chuyên gia này có nhiệm vụ chính là cho ra những cảnh báo chính trị ở cấp cao nhất nếu thấy nền kinh tế thị trường dù chỉ đang phôi thai ở Việt Nam đi “chệch đường” nghĩa là khác đi với các “nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”.
Có quá nhiều giấy mực đã bàn về đề tài trên, nhất là để so sánh những ưu khuyết điểm của kinh tế thị trường và kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi không muốn bàn thêm các vấn đề này, nhưng khuôn khổ bài này sẽ đặt vấn đề một cách khác: muốn ghi lại vài nhận định thiết thực về hai nền kinh tế thực sự đang song hành ở xứ ta: nền kinh tế sinh lợi (dịch từ chữ “profit-making economy”) và nền kinh tế đặc lợi (tạm dịch từ “rent-seeking economy”[2], hay còn có thể hiểu nôm na hơn là “tìm lợi”—hay sát thực tế nhất là “đặc biệt cho nhóm lợi ích”, theo các giải thích dưới đây).
Nền kinh tế sinh lợi chính là nền kinh tế được hướng dẫn bởi các nguyên tắc thị trường, kết quả của hơn hai thập kỷ Đổi Mới, nôm na là đang được dẫn đầu bởi giới doanh nhân của nền kinh tế thị trường tìm lợi nhuận (profit) đích thực từ sản xuất bằng cách kiếm được doanh thu (revenue) cao hơn phí sản xuất (cost)—viết theo phép số học đơn giản là: lợi nhuận = doanh thu trừ phí sản xuất. Nền kinh tế này còn bao gồm đại đa số các thành phần cư dân thành thị làm việc trong các hãng xưởng công tư nhằm mục đích sinh lợi nhuận (profit) kinh doanh đích thực như định nghĩa ở trên, người làm việc trong các khu vực sản xuất dịch vụ thật sự theo định nghĩa GDP, hay nông dân ở tất cả các vùng nông thôn tham dự vào việc sản xuất nông sản vốn là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước qua các thời đại…
Trái lại, nền kinh tế đặc lợi (rent) không cần thiết phải dựa vào sản xuất mà chỉ đơn giản là tiền hay lợi (rent) kiếm được do các đặc quyền kinh tế như thế độc quyền sản xuất (monopoly) hay ưu đãi tín dụng (các công ty nhà nước)…, hay đặc quyền chính trị như ở vị trí chính trị cao có thể ban phát giấy phép hoạt động kinh tế trong một chế độ dựa vào xin-cho, hay đặc quyền thông tin như biết trước những tin tức có lợi cho một hành vi kinh tế hay mua bán.
Có muôn hình vạn trạng trong xã hội ta bây giờ về cách tìm đặc lợi mà không dựa vào sản xuất. Sự xuất hiện nhan nhản của các “CÒ” kiếm tiền trung gian ở khắp nơi và trong mọi địa hạt từ sinh hoạt kinh tế ở mức phức tạp đến luồn lách pháp luật như “chạy án” hay xin “quotas”, hay để vượt qua vài thủ tục hành chính hay giấy tờ ở cấp thấp, đơn giản nhất như để vượt qua các hàng đuôi chờ dài ở các bến xe rạp hát đông người…
Rất khó để định lượng được chính xác tỷ trọng của hai nền kinh tế song hành này trong nền kinh tế tổng thể của Việt nam bây giờ. Nhưng chỉ có thể tạm ước tính vai trò tương đối của cả hai qua những thời kỳ kinh tế chính như từ thời bao cấp (trước 1989), đến 25 năm Đổi Mới (1991-2006), và sau đó từ 2007 đến nay khi một số nguyên tắc và vận hành căn bản của kinh tế thị trường lại bị thay đổi bởi ảnh hưởng của các nhóm lợi ích quan trọng và chi phối quá lớn nền kinh tế quốc gia, khiến nhiều qui luật thị trường bị thay thế bởi các biện pháp hành chính và sự tái xuất hiện và bùng mạnh thêm của các Tổng công ty với nhiều đặc quyền ưu thế trong sản xuất và hưởng phân bổ tín dụng nhưng lại gây những thất thoát tài chính nghiêm trọng cho quốc gia.
Nhưng nghiêm trọng nhất, bài này không muốn chỉ nói đến vấn đề công bằng hay đạo đức xã hội khi các nhóm lợi ích hay hưởng đặc lợi về chính trị kinh tế đã hưởng lợi quá nhiều trong 5-6 năm qua, mà là trên phương diện hiệu quả chính sách kinh tế--là mục tiêu chính của bài này. Sự thiên vị hay ưu đãi các nhóm lợi ích (interest groups) và nhóm tìm đặc lợi (rent-seekers) đã dẫn dắt đến tình hình kinh tế tài chính khủng hoảng hiện tại với tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng (4%-6%, mặc dù công bằng cũng phải công nhận là do ảnh hưởng một phần của hai năm suy thoái kinh tế thế giới 2008-09), so với 5 năm 2001-2005 (GDP tăng 7%-8%).
Nhưng đáng lo nhất là sự mất cân bằng vĩ mô (macroeconomic disequilibrium) và các mất mát thua lỗ tài chính khổng lồ (colossal financial losses) của khu vực công trong vài năm qua. Hai nguyên nhân chính mới đây đã được các chuyên gia phân tích đầy dủ và sâu sắc:[3]
(i) Nhận xét gần đây nhất là của TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), dựa trên khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư quá lớn, cho rằng “tiết kiệm của Việt Nam so với thế giới không hề thấp (khoảng 35%) tuy nhiên tổng đầu tư/GDP của Việt Nam giai đoạn từ 2006 – 2011 lại quá lớn, trung bình đều trên 40%; riêng năm 2011, do Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát nên con số này chỉ dừng ở mức 34,6%”. Và “sở dĩ đầu tư của Việt Nam luôn ở mức cao là do mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên mở rộng đầu tư nhưng chất lượng đầu tư ngày càng giảm, năng suất nền kinh tế không được cải thiện.”
(ii) Thêm vào đó, Chính phủ lại tập trung vào đầu tư công và cho các Tổng công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì hiệu quả đầu tư của khư vực này thấp theo nhiều nghiên cứu khác nhau, kết quả là làm suy giảm toàn bộ năng suất nền kinh tế, điển hình là làm hệ số ICOR tăng nhanh từ 4-5 lên 7-8 trong những năm gần đây. TS Vũ Thành Tự Anh cũng đã dẫn chứng rằng: “Xét về mức độ phân tán/tập trung của các tập đoàn nhà nước thì Việt Nam cũng xếp vào hàng “vô địch”. Nếu ở Việt Nam, điểm số này là 6,4 thì Hàn Quốc chỉ là 1,7; Indonesia là 2,1; Philippines là 3,1; thậm chí Trung Quốc cũng chỉ mức 2,3.” Cũng theo ông, tỉ lệ doanh số của 10 đại tập đoàn kinh tế Việt Nam trên GDP thuộc loại lớn nhất thế giới. Cụ thể, tỷ lệ này của Việt Nam lên tới 37,3%, chỉ đứng sau Hàn Quốc thời gian trước khủng hoảng, còn lại đều vượt xa các nước khác.Thí dụ để so sánh: Trung Quốc (9,4%), Đài Loan (19%), Indonesia (25%), Brazil (8%), Argentina (11%) và Mexico (10%).[4]
Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn các vấn đề chính sách tương lai trong phần sau, không phải đơn thuần là các chính sách có tính “kỹ trị” như tài khóa ngân sách hay giá cả…theo các thảo luận thông thường, mà là các vấn đề căn bản hơn về thể chế, về tái lập nguyên tắc thị trường, về khu vực kinh tế chủ đạo dẫn dắt mới, nói chung về sự thay đổi triết lý và tư duy kinh tế căn bản để điều hành guồng máy kinh tế mới trong tinh thần một Đổi Mới đợt II (“Economic Renewal” Mark II).
2. Vài vấn đề chính sách lớn và khẩn cấp trước mặt
a.Vấn đề đặc lợi của một nhóm lợi ích hay đặc quyền nhỏ (thí dụ nhan nhản là Vinashin, EVN, hay mới đây PVN, và có thể còn các DNNN khác sẽ được điều tra đem ra ánh sáng công luận trong tương lai…) gây nên mất cân bằng vĩ mô căn bản giữa tổng chi tiêu và để dành, phần lớn do khu vực đặc lợi (rent-seeking economy), đã gây nên lạm phát cao ngất ngư trong suốt 5 năm qua (2007-2011) và là một hình thức thuế trá hình được trả bởi đại đa số cư dân thuộc khu vực sinh lợi (profit-making economy).
b. Ưu tiên chính sách số một vẫn phải là giảm lạm phát, không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao nữa, mà bằng cách cắt giảm các món chi tiêu công hay bán công khổng lồ vẫn tiếp tục cho các nhóm đặc quyền dưới tên những Tổng công ty ưu đãi, các dự án “khủng” thiếu hiệu quả kinh tế nhưng vẫn được theo đuổi do nhóm lợi ích chi phối chính sách, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất thiếu hiệu quả kinh tế, tiếp tục được tài trợ hay hưởng ưu đãi tín dụng.
c. Tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài từ trên 6 tháng nay đang kéo theo sự phá sản khủng khiếp của nhiều doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ, và gây khốn đốn cho nhiều doanh gia có tim óc thật sự trong khu vực sinh lợi vì thiếu tiếp cận tín dụng. Dần dà khu vực tư doanh sẽ được thay thế bởi các DNNN vẫn có ưu tiên tín dụng và chúng ta sẽ trở lại thời xưa khi tỷ trọng khu vực nhà nước hay nền kinh tế đặc lợi lại có dịp được phình to hơn với cơ chế xin-cho càng tràn lan thay vì phải thu hẹp dưới Đổi Mới I, bản thân tự nó đang bị lung lay tận gốc rễ vì các cơ chế thị trường tự do như tín dụng ngân hàng, lãi suất hay tỷ giá tự do đang bị thay thế bởi các thị trường chợ đen khác nhau hay biện pháp hành chính thay thế.
d. Đặc biệt là các chính sách của NHNN hiện nay nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” bằng các biện pháp hành chính thêm dồn dập hay đã kéo dài khá lâu, được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho bệnh nhân là toàn nền kinh tế hay dân cư được “ngấm thuốc” sẽ khỏi bệnh, chẳng hạn tỷ giá tạm ổn định, lãi suất đang có chiều xuống nhờ “trần lãi suất”, phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do NHNN ấn định để cứu hệ thống ngân hàng hay giúp các “ngân hàng nhỏ”…Thật sự nếu phân tích kỹ thì các dấu hiệu trên chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.
(i) Tỷ giá tạm yên từ dịp Tết không phải do “ngấm thuốc” tốt mà thật sự là phản ánh tình trạng đình đốn sản xuất đang rất nguy kịch kéo dài từ quý 2/2011 sang đến hai tháng đầu năm 2012, khi các dữ kiện thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm dần, nhập khẩu sụt giảm khiến mức nhập siêu trong 3 tháng đầu năm nay chỉ là 250 triệu USD thay vì bình quân khoảng 2,5-3 tỷ USD như vài năm gần đây. Ngoài ra do thị trường vàng thế giới bấp bênh khiến nhu cầu tích trữ vàng trong dân cư giảm hẳn, và giá vàng nội địa có lúc ngắn ngủi chỉ còn hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng thay vì 1-2 triệu đồng như trước kia. Nhưng khi nhập khẩu trở lại mức cũ nếu sản xuất hay nền kinh tế trở lại bình thường như trước quý 2 năm ngoái, hay nếu “vàng nóng” trở lại làm giá vàng trong nước lại lên cao hơn giá ngoại 3 triệu đồng/lạng như trong tuần giữa tháng 3/2012, tỷ giá USD/VNĐ sẽ lại bắt đầu lên cao như chúng ta đang và có lẽ sắp thấy trong vài tháng kế tiếp.
(ii) Các lãi suất chính sách và lãi suất huy động trần được giảm (từ 14% xuống 13% từ giữa tháng 3/12, và nay chỉ còn 12% từ 11/4) đang đi đúng hướng theo lý luận trên đây. Nhưng việc tiếp tục duy trì lãi suất trần này cũng như việc chia các ngân hàng thành 4 nhóm để phân bổ 4 mức tăng tín dụng (quotas) khác nhau đặt ra nhiều dấu hỏi cho các quan sát viên kinh tế cả trong và ngoài nước về hiệu quả thật sự của các cải cách của NHNN. Duy trì lãi suất cho vay trần là tiếp tục “giết” các ngân hàng nhỏ (mặc dù nhiều người vẫn râm ran chuyện các tổ chức hay cá nhân “lớn” vẫn tìm được nơi an toàn để nhận lãi huy động cao ở mức 16%-17% với các khoản tiền lớn trên 1 tỷ đồng chẳng hạn), vì họ khó huy động vốn nơi các trương mục nhỏ lẻ của đa số dân cư. Lại một lần nữa, khu vực kinh tế sinh lợi hay thị trường bị thiệt thòi vì tuân theo luật lệ chính thức được công bố chỉ được trả lãi suất mới giảm còn 12%. Còn khu vực đặc lợi tuy số ít nhưng có nhiều tiền bỏ NH hơn vẫn được trả trên mức lãi suất chính thức đó.
(iii) Các ngân hàng lớn nay chỉ phải trả 12% cho vốn huy động của đa số dân cư tìm đến ngân hàng lớn cho yên tâm, nhưng lại được thả lỏng để cho vay trong thị trường 1 ở mức thỏa thuận riêng đã từng lên trên 20% là mức cao khủng cho NIM (net interest margin—mức lợi biên ngân hàng) theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó “nhóm lợi ích” gồm vài ngân hàng to lại đang hưởng lợi ích lớn nữa trên thị trường 2 với các NH khác qua thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất lại đang dâng cao trong thị trường này từ giữa tháng 3/12. Cũng các NH lớn này trong nhóm G5 hay G7 gì đó cách đây không lâu đã được độc quyền bán vàng SJC theo giá cao ngất trong nước và mua vàng tài khoản hay vật chất ngoài nước với giá thấp hơn (1,5-2,5 triệu ĐVN/lượng), và thu các món lợi nhuận “khủng” được báo cáo, là giấc mơ của các NH nhỏ hay các doanh nghiệp khác. Khó nói không hề có chuyện nhóm lợi ích trong hệ thống NH hiện nay khi các biện pháp hành chính đã làm nảy sinh vô số rủi ro đạo đức (moral hazards).
(iv) Thêm một biện pháp hành chính nữa từ cuối tháng 2 là việc NHNN áp dụng 4 mức tăng trưởng tín dụng (17%, 15%, 8% và 0%) cho 4 nhóm NH do NHNN xếp hạng sau khi áp dụng lối “stress test” (thử thách rủi ro) thô sơ cho toàn hệ thống. Công bình là phải chờ một thời gian nữa xem việc áp dụng biện pháp này ra sao, nhưng cũng đang râm ran trong giới ngân hàng là sắp phải lo sửa soạn chuyện “chạy” hay “bán” các quotas tín dụng. Một lần nữa, khu vực kinh tế đặc lợi sắp hưởng lợi mới và chịu thiệt hại là khu vực sinh lợi hay thị trường và đa số doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng nên còn nhiều hãng sẽ vẫn tiếp tục phá sản, và đa số dân cư chỉ được lãi suất huy động thấp 12% và sắp xuống nữa (1% mỗi quý để xuống 10% trước cuối năm, theo tuyên bố chính thức), trong khi các NH lớn cho vay ở mức 14-16 trên TT 2 (liên ngân hàng) hay TT 1 cho các doanh nghiệp cần vốn trong khu vực thị trường sinh lợi đang bàn đến.
(v) Nhiều ngân hàng ở VN (ngoài cả nhóm NH “yếu” đã được “khoanh vùng” bởi NHNN) hiện đang có nhiều nợ quá hạn (liên hệ chính đến nợ BĐS) khiến họ không trả nổi cho những khoản tiền gửi đến hạn, ngoài ra còn phải hoàn trả các khoản vay tái cấp vốn cho NHNN.[5]
Dù không muốn, chúng ta phải công nhận hiện tượng Ponzi đang manh nha xảy ra cho nhiều NH Việt Nam bây giờ: lấy sau trả trước và chấp nhận lãi suất rất cao miễn để có thanh khoản[6]. Để giải quyết căn bản vấn đề lãi suất cao này, chỉ còn 2 biện pháp trong ngắn hạn:
· Bỏ lãi suất huy động trần, chịu thời gian biến động vài tháng để có tiếng nói của thị trường giúp tìm mặt bằng lãi suất cân bằng
· Đặt thêm lãi suất cho vay trần ngoài lãi suất huy động trần để ấn định mức NIM (Net Interest Margin--biên lãi suất) hợp lý cho tất cả các NH, tránh việc thiên vị một số NH lớn như hiện nay đang có mức lợi nhuận “khủng”. Khi lạm phát giảm rõ rệt trong vài tháng tới, sẽ giảm dần cả hai lãi suất đó.
e. Vấn đề lớn nữa là vai trò chủ yếu của chính sách tài khóa để giảm lạm phát. Đừng nên bị rối bời và chịu ảnh hưởng ngắn hạn của chuyện “đình dốn sản xuất” từ quý 3/2011 đã kéo dài và đang trở nên nghiêm trọng ở quý 1/2012 hiện nay, mà xét vội đến việc nới lỏng chính sách tài khóa hay nghĩ vội đến tăng chi tiêu công như một biện pháp “kích cầu” mới.
Nếu phải đẩy mặt bằng lãi suất xuống và đồng thời muốn giảm tổng cầu để tiếp tục kềm chế lạm phát thì không còn cách nào khác là cắt chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công. Có vấn đề nghiêm trọng nhất mà đa số giới hữu trách tài chính vẫn chưa nhận ra là có một vấn đề kỹ thuật thường được gọi là “vấn đề chỉ số” (index problem) trong việc sửa soạn các số chi-thu ngân sách phình to mỗi năm do bao gồm một tỷ lệ lạm phát cao và tỷ giá USD từ năm ngoái (thí dụ năm 2011 với lạm phát 18% và tỷ giá trên 21.000), như vậy sẽ hàm ý cho năm nay 2012 mức thu-chi cũng sẽ “dung dưỡng” mức lạm phát 2 con số vì chúng ta đã nhân số thu chi 2011 thực hiện với một tỷ lệ gia tăng cố hữu chon năm nay 2012. (Xem Khung 1 giải thích kỹ hơn chi tiết kỹ thuật nhưng cần được giới hữu trách để ý gấp rút vì đã là cuối tháng 3).
Khung 1. Dự toán NS 2012: vấn đề thổi phồng cả số tổng thu và chi Chúng ta tiếp tục dự báo mức thu cao ngất ngưởng cho năm 2012 dựa trên số thu cũng cao ngất thực hiện được năm nay (2011) là chúng ta tiếp tục chấp nhận một nền tảng thuế cao dựa trên mức lạm phát cao hai con số và mức mất giá cao cho tiền VND. Một kết luận quan trọng khác là do số TỔNG THU dự báo được bơm phồng cho năm tới, chúng ta cũng tự động bơm phồng số TỔNG CHI cho năm tới, mặc dù có hạn định giới hạn cho tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP là 4,9% cho năm 2012. Một nhận xét quan trọng là dù tỷ lệ bội chi có được giới hạn, nhưng nếu cả TỔNG THU và TỔNG CHI đều được bơm phồng do vấn đề lạm phát (hay vấn đề chỉ số--indexing, như nêu trên) thì số BỘI CHI cũng được bơm phồng theo cùng tỷ lệ. Và kết quả là lạm phát sẽ lại tiếp tục lên cao năm tới và trong trung hạn v.v… Cơ chế giữa số bội chi tuyệt đối cao và lượng cung tiền cao hàng năm chính là mối liên hệ mật thiết giữa chính sách tài khóa và tiền tệ gây ra lạm phát cao ở Việt Nam từ nhiều năm nay (hai thí dụ gần và rõ nhất là năm 2011 và 2008). Cơ chế này được giải thích rõ hơn dưới đây, qua việc bơm phồng chi tiêu công hàng năm bằng số thu “lạc quan” và nhất là đầu tư công được tài trợ dễ dàng qua phát hành trái phiếu chính phủ. Việc này còn nhằm làm rõ hơn tính chất của khoản chi tiêu đầu tư tài trợ bởi phát hành trái phiếu chính là mối liên hệ căn bản giữa chính sách tài khóa và tiền tệ hàng năm đã gây ra lạm phát cao và bị “làm ngơ” ví cách trình bày thực hiện ngân sách hiện nay: đây chính là nguồn tài trợ thất thu ngân sách hàng năm bằng hệ thống ngân hàng, thoát khỏi con mắt các nhà phân tích vĩ mô. Để giải thích rõ hơn, thử trở lại thí dụ của nửa đầu năm 2011, trái phiếu chính phủ mặc dù với lãi suất thấp 10%-12% vẫn được các ngân hàng lớn tích cực mua vì họ có thể đem đến cửa sổ tái cấp vốn của NHNN và chỉ trả mức lãi suất 7% dạo đó trong một thời gian dài. Nói một cách khác hơn, qua tái cấp vốn, chính NHNN đã tài trợ thất thu ngân sách (deficit financing) như trong nhiều nước đang phát triển khác với lạm phát cao. Vì chi tiết này không được thảo luận rõ ràng, vẫn còn có vài nghiên cứu phát biểu “can đảm” rằng chính sách tiền tệ là nguyên nhân của lạm phát và chính sách tài khóa không có trách nhiệm về lạm phát. |
f. Vấn đề sau nữa cho tái cấu trúc kinh tế và chính sách tài chính công là cần đưa mới vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân thay vì các DNNN. Đây là một quyết định cả chính trị lẫn kinh tế can đảm nhất trong bối cảnh chính trị hiện tại của VN. Sẽ cần giảm cả tỷ lệ thu lẫn chi ngân sách so với GDP trong vài năm tới như kim chỉ nam dẫn đường cho chiến lược kinh tế mới này (xem Khung 2 về một đề xuất ngân sách trung hạn cho tới năm 2015). Một biện pháp gây sốc nhưng rất quan trọng là giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% trong bước đầu.
Khung 2. Dự toán NS trung hạn: 2013-2015 Mục tiêu chính của dự toán ngân sách giai đoạn 2012 – 2015 là tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực và giảm lạm phát. Sẽ cần giảm cả tổng chi và thu ngân sách và bội chi ngân sách (cả về số tuyệt đối và tỷ lệ với GDP) qua các năm như trong bảng mục tiêu chính sách dưới đây: Dự toán tỷ trọng các khoản thu thành phần so với tổng thu:
Dự toán tỷ trọng các khoản chi thành phần so với tổng chi:
|
g. Sau cùng, cố gắng tạo lối ra cho các thị trường chứng khoán và bất động sản bằng sự cải thiện môi trường vĩ mô bền vững và tìm các nhà đầu tư mới có thể “gây sốc” và tái lập niềm tin lâu dài cho thị trường và người đầu tu. (xem khung 3).
Khung 3. Lối ra cho các TT Chứng Khoán và Bất Động Sản v Tình hình kinh tế vĩ mô phải có bước ngoặt nhanh chóng để gây lại niềm tin là Chính Phủ thực sự sẽ kiểm soát được tình hình kinh tế vĩ mô. v Cần giảm lạm phát trong các quý 1-2 và dẫn đến giảm lãi suất cuối quý 2. Thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi từ từ sau TTCK khi lãi suất có dấu hiệu giảm thực sự. v Giải pháp tối ưu và khả thi hiện tại rõ ràng là phải dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ thực sự chính sách tiền tệ nhằm giảm tổng cầu và lạm phát, và từ từ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm lãi suất. v Bất động sản: cần các cú sốc từ việc tái cơ cấu nền kinh tế và có mặt các nhà đầu tư mới v Sau khi thị trường BĐS được khởi động từ lãi suất, thị trường này chỉ có thể phục hồi nhanh chóng nếu có cú sốc ào ạt từ các nhà đầu tư mới (thí dụ thực tế nhất và “hấp dẫn” nhất là các nhà đầu tư Nhật bản đang tìm cách di dời cư dân và nhiều xưởng hãng từ các vủng bị tsunami và dò rỉ từ trung tâm nguyên tử quanh vùng Tokyo), đây sẽ là điều gây tác động tâm lý mạnh nhất cho BĐS ở Việt Nam. v Ngoài ra các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiếp sức mạnh mẽ cho nhu cầu BĐS nếu khu vực tư nhân được đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực giảm thật sự đầu tư công và vai trò các doanh nghiệp nhà nước. Việc giảm thuế doanh nghiệp xuống 20% sẽ là bước đầu cho chính sách này. |
VÀI KẾT LUẬN NGẮN CÙNG ĐỀ XUẤT ĐỊNH LƯỢNG
CHO CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TRUNG HẠN ĐẾN 2015
Sau các nhận định ngắn gọn và thẳng thắn về thực trạng kinh tế đất nước quý 1 năm 2012, với những thành quả Đổi Mới tốt đẹp không thể phủ nhận cho đến năm 2006, chúng tôi chỉ muốn đề nghị là nên thay đổi chiến lược căn bản từ cấp chính trị cao nhất về đường hướng và thể chế của nền kinh tế đến áp dụng ngay các biện pháp cấp thiết vĩ mô ngắn và trung hạn đến 2015 để tái lập các cân bằng vĩ mô đã mất trong 5 năm qua từ 2007:
(1) Giảm bớt các đặc quyền và ưu đãi hiện có của khu vực kinh tế đặc lợi (rent-seeking economy) và nâng cao vai trò của khu vực doanh nhân tư nhân là đầu máy (locomotive) của khu vực kinh tế thị trường hay sinh lợi (profit-oriented economy)
(2) Trong tinh thần trên, tuyên bố chính thức vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân thay vì các DNNN là bước sáng kiến thứ nhất
(3) Giảm gánh nặng thuế nói chung của nền kinh tế (giảm dần tỷ lệ tổng thu/GDP) và giảm thuế doanh nghiệp nói riêng từ 25% xuống 20% từ năm nay là bước chủ động thứ hai
(4) Tập trung việc tái cấu trúc ba ngành kinh tế vào một cơ quan chỉ đạo duy nhất dưới sự đôn đốc trực tiếp và toàn thì của một Phó Thủ Tướng năng động với sự trợ giúp của các chuyên gia trong và ngoài chính phủ, cùng với một thư ký đoàn (secretariat) gồm chuyên viên các bộ liên hệ thuộc loại “trẻ, giỏi” đang có mặt rất nhiều trong các cơ quan hay trên các diễn đàn kinh tế.
(5) Công bố chính thức một định hướng bằng số cho các chính sách vĩ mô trung hạn (thí dụ trong bảng kèm dưới đây) để hướng dẫn về định hướng chính sách mới của chính phủ và tái lập niềm tin cho các doanh nhân và giới đầu tư.
(6) Cần sự minh bạch thông tin hơn lúc nào hết, các chỉ số suy yếu kinh tế rất rõ ràng từ khu công nghiệp và nhập khẩu như đã bàn trên. Ngoài ra thị trường tài chính vẫn đợi sự công bố chính thức các số liệu về khảo sát tiền tệ và dự trữ ngoại hối như NHNN đã hứa trước đây.
Bảng: Vài chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trung hạn cho 2012-2015 | ||||||
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |
Tỷ lệ tăng GDP thực (%) | 6,8 | 5,9 | 6,5 | 7,0 | 7,5 | 8,0 |
Lạm phát (tăng %) | 11,7 | 18,2 | 7,0 | 6,0 | 5,0 | 5,0 |
Tỷ giá VND/USD* | 21.000 | 21.300 | 22.000 | 22.600 | 23.300 | 23.900 |
Bội chi ngân sách (% GDP) ** | -5,5 | -4,9 | -4,0 | -3,5 | -3,0 | -2,5 |
Đầu tư toàn xã hội (% GDP) *** Đầu tư công/GDP (%)**** | 41,9 18 | 38 15 | 36 14 | 34 13 | 32 11,5 | 30 10 |
Tổng phương tiện thanh toán (%) | 25,3 | 12 | 12-13 | |||
Tổng tín dụng trong nước ( %) | 29,8 | 14 | 15-17 | |||
Cán cân tài khoản vãng lai (% GDP) Cán cân thanh toán (tỷ USD)***** | -4.4 -3,1 | -7.1 2,0 | -4.9 5,2 | -4.3 9,5 | -3.9 10,9 | -3.8 12,7 |
Dự trữ ngoại hối (tỉ USD) Dự trữ ngoại hối/tuần nhập khẩu | 14,0 8,6 | 16,0 7,0 | 17,6 7,9 | 27,1 10,6 | 38,0 12,6 | 50,7 14,2 |
Nguồn: Các số liệu 2011-15 dựa trên các tính toán ước tính và dự báo của tác giả.
Ghi chú:
1) Số liệu 2010 là số thực hiện, 2011 là ước thực hiện, từ 2012-2015 là số mục tiêu
2) *Tỷ giá tự do vào cuối năm (theo mục tiêu trượt giá 1,5-2% mỗi năm như trong quá khứ)
3) **Theo cách tính của Việt Nam
4) *** Chưa tính đầu tư từ tín dụng ngân hàng
5) **** Chưa tính đầu tư của địa phương, phần không đưa vào cân đối ngân sách.
6) ***** Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2011-2015 thặng dư tổng cộng 40,3 tỷ USD
[1] Tác giả là chuyên gia kinh tế độc lập dù có tư vấn cho một số cơ quan, ngân hàng, hay các doanh nghiệp; nhưng bài này được phát biểu hoàn tòan với tư cách cá nhân và không phản ánh bất cứ quan điểm nào của các cơ quan hay doanh nghiệp này.
[2] Chữ “rent” nôm na nhất có thể dịch là “địa tô” trong kinh tế học, thường được nói đến để chỉ thu nhập của những sở hữu chủ đất đai, là một trong các yếu tố đầu vào căn bản của sản xuất như lao động (labor), tư bản (capital), và đất đai (land).
[3] Xin xem “Vì sao bất ổn vĩ mô của Việt Nam kéo dài?, của Khánh Linh (TTVN) trên mạng cafef.vn, http://cafef.vn/20120321043525142CA33/vi-sao-bat-on-vi-mo-cua-viet-nam-keo-dai.chn, báo cáo về buổi Tọa đàm “Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn” (21/3/2012).
[4] Đã dẫn trên ở chú thích 2.
[5] Xem bài của Lê Duy Khánh “Cần Một Giải Pháp Toàn Diện”, TBKTSG số thứ năm 12/4/2012, đăng lại trên Người Lót Gạch, Chủ nhật 15/04/2012.
[6] Nđd ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét