Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Bị cấm mơ ước viển vông, trò dốt hãy học đại gia…

Chuyện lạ. Rất thích câu cuối cùng của bài: "Như lời dạy của cổ nhân rằng cánh cửa chỉ thật sự khép lại khi ta buông xuôi, những “tiêu chuẩn” của người lớn chỉ thật sự không thể vượt qua khi ta không biết cách, các em ạ! Và bài học đầu tiên là tuyệt đối không nên nghe lời họ".

Bị cấm mơ ước viển vông,
trò dốt hãy học đại gia…

(Trái hay phải)- Chẳng biết học bí kíp của ngành giao thông hay của ngành chăn nuôi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nọ đưa ra chủ trương cấm tiệt học trò dốt thi đại học.
Được khơi ra từ cả tuần rồi, nhưng cho đến ngày hôm nay, các nhà báo dường như vẫn quyết không chịu buông tha cho chủ trương này, như thể muốn lật ngược bảng xếp hạng  200 công việc trên thế giới vừa được dân Mỹ trưng ra, mà theo đó nghề phóng viên được vinh dự đứng gần bét bảng. 
 
Có người sẽ tự hỏi sao 3 em học sinh ở Bình Thuận lại sớm ngã lòng như vậy!
Có người sẽ tự hỏi sao 3 em học sinh ở Bình Thuận lại sớm ngã lòng như vậy!

Bạn đừng vội nghĩ người viết bài này muốn khuyên các học sinh trót học dốt rằng cần qué gì thi đại học, quay bút một phát mà chuyển sang làm báo cũng được, cái nghề bạc bẽo này có lẽ chẳng cần phải cạnh tranh nhiều lắm như cổng trường đại học. Và người viết cũng tuyệt nhiên không có gì phải ấm ức thay cho các em học sinh, người ta đã lo cho các em đến thế kia mà.

Ừ, phải nói rằng người ta đã lo xa đến thế nào khi sợ con em mình cứ nuôi giấc mơ viển vông vào trường đại học, để rồi tuyệt vọng khi thi trượt, thậm chí có em đã tự tử.  Để đám thanh niên tương lai đất nước hoài phí tuổi thanh xuân như vậy coi sao được, mà khuyên bảo chúng nó mãi cũng chẳng xong, thế thì phải tiến hành cưỡng chế vậy: tổ chức một kỳ thi sơ loại, đứa nào điểm kém thì xin mời qua chỗ khác chơi, để cổng trường đại học cho các bạn giỏi tranh tài. Nói cách khác, các em sẽ được người ta “phân luồng” giúp trước khi bước vào đường đời.
Không chỉ khiến người ta phải cảm động vì sự tận tâm, các thầy cô giáo tại tỉnh nọ còn thể hiện một tinh thần cầu thị học hỏi cao độ. Bạn có thấy nét tương tự nào không nếu thử so sánh việc này với chuyện “phân làn” giao thông mà Hà Nội đang thí điểm để xe máy ra xe máy, ô tô ra ô tô không?
Và nếu quá đáng hơn, người ta khó mà dằn lòng lại được để không liên tưởng tới những trại chăn nuôi: lợn què thì xuất chuồng trước, những con xịn nhất thì để lại làm giống. Ôi chà, đây là việc có ích cho các em học sinh mà, còn các em có thích hay không lại là chuyện khác, chứ tuyệt nhiên không phải vì thành tích "phân luồng" học sinh cho nhà trường đâu nhé.
Chỉ hiềm một nỗi rằng nếu các bộ ngành khác mà nhân rộng những giải pháp này ra thì cũng khối chuyện vui. Chẳng hạn, ngành giao thông có thể ra quy định rằng người nghèo thì không được phép mua ô tô, thì ngành y tế có thể đặt tiêu chuẩn rằng những ai vô sinh sẽ không được phép có con, còn bên ngân hàng có thể yêu cầu những người đang thiếu tiền hãy quên đi chuyện tới vay vốn…, vân vân và vân vân…
Phải công nhận rằng cái lý của các thầy cô thật tuyệt diệu, xã hội bây giờ thừa thầy thiếu thợ, cứ lao đầu vào học chữ làm gì, học đại học làm gì cho lắm, ra trường rồi cũng thất nghiệp cả đống thôi.
Ừ, người Việt Nam vốn có tiếng là ham học, mà đám trẻ con ngày nay còn ham học đến rồ dại như vậy đấy. Nhưng của đáng tội, cũng chả trách được chúng nó đâu quý vị ạ, nếu thử nhìn vào những chuẩn mực của đám người lớn đức cao vọng trọng.

Không nên mơ ước viển vông, càng không nên phát cuồng vì thần tượng!
Không nên mơ ước viển vông, càng không nên phát cuồng vì thần tượng!

Trướcc hết, người Việt ta vốn trọng chữ nghĩa, nhưng khổ nổi trong xã hội ngày nay, kẻ nào không có tấm bằng thì thật khó mà chứng minh rằng mình là người có học. Nếu không, cái vấn nạn bằng giả hoặc học giả bằng thật ngày nay chẳng tràn lan như dịch hạch đến thế.
Sau tấm bằng, con người được “định giá” qua chức tước, vị trí của anh ta trong xã hội (mà nếu không có tấm bằng đi trước thì ắt hẳn không thể có chức tước hay vị trí nào). Không tin ư, bạn hãy thử hỏi những anh chàng có thói quen chém gió khi gặp cảnh sát giao thông rằng tao làm ở bộ này, bố tao làm ở bộ kia ông tao làm ở bộ nọ, thì đủ biết.
Mà hiện tượng tâm lý độc đáo hiếm có trên thế giới này có vẻ ngày càng lan rộng ở đất nước con Rồng cháu Tiên, mới hôm qua hôm kia thôi, anh chàng Hoa Chí Thanh còn chửi cả Bộ trưởng Bộ Công an và vung tay dọa “ngày mai bố lên gặp Thủ tướng”.
Cuối cùng, nếu không còn con đường nào khác, người ta sẽ đành thể hiện mình bằng tiền bằng của, qua những đám cưới triệu đô, xe sang tiền tỷ, phở bò tiền triệu, uống rượu mảy vàng… Chỉ có một lưu ý nho nhỏ, không nên lên án cách khẳng định giá trị bản thân bằng những thứ phàm phu tục tử như vậy, dù sao họ vẫn phải xếp sau những người trang điểm cho mình bằng bằng cấp và chức tước.
Với những chuẩn mực tuyệt vời như vậy trong thế giới người lớn, vốn là những tấm gương sáng ngời cho con trẻ, có lẽ chúng ta nên tự xấu hổ khi mở miệng mà bảo rằng không cần vào đại học, không cần chữ nghĩa, lao động chân tay cũng vinh quang như ai. Trách nào thay vì đi nghe người lớn giáo huấn, chúng nó quay sang tôn những ca sĩ, diễn viên ở đẩu ở đâu lên làm thần tượng đến nỗi phát cuồng!
Giữa lúc tưởng chừng tuyệt vọng vì không sao tìm ra cách định hướng trẻ con, báo Thanh Niên ngày hôm nay đăng một tin vui hiếm hoi: Người ta đã tìm thấy 3 học sinh lớp 8 tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mất tích mấy ngày qua. Mà người ta lại còn mừng hơn nữa nếu biết nguyên nhân “mất tích”: Rủ nhau bỏ học, 3 em vào TP Hồ Chí Minh làm cho một xưởng may.
Ái chà, nghe tin này, ắt hẳn ngành giáo dục của địa phương có phương pháp tuyệt diệu để “phân luồng” học sinh kia sẽ tiếc hùi hụi, vì 3 em này quả có ý thức sớm trong việc tự chọn đường đi nước bước cho đời mình.
Riêng với một đại gia giàu có tiếng, ngoài việc hoan hô các em sớm có ý chí tự lập làm giàu, rất có thể bà ấy sẽ thở than rằng sao các em sớm ngã lòng làm vậy. Ừ, cứ coi như không đủ tư cách đi thi đại học, thì đã sao.
Đám nhà báo hạng bét bấy lâu nay cứ đay đi đay lại những câu hỏi về sự thiếu trung thực khi khai lý lịch, về người chồng đang bị truy nã của bà, nhưng sau hàng loạt những vòng tuyển lựa gắt gao, giờ bà vẫn đang đường đường là đại biểu Quốc hội, vẫn có đầy đủ tư cách đại biểu của dân đấy thôi.
Như lời dạy của cổ nhân rằng cánh cửa chỉ thật sự khép lại khi ta buông xuôi, những “tiêu chuẩn” của người lớn chỉ thật sự không thể vượt qua khi ta không biết cách, các em ạ! Và bài học đầu tiên là tuyệt đối không nên nghe lời họ.
  • Tam Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét