Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

PHÊ BÌNH VĂN HỌC HIỆN NAY: THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

PHÊ BÌNH VĂN HỌC HIỆN NAY:
THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Ngày 10/4, tại Hội trường Ban Tuyên giáo Trung ương số 7 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”. Đây là hội thảo quan trọng nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học đang hoạt động trên cả nước, và các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo; PGS.TS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thay mặt Ban Tổ chức đọc báo cáo đề dẫn.
Hội thảo đã lắng nghe, thảo luận nghiêm túc báo cáo tham luận của GS.TS. Trần Đình Sử, PGS.TS. La Khắc Hòa, PGS.TS. Trần Ngọc Vương, GS. Mai Quốc Liên, nhà phê bình Nguyễn Hòa, PGS.TS. Hồ Thế Hà, GS. Phong Lê, TS. Lê Thành Nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, nhà phê bình Văn Chinh, PGS. TS. Phạm Quang Trung, nhà phê bình Chu Văn Sơn, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, Ths. Đoàn Ánh Dương…. Nhằm thông tin kịp thời kết quả nghiên cứu, khảo sát và những đề xuất mới để cải thiện tình hình phê hình hiện tại của các nhà khoa học và nhà quản lí dưới đây Văn nghệ Trẻ trích đăng Kết luận Hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, và nội dung một số tham luận.

1. Thực trạng và nguyên nhân yếu kém của phê bình văn học hiện nay


PGS.TS. La Khắc Hòa: Nền phê bình văn học của chúng ta mang nặng tính nghiệp dư
“Nhìn vào đội ngũ những người cầm bút với những thay đổi thăng trầm của nó, tôi có cảm giác, hình như nền phê bình văn học của nước ta ngày càng phát triển theo xu hướng nghiệp dư. Hồi đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của đô thị, sự ra đời của báo chí, văn học nghệ thuật thực sự trở thành lĩnh vực hoạt động chuyên nghiệp. Tản Đà nói thời ấy “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhưng rẻ thế nào thì vẫn có thể bán được văn và người viết văn vẫn có thể sống  được bằng sản phẩm do mình làm ra. Tô Hoài kể, ông thôi việc ở một hãng buôn để chuyên tâm vào nghề văn, vì lương thư ký, tháng chỉ 4 đồng, mà nhuận bút cho một cái truyện ngắn, Vũ Ngọc Phan trả ông những 6 đồng. Thế mới biết, nghề văn vẫn sang hơn chán vạn nghề khác và dẫu “sống mòn”, người cầm bút vẫn có thể dấn thân với nghề. Có lẽ cả một thế hệ những cây bút phê bình lỗi lạc như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều, Phan Khôi…đã sống bằng nghề lao động tự do như vậy. Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta vẫn còn nhà phê bình chuyên nghiệp, do họ được nhà nước trả lương. Chỉ hai chục năm nay mới không còn chỗ nào trả lương cho những người yêu văn chương, muốn chọn phê bình làm nghề nghiệp suốt đời. Xoá bỏ bao cấp theo kiểu nhà nước hoá hoạt động văn học là một quy luật tất yếu. Có điều, chế độ thù lao, nhuận bút trả cho sản phẩm văn học ngày càng rẻ mạt, rẻ mạt đến thảm hại. Phải mất hai tuần, tôi mới dịch xong một tiểu luận của R.Barthes. Sau khi Văn nghệ trẻ in, tôi được trả bốn trăm nghìn nhuận bút. Cả năm trời, tôi mới nghĩ ra được một ý khả thủ, khảo sát đủ tư liệu, tìm đủ chứng lý để viết thành bài nghiên cứu tử tế dài hơn 30 chục trang, đem in trên Nghiên cứu văn học rất sang trọng, tôi nhận được năm trăm nghìn nhuận bút. Không được chỗ nào trả lương, nhuận bút lại rẻ mạt thế, thử hỏi người ta còn bụng dạ nào mà ngồi viết lý luận, phê bình? Tôi thấy trên các cơ quan truyền thông có nhiều người nói về sự xuống cấp của phê bình văn học. Tôi nghĩ, nếu chỉ mới “xuống cấp” thôi thì vẫn còn là đại phúc, bởi vì, tôi sợ, cứ đà này, chỉ cần ít năm nữa, không khéo sẽ chẳng còn ai làm lý luận - phê bình, khi ấy, loại hoạt động này sẽ trở thành nghề cần đưa gấp vào “sách đỏ” để bảo vệ, giống như người ta bảo vệ các loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Đội ngũ làm phê bình đông nhất ở nước ta hiện nay là các nhà giáo dạy đại học và một số cứu viên ở Viện Văn học. Sau nhà giáo, ở ta, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng tham gia viết phê bình văn. Nhưng nhiệm vụ của nhà giáo là dạy học. Chức năng của của nghiên cứu viên ở Viện văn học là nghiên cứu theo các lĩnh vực chuyên ngành. Họ không được chuẩn bị để viết phê bình văn học. Viết phê bình văn học với họ chỉ là nghề tay trái, dẫu không viết, thì họ vẫn cứ được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, thậm chí, được bầu là Chiến sỹ thi đua. Cho nên, các ông bà giáo viên thường chỉ viết phê bình khi còn trẻ. Về già, họ rút vào nghiên cứu, thôi không viết phê bình nữa. Bộ phận phê bình là các nhà văn cũng vậy. Người Việt yêu văn nghệ, nên độc giả Việt Nam rất thích kiểu phê bình nhà văn. Nhưng thiên chức của nhà văn, nhà thơ dĩ nhiên là làm thơ, viết truyện chứ không phải là viết lý luận phê bình. Cho nên, hứng lên thì họ viết, hết hứng thì lại thôi. 

Đúng là chúng ta đang có một nền lý luận, phê bình văn học của rất nhiều loại “nhà”, chỉ thiếu mỗi sự tham gia của giới lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Thực chất, đó là  nền lý luận - phê bình văn học nghiệp dư. Nghề gì cũng cần đến sự hỗ trợ của hoạt động nghiệp dư.  Nhưng một nền lý luận - phê bình văn học lấy hoạt động nghiệp dư thay thế cho hoạt động chuyên nghiệp thì lại là chuyện không bình thường và tình trạng ấy chắc chắn sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ.

GS.TS. Trần Đình Sử: Cần đưa khái niệm phương pháp sáng tác ra khỏi lý luận phê bình văn học hiện nay

“Trong hệ thống lí luận văn học mác xít lưu truyền từ những năm 30 thế kỉ trước đến nay có một khái niệm quyền uy ngự trị trong lí luận văn học các nước xã hội chủ nghĩa. Đó là khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó không chỉ là phương pháp sáng tác mà còn là phương pháp phê bình văn học. Nhà văn thì phải nắm vững phương pháp sáng để sáng tác, còn nhà phê bình văn học thì phải vận dụng phương pháp ấy để phê bình, đánh giá xem tác phẩm nào đó hay cả nền văn học có đi theo định hướng của phương pháp ấy không. Nếu có thì biểu dương, nếu không thì phê phán, trường hợp nặng thì có thể đi đến chấm dứt cuộc đời sáng tác. Từ khi kết thúc cách mạng văn hoá, bước sang hiện đại hoá, Trung Quốc dần dần đã từ bỏ khái niệm phương pháp sáng tác. Các giáo trình lí luận văn học Trung Quốc từ năm 1995 đã lần lượt không dùng khái niệm ấy nữa. Từ những năm 70 ở Liên Xô cũ, khi D. Markov nêu ra phương pháp chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như là hệ thống mở, thì khái niệm phương pháp chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã có thay đổi lớn, nó không còn là phương pháp mà đã là hệ thống sáng tác, trong đó tính đảng không còn là yếu tố của phương pháp sáng tác nữa. Từ sau năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa về cơ bản cũng bị phế bỏ luôn. Các giáo trình Đại học như của V. E. Khalizev không có khái niệm phương pháp sáng tác nữa, mà chỉ gọi là trào lưu hay “cộng đồng văn học có tính thế giới”. Giáo trình Lí luận văn học do H. D. Tamarchenco chủ biên đã loại bỏ khái niệm phương pháp sáng tác. Chỉ còn một số rất ít người còn nhắc đến trên bình diện lịch sử, ví dụ như nhà lí luận Iu. Borev. Trên thế giới, hiện nay hầu duy nhất chỉ có nước Việt Nam ta trong giáo trình lí luận văn học là vẫn còn mục phương pháp sáng tác, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (…) Dĩ nhiên chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa  là một trào lưu văn học lớn, đã có lịch sử tồn tại gần một trăm năm, hiện diện trong văn học sử, vậy không có lí do gì để phủ nhận nó. Để học tập, nghiên cứu nó, người ta chỉ cần lí thuyết về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là đủ, không cần có lí thuyết về phương pháp sáng tác. Lẫn lộn lí thuyết về sáng tác, một chủ thuyết mà người ta gọi là “ism” của một trào lưu và lí thuyết về phương pháp sáng tác là một  nhầm lẫn về lí luận cần được xoá bỏ.(…) Được khuyến khích bởi tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về tiếp tục và phát tiển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới: “khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lí luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ.” tôi thấy đã đến lúc dứt khoát loại bỏ khái niệm phương pháp sáng tác nhằm hoàn thiện hệ thống lí luận văn nghệ của chúng ta. Bỏ khái niệm phương pháp sáng tác không phải là hành vi theo đuôi nước ngoài, mà là bỏ đi một thuật ngữ nguỵ tạo của lí luận văn học Xô viết, vốn không có trong lí luận mác xít, để hệ thống lí luận văn học được chặt chẽ hơn, phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác, đồng thời nội dung mà ta vẫn gọi là “phương pháp sáng tác” thì chuyển sang lí thuyết hay chủ trương về sáng tác.”

PGS.TS. Phạm Quang Trung: Thái độ ửng xử với nghề của nhà phê bình

“Nhiều người thống nhất cho rằng, đối chiếu với những đòi hỏi ngày một cao và phức tạp của sáng tác và đời sống, phê bình, tiếc thay, đã kéo dài tình trạng trì trệ quá lâu, biểu hiện ở sự máy móc, xơ cứng về tiêu chí; ở vẻ tẻ nhạt, đơn điệu trong thẩm bình; ở xu hướng cá nhân, một chiều trong đánh giá;  ở sự lộn xộn, loạn chuẩn khi tiếp cận (…) Nói gì thì nói, những nhà phê bình văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm chính về hiện trạng yếu kém, nhạt nhòa của lĩnh vực mình đảm trách. Ở đây, có thể dễ chỉ ra những biểu hiện tiêu cực trong thái độ ứng xử với nghề là: lười nhác, thờ ơ và lảng tránh. Lười biếng thì rõ rồi! Trước thực tế sáng tác ngày một rộng lớn, đa dạng và phức tạp, không ít nhà phê bình vin vào cơ man những lý do, và xem ra lý do nào cũng đều đáng cảm thông cả, như công việc, sức khỏe, tuổi tác… để thoái thác trách nhiệm cầm bút. Thái độ thờ ơ cũng không khó thấy (…) Đáng trách nhất có lẽ là sự lảng tránh bằng cách im lặng. Biết đấy, rõ là đằng khác, nhưng vẫn không chịu lên tiếng. Chủ yếu là do e ngại: ngại đụng chạm, ngại ảnh hưởng tới uy tín, ngại bị chê trách… Ngại đủ điều. Chỉ không e ngại lương tâm nghề nghiệp lên tiếng cật vấn thôi. Tất cả những biểu hiện chẳng nên ở trên, suy cho cùng, đều do sự thiếu trách nhiệm với nghề và với đời mà ra!

          Ngoài việc động viên nhau như các hội nghề nghiệp bấy lâu đã làm, thiết nghĩ cần có những giải pháp thực tế hơn nữa. Như: mở thêm các trang phê bình, tăng nhuận bút vốn quá ít ỏi cho các bài phê bình, coi trọng giới phê bình chuyên nghiệp, tăng cường tiếng nói của các nhà phê bình trong các hội đồng nghệ thuật… Nói gọn lại, cần nâng cao sự trân trọng đối với lao động căng thẳng, khổ cả tâm cả trí, lại mất nhiều thời giờ, của những người làm phê bình, nhất là những nhà phê bình có nghề nghiệp và có tín nhiệm xã hội. Cũng cần mạnh dạn thực thi thêm những sáng kiến mới mang tính đột khởi. Chẳng hạn, đã lâu rồi, tôi cứ ao ước có trại viết chuyên dành cho các nhà phê bình nhân một hiện tượng nghệ thuật gợi ra những vấn đề nghệ thuật nào đó vừa xuất hiện. Dư luận có thể phân hóa, gay gắt cũng được, không sao cả. Sau trại viết, qua những lời bàn bạc qua lại của những nhà chuyên môn, mọi chuyện, dầu rắc rối đến đâu, có thể được tập trung tháo gỡ… Trên cơ sở đó, tập hợp lại cho ra những đầu sách. Vừa chuyên sâu lại vừa nóng hổi tính thời sự. Ý nghĩa của những  cuốn sách loại này chắc không hề nhỏ.”

PGS.TS. Hồ Thế Hà: Phê bình báo chí không có khả năng bao quát

 “Việc ngày càng có nhiều người tay ngang ngẫu hứng nhảy vào làm phê bình, điểm bình và nhận định văn học và không ít người ảo tưởng xem mình là những nhà phê bình như ai lại càng nhiều. Và nhất định trong loại người phê bình này, có hơn phân nửa là phê bình cảm hứng, không có phương pháp lý thuyết. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí truyền thông lại tỏ ra thuận lợi trong việc cho công bố những bài viết ấy trên các trang phê bình của mình. Đó là một thuận lý mà cũng là nghịch lí. Thuận lý ở chỗ dù sao nó cũng phù hợp với phong cách và yêu cầu của từng cơ quan ngôn luận và nhu cầu bạn đọc phổ thông, muốn thông tin và định hướng thẩm mỹ nhanh về các tác phẩm, trào lưu văn học nào đấy một cách ngắn gọn và cập nhật. Nhưng nghịch lý ở chỗ những bài phê bình ngắn loại này mà có người gọi là “phê bình bao diêm”, “phê bình tốc hành” nhất định làm nhiễu thông tin và không ít kết quả rơi vào so le, sai chệch với giá trị tự tại của tác phẩm. Và nhất định là nó không thể nào rút ra được những nhận định có tính học thuật về quy luật, đặc điểm thi pháp và những vấn đề có tính khách quan, khoa học cho từng giai đoạn và thời kỳ văn học một cách chính xác được. Đó cũng không phải là nhiệm vụ và quan tâm của họ. Và thực sự họ không thể có khả năng khái quát ấy”.

Nhà phê bình văn học Văn Chinh: Lỗi của các nhà phê bình chuyên nghiệp

“Chúng ta nhận thấy lỗi của các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp là rõ nhất. Nói chung, chưa kể đến hàn lâm xa vời, ngay cái áp sát đời sống văn học cũng hầu như không thấy bóng họ đâu? Tôi từng có lần do bức xúc quá mà nói, không ai thù ghét văn học bằng những nhà phê bình văn học đương đại. Đây hiển nhiên là nhận xét không chính xác. Nhưng có lẽ nạn phung phí và ghẻ lạnh với tài năng là một sự thực? Mười ba cuốn được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam không có nổi một bài phê bình cho đến khi có ý kiến thiếu xây dựng được công bố trên mạng; nhiều tác phẩm được Giải thưởng năm 2010 - 2011 của Hội cũng không có một bài phê bình tự giác nào, cho đến khi Hội phải mở các cuộc hội thảo và báo Văn nghệ phải đặt bài phê bình (…) Tôi nghĩ đến các nhà văn Nhật Tuấn, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Mai Văn Phấn và ngay cả đến Nguyễn Ngọc Tư mà Hội Nhà văn Việt Nam phải vất vả một cách dũng cảm để khẳng định cũng chưa có nổi một bài phê bình đến độ.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Bệnh “ăn theo, nói leo” của phê bình văn học

“Từ ngày quan niệm về phân loại phê bình của Albert Thibaudet (1874-1936) được giới thiệu ở Việt Nam, giới phê bình văn học đã biết tới phân loại: phê bình báo chí (phê bình của các nhà báo), phê bình chuyên nghiệp (phê bình của các giáo sư), phê bình nghệ sĩ (phê bình của nhà văn, nhà thơ…) của ông. Lẽ ra, từ góc độ khoa học, cần tiếp cận phân loại này như một tham khảo, thì một số tác giả lại hùa theo và say sưa bàn luận, và tôi coi đây là một ví dụ điển hình của văn bệnh “ăn theo, nói leo” mà không suy xét. Bởi, tiếp cận phân loại phê bình của Albert Thibaudet không khó để nhận thấy phân loại này chủ yếu đề cập tới nghề nghiệp của người viết phê bình. Và vì phân loại của Albert Thibaudet chưa chú ý đến chất lượng tác phẩm phê bình, nên có lẽ, nó chỉ phù hợp với bối cảnh một nền văn hóa, nghệ thuật, báo chí phát triển cao và lành mạnh, với đội ngũ nhà phê bình chuyên nghiệp có uy tín, với các nhà văn mà nhắc tới tên tuổi của họ thì chí ít, cũng đưa tới sự tin cậy đối với xã hội và công chúng? (…)Theo tôi, cho đến hiện tại, phân loại của Albert Thibaudet là chưa phù hợp với thực trạng phê bình văn học ở Việt Nam, và dù có phù hợp thì cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo, không thể sử dụng như một loại “thước đo” để đánh giá người làm phê bình này thì có tư cách “đại diện cho tiếng nói phê bình của một nền văn học”, người làm phê bình kia chỉ làm công việc “bổ sung, làm sinh động”. Tôi ngờ rằng, phân loại của Albert Thibaudet đã được một số tác giả tán thưởng, chủ yếu nhằm đề cao vị trí công tác, thỏa mãn não trạng cao ngạo và hoang tưởng, hơn là sử dụng để làm sáng tỏ một vấn đề lý luận – thực tiễn?”

Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị: Phê bình văn học chưa có tính chiến đấu cao

 “…Phê bình văn học cần liên tiếng kịp thời cổ vũ những tác phẩm viết về đề tài lịch sử với thái độ trung thực trên quan điểm lịch sử và phê phán thái độ phủ nhận quá khứ, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ thần tượng của dân tộc (…). Phê bình văn học cần khẳng định mạnh mẽ những tác phẩm viết một cách chân thực  về những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong quá khứ, ca ngợi những chiến công của cuộc chiến tran chính nghĩa, và cần phải rạch ròi trong quan niệm về chiến tranh yêu nước, tránh quan niệm mơ hồ, nhân đạo chung chung đang có nguy cơ làm người đọc, nhất là những người trẻ tuổi nhận thức sai lạc bản chất của những cuộc chiến tranh mà nhân dân ta đã đổi rất nhiều xương máu vừa qua …) văn học rất cần viết về những tiêu cực, những sự xuống cấp đạo đức hiện nay trong không ít một bộ phận nhân dân ta, nhưng một thái độ nhìn nhận, một mức độ liều lượng… như thế nào là cần và đủ để không làm người đọc mất niềm tin vào cuộc sống là chỗ mà phê bình văn học phải lên tiếng. Ai cũng biết văn học có thể mổ xẻ những vết thương đau, nhưng văn học sinh ra còn để gieo cấy trong tâm hồn con người niềm lạc quan vào cuộc sống. Viết về tiêu cực đối với một ngòi bút có thái độ và tư tưởng của người trong cuộc khác với cách viết dửng dưng, đứng ngoài cuộc hoặc có ý đồ xấu. Đấy là chưa nói trong cuộc xây dựng hôm nay không thiếu những con người đang ngày đêm lao động quên mình cho đất nước mà văn học không được phép quên họ. Tiếc thay, trên mặt báo ít những bài phê bình văn học có tính chiến đấu, có tính tư tưởng, có tính xây dựng như vậy mà đang rất nhiều những bài đọc sách nhợt nhạt hoặc tung hô vô căn cứ hoặc viết theo kiểu cùng cạ, quảng cáo cho nhau một cách tùy tiện. Chất lượng của những bài viết như vậy hiển nhiên là không cao và hiệu quả của chúng có khi là ngược lại. Và vì vậy có thể nói phê bình văn học của ta chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, chưa thật sự có tính chiến đấu cao, chưa thực sự có ích thúc đẩy công việc sáng tạo như nó vốn cần phải như thế”

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn: Về xu hướng dân sự hóa của văn học và vị trí của phê bình

“…. Một hội thảo theo tinh thần này sẽ dễ chung chung. Ta đã có thể hình dung trước một số điểm mà bản tổng kết sẽ chốt lại. Ví như, sẽ có hai vấn đề. Trước hết, đối với giới lãnh đạo, quản lí, tổ chức thì cần phải kích hoạt, kích cầu cho phê bình phát triển bằng hai cách: một là, chăm lo hơn nữa đến đội ngũ phê bình; hai là, tạo một sân chơi thông thoáng hơn, dân chủ hơn cho phê bình. Sau nữa, với người làm phê bình, để nâng cao chất lượng hơn, cũng cần tập trung hai vấn đề. Một là, cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, dấn thân hơn nữa. Hai là, cần nâng cao chuyên môn hơn nữa để phê bình chuyên nghiệp hơn. Tôi nghĩ, đó sẽ là cái kết luận quen thuộc mà nhiều hội thảo phê bình kiểu này đã và sẽ đạt được. Do vậy, để có ích hơn, thiết thực hơn, cần có những hội thảo chuyên đề về các phương diện cụ thể của phê bình. Ví như, hội thảo chuyên về xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ phê bình, hoặc vai trò của các lý thuyết văn học đương đại đối với phê bình… Ngay cái vấn đề được xem là tinh thần của hội thảo lần này là “nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình” cũng vậy. Chúng ta nói đến chuyện “chất lượng”, nhưng chẳng thấy bàn sâu về thế nào là chất lượng của phê bình. Có phải phê bình chất lượng là cái roi để quất cho sáng tác lồng lên,  là cái kim châm vào huyệt đạo của sáng tác để kích hoạt nó, hay là PR cho sáng tác, hoặc phê bình chất lượng là giỏi phân tích các sáng tác phẩm như những ông thợ… Thế nào là chất lượng, chúng ta không hình dung ra, mà lại bàn về nâng cao chất lượng thì rất dễ vu vơ và chung chung.
Tôi cho rằng, một trong những vấn đề mà hội thảo như thế này rất nên quan tâm đó là hiện trạng của toàn bộ nền văn học ta lúc này. Tôi không cho rằng ở ta văn học đang bị đẩy ra ngoại vi với chủ trương buông lỏng ở tầm quản vĩ mô giống như các quốc gia nào đó. Trái lại, văn học ta vẫn đang được níu lại ở trung tâm của chiến lược vĩ mô, dù rằng thực tế, nó luôn vuột ra theo đà phát triển tự nhiên. Có thể nói, hiện trạng văn học ta là sự vận động mạnh mẽ từ một nền văn học quan phương sang một nền văn học dân sự hóa. Và đây đang là thời kì quá độ của nó. Trước đây, văn học phát triển chủ yếu với việc in trên giấy, khâu viết phụ thuộc rất nhiều vào khâu xuất bản, in ấn, phát hành trong một guồng máy quản lí chung nặng tính quan phương. Nên phê bình của văn học giấy in, dù muốn dù không, cũng là một khâu của guồng máy quan phương đó. Còn giờ đây, do sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, của internet, đã xuất hiện kiểu người viết đồng thời là người xuất bản, người in ấn, lưu hành, vì thế mà hoạt động văn học được dân chủ hóa nhiều hơn, văn học đang thoát dần ra khỏi tính quan phương đó để sống cái đời sống dân sự của nó. Văn học mạng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi văn học dân sự hóa đó thôi. Với một nền văn học như vậy, không thể ứng xử bằng cách hiểu cũ, cách quản lí cũ mà phù hợp được. Và đương nhiên, phê bình cũng không thể như cũ. Nó đòi hỏi những nhà phê bình kiểu khác, một nền phê bình kiểu khác. Không tập trung nhận thức rõ hiện trạng này với tất cả những biểu hiện và diễn biến vô cùng phức tạp của nó để cập nhật, thì chúng ta khó định dạng và định vị được phê bình trong thời này. Do vậy cũng khó mà bàn được thực sự về chất lượng hay hiệu quả của phê bình. Tôi cho rằng, nếu như hội thảo hôm nay bàn về vấn đề như thế, thì chắc kết quả sẽ thiết thực hơn nhiều.
….”

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phê bình văn học trong thời gian tới

PGS.TS. Văn Giá: Cần có ấn phẩm Tạp chí Lý luận – phê bình

“ Những đề xuất của tôi dựa trên một giả định rằng bên cạnh tạp chí Thơ, tạp chí Văn học nước ngoài, tạp chí Nhà văn như đang có, Hội Nhà văn Việt Nam rất nên có thêm một tạp chí chuyên cho lĩnh vực lý luận - phê bình văn học (LL-PBVH) như có lần tôi đã đề xuất. Có thể tôi bị cho là người lãng mạn khi đưa ra mô hình hoạt động cho một Tạp chí chuyên LL-PBVH mới đang còn nằm trong ý tưởng. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng nếu chúng ta muốn làm thật (chứ không hô hào suông) cho sự chấn hưng LL-PBVH hiện nay thì cần làm, và có thể làm được. Vâng, tạp chí này bao gồm hai mảng lý luận và phê bình. Phần lý luận vô cùng quan trọng. Nó là phần trí tuệ anh minh nhất của phê bình, làm điểm tựa cho phê bình phát triển. Nó cũng lại luôn được tiếp sức và bổ sung các tư liệu thực tiễn từ phê bình và lịch sử văn học. Cho nên, không thể và không nên chỉ có riêng tạp chí phê bình, hoặc nếu muốn tách riêng, thì đồng thời phải có cả hai: tạp chí lý luận và tạp chí phê bình. Nhưng trong điều kiện hiện nay, làm cho tốt một ấn phẩm mang tên Tạp chí lý luận- phê bình văn học đã là một cố gắng lớn. Mô hình tổng quát của Tạp chí LL-PBVH được hình dung 2 loại: mô hình tổ chức và mô hình hoạt động.

Thứ nhất, mô hình tổ chức: Mô hình này được hình dung qua hai cấp độ: Ban điều hành chung và Hội đồng giám tuyển các bài báo khoa học.
- Ban điều hành: Ban này thực hiện nhiệm vụ điều hành chung về phương hướng hoạt động, chiến lược phát triển, các chủ đề của mỗi số, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn. Có một nguyên tắc của Ban điều hành là vị trí của ông Trưởng ban điều hành không nên thuộc một người duy nhất và cố định, mà phải luân phiên. Tại sao phải luân phiên? Luân phiên để mỗi người chịu trách nhiệm và phát huy hết năng lực sáng tạo của mình. Và nhờ vậy, mỗi một người cũng sẽ để lại những dấu ấn đặc sắc của mình trên mỗi tạp chí mà mình điều hành.
Cách làm này đã có từ thời tờ báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn. Theo hồi ký của một số nhà báo cho hay: trong các thành viên chủ chốt như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, các ông phân công nhau cứ lần lượt, mỗi ông chịu trách nhiệm tổ chức một số trên cái khung kế hoạch chung đã định sẵn từ trước. Nhờ vậy, nếu ai đã từng đọc các số Ngày Nay, mỗi số là một đặc sắc riêng chất lượng, đặc sắc mà vẫn đảm bảo tính thống nhất mang tầm chiến lược của Tòa soạn. Tại sao chúng ta lại không tham khảo trường hợp này?

- Hội đồng giám tuyển độc lập. Chức năng của Hội đồng giám tuyển này nhằm đánh giá chất lượng các bài viết, và tư vấn cho các vị cầm chịch điều hành (cao nhất là ông TBT) quyết định xem có sử dụng hay không. Vị trí Chủ tịch Hội đồng giám tuyển này cũng hoạt động theo cách luân phiên. Xin lưu ý là cách luân phiên vô cùng có lợi, nó phát huy được  cá tính sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, tinh thần dân chủ, công bằng, lấy mục đích khoa học làm tối thượng. Nó tránh xa cái thói chuyên quyền độc đoán, tư lợi, cánh hẩu, đơn điệu, trì trệ như không ít báo chí của chúng ta hiện nay mắc phải.

Thứ hai, mô hình hoạt động:
-Ban điều hành chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả các khâu: đường lối hoạt động, chất lượng bài vở, hoạt động phóng viên và cộng tác viên, hoạt động bạn đọc, trị sự, kinh doanh phát hành, đối nội đối ngoại. Ban này, theo cơ cấu của các tòa soạn hiện nay, ông Tổng biên tập cầm chịch. Nếu theo cách điều hành luân phiên như trên kia, vai trò ông Tổng biên tập không hẳn là nhẹ đi, mà có khi còn nặng hơn, bởi vì ông ta phải tìm được người và dám/ tin tưởng trao quyền luân phiên cho từng người trong Ban điều hành phụ trách từng số báo.

Thêm nữa, căn cứ vào các hiện tượng và các vấn đề văn học cụ thể trong thực tiễn văn chương, Ban điều hành phải chủ động hoạch định, lên kế hoạch, tìm người đặt bài vở theo cách “chọn mặt gửi vàng”. Làm điều này để giành thế chủ động từ phía Tạp chí, nhằm bao quát thường xuyên và bắt kịp thực tiễn văn học, tránh bỏ sót hoặc sa vào những trường hợp không đích đáng.
- Hội đồng giám tuyển gồm các nhà NC, LL-PB và các nhà văn có uy tín chuyên môn, có tinh thần kỷ luật nghề nghiệp, tinh thần hợp tác, thống nhất ý chí vì một tạp chí chất lượng cao. Trước một bài báo tòa soạn nhận được, người điều hành sẽ xem xét, lựa chọn người giám tuyển để giao bài. Người giám tuyển phải lấy uy tín chuyên môn của mình để thẩm định và trình bày trước Hội đồng giám tuyển về lý do tại sao lại đề cử đăng hoặc không được đăng. Tùy theo tính chất và mức độ học thuật của từng bài báo mà quyết định số lượng bao nhiêu giám tuyển là đủ hoặc phải đưa ra Hội đồng giám tuyển bàn thảo quyết định”

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

“… Hướng vào mục tiêu của Hội thảo là Nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học nên hầu như ở tất cả tham luận đều ít nhiều, tùy theo từng vấn đề thực trạng cụ thể để kiến nghị giải pháp. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ thực trạng làm xoay chuyển tình hình thì số đông đều nhấn mạnh sự cần thiết có những giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa đào tạo và xây dựng đội ngũ với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng cơ chế đánh giá, khuyến khích và tạo các điều kiện, khả năng để kích thích phê bình phát triển.
Dựa trên các kết quả phân tích, đánh giá thực trạng và các nguyên nhân nêu trên, Báo cáo đề dẫn đã gợi mở nhiều giải pháp quan trọng, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Trước hết cần đề cao nhận thức trách nhiệm định hướng của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; đề cao vai trò tư vấn, tham mưu của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành các cấp. Theo chúng tôi “tín hiệu vui” trong lĩnh vực này phải được khởi nguồn từ những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nêu trên.
2. Xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phê bình có năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; có trình độ chuyên môn sâu, am tường đặc thù văn chương và qui luật sáng tạo nghệ thuật; nắm vững lý thuyết cơ bản; có bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Nói cách khác, cần có đội ngũ phê bình tâm huyết, có trách nhiệm, có tài năng với ý thức dấn thân vì sự chấn hưng của nền phê bình văn học nước nhà. Thiết nghĩ, cần nhắc lại lời tâm huyết của Mác khi đề cập trách nhiệm của người cầm bút: “Nhà văn hoàn toàn không coi tác phẩm của mình là một phương tiện. Tác phẩm là mục đích tự thân; tác phẩm không phải là phương tiện đối với nhà văn cũng như đối với những người khác, cho nên nhà văn, khi cần có thể hy sinh sự tồn tại cá nhân của mình cho sự tồn tại của tác phẩm”.
Trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phê bình, nhiều ý kiến lưu ý vai trò giảng dạy văn học trong các nhà trường, từ phổ thông đến cao đẳng, đại học chuyên ngành, dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Phát huy trí tuệ tập thể và ý thức trách nhiệm cá nhân, từng bước thực hiện chương trình Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam làm cơ sở cho hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, đánh giá và quản lý văn học, nghệ thuật. Đồng thời, xây dựng hệ thống chuẩn mực giá trị văn chương, hệ thống tiêu chí đánh giá tác phẩm. Khi đề cập vấn đề này, đã từng có ý kiến cho rằng: “trong phê bình văn học không có hệ thống chuẩn mực khách quan chung, mà chỉ có chuẩn mực của mỗi cá nhân, chỉ có hệ thống do mỗi cá nhân tạo ra”. Đó là một ý kiến cực đoan, phiến diện. Đúng là hoạt động sáng tạo văn chương cũng như hoạt động phê bình chủ yếu là hoạt động cá nhân và sản phẩm cũng chủ yếu mang dấu ấn cá nhân. Tính hệ thống trong kiến thức và phương pháp của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đối với người làm phê bình, năng khiếu cảm thụ và tư chất cá nhân lại càng quan trọng hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là phê bình văn học không cần đến một hệ thống giá trị chuẩn mực và một hệ tiêu chí đánh giá khách quan. Trên cơ sở của hệ thống lý luận văn nghệ được xây dựng, chúng ta sẽ từng bước xây dựng hệ giá trị văn chương và hệ tiêu chí đánh giá văn học chuẩn mực, khách quan, khoa học. Ngày nay, Giá trị học đang trở thành một bộ môn khoa học thu hút được sự quan tâm từ nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành tựu của nó sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn qui luật hình thành các giá trị chung, phổ biến và giá trị riêng gắn với từng lĩnh vực. Tuy vào thời điểm này, trong nước và trên thế giới đang diễn ra quá trình chuyển đổi các giá trị, trong đó có giá trị văn học nên chưa định hình một bộ tiêu chí cụ thể. Nhưng theo chúng tôi, hệ giá trị văn học chuẩn mực mà chúng ta hướng tới sẽ không nằm ngoài bảng giá trị tinh thần chung của dân tộc, trong đó giá trị nhân văn, giá trị yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc… vốn là các giá trị tinh thần truyền thống cơ bản của đất nước ta đã được đúc kết, chắc chắn sẽ phải là những giá trị cốt yếu. Mặt khác, vì văn học nói chung, phê bình văn học nói riêng là những bộ môn nghệ thuật nên không thể thiếu vắng các giá trị Chân – Thiện – Mỹ vốn được xem là các giá trị bản chất của văn học.

Còn bộ tiêu chí đánh giá tác phẩm có lẽ cần được xây dựng dựa trên các đặc thù văn chương, - một hình thái ý thức xã hội đặc biệt. Theo đó phải chăng tiêu chuẩn giá trị đích thực của một tác phẩm nghệ thuật là vẻ đẹp hài hòa giữa các yếu tố nội dung và hình thức; sự hòa quyện giữa phẩm chất tư tưởng và phẩm chất nghệ thuật; sự gắn kết giữa tính dân tộc và tính nhân loại; sự giàu có về hàm lượng văn hóa ẩn chứa trong tác phẩm; sự phong phú, đa dạng về ngôn từ...

4. Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, chất lượng các giải thưởng văn học, tạo ra sức hấp dẫn và các yếu tố kích thích, mời gọi phê bình. Thời nào cũng vậy, những tài năng lớn, những tác phẩm lớn, những hiện tượng độc đáo, mới lạ luôn luôn thu hút phê bình. Đó là điểm gặp gỡ để phê bình đồng hành với sáng tác.

5. Cần có thái độ rõ ràng đối với những biểu hiện vụ lợi, phi văn chương, thói háo danh và tệ a dua trong hoạt động phê bình. Sớm phát hiện và ngăn chặn các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào phê bình. Giảm thiểu và đi tới loại trừ động cơ cá nhân, thiếu tính xây dựng trong đời sống phê bình văn học hiện nay. Đề cao đạo lý phê bình, văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người làm phê bình trước công chúng và trước lịch sử văn học. Không khí tranh luận cần được khơi lại theo hướng phát huy và tôn trọng dân chủ trong tranh luận để tất cả đều được bình đẳng, đề cao ý thức cầu thị trước chân lý văn chương.

6. Cần sự quan tâm đầy đủ hơn đến phương tiện vật chất trong phạm vi có thể để những người gắn bó với phê bình, yên tâm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp văn học. Cần có chế độ khuyến khích bằng nhuận bút để lao động phê bình được đánh giá đúng. Đó là một trong những giải pháp thiết thực, kích thích phê bình hiện nay phát triển.

7. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước với các Hội chuyên ngành các cấp; sự liên kết mật thiết giữa cơ quan chủ quản văn học, nghệ thuật với các cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp thông tin, thẩm định tác giả, tác phẩm. Trong mối quan hệ này, chúng ta mong muốn các cơ quan thông tin, truyền thông, nhất là các cơ quan báo, đài chủ lực cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, quảng bá, định hướng dư luận xã hội đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt tốt; đồng thời tham gia tích cực việc uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện sai trái trong văn học, nghệ thuật, đặc biệt trong hoạt động phê bình văn học.” (trích Báo cáo Tổng kết Hội thảo)

T.K thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét