Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tăng lương: Ít có khả năng tăng giá!

TS Phong cho rằng "lương phụ thuộc chính vào năng suất lao động và sức trả của doanh nghiệp, khả năng cân đối ngân sách", từ đó cho rằng với NSLĐ hiện nay của công chức thì lương như vậy là quá cao. Ngoài ra, cần cho thôi việc 100% số cán bộ công chức hiện nay vì đều thuộc dạng không biết làm gì.
Vậy tại sao TS không đặt vấn đề ngược lại: 1) NSLĐ có phụ thuộc chính vào tiền lương không ? Nếu đảm bảo lương cho công chức đủ sống như ở các nước tư bản phát triển đang làm thì NSLĐ của công chức ta có tăng vọt không ? Xin mở ngoặc thêm là ngân sách nhà nước hoàn toàn có thể lo được điều này nếu cắt giảm hết các khoản chi tiêu vô bổ, nhất là chi đầu tư và chi nuôi các DNNN. 2) Cán bộ  công chức không biết làm gì hay lãnh đạo không biết tạo việc làm cho họ và bản thân thì lười biếng, tham nhũng, thiếu trách nhiệm và là tấm gương xấu để cấp dưới học theo ?
Còn chuyện do mặt bằng giá đã quá cao và dân đã nghèo quá rồi nên lần này tăng lương sẽ không sợ tăng giá... thì chờ đến cuối năm sẽ rõ. Kinh nghiệm hàng chục lần điều chỉnh lương trong 2 thập kỷ qua cho thấy dù mặt bằng giá lúc nào chả cao, dân lúc nào chả nghèo (30 năm qua tiền lương tháng lúc nào cũng chỉ đủ sống trong 10 ngày), song tăng lương vẫn kéo theo tăng giá, buộc chính phủ lại phải điều chỉnh lương tiếp chỉ sau 1-2 năm kèm theo việc phải mở rộng tiền tệ, và cứ thế vòng xoáy lương - tiền - giá lại tiếp tục...
 

Tăng lương: Ít có khả năng tăng giá!

 
17/04/2012. (Kienthuc.net.vn) - Nói về việc từ 1/5 tới đây sẽ tăng lương tối thiểu lên hơn triệu đồng/người/tháng, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, với sức lao động của công chức hiện nay thì lương vậy là quá cao. Lực lượng cán bộ công chức hiện nay có tới 1/3 cán bộ có thể đuổi việc, 1/3 phải cầm tay chỉ việc, còn lại 1/3 cầm tay xong chẳng biết làm gì.

Tăng thế là tạm được so với kỳ vọng

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/4, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2012 là 1.050.000đ/tháng, tăng 220.000đ/tháng so với mức lương 830.000đ/tháng hiện đang áp dụng. Mức lương này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức  do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Theo ông mức tăng lương từ 1/5 như vậy đã hợp lý chưa?
Lương tăng phụ thuộc vào năng suất lao động và thu nhập quốc dân. Cả hai thứ đó đều không cao. Về nguyên tắc thì lương phụ thuộc chính vào năng suất lao động và sức trả của doanh nghiệp, khả năng cân đối ngân sách. Vì vậy, mức tăng đó dù chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng cũng có thể coi là tạm được so với kỳ vọng.

Ý ông là dựa trên nhu cầu thì chưa, nhưng dựa trên năng suất lao động và khả năng cân đối chi trả thì mức tăng đó là hợp lý rồi?

Tôi cho là vậy. Nhìn vào thực trạng hiện nay sẽ thấy số người thất nghiệp đang rất lớn. Họ sẵn sàng thay thế vị trí đó.

Số người thất nghiệp rất lớn?

Đúng thế. Cái này ai cũng biết mà.

Có thể đuổi việc 1/3 công chức

Có ý kiến cho rằng so với hiệu quả làm việc thì lương công chức hiện nay là cao, quan điểm của ông thế nào?

Tôi cũng nghĩ thế. Vợ tôi làm thư viện, lương 4 triệu đồng/tháng mà mỗi ngày chỉ làm có 2 tiếng, mỗi tuần chỉ đến 2 - 3 buổi cũng được. Mức lương đó rõ ràng là cao. Nếu tính tổng lương tháng trong so sánh chung thì có vẻ thấp. Tôi nghĩ với các công chức khác cũng như vậy. Đặc biệt là có một bộ phận làm việc thì lớt phớt mà trình độ thì có hạn.

Nói vậy có quy chụp quá không?

Không đâu, thực tế đấy. Trong giới công chức bây giờ thì 1/3 cán bộ có thể đuổi việc được, 1/3 phải cầm tay chỉ việc, còn lại 1/3 cầm tay xong chẳng biết làm gì (cười). Đó là báo cáo của Bộ Nội vụ đấy.

Vậy thì việc tăng lương thời điểm này rõ ràng là tín hiệu đáng mừng?

Đúng, nó là hài hòa trong bối cảnh hiện nay. Cá nhân tôi cũng nằm trong diện điều chỉnh, tôi thấy hài lòng.
 
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

Rất lâu nữa mới có đợt tăng mới

Ở phía doanh nghiệp thì tăng lương sẽ tác động thế nào?

Nó sẽ ảnh hưởng đến 2 cái. Một là phải trả lương nhiều hơn cho công nhân, hai là phải đóng bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn cho công nhân. Giá nhân công trở nên đắt đỏ hơn thì sức cạnh tranh của thị trường lao động sẽ kém đi, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư sẽ kém đi.

Liệu nó có làm cho tỷ lệ thất nghiệp cao hơn?

Đó cũng là một hệ quả phải tính. Khi họ phải trả lương nhiều hơn thì họ phải tìm cách đuổi bớt một số nhân lực không cần thiết.

Bất cứ chính sách gì cũng có 2 mặt. Thông thường thì cơ quan Nhà nước sẽ lấy cái tích cực trừ đi tiêu cực, khi tích cực lớn hơn tiêu cực thì lựa chọn. Vì thế, nhìn vào một chính sách phải có cái nhìn hai chiều. Đó là một tư duy tổng thể khi nhìn vào bất kỳ một chính sách nào. Hơn nữa, sau thời điểm tăng lương này, tôi nghĩ sẽ phải rất lâu nữa mới có một đợt tăng mới.

Xét trên góc độ thu hút lao động, việc tăng lương lần này có khiến lực hút ở các cơ quan Nhà nước cao hơn không?

Những năm qua có hiện tượng bỏ nhiệm sở ra ngoài do mức lương trong Nhà nước không hấp dẫn. Việc tăng lương sẽ phần nào giữ chân được người tài muốn gắn bó với nhà nước. Nhưng dù mức lương có tăng như hiện nay hoặc tăng hơn nữa thì cũng không giữ chân và thu hút được những người thực sự muốn làm giàu.

Có phải ý ông là muốn giàu đừng vào cơ quan nhà nước?

Đương nhiên rồi. Khi nhu cầu của họ lên đến hàng tỷ thì việc tăng lương mấy chục phần trăm cũng đâu đáng kể gì.

Đã qua thời "tát nước theo mưa"

Theo ông, việc tăng lương sắp tới tác động thế nào đến bức tranh kinh tế?

Theo thông lệ, tăng lương bao giờ cũng gây ra hiệu ứng 2 chiều. Một là đáp ứng được nhu cầu của người dân do mức sống đòi hỏi cao hơn, đặc biệt là trong khi lạm phát tăng quá nhanh. Vì thế, tăng lương giúp tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của tăng lương nằm ở 2 điểm. Thứ nhất là làm tăng chi ngân sách của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Thứ hai là trong bối cảnh khá nhạy cảm của việc tăng giá, nó làm tăng áp lực của lạm phát do tâm lý "tát nước theo mưa", tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp khiến cho chi phí sản xuất của doanh nghiêp tăng lên làm tăng giá sản phẩm.

Vậy lần tăng lương này có nằm ngoài quy luật đó không?

Lần này hiệu ứng tăng giá không lớn. Điều này là rất mới. Những lần tăng lương trước thì do bối cảnh rất nhạy cảm, giá cả cứ tăng từ từ, mức tăng lương không đuổi kịp tăng giá. Nhưng lần này, đặc biệt cuối năm 2011 đã có một đợt tăng giá rất lớn, nên tăng lương như vậy vẫn chưa đủ để bù lại tăng giá sẵn có. Người dân không vì tăng lương mà sẵn sàng chi tiêu mạnh nữa.

Vì sao vậy?

Vì mức tăng lương hiện nay là 10%, trong khi lạm phát lên đến 20%. Thế nên bù trừ lại không đáng bao nhiêu. Thứ nữa, danh nghĩa là tăng lương 10% nhưng giá đã tăng gấp 2 - 3 lần, nên việc bù lại của tăng lương đối với giá cả không lớn. Hơn nữa, đang có một tâm lý chung là thu hẹp chi tiêu. Chính vì thế, việc tăng lương làm tăng nhu cầu thanh toán dẫn đến tăng lạm phát là không có.

Như vậy thì người dân không phải lo về một đợt tăng giá mới?

Đương nhiên. Nhưng đó là về mặt logic. Còn những người buôn bán ngoài chợ thì vẫn có tâm lý ăn theo tăng lương. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì họ cũng không có được nhiều đất trống như trước để mà cứ vống lên. Vì vậy, cái xu thế "tát nước theo mưa" sẽ không nhiều.

Cái khoảng "đất trống" đó cụ thể là gì thưa ông?

Trước đây giá thấp thì người ta tăng vọt lên theo đà tăng lương, nhưng hiện giá thì quá cao rồi mà lương thì quá thấp. Thế cho nên các bà bán hàng không có nhiều cơ hội để ép giá nữa.

Xin cảm ơn ông!
"Người tiêu dùng có thể không phải lo lắng về xu hướng thiết lập một mặt bằng giá mới. Thậm chí hiện nay đang có xu hướng giảm giá rất nhiều mặt hàng do sức mua kém đi. Hàng hóa của chúng ta đang có xu hướng khủng hoảng thừa. Hàng tồn kho, sản xuất đình đốn, nên khả năng tăng giá là không cao. Các mặt hàng quan trọng nhất cũng đang xuống giá. Du vậy thì Nhà nước vẫn phải tăng cường kiểm soát các mặt hàng thiết yếu để tránh tình trạng tăng giá, giảm bớt hệ quả, mặt trái của nó".
TS Nguyễn Minh Phong
Tô Hội (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét