Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Thương cho chị Yến: 'Tôi chấp nhận việc bãi nhiệm'

Chuyện chị Yến, báo chí, dư luận xúm lại phê phán quá nhiều, tôi không đồng tình nhưng cũng cho là chuyện bình thường ở nước ta nên không lưu lại tin này. Hôm nay đọc bài chị Yến trả lời tại cuộc họp báo, thấy thương cho chị. Đúng là trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Chuyện khai lý lịch ở VN rất đơn giản và cũng rất phức tạp. Đơn giản vì tờ khai cực kỳ... đơn giản, thậm chí diện tích ô để điền trong các trang cũng rất bé, nội dung cần khai cũng không được hướng dẫn rõ, người khai đọc yêu cầu rồi hiểu thế nào thì khai thế đó, có thể hôm nay hiểu thế này, mai lại hiểu thế khác nên cùng ô đó nhưng sang năm bảo khai lại thì người khai lại viết khác đi. Diện tích ô viết bé nên cần viết rất tóm tắt. Đặc biệt lý lịch khai xong, nộp tổ chức nhưng chẳng mấy khi tổ chức đọc và đề nghị sửa chữa, bổ sung; do đó người khai cũng chẳng đầu tư nhiều thời gian cho chuyện này. Hàng năm tổ chức đều yêu cầu cán bộ khai bổ sung hồ sơ lý lịch, may mà có bản photo nên thường lục ra chép lại cho khớp nhau. Điểm khôi hài nhất là mục khai thu nhập hàng năm của gia đình; ở nước ta có ai sống bằng lương đâu (đố ai nhớ được lương tháng của mình chính xác là bao nhiêu ?), làm lung tung, thu nhập từ nhiều nguồn, giá cả thì biến động, bản thân thu nhập hàng năm của mình mình còn chẳng thống kê nổi (có hóa đơn chứng từ gì đâu để thống kê) chứ nói chi đến của các thành viên khác trong gia đình. Do đó cứ áng chừng rồi viết bừa một con số nào đó cho nhanh (để còn thời gian đi kiếm sống chứ). 
Còn khai lý lịch phức tạp vì nó liên quan đến tổ tông ba đời cách đây cả trăm năm, cả họ nội lẫn họ ngoại, cả nhà mình lẫn nhà vợ...; nhiều chuyện đến bố mẹ mình cũng chẳng nhớ, chẳng biết chứ nói gì tới mình. Nhiều chuyện của bố mẹ vừa xảy ra họ không nói mình cũng đâu có biết mà khai. Còn anh em ruột nhà mình, nhà vợ thay đổi hàng năm thế nào, đố ai mà biết được. Mà khai cái này mới quan trọng để có cớ phê phán nhau là thiếu trung thực về chính trị. 
Bản thân tôi hồi khai lý lịch vào Đảng (tất nhiên là Đảng CSVN), vẫn đinh ninh bố là Đảng viên năm chục năm tuổi đảng nên cứ thế mà khai. Đùng một cái tổ chức thông báo mình khai man vì bố đã ra khỏi Đảng khoảng 5 năm trước (nói thật giờ tôi cũng quên cụ ra khỏi đảng năm nào). Về nhà hỏi lại mới biết. Bố bảo ốm đau xin nghỉ sinh hoạt chi bộ họ cũng không cho nên đành xin ra khỏi Đảng; tổ chức có đến vận động rút đơn mấy lần; cụ đồng ý nếu được nghỉ sinh hoạt chi bộ, vẫn đóng đảng phí; tổ chức không nghe; thế là cụ không rút đơn và cũng không đi dự sinh hoạt chi bộ nữa. Sau mấy năm tổ chức chán, đành ra quyết định cho cụ thôi đảng, nhưng chỉ là để lưu hồ sơ chứ cũng chẳng gửi cho cụ biết. Cụ cũng chẳng biết mình có quyết định thôi đảng và cũng chẳng biết mình có còn là đảng viên hay không dù cháu cụ là tổ trưởng đảng và nhà ông tổ trưởng đảng nằm ngay cạnh nhà tôi (trước nhà tôi cho bố mẹ ông ấy ở nhờ, sau không đuổi đi được, đành cắt đất của nhà cho họ để lấy lại gian đã cho ở nhờ), chỉ tôi làm việc với đảng ủy phường họ nói chuyện mới biết, và bố con tôi đến giờ cũng chưa ai nhìn thấy tờ quyết định thôi đảng của cụ hình dáng nó thế nào. 
Nếu kể chuyện khai lý lịch thì còn vô khối. Tôi tin rằng hầu như mọi bản khai lý lịch của dân ta đều có vấn đề nếu đem ra mổ xẻ, truy vấn nhằm hạ bệ nhau. Trường hợp chị Yến chỉ là một ví dụ nóng hổi. Trong lịch sử nước ta ta ngày độc lập 2.9.1945 đến nay, khối người, nhất là khối cụ lão thành, đã khổ sở chỉ vì khai lý lịch không rõ ràng (do cách hành văn thiếu chính xác) hay không nhớ thời điểm nào đó trong đời mình đã xảy ra chuyện gì để khai... Hoặc đơn giản là ô để khai quá bé nên cân nhắc chỉ khai vài việc điển hình (theo cách nghĩ của mình) mà bỏ những việc quan trọng khác (theo cách nghĩ của tổ chức).
Trở lại chuyện chị Yến, tôi cứ băn khoăn mãi. Mỗi người có 1 mục tiêu riêng, chị theo đường kinh doanh để làm giàu. Nay đã giầu sang, thành đạt trong sự nghiệp kinh doanh của mình rồi thì chuyển sang làm chính trị làm gì cho khổ. Ở nước ta, mục đích của làm chính trị là để làm giầu chứ oai thì cũng cần song đâu có quan trọng lắm, trong khi chị đã giầu rồi thì cứ thế mà sống cho thoải mái. Cũng giống như nhiều người cứ thích phải có bằng tiến sĩ, học hàm giáo sư, giải thưởng này nọ, rồi vất vả chạy vạy để đến lúc chết có khi cũng chẳng được, như trường hợp đã xảy ra với một anh PGS TSKH rất thân với tôi. Bản thân tôi, mục tiêu cao nhất là nắm vững kiến thức chuyên môn, do đó cần ra nước ngoài học. Để được ra nước ngoài học nhiều năm thì phải lấy lý do đi làm tiến sĩ chứ bản thân cái bằng TS đâu có quan trọng so với những kiến thức học được. Nếu để có cái bằng thì ở VN ngay từ những năm 80 kiếm đâu chả được.
Đau lòng nhất là cách nhiều trang báo mô tả chị Yến không ngăn nổi cảm xúc khi họp báo làm người đọc nhầm lẫn coi chị tiếc rẻ cái danh ĐBQH (cũng có thể chị tiếc vì muốn là ĐBQH để làm được nhiều việc có ích hơn cho đất nước, nhưng đó không phải là nguồn gốc của cảm xúc lúc này). Lúc này chị Yến xúc động vì thương cha. Cha già, bị tai biến, mỗi lần nhắc đến cha ai mà chả xúc động. Cha tôi cũng ở trường hợp y hệt cha chị Yến nên tôi hiểu. Chỉ có đám nhà báo trẻ ranh, ham danh vọng, thiếu tình người hay nghe xúi giục thì mới mô tả chị Yến như vậy.
Thương, đồng cảm với chị Yến, nhưng cũng mừng cho chị thôi không được làm ĐBQH.

Đại biểu QH Hoàng Yến: 
'Tôi chấp nhận việc bãi nhiệm'

Không ngăn nổi cảm xúc khi đối thoại với báo chí sáng 21/4, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, đã gửi đơn tới Quốc hội xin chấp nhận việc bãi nhiệm.
Bà Hoàng Yến 'tự thấy không còn là đảng viên'/ Đoàn chủ tịch MTTQ kiến nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Yến
Trong trang phục áo hoa xanh nhạt với khăn quàng cổ cùng tông, bà Đặng Thị Hoàng Yến dành hơn 2 tiếng để đối thoại với chừng 20 nhà báo tại Khu công nghiệp Tân Đức - Long An, nơi bà làm Chủ tịch HĐQT, xung quanh việc tư cách đại biểu Quốc hội của bà đang bị xem xét.
- Bà nghĩ sao khi 100% đại biểu đều đồng thuận kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà, trong khi bà khẳng định mình đã "rất trung thực"?
- Tôi hiểu, mong muốn của cử tri được biết về những đại biểu mà họ đã bầu là hoàn toàn chính đáng. Nhưng chuyện của tôi là tai nạn hoàn toàn không mong muốn.
Theo tôi, Ban tổ chức đã không làm tốt việc hướng dẫn kê khai lý lịch. Khi tôi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, nhận hồ sơ từ Sở Nội vụ, không ai hướng dẫn cần phải khai như thế nào. Tôi hiểu rằng các biểu mẫu khai lý lịch là do Hội đồng bầu cử trung ương quy định, thống nhất phát hành cả nước, nhưng các thông tin hướng dẫn không đầy đủ.
Tôi tự khai hồ sơ. Ngày 14/3 tôi nộp hồ sơ ở Sở Nội vụ, Sở yêu cầu bổ sung một số nội dung. Ngày 18/3 hạn cuối nộp hồ sơ, tôi nộp lại và Sở nhận mà không yêu cầu khai tên chồng ly hôn.
Tôi tin trong số các đại biểu Quốc hội hiện nay cũng có những trường hợp tương tự tôi, hầu như không ai khai ly hôn cả.


"Việc phải xem xét bãi nhiệm tư cách của tôi là đúng, nhưng sẽ có người không tâm phục khẩu phục". Ảnh: Hữu Công.

- Bà cho rằng lỗi ở đây là do Ban bầu cử không hướng dẫn kê khai?
- Nếu nói là lỗi của Ban bầu cử thì cũng không đúng. Mọi người đã thực hiện theo trách nhiệm của mình, chỉ là không có ai nghĩ sẽ xảy ra việc như hôm nay. Nếu tôi nghĩ có ngày như hôm nay thì tôi đã làm khác, đã khai đầy đủ thông tin về chồng hay đã được kết nạp Đảng nhiều năm trước.
Về những thiếu sót trong các biểu mẫu khai của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ Hội đồng bầu cử khóa sau sẽ bổ sung chặt chẽ và hoàn thiện hơn để không ai vướng vào trường hợp giống tôi. 

*Clip: Bà Hoàng Yến xúc động khi nhắc đến cha
- Bà nghĩ thế nào về khả năng sẽ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu?
- Thông tin một chiều gần một năm qua khiến nhiều cử tri khắp cả nước hiểu không đúng sự việc. Cá nhân tôi thấy tiếc là vì tôi mà nhiều cơ quan, đồng chí, cử tri bị chất vấn.
Việc phải xem xét bãi nhiệm tư cách của tôi là đúng, nhưng sẽ có người không tâm phục khẩu phục trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay. Tôi là một trong 3 thành viên được Chính phủ cử tham gia Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, do đó việc bãi miễn càng phải làm cho rõ.
Tôi cũng đã viết đơn trình bày, sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, nhưng yêu cầu làm rõ 3 vấn đề.
Thứ nhất: Việc khai theo biểu mẫu không đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri khác xa với việc khai không trung thực;
Thứ hai: Đề nghị làm rõ nhiều đại biểu khác trong tình trạng hôn nhân như tôi có ai khai trong hồ sơ không;
Thứ ba: Từ tháng 11/2011 tôi đã có văn bản gửi Ban công tác đại biểu Quốc hội, phản ánh bản lý lịch của tôi đã bị sửa đổi, tẩy xóa viết thêm bằng tay. Tôi đã yêu cầu làm rõ nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.
Tôi đang chờ kết luận của Ban công tác đại biểu Quốc hội.
- Bản lý lịch của bà đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung nào?
- Bản lý lịch đã bị sửa đổi ở phần khai hôn nhân. Tôi khai không có chồng; không hiểu lý do vì sao bị cạo sửa và thay vào bằng thông tin người chồng đã mất. Việc khai tên người chồng đã mất của tôi thì không có gì sai bởi dù sao anh ấy cũng là chồng tôi và là cha của 2 con tôi. Nhưng vấn đề là tại sao người ta tẩy xóa rồi buộc tội tôi làm hồ sơ lem nhem?
Võ đoán là không nên, tôi kiến nghị làm rõ.
- Từ nay đến thời điểm Quốc hội họp, bà sẽ chọn lựa cách ứng xử nào với cử trí bầu ra bà?
- Chắc chắc tôi vẫn tiếp xúc với cử tri, nếu tôi không gặp gỡ là có lỗi với cử tri dù có bị bãi nhiệm. Tôi không phải là kẻ hèn nhát. Tôi đủ dũng khí để đối mặt với mọi việc. Theo tôi, cuộc đời con người quan trọng không chỉ riêng việc nghĩ cho cá nhân mà còn phải lo cho gia đình, người thân. Việc của tôi, tôi phải giấu ba tôi nhưng cuối cùng ông cũng biết. Hôm qua ba tôi (83 tuổi), đang bị tai biến mạch máu não, lẩy bẩy đi ra khuyên tôi đừng buồn (bà Yến dừng lời, rút khăn lau nước mắt).
Bà Yến
Nữ đại biểu Quốc hội kiềm chế xúc động khi nói về người cha 83 tuổi của mình. Ảnh: Hữu Công.

- Trở thành đại biểu Quốc hội hơn một năm nay, nghiệm lại bà đã thực hiện được những gì cho cử tri?
- Nhiều người hỏi, sao tôi hay phát biểu ở nghị trường. Tôi nói nếu vào Quốc hội mà hèn nhát, không dám nói thì tôi xin ra.
Ngay từ kỳ họp thứ nhất, tôi phát biểu phân tích tỷ lệ thu thuế Việt Nam chiếm 27-28% GDP cả nước, cao nhất Châu Á. Sau đấy Chính phủ ra nghị quyết 2012 thu thuế kéo xuống 22-23% GDP. Kỳ họp thứ hai tôi phát biểu cảnh báo hơn 3.000 hồ thủy lợi như quả bom nguyên tử, vỡ thì ảnh hưởng lớn đến dân. Hiện nay, Thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt là một ví dụ cho cảnh báo này. Mới đây, tôi cũng đã đề cập đến loại tội phạm mới liên quan đến ngân hàng, lợi dụng chính sách thôn tính doanh nghiệp.
- Bà nói gì về khả năng từ nhiệm trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà?
- Tôi đã làm đơn gửi Quốc hội và nói rõ tôi sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, Quốc hội. Tôi lấy làm tiếc là các đại biểu, tổ chức đã tốn nhiều thời gian cho tôi trong khi đất nước còn nhiều vấn đề khác cần lo hơn.
Tôi xin chấp nhận việc bãi nhiệm.
Phan Anh - Hữu Công

----------------------
Không biết trong bài dưới đây anh Nguyễn Hữu Vinh có khai trong tờ khai chuyện không sinh hoạt Đảng không ? (tờ khai chưa chắc đã có ô để viết chuyện này ?) hay anh chỉ thông báo tại buổi hiệp thương vòng đầu ?

Góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng X
Đảng viên hay Ông chủ?
(Thư ngỏ của một doanh nhân – cựu đảng viên cộng sản
- gửi GS Nguyễn Đức Bình)

TT – Tôi đã xúc động khi đọc bài của GS Nguyễn Đức Bình trên báo Nhân Dân và Tuổi Trẻ. Đó là một bài báo rất thẳng thắn, mạnh dạn nêu những vấn đề hết sức nhạy cảm từ một cựu lãnh đạo tư tưởng cao cấp của Đảng Cộng sản VN, đồng thời như một trong những cây bút lý luận của Đảng. Riêng việc ông không đồng ý để đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân đã lôi tôi vào cuộc, muốn được tâm sự về cảnh ngộ của mình.
Vui với những điều mình làm được
Cách đây hơn sáu năm, tôi quyết định rời cơ quan nhà nước ra mở công ty tư nhân. Quyết định đó xuất phát từ cảm giác bức bối muốn được sống có ích, làm những gì mình hằng ấp ủ, được kiếm những đồng tiền thật sự sạch. Trong khi trước đó tôi luôn cho rằng mình hoàn toàn không hợp với nghề kinh doanh, nhưng cái cảm giác như một cầu thủ còn sung sức mà bao năm cứ phải đá “cuội” đã giúp tôi chiến thắng nỗi lo sợ sắp phải đối mặt với thương trường.
Suốt nhiều tháng chuẩn bị, rồi từ sau khi ra kinh doanh đến giờ, tôi đã sống như trong một cuộc đời khác, mà cho đến hôm nay vẫn thấy như mơ. Hằng đêm đi ngủ với cuốn sổ và cây bút bên mình, có khi tỉnh giấc, nghĩ một ý hay là tôi choàng dậy viết liền. Đi chơi cũng vậy, mỗi khi bạn bè góp ý hay nghi ngại, tôi cũng cố viết ra để về suy nghĩ.
Không phải chỉ vì tôi đã bỏ những đồng tiền cuối cùng chắt bóp được vào “canh bạc” này, mà chủ yếu là được cảm giác hoàn toàn thật, rằng mình chính là mình, không còn nói dựa ăn theo, không còn xoay xở tìm cách kiếm sống bằng những đồng tiền sao cho đỡ bẩn nhất…
Những nụ cười, lời khen ngợi của khách hàng, bạn bè như nguồn động viên vô giá mỗi khi gặp khó khăn. Nhưng ngược lại là một cảm giác cô đơn như một kẻ lạc loài. Nó còn khủng khiếp hơn vì tôi chưa hề dự liệu. Đó là tôi vốn được sinh ra trong một gia đình, dòng họ nội ngoại cứ như là làm “nghề” cán bộ – đảng viên “gia truyền”; quanh tôi, bạn bè, người thân đều là “người nhà nước”, là đảng viên.
Sáng chiều họ đi về với cơ quan, còn tôi chỉ quanh quẩn trong căn nhà cũng là trụ sở công ty. Mỗi khi gặp gỡ, người quen hay bạn mới thường hỏi những câu muôn thuở: “đồng chí công tác ở đâu, cơ quan nào?”. Tôi, khi cay nghiệt, lúc lại tự hào, mà nhẹ nhàng: “Tôi chỉ tư tác thôi”, còn trong bụng thầm nghĩ: “Tôi không còn là đồng chí của đồng chí nữa mất rồi”. Đôi khi vui, bạn bè tán thưởng: “Khi nào tao về hưu thì cho một chân nhé”. Thật chua xót! Họ nghĩ thương trường là chốn của những kẻ cùng đường hay sao?
Cùng với quyết định nghỉ công tác, tôi nhận giấy chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương. Nhưng tôi đã không sinh hoạt Đảng từ đó đến nay (nên đương nhiên, dù chưa có thủ tục gì, giờ này tôi không còn là đảng viên nữa). Lý do chính: là một đảng viên, tôi không thể đồng thời là ông chủ, “bóc lột” sức lao động của công nhân, theo như lý luận của học thuyết Marx-Lenin, và đương nhiên đi ngược với lý tưởng của Đảng. Thậm chí tôi khác nào kẻ “nằm vùng” trong Đảng!
Tôi vững tâm hơn khi được sự ủng hộ của cha tôi, một lão thành cách mạng – cựu ủy viên BCH T.Ư đảng. Nói chính xác hơn thì ông rất ủng hộ việc tôi ra kinh doanh, nhưng không có ý kiến gì khi không thấy tôi về sinh hoạt cùng chi bộ hưu trí với ông. Một người chú trong họ – lúc đó là ủy viên BCT – có vẻ thận trọng hơn, ông im lặng trong một thời gian dài và rồi cuối cùng cũng vui vẻ thăm hỏi tôi “chuyện làm ăn” mỗi khi gặp mặt.
Mặc dù luôn bị mang cái “mác” bóc lột, nhưng tôi tự hào là vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, nhưng cũng vừa bằng con đường nào đó luôn tìm đến lý tưởng công bằng xã hội mà chủ nghĩa Marx nhắm đến với nhiều cách, trong đó có việc dần dần để tất cả nhân viên cùng tham gia cổ phần của công ty. Nghĩa là họ sẽ cùng tôi được tự bóc lột chính sức lao động của mình. Chúng tôi vừa là chủ, vừa là tớ.
Tôi chợt muốn khóc…
Năm 2002 tôi quyết định tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Nghe tôi thưa chuyện, cha tôi hết sức ủng hộ. Bên giường bệnh, ông còn mời một vị đứng đầu trong MTTQTƯ đến hỏi ý kiến, rồi rất vui khi biết rằng từ nhiệm kỳ này khuyến khích hơn việc doanh nhân và cá nhân tự ứng cử.
Thế nhưng, ngay trong buổi hiệp thương vòng đầu, khi lý giải việc không tham gia sinh hoạt Đảng như nói ở trên, tôi đã bị nhiều ý kiến phản ứng dữ dội. Đơn giản là mọi người không chấp nhận cái kiểu “lý sự cùn” đó của tôi, mà theo họ như vậy thực chất tôi là một đảng viên mất phẩm chất, bỏ Đảng.
Cho đến hôm nay tôi vẫn không sao quên được cảm giác lúc đó. Đầu óc quay cuồng, mồ hôi ra như tắm. Tôi như bị lăng nhục, tựa một buổi đấu tố. Trước mặt tôi là những đảng viên trung kiên, họ nhìn tôi như kẻ lạc loài, một “con chiên ghẻ”. Tôi đã thất bại ê chề, và nhớ lại lời khuyên của người bạn có trách nhiệm trong việc tổ chức bầu cử: “Cậu đừng khai là đảng viên, khai là hỏng. Tay X cũng ra kinh doanh, vào từ khóa trước, là đảng viên mà nó lờ đi có khai đâu”. Tôi không nghe theo, nếu được làm lại từ đầu tôi cũng sẽ vẫn hành động như vậy. Bởi vì một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một con người, một đại biểu của dân, một đảng viên là trung thực.
Sẽ có rất nhiều điều phải bàn quanh ý kiến “có cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân hay không”. Không thể đơn giản bằng một từ “không” hay “có” ở đây nếu như không đặt lại rất nhiều luận điểm quan trọng trong học thuyết Marx.
Nếu muốn, tôi có nên xin quay lại Đảng nữa không? Nếu quay lại thì tôi phải từ bỏ vị trí ông chủ, xin làm công nhân, nhân viên hay sao ? Có sự lựa chọn nào đau đớn hơn thế không ? Sẽ nảy sinh một luận đề mới: đảng viên và ông chủ ở hai đầu chiến tuyến. Vậy mà chúng tôi đang ngày càng được tôn vinh, có được ngày kỷ niệm cho mình, những doanh nhân làm giàu cho đất nước. Cũng là một nghịch lý phải không?
Còn một điều tôi muốn tâm sự thêm là cảnh ngộ của người dân thường yếu ớt hoàn toàn không có chỗ dựa chính trị, một khi làm ăn, kiếm sống sẽ phải khốn khổ đến đâu. Bởi vì chỉ nhìn vào bản thân mình, nào “con dòng cháu giống”, rồi được tôi luyện dạn dày qua những cơ quan quan trọng, mặc dù không dựa “ô dù cha chú” nhưng cũng có chút gì bóng vía để kẻ khác e dè.
Tôi cũng có những kinh nghiệm ứng xử với cán bộ đảng viên, có cả “lý luận chính trị” để tranh đấu, ấy vậy mà tôi cũng đã phải rất vất vả “chiến đấu” trên thương trường. Không phải tôi chiến đấu với đối thủ cạnh tranh, mà là với những điều phi lý từ chính sách, pháp luật và những người thực hiện.
Nhưng nỗi gian lao của tôi so với những người dân thấp cổ bé họng thật chẳng đáng gì (kể khổ ở đây mà phát ngượng). Trên thương trường, tôi chỉ là lính mới, họ mới thật sự là lính xung kích, là “đầu rơi máu chảy”. Họ chỉ mong tìm chỗ dựa, chí ít là của kẻ cùng cảnh ngộ. Đó có thể sẽ là những nhà tư sản có chân trong Đảng hay không?
Ngày vào Đảng, tôi đã không khỏi nghẹn ngào. Khi cất tờ giấy chuyển sinh hoạt Đảng vào tủ, mắt tôi ráo hoảnh. Nhưng hôm nay, góp ý cho Đảng sao tôi chợt muốn khóc… Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi những bậc cha chú, những người đã, đang là “đội quân tiên phong” dẫn lối đưa đường còn mải mê tranh cãi tìm con đường sao cho đến một ngày nào đó, cuộc sống của họ được bằng những nước tư bản phát triển.
Nguyễn Hữu Vinh
(giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét