Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

'Bão' thất nghiệp đang đe dọa nền kinh tế

'Bão' thất nghiệp đang đe dọa nền kinh tế

Theo thống kê mới nhất, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể từ đầu năm 2011 đến nay là 91.000. Dấu hiệu đình đốn sản xuất là một rủi ro lớn cho sự tăng trưởng kinh tế. Vậy số người đang làm việc tại các doanh nghiệp bị giải thể sẽ đi về đâu ?

Người thất nghiệp sẽ tăng nhanh nếu doanh nghiệp “chết”

Thất nghiệp đang là một vấn nạn mà xã hội đang phải đối mặt. Giai đoạn (2005-2010), Việt Nam mỗi năm có khoảng 5.000 doanh nghiệp tuyên bố giải thể, ngưng hoạt động. Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2011 đến nay, bình quân có tới hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp “chết” cao gấp 10 lần của những năm về trước. Những tác động từ thực trạng nêu trên đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Người lao động mất việc làm, doanh nghiệp nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước... Điều này có nghĩa, khi doanh nghiệp “chết” đi, lượng người thất nghiệp sẽ gia tăng theo quy luật cung cầu của nền kinh tế.
Các chuyên gia ngành xã hội học cho rằng, chỉ cần mỗi doanh nghiệp có từ 5 đến 10 lao động thì số người mất việc có thể lên dến nửa triệu người. Nếu thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp mức 3 triệu đồng/người/tháng thì số thu nhập mất đi của nửa triệu lao động sẽ là 1.500 tỷ đồng/tháng (tương đương mức 75 triệu USD).
Khi thất nghiệp xảy ra, của cải vật chất không những không tăng thêm mà càng ngày càng tiêu hao thêm nữa. Nói thế để thấy rằng, thiệt hại do “cơn bão” thất nghiệp rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD cho mỗi năm.

Bên cạnh đó, sinh viên ra trường đang đối mặt với những rủi ro về cơ hội tìm việc làm. Hàng năm chúng ta có hơn một triệu thí sinh thi tú tài, chỉ cần một nửa số này thi đậu vào đại học, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề thì số người còn lại (từ18 đến 20 tuổi) sẽ tham gia vào lực lượng lao động phổ thông gia tăng hàng năm.
Nếu nền kinh tế hấp thu tốt, lực lượng lao động này sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bằng không, lực lượng này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Các nhà xã hội học cho biết, tỉ lệ tội phạm các loại và các tệ nạn xã hội thường gia tăng nhanh chóng cùng với tỉ lệ thất nghiệp tại các quốc gia.
Thất nghiệp đang là một nỗi lo lớn gây nhiều hệ lụy và trở thành gánh nặng cho xã hội. Tác động của thất nghiệp vô cùng nguy hiểm cho an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. Lao động thất nghiệp sẽ tăng tỉ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động trong thời gian qua.

Câu chuyện xin trợ cấp thất nghiệp

Thời gian gần đây, dư luận đang nói nhiều đến việc đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Một lãnh đạo của Trung tâm giới thiệu việc làm tại TP HCM cho biết, số lao động đăng ký thất nghiệp từ sau Tết tăng mạnh. Bình quân mỗi ngày có khoảng 400 lượt người đến đăng ký, cao hơn với những tháng đầu năm 9.000 người.
Theo ông, từ giữa năm ngoái, lượng người nộp hồ sơ đã tăng mạnh, có lúc hơn 13.000 hồ sơ. Kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp ở các ngành nghề phải cơ cấu lại nhân sự quản lý và người lao động để tiết giảm chi phí.
Chính vì vậy, không chỉ người có thu nhập thấp mà cả những lao động có thu nhập cao từng làm việc trong các ngành “hot” trước đây như bất động sản, chứng khoán, xây dựng,...đã đến nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, đối tượng này xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm cách đây 3 năm.
Tại Hà Nội, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng với dự báo xấp xỉ 2.000 người trong tháng 4/2012. Riêng quý I/2012, lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục gia tăng đến 4.667 người.
Theo đánh giá của các nhà xã hội học, số người hưởng thất nghiệp tăng 2,8 lần so với năm ngoái, trong đó có tới 30% có trình độ đại học và cao đẳng.
Gần đây, người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Quảng Nam cũng tăng đột biến. Hầu hết, họ là lao động tại các Khu công nghiệp phía Nam. Những người xin trợ cấp thất nghiệp cho biết, do doanh nghiệp trả lương thấp, giá cả đắt đỏ, phải tăng ca liên tục và điều kiện làm việc kém nên công nhân phải trở lại quê nhà với hy vọng sẽ tìm được việc làm mới.
Tỷ lệ lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đầu năm tới nay chủ yếu là lao động làm việc ở các công ty TNHH (58,4%), công ty cổ phần (21,5%). Trong đó, có tới 70% là lao động phổ thông. Đến thời điểm này, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn dư 14.638 tỷ đồng trong khi cả năm 2011 quỹ chỉ trả hơn 1.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, Luật Bảo hiểm Xã hội và chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều kẽ hở khiến người lao động lách luật trục lợi. Theo thống kê của các cơ quan bảo hiểm, hiện cả nước có hơn 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Khó khăn nhất hiện nay là công tác kiểm tra, xác minh những lao động đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng lo ngại hơn là người lao động khi đã đóng bảo hiểm đủ thời gian quy định thì sẽ đua nhau “nhảy việc” để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Giải pháp nào để bình ổn cho thị trường lao động?

Đợt hạ lãi suất huy động 1% vừa qua có thật sự cứu doanh nghiệp? Câu trả lời sẽ là thời gian cùng với thiện chí hạ lãi suất đầu ra của các NHTM. Có một số ý kiến cho rằng, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra tại các NHTM còn quá lớn, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa “mặn mà” với nguồn vốn của nền kinh tế cho dù thời gian đến, lãi suất sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình.
Bài toán này thật nan giải nếu như Chính phủ không có những biện pháp “khẩn” để kích cầu tiêu dùng. Vì rằng, nếu sản xuất không có tiêu thụ thì doanh nghiệp vẫn không thể hoạt động được cho dù lãi suất xuống 0%. Đó chính là vấn đề cốt lõi để vực dậy nền kinh tế hiện nay.
Do vậy, phương án khả thi nhất là kích cầu tiêu dùng để cứu doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động và phát triển, người thất nghiệp sẽ giảm theo. Nền kinh tế sẽ khởi sắc khi tỉ lệ việc làm tăng dần, sức tiêu thụ hàng hóa phát triển kéo theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đó là chính điều Chính phủ mong muốn trong kế hoạch tái cấu trúc nền phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường lao động, các cấp quản lý thuộc bộ, ngành phải có những nghiên cứu, đánh giá mới nhất về thực trạng đời sống lao động và tình hình thất nghiệp. Số liệu đánh giá phải thực tế và chuyên sâu nhằm tìm ra đâu là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo kế hoạch cứu trợ nhanh chóng đến người lao động đang thất nghiệp. Một vấn đề cần được “mổ xẻ” hơn nữa là gắn trách nhiệm của người điều hành kinh tế với mục tiêu “tạo thêm số lượng công ăn việc làm mới” cho người dân. Chỉ tiêu đó cần phải được coi trọng và xem như một tiêu chí hàng đầu để thẩm định năng lực điều hành của các cấp quản lý.
Giải pháp quan trọng khác là bổ sung một nguồn ngân sách vào Quỹ giải quyết việc làm cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ cận nghèo, thanh niên lập nghiệp vay vốn…
Quỹ này phải quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng nhiều lao động vay vốn giải quyết việc làm tại địa phương đồng thời hỗ trợ lao động nghề tạo việc làm. Triển khai mạng lưới quy hoạch các trường dạy nghề, tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động vùng chuyển dịch đất nông nghiệp..
Một hướng đi tích cực khác là chúng ta phải giảm được số lượng người thất nghiệp bằng sự trợ giúp của chính sách an sinh xã hội quốc gia. Doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề.
Nhà nước nên xây dựng những chính sách về đào tạo, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, tiền lương, phúc lợi và khen thưởng để thu hút nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội.
Văn Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét