Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Vọng phu thời nay


Vọng phu thời nay


(HNM) - Dọc đường từ TP Nha Trang đi huyện Cam Ranh (Khánh Hòa) cơ man hoa giấy. Ở cái xứ đầy nắng gió này, hoa giấy màu rất thật, không lờ nhờ như nơi khác. 

Nhìn hoa, tôi chợt nghĩ đến các chị là vợ cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, với những cá tính mạnh mẽ, rõ ràng, chấp nhận thiệt thòi, vượt khó vươn lên… "Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về/Người tung hoành bên núi xa xăm/Người ngóng chồng còn đứng muôn năm" - Lời bài hát Hồn vọng phu của nhạc sỹ Lê Thương loang ra trên nền hoa sặc sỡ. Vọng phu xưa và nay đều thế.
 
Chị Nguyễn Thị Hằng (chồng là Phan Thanh Hải
công tác tại đảo Thuyền Chài) đang dạy con học.

Ở bán đảo Cam Ranh, muốn tìm "vọng phu" dễ lắm, đi mỏi chân cũng chưa gặp hết, người nọ chỉ tiếp đến người kia, chỗ khu tập thể quân nhân vùng 4 Hải quân rất nhiều chị có chồng đang công tác tại Trường Sa, dân địa phương thường gọi đấy là xóm vắng chồng. Trước khi thâm nhập thực tế, mấy anh cán bộ xã Cam Lâm thì thầm với tôi: Vào khu gia binh dù giữa ban ngày cũng ngại lắm. Sao ngại? Thì cậu vô sẽ biết, chứ để tả rành rẽ thật khó, nhưng chúng tôi nghĩ ấy cũng là lẽ tự nhiên. Và cái lẽ tự nhiên đó - dù đã được báo trước - cũng khiến tôi khựng lại khi đến thăm những gia đình đầu tiên. "Ai giới thiệu anh đến nhà tôi? Anh đã qua Hội phụ nữ Vùng 4 chưa? Đến có việc gì vậy?"... Và các chị vừa mở toang cửa vừa hỏi rất to từ ngoài cổng như thể cố ý cho hàng xóm nghe thấy, biết là nhà có khách. Cả lũ trẻ cũng làm tôi ngạc nhiên, thấy bóng khách lạ, dù đang bận học hay đang chơi với bạn, chúng cũng líu tíu chạy ào về, bám riết lấy mẹ và quan sát khách rất kỹ. Câu chuyện thường bị ngắt quãng vì bọn trẻ luôn tìm cớ để nhiễu: "Mẹ cho con mượn điện thoại gọi cho bố… Con đói quá…". Mà không chỉ có một nhà, nhiều nhà như thế, thấy vậy tôi hỏi đùa một chị: "Có hợp đồng tác chiến trước hay không mà bảo vệ mục tiêu dữ thế?". Đâu có, tự nhiên nó thế - Chị ngượng ngùng trả lời.

Bữa tôi tới, chị Vũ Thị Hồng Nhung (chồng là Lương Xuân Giáp đang công tác tại đảo Trường Sa lớn) đang tất tả đưa mẹ ra đón xe về quê Thái Bình. Ban đầu mẹ chị dự định vào thăm các cháu một tuần, nhưng con trai ở đảo tìm cách "câu" mẹ, nói sắp được nghỉ phép, nên bà cố nán lại chờ gặp, đợi miết hơn hai tháng mà không thấy con, sốt ruột lo cụ ông ở ngoài Bắc, mẹ chị nhất quyết đòi về, lúc chia tay nhau lên xe, mấy bà cháu nước mắt lã chã. Chị Nhung kể, chồng chị ra trường năm 1997, được điều về Quân chủng Hải quân công tác, nhưng anh nhất quyết xung phong đi Trường Sa với suy nghĩ đơn giản là thanh niên phải chọn những nơi đầu sóng ngọn gió để rèn luyện. Thế là vợ chồng dắt díu nhau vào Khánh Hòa, tìm thuê nhà, ở chừng dăm tháng anh được điều ra đảo. Những ngày đầu ở nơi xa lạ, chồng một năm vắng nhà hơn 10 tháng, với chị Nhung khó khăn không thể kể hết. Bụng chửa vượt mặt, là giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng chị phải đi bóc hạt điều thuê, làm sen, làm cá biển… không nề hà nặng nhọc, hễ ai có việc ới một câu là chị xin làm ngay. Chắt bóp được ít vốn, gọi điện ra đảo xin phép chồng đầu tư nuôi cá, gần đến ngày thu hoạch, ông giời không thương giở chứng làm cơn bão lũ, cá mú trôi tuột hết ra biển mang theo bao mồ hôi nước mắt nhọc nhằn của đôi vợ chồng trẻ. Không nản, sau khi sinh con cứng cáp, chị Nhung lại tỉ tê chồng xin vay vốn hàng xóm để nuôi dê. "Đốt" khá tiền điện thoại, mất nhiều đêm giận hờn, động viên… chồng mới đồng ý nhưng vẫn lấn cấn lo vợ một mình vất vả. Đàn dê lớn như thổi, cứ tối đến đợi con ngủ say chị lại báo cáo "tình hình trang trại" cho chồng phấn khởi. Cứ theo kiểu tính dê trong chuồng của chị, tết năm ấy bán hết là đủ tiền trả nợ vụ cá, còn dôi một ít làm vốn dắt lưng, tất nhiên là sẽ giữ một con to nhất, đợi tốp lính đảo về phép để liên hoan.

Đã có khách xin đặt cọc mua dê, những tưởng thời gian khó sắp qua, nào ngờ một đêm mưa gió, biết rõ là gia chủ thuần phụ nữ, lũ trộm tham lam đã lùa sạch đàn dê, để sáng sau nhìn chuồng trống trơn, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, đúng lúc tưởng chừng không thể trụ vững, chị được phòng giáo dục huyện tuyển dạy hợp đồng. Tạm gác giấc mơ kinh doanh, chị dồn sức cho chuyên môn, chịu khó nhận thêm giờ đứng lớp mỗi tháng cũng được 4-5 triệu đồng. Rồi anh chị được cấp đất làm nhà, chắt bóp, vay mượn họ hàng, nay họ đã có cơ ngơi khá bề thế. Chị Nhung nói, ước mơ lớn nhất là được ra sống, lập nghiệp ngoài đảo, chị đã làm đơn nhưng huyện đảo Trường Sa chưa duyệt vì hiện nay chỉ nhận dân, không nhận vợ chồng đang là quân nhân. Chị cho tôi xem những bức ảnh anh vừa gửi về tối qua, hai cô con gái yêu được bố đặt nick name Chuột nhắt ngậm cơm 1 và 2, vừa online đòi bố gửi ảnh ngoài đảo về…

Không may mắn như chị Nhung, đến nay chị Nguyễn Thị Hằng (chồng là Phan Thanh Hải đóng quân ở đảo Thuyền Chài) vẫn sống cảnh "du canh du cư" làm đủ nghề, thuê đủ các loại nhà. Cưới nhau hơn chục năm, cặp "ngưu lang - chức nữ" này - theo như chị Hằng bấm đốt ngón tay đếm - được gần nhau chưa đủ nửa năm. Trung bình một năm anh về phép một tháng, mất mấy ngày đầu liên hoan với bạn bè, họ hàng, dù cuộc nhậu nào chị cũng nháy mắt cầm chừng, nhưng bao ngày xa cách, có cơ man lý do để nâng ly và kết quả chẳng cuộc nào mà anh không vui đến… mềm người. Sau đó, lại mất gần chục ngày tất tả đi chuyển thư, quà đồng đội ngoài đảo nhờ gửi cho gia đình. Nhiều đêm thắp đèn đợi chồng, ra đỡ xe thấy mặt anh mệt mỏi, chị cố tươi cười để động viên, gắng nuốt nước mắt vào trong lòng cố ngăn buồn tủi, xót xa khỏi chực trào ra.

Với cái cảnh "chuồn chuồn đáp nước" như thế, theo chị Hằng, thời gian vợ chồng tâm sự, chia sẻ còn hiếm, nói gì bàn việc làm kinh tế vun đắp cuộc sống gia đình. Cũng may mà trời cho sức khỏe, một mình chị lăn lộn tìm thuê nhà chăn nuôi gà, mở cửa hàng tạp hóa. Nhưng ức nỗi, hễ ở ấm chỗ, chăn nuôi, buôn bán đã thành đàn đống, bắt đầu quen khách, chủ cho thuê lại đòi nhà để họ làm tiếp. Ba lần chuyển nhà. Ba lần chị phải mượn xe bò, mẹ con đùm dúm dắt nhau lọc cọc chở đồ lần tìm thuê chỗ ở mới. Gặp được nhà nào vững chắc, ở ngay thì đỡ khổ, phải nhà xập xệ, chị lại hì hụi sửa lại sân mái, rào dậu...

- Sao chị không nhờ hàng xóm, những nhà có đàn ông ấy? Cũng muốn nhờ, nhưng ngại lắm, mình là gái vắng chồng mà - chị Hằng nói giọng buồn buồn. Sửa mái nhà khi mưa dột, đóng lại cửa, sửa máy bơm… tập làm miết dần rồi quen. Chị Hằng đã mua một bộ đồ nghề để tự mày mò sửa chữa những vật dụng trong nhà. Chị chỉ cho tôi xem góc học tập của các con: - Anh thấy tôi lắp hệ thống đèn học, quạt đẹp không? Tự chế đấy, ban đầu nối xong, cắm điện, chập khét mù, hàng xóm tưởng cháy tá hỏa chạy sang. Sau lắp lại, nối có chỗ bị hở, điện giật tóe đom đóm mắt. Chị còn cho tôi xem tấm ảnh mới chụp cậu con trai học lớp 5 để gửi ra đảo cho bố tuần trước. - Anh có biết tất cả các ảnh cháu đều có vết trắng ở trên đầu là vì sao không? Không phải lỗi rửa ảnh đâu, là do tôi tự cắt tóc cho cháu, bị lẹm đấy. Chồng tôi có phàn nàn, ngày xưa em sôi nổi, sao giờ trầm tính thế, khi ấy tôi chỉ biết gục đầu vào vai anh mà khóc nức nở, khóc cho vơi bớt tủi hờn.

Lúc chia tay, chị Hằng khoe với tôi là vừa được xem bản quy hoạch của Bộ Tư lệnh Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng khu đô thị (thuộc Quân chủng Hải quân) tại bán đảo Cam Ranh. Khu đô thị này dành cho cán bộ, sĩ quan và gia đình đang công tác tại Vùng 4 Hải quân, thực hiện chính sách hậu phương quân đội đối với những người đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, giúp bộ đội và gia đình yên tâm công tác. Dự án có quy mô hơn 340ha, được triển khai đến năm 2020, với tổng vốn trên 14.000 tỷ đồng, với cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, giải quyết chỗ ở cho trên 38.500 người. Giai đoạn 1 được triển khai từ nay đến năm 2014, trên diện tích hơn 33ha, gồm 8 khu chung cư cao tầng với 870 căn hộ. Chị Hằng tin chẳng mấy nữa mình sẽ được ở trong căn nhà mới, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn.

Nhiều chị ở khu gia binh có nói với tôi: Khổ chúng tôi chịu được, nhưng buồn nỗi, bây giờ có nhiều người cho rằng đi đảo là sướng, thậm chí phải "chạy" để ra đảo làm giàu. Sao mà có thể nghĩ thế được cơ chứ. Có tiền bạc nào đánh đổi được những nỗi khổ của chồng xa vợ, cha xa con? Nhiều cán bộ, chiến sỹ khi về phép thấy vợ con vất vả, tính chuyện xin chuyển công tác, nhưng các chị đều động viên chồng yên tâm công tác, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Vậy các anh ngoài đảo có biết các chị trong này hàng ngày phải vượt qua bao cực nhọc, vất vả đến thế không? Biết chứ, người nào bận thì ngày một cuộc điện thoại, người nhiều cả chục cuộc gọi, khi chồng hỏi tình hình gia đình thế nào, hầu như đều có câu trả lời chung: Mọi việc ở nhà vẫn ổn, em và các con đều khỏe, con ngoan và học giỏi… Có vất vả lắm không à? Bình thường thôi, toàn việc lặt vặt gia đình mà, anh cứ an tâm công tác. "Lập trình" mãi thành quen, thế nên nhiều anh ngoài đảo gọi về cho vợ đã chủ động "tấn công": Nhà ổn, con khỏe, không mệt, chỉ nhớ… thôi chứ gì? Rồi cả hai cùng phá lên cười. Tôi đồ rằng tiếng cười này chính là chỗ dựa, là điểm tựa giúp "vọng phu" và các chiến sỹ nơi đảo xa xóa đi nỗi niềm của những tháng ngày vời vợi xa cách, xua đi bao âu lo, toan tính, giúp họ thêm nghị lực đứng vững trước bão tố cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét