Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Trung Quốc mục tiêu vượt qua “bẫy của nước có thu nhập trung bình”


(Toquoc)-Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc đề mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020.

Theo báo Mainichi (Nhật Bản), những hành vi kích động chống Nhật ở Trung Quốc do vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở phương diện nào đó, là những hành động thể hiện sự bất mãn của người dân Trung Quốc đối với những vấn đề trong nước như chênh lệch giàu nghèo, tham nhũng, v.v… Mặt khác, có thể đánh giá rằng những điều này thể hiện thuyết “bẫy của các nước có thu nhập trung bình” đang được cụ thể hóa ở Trung Quốc. Khó khăn của Trung Quốc chính là nằm ở cái bẫy này và điều đó đã khiến những cơn giận dữ của người dân bị thổi bùng thành những hành vi bạo lực dưới bất kỳ lý do nào.

Trong những năm 1960, tổng số nước có thu nhập trung bình là 101. Năm 2010, trên thế giới có 58 quốc gia và lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp.

Khái niệm “bẫy của nước có thu nhập trung bình” được Ngân hàng Thế giới (WB) lần đầu đưa ra trong báo cáo năm 2007 về “thời kỳ phục hưng của Đông Á”. Đó là một câu chuyện về những gian nan trong việc cất cánh của những nước kém phát triển thành những nước thu nhập trung bình, song từ nước thu nhập trung bình trở thành nước thu nhập cao lại rất khó khăn.

Người ta phân biệt cái “bẫy” thu nhập trung bình thành hai loại: Bẫy lương thấp, tức là những nước nghèo chỉ có làm gia công, lắp ráp, nên lương thấp. Còn công việc nghiên cứu khoa học, phát triển, triển khai, thiết kế thì không làm được. Việc phân phối, tiếp thị cũng không làm được. Để làm được các khâu đó đòi hỏi phải có trình độ cao.
Ngay thu nhập trung bình, người ta cũng chia ra làm ba nhóm: Thu nhập trung bình thấp (1.000- 4.000 USD/người/năm). Trung bình trung bình (4.000- 8.000 USD/người/năm) và trung bình cao (tức 8.000-9.600- 9.800 USD/người/năm). Còn trên 10.000 USD/người/năm là nước có thu nhập cao và gia nhập nhóm OECD (các nền kinh tế phát triển).

Tính đến năm 2008, đã có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ vươn lên thành quốc gia/vùng lãnh thổ có thu nhập cao như Hy Lạp, Hong Kong, Ai len, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Những nước thu nhập trung bình không vượt lên thành nước thu nhập cao là Argentina, Iran, Malaysia, Brazil, Thái Lan, Philippines, Peru…

Thách thức đối với Trung Quốc để thành nước thu nhập cao

Về phía Trung Quốc, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người năm 2011 của Trung Quốc là 5.445 USD. Đây là mức bình quân cao hơn cả Thái Lan. Mặc dù đã có sự vươn lên mạnh mẽ này, song để quốc gia có dân số lớn nhất thế giới vươn lên thành nước có thu nhập cao, tức là từ 10.000 - 12.000 USD, lại vô cùng khó khăn.


Biều đồ tỷ lệ việc làm và thu nhập của Trung Quốc theo các năm

Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc đã nhất trí với mục tiêu mới về tăng thu nhập, với việc Trung Quốc sẽ nâng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân theo đầu người lên gấp đôi vào năm 2020 so với mức thu nhập của năm 2010 để đưa Trung Quốc vào ngưỡng một xã hội tương đối thịnh vượng. GDP của Trung Quốc năm 2010 là 6.387,6 tỷ USD.

Thu nhập bình quân của người Trung Quốc vẫn kém ít nhiều so với người dân Giamaica. Con đường phía trước còn dài, nhất là trong việc tăng thu nhập và chia đều của cải hơn cho người dân.

Một trong mục tiêu cải cách mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhưng vào các trung tâm mua sắm khổng lồ ở Trung Quốc, người ta thấy có khá nhiều cửa hàng trống hoác, phủ đầy bụi. Khoản tiêu dùng từ chính người dân Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 nền kinh tế - bằng một nửa so với các quốc gia phương Tây. Tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn đang tăng khoảng hơn 10%/năm, nhưng vẫn cần tăng nhanh hơn nữa để có thể đóng góp lớn hơn cho tổ hợp kinh tế Trung Quốc. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ khiến Trung Quốc ít bị lệ thuộc vào xuất khẩu hơn và độc lập hơn khỏi các dự án khổng lồ của chính phủ.

Việc Trung Quốc có thể nhảy vọt vào nhóm các nước có thu nhập cao sẽ dựa vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, thời kỳ có thể sử dụng nguồn lao động rẻ ở nước này đã kết thúc, cùng với việc tới năm 2015, dân số Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn “dân số già”, hay còn gọi là “làn sóng bạc”. Đây là thách thức rất lớn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc.

Mặt khác, lực lượng lao động Trung Quốc đang giảm. Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ năm 2000-2015, Trung Quốc có lực lượng lao động 103 triệu người. Từ 2015-2030, sẽ mất đi 69 triệu lao động, đó là mặt trái của chính sách một con. Nền kinh tế Trung Quốc hiện tại phức tạp hơn chứ không thể ngồi chỉ đạo từ bàn giấy như trước.

Một trong các thay đổi quan trọng trong 10 năm tới sẽ là thành thị hóa khoảng 400 triệu nông dân. Điều này sẽ thử thách hạ tầng cơ sở, hệ thống kinh tế và hệ thống các giá trị truyền thống của nước này. Thế hệ tương lai của Trung Quốc sẽ khá đặc biệt: Phần lớn là từ gia đình một con và là thế hệ đầu tiên trong hàng trăm năm qua không biết tới bạo loạn.

Triển vọng Việt Nam: sẽ tiếp tục thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp
Quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2010 đạt 1.061 USD tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 USD tính theo sức mua tương đương (PPP).

Mảnh đời sống tạm bợ của người dân tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam

Theo đó, tính theo tỷ giá hối đoái, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 USD năm 1991 lên 1.061 USD năm 2010. Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 USD lên 3.915 USD trong khoảng thời gian trên. Tính theo sức mua tương đương, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 USD năm 1991 và lên tới 2.948 USD năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 USD lên 6.786 USD.

Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường, nếu không vượt qua được, sẽ mãi mãi trở thành một nước “làng nhàng” quanh quẩn ở ngưỡng 1.000-2.000 USD/người/năm./.

Linh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét