Mỹ bắt đầu thực thi chiến lược hướng tới châu Á
(VOV) - Trước tiên, Mỹ sẽ bố trí một trạm radar và kính viễn vọng không gian hiện đại trên lãnh thổ Australia.
Ngày 14/11 tại thành phố Perth, miền Tây Australia diễn ra hội nghị hàng năm cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Australia. Hội nghị năm nay được xem là dịp quan trọng không những để hai nước định vị lại các mối quan hệ song phương, mà còn là tín hiệu cho thấy chính, quyền Tổng thống Obama bắt đầu thực thi việc đưa châu Á - Thái Bình Dương vào trọng tâm chiến lược của mình.
Tại Hội nghị, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, mà biểu hiện cụ thể thất là việc quân đội Mỹ sẽ bố trí một trạm radar và kính viễn vọng không gian hiện đại trên lãnh thổ Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trong hợp tác không gian song phương và trong tái cân bằng chính sách của Mỹ hướng tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Đến năm 2020, tại vùng biển Thái Bình Dương sẽ tập trung gần 60% tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ (Ảnh: reddogreport.com) |
Bộ trưởng Panetta khẳng định: “Một lần nữa tôi xin nhắc lại rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi là tái cân bằng chính sách hướng tới châu Á- Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ rất khó đạt được mục tiêu này nếu không có đồng minh như Australia”.
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là lần đầu tiên không quân Mỹ triển khai một trạm radar như thế này tại khu vực Nam bán cầu, giúp Mỹ theo dõi sát hơn bụi không gian và các vụ phóng tên lửa tại đây. Trong khuôn khổ các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Australia, các cuộc thảo luận cũng được khởi động nhằm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các sân bay quân sự và căn cứ hải quân tại khu vực miền Bắc nước này.
Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ- Australia năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm khi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6/11 vừa qua. Bên cạnh chuyến thăm của 2 quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ này, ngày 17/11 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có chuyến công du đầu tiên kể từ khi tái đắc cử tới một loạt nước châu Á.
Theo các nhà phân tích, việc các chuyến thăm “con thoi” diễn ra cùng thời điểm là một tín hiệu có sức ảnh hưởng lớn của Mỹ ở châu Á, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang muốn tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và quân sự tại khu vực, mà nước này cho là một động lực của tăng trưởng thế giới, sau một thập kỷ xung đột tại Iraq và Afghanistan.
Cách đây một năm, phát biểu trước Quốc hội Australia, Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố: “Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc tái điều chỉnh vì tương lai của khu vực này”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét