Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Lào duyệt dự án xây đập Xayaburi


Dự kiến đập Xayaburi sẽ hoàn thành năm 2019

Lào vừa phê duyệt xây dựng con đập lớn trên vùng hạ nguồn sông Mekong bất chấp phản đối từ các nước láng giềng và các nhà bảo vệ môi trường. Buổi lễ chính thức đánh dấu khởi công xây dựng đập tại Xayaburi sẽ được tổ chức vào thứ Tư, chính phủ Lào cho biết.

Lào bắt đầu xây đập Xayaburi? / Lào vẫn xây đập Xayaburi? / Lào bị chỉ trích về sông Mekong

Các nước ở vùng hạ nguồn con đập sẽ phải tốn $3,5 tỉ để xây dựng lo sợ con đập sẽ ảnh hưởng tới nguồn cá và đời sống của hàng triệu người dân.

Tuyên bố được đưa ra khi lãnh đạo từ châu Á và châu Âu bắt đầu hai ngày họp thượng đỉnh tại thủ đô Vientiane của Lào.

Lào, một đất nước không có biển, là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á và chiến lược phát triển dựa vào việc sản xuất điện từ các dòng sông và bán điện cho các nước láng giềng, theo phóng viên BBC Jonah Fisher tại Bangkok.
Xayaburi sẽ được một công ty của Thái Lan xây dựng bằng tiền của Thái Lan - và gần như toàn bộ lượng điện sẽ được bán lại cho quốc gia này, phóng viên BBC nói.

Các nước như Campuchia và Việt Nam đã chỉ ra trong bản phúc trình hồi năm ngoái, rằng dự án này nên được tạm hoãn để chờ có thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng của con đập tới môi trường.

Cho tới nay, Lào hứa không thực hiện dự án này trong khi vẫn đang còn các mối quan ngại.

Hiện đã có bốn con đập tại các khúc sông hẹp trên dòng Mekong ở Trung Quốc, nhưng tới nay chưa có con đập nào trên các nhánh sông ở vùng hạ lưu có dòng chảy chậm, phóng viên BBC cho biết.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lào, Viraphonh Virawong, nói việc xây dựng đập Xayaburi sẽ bắt đầu vào tuần này, và hy vọng nó sẽ là con đập đầu tiên trong số nhiều con đập như thế.

"Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ không gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sông Mekong," ông Viraphonh nói với BBC.

"Nhưng bất cứ dự án phát triển nào cũng tạo ra thay đổi. Chúng tôi sẽ cân bằng giữa lợi ích và cái giá phải trả."

Ông Viraphonh nói ông tin là những quan ngại về việc cá di cư và dòng chảy phù sa đã được giải quyết nhờ những sửa đổi so với bản thiết kế đập lúc ban đầu, khiến tốn kém thêm tới hơn $100 triệu.

Phù sa sẽ được cho thoát đi từ lòng đập theo chu kỳ qua hệ thống tấm chắn đóng mở và thiết kế bậc thang sẽ giúp cá di chuyển ngược dòng.

"Chúng tôi cảm nhận được là Việt Nam và Campuchia nay hiểu rằng chúng tôi đã giải quyết những quan ngại này."

"Chúng tôi giải quyết đúng đắn những quan ngại đó với sự cởi mở và gửi kỹ sư của chúng tôi sang để họ sử dụng. Chúng tôi tin rằng mình đang xây dựng một con đập rất tốt," ông Viraphonh nói.



"Lào vẫn nói rằng họ đã giải quyết các quan ngại của các nước láng giềng nhưng điều đó là không đúng. "


Kirk Herbertson, Tổ chức Các dòng sông quốc tế



Chưa có phản ứng từ phía Campuchia và Việt Nam, Thủ tướng của hai quốc gia này đang dự Hội nghị thượng đỉnh Á Âu tại Lào.

Theo các điều khoản thỏa thuận lâu dài về sông Mekong, các quốc gia phải có tham vấn trước khi tiến hành bất kỳ sự phát triển hay thay đổi nào trên dòng sông.

Quan ngại

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra thông cáo bày tỏ quan ngại, bất chấp việc công nhận "vai trò quan trọng" của đập trong sự phát triển kinh tế.

"Vẫn chưa biết được mức độ ảnh hưởng của đập Xayaburi đối với hệ sinh thái vốn là nguồn cung cấp thực phẩm và là nguồn sống của hàng triệu người," theo bản thông cáo.

Tổ chức vận động bảo vệ môi trường mang tên Các dòng sông quốc tế nói, hứa hẹn của Lào về việc hợp tác với các nước láng giềng chưa bao giờ là thực lòng.

"Dự án vẫn luôn được thực hiện theo đúng tiến độ và thực sự chưa từng bị đình hoãn," Kirk Herbertson, người điều phối chính sách Đông Nam Á của tổ chức này, nói với BBC.

"Việc xây dựng tại dự án này nay sẽ được tiếp tục vì mùa mưa vừa kết thúc, chứ không phải vì các nghiên cứu môi trường được hoàn tất."

Ông nói các chuyên gia đều đồng ý rằng họ nghi ngờ hiệu quả của các tuyến đường cho cá di cư trên dòng Mekong và "về vấn đề phù sa, Lào cũng vội vã đưa ra kết luận".

"Lào đang đặt cược trên dòng sông Mekong và cố tìm cách trình bày các nghiên cứu của mình sao cho mang tính khoa học."


Các đập gần đập Xayaburi trên sông Mekong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét