Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Chất vấn: tạm hài lòng với…những câu hỏi !


Mạnh Quân
Các phiên chất vấn thành viên Chính phủ trong hơn 2 ngày 12, 13 và 14.11 đã kết thúc, để lại trong lòng đông đảo người dân, cử tri theo dõi qua truyền hình, qua các kênh truyền thông, báo chí nhiều cảm xúc. Dù thích hay không, qua những câu chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, có những thông tin, sự thật mà đại biểu Quốc hội, đông đảo người dân được biết đến để hiểu hơn về những vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc, cần có những lời giải đáp của những người đứng đầu những bộ, ngành quản lý đã được cử tri, đại biểu Quốc hội bầu chọn.

Có thể nói, trong kỳ họp lần này, các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội khá sắc bén, đi đúng vào những vấn đề bức xúc nhất mà cử tri đã đặt ra. Với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đó là các câu hỏi về công trình Thủy điện Sông Tranh II, về việc xử lý các khoản tiền sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà…Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đó là các câu hỏi về vấn đề quản lý vàng và xử lý nợ xấu. Hay với chính Thủ tướng Chính phủ-người trả lời chất vấn cuối cùng, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng không ngại ngần đề cập những diễn biến tại hội nghị trung ương 6 vừa qua và lời xin lỗi của Thủ tướng trong phiên khai mạc Quốc hội để đặt câu hỏi: "Thủ tướng nghĩ gì khi mình nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân ?". Thậm chí, đại biểu Dương Trung Quốc còn đặt vấn đề hướng tới văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ để đoạn tuyệt với những lời xin lỗi.
Nếu theo dõi phản ứng, thái độ của nhiều người dân khi xem phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, dư luận trên cộng đồng mạng…có thể thấy, đại đa số người xem hài lòng khi nghe các câu chất vấn. Vì phần lớn những câu hỏi đặt ra là trúng vấn đề, trúng vào những điều người dân quan tâm nhất.

Nhưng còn những câu trả lời ? Tất nhiên, cũng có nhiều câu trả lời của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng có nhiều thông tin, giải đáp được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, của cử tri. Ví dụ như phần trả lời của Thống đốc với câu hỏi chất vấn của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Ninh Thuận): “Dư luận đồn đoán rằng trong hệ thống ngân hàng có lợi ích nhóm ?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã thừa nhận: “Chúng ta cũng khẳng định rằng có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định, cả một ngân hàng mà phụ thuộc một vài ông quyết định hết hoạt động của ngân hàng để phục vụ lợi ích của mình”. Hay với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi trả lời chất vấn về vấn đề đấu thầu giá thuốc, Bộ trưởng đã thừa nhận quy định đấu thầu giá thuốc năm 2007 là “có kẽ hở, không phân biệt nguồn gốc thuốc...” nhưng các giải pháp xử lý, khắc phục vừa qua cũng “chưa phải căn cơ tận gốc”…Phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với câu hỏi chất vấn của Đại biểu Dương Trung Quốc về “giải pháp gì để khắc phục hạn chế, yếu kém của Chính phủ mà Thủ tướng đã nhận lỗi ?”, cũng đã được trả lời khá rõ, khi Thủ tướng nói: “Tôi cũng đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả yếu kém, tất cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành trên các lĩnh vực, trong đó có yếu kém, khuyết điểm trong giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tập đoàn, các tổng công ty nhà nước” và kèm theo một lời có tính cam kết: “Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu khắc phục hạn chế yếu kém, để hoàn thành chức năng nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, nhân dân đã giao phó”.

Nhưng cơ bản, nhìn vào nội dung trả lời của một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, có thể thấy, để thỏa mãn, đáp ứng yêu cầu của Đại biểu Quốc hội, của cử tri là còn có khoảng cách. Thậm chí, có thể nói, nhiều câu trả lời còn vòng vo, chưa hết trách nhiệm, khiến người dân lo lắng, càng lo lắng thêm. Ví dụ như phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng với các chất vấn về sự an toàn của Thủy điện Sông Tranh 2, cho dù ông dẫn ra những dẫn chứng về số liệu của các cơ quan nghiên cứu chứng minh về sự an toàn của đập thủy điện này, để nói rằng: “Hoàn toàn an toàn, bà con yên tâm ở đó, không phải đi”, thì chính đại biểu nêu câu hỏi chất vấn cũng lo lắng: “Bộ trưởng có nghe thấy gì không ? khi bộ trưởng nói yên tâm thì Quốc hội có bình luận và ồ lên. Chính trong câu trả lời của bộ trưởng đã không yên tâm rồi”. Bởi lẽ, khi trả lời, câu sau bất nhất, mâu thuẫn với câu trước, và chính các nhà khoa học còn có nhiều ý kiến khác nhau. Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải đưa ra nhận xét: “Tôi cũng chưa thấy yên tâm”. Vậy làm sao cử tri, những người sống trong khu vực ảnh hưởng của Thủy điện Sông Tranh yên tâm ?

Hay ở phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về vấn đề bình ổn thị trường vàng, đáp lại câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Thống đốc lại nói rằng “không có lý do để bình ổn” thị trường này-lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước được giao quản lý. Câu trả lời của Thống đốc khiến không chỉ Đại biểu Quốc hội mà cử tri thấy hụt hẫng khi những bất ổn trên thị trường có tầm ảnh hưởng to lớn đến kinh tế vĩ mô, đến đời sống, thu nhập của người dân…lại không cần phải bình ổn thì quả thật là điều khó hiểu và không thuyết phục.

Có thể nói, đây là một trong số ít kỳ họp trong các khóa Quốc hội gần đây có số lượng thành viên Chính phủ trả lời ít. Và trong khi chất lượng, cách thức đặt câu hỏi chất vấn từ phía các đại biểu Quốc hội khá chọn lọc, sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề thì nhìn chung, ở một số người trả lời chất vấn, tuy có đáp ứng một phần về yêu cầu đặt ra từ các câu hỏi nhưng nhìn chung, cũng chưa cải thiện nhiều so với chất lượng, cách thức trả lời chất vấn của nhiều thành viên Chính phủ các kỳ họp, các khóa Quốc hội trước đây. Đó là tình trạng trả lời vẫn né tránh, dài dòng và thậm chí, có thể nói, có bộ trưởng chưa có được sự chuẩn bị kỹ càng để trả lời đầy đủ cho Đại biểu Quốc hội, cho cử tri. Biểu hiện là các câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề tiền lương của lãnh đạo Petrolimex, ông đã phải khất đại biểu Quốc hội trả lời bằng văn bản. Hay với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khi trả lời đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về một số vấn đề ở Tập đoàn Sông Đà, ông thực sự đã gây nên làn sóng chỉ trích, giễu cợt của dư luận khi nói rằng: “Câu trả lời đã có những để quên ở nhà”. Tất nhiên, những câu trả lời như thế này không thể chấp nhận được và thực sự đây là một bài học không chỉ cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng mà với nhiều thành viên Chính phủ khác. Bởi nó sẽ được coi như một thái độ thiếu trách nhiệm thậm chí là coi thường với Đại biểu Quốc hội và cử tri.

Do đó, có thể nói, qua kỳ chất vấn này, có nhiều thông tin hay, không khí chất vấn sôi nổi, cuốn hút, tập trung được vào những vấn đề nóng bỏng nhất mà Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, đặt ra nhưng cũng có nhiều điều phải rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị trả lời chất vấn từ phía các thành viên Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét